“Người cũ” nhớ tiếng hát “Người xưa” (Văn Quang)

 

MỜI ĐỌC MỘT BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN VĂN QUANG VỀ BÁC SĨ HÀ XUÂN DU VÀ CA SĨ PHƯƠNG TÂM
(trích đăng trong Thế Giới Nghệ Sĩ năm 2016)

“NGƯỜI CŨ” NHỚ TIẾNG HÁT “NGƯỜI XƯA”

Một anh thương binh có tuổi đến bên tôi, hỏi nhỏ:
– Có phải bà Hà Xuân Du là ca sĩ Phương Tâm của Sài Gòn trước những năm 75 không?
Thì ra tin tức đi nhanh hơn tôi tưởng. Anh thương binh này là một sĩ quan trước đây, nay cũng đã lớn tuổi. Anh kể:
– Hồi đó, em còn trẻ lắm, mới ra trường sĩ quan. Lâu lâu được về thành phố đi nghe nhạc. Chị Phương Tâm mũm mĩm như cái hạt mít. Nhưng chỉ ít lâu sau, “bà chị” này biến mất.
Tôi ghé tai anh tiết lộ:
– Nữ ca sĩ này chỉ hát có vài ba năm, khoảng từ 1963 đến 1965-66 gì đó rồi bay ra Đà Nẵng làm lễ thành hôn với cậu bác sĩ trẻ tuổi, đẹp trai. Từ đó “bái bai” sân khấu và… đẻ luôn một lèo 3 người con.
Đoàn Dự xen vào:
– Thế là “Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”!
Anh thương binh tặc lưỡi như thạch sùng:
– Tiếc quá. Em vẫn thích nghe giọng hát của chị Phương Tâm và các ca sĩ ngày xưa. Không phải vì lần này chị ấy về tặng quà mà em nói thế đâu. Em nói thật đấy. Giá có cái CD nào nghe lại được giọng hát của chị ấy thì hay quá.
Cầm lòng không đậu, tôi đành thú nhận:
– Tôi có một cái CD của “bà” Phương Tâm hát, không những chỉ có ca sĩ hát, mà cả đức lang quân cũng hát. Vừa copy cho Đoàn Dự một cái rồi. Nhưng tôi để ở nhà quê, anh có muốn nghe, tôi về copy tặng.
Anh thương binh ghi vội cho tôi cái địa chỉ vào chiếc bì thư anh vừa nhận được rồi dặn dò:
– Anh nhớ gửi cho em đấy. Là “dân cũ” được nghe “người xưa” hát thì thú biết mấy. Nói thật với anh, thỉnh thoảng em ra tiệm cà phê nghe ké, thấy mấy ca sĩ bây giờ hát hò nhảy múa loạn xạ, em không hiểu họ hát cái gì nữa. Một lần em nghe đâu trên ti vi, thấy giới thiệu bài “Chiều Tím” của nhạc sĩ Đan Thọ, thơ Đinh Hùng nhưng lại giới thiệu tên thi sĩ là Nguyễn Văn Hùng hay Nguyễn Đoan Hùng gì đó. Tức như bò đá. Thơ phổ nhạc thì nhiều, có thể lầm tên một thi sĩ không nổi danh, chứ với một thi sĩ như ông Đinh Hùng mà lầm được thì em không hiểu kiến thức âm nhạc của họ ra sao nữa.
Tôi cũng chỉ biết cười trừ, chẳng biết phải giải thích thế nào. Đoàn dự đã lại ghé tai tôi thì thầm:
– Sao anh “gian” thế?
– Gian cái gì?
– Anh có tới 2 cái CD của cặp Tâm – Du, nhưng chỉ khai có một.
– Thế thì để tôi bảo anh thương binh kia nhờ cậu copy luôn 2 cái được không?
– Anh lại đá bóng rồi.
Thế là cái tin bà Du là ca sĩ được loan báo rộng rãi trong anh em. Rất nhiều người cứ nhìn lén “bà ca sĩ”, nhưng bà hoàn toàn “vô tư” phát quà cho anh em.
Trong một cuộc gặp mặt không hẳn chỉ có nỗi buồn mà còn có cả niềm vui. Niềm vui của những người xưa gặp lại, một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa. Ông tu bíp thì hơi “méo mó nghề nghiệp” nên gặp anh em nào có bệnh là ông chỉ cách chữa, cách giữ gìn, ghi tên thuốc, hứa hẹn gửi loại thuốc nào ông có thể kiếm được. Ông để cái ống nghe ở Mỹ, nếu mang về theo, chắc ông đè ra nghe tim, bắt mạch cho từng “con bệnh” của ông rồi!

Văn Quang
(trích Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự – Số 200)

 

 

Bình luận về bài viết này