VỀ TẬN BẾN TRE, THẮP NÉN NHANG TƯỞNG NHỚ HÙNG CƯỜNG, MỘT ÁNH SAO RƠI – Trần Quốc Bảo

 

Từ trái sang phải: Anh Tuấn (chồng Phương Hồng Ngọc), chị Lan, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Má Bê, Trần Quốc Bảo, Tú Trinh, Kim Anh (vợ trước nghệ sĩ T.Đ), Trang Thanh Lan chụp tại mộ nghệ sĩ Hùng Cường trưa thứ năm ngày 8 tháng 5 năm 2014 tại tỉnh Bến Tre.

Tưởng nhớ Nghệ Sĩ Hùng Cường!

 

 

Sau nhiều năm xa nhà, tôi trở về lại Sàigòn kỳ này trong một ngày đầu tháng 5. Chẳng hiểu sao, có điều gì đó làm tôi lại nhớ đến một ngày tháng 5 của 18 năm về trước, lúc 4g35 phút chiều thứ tư ngày 1 tháng 5 năm 1996, nghệ sĩ Hùng Cường, tức thi sĩ Nhất Quốc Tâm, pháp danh Thiện An đã vĩnh viễn ra đi. Hùng Cường trình diễn rất thành công ca khúc 60 Năm Cuộc Đời của Y Vân: “Em ơi có bao lâu, 60 năm cuộc đời..”.. Sau này, cả 2 người đều từ trần ở đúng tuổi 60.

 

 

18 năm đã trôi qua, nhiều người vẫn chưa quên được Hùng Cường. Có thể nói, Anh là một trong số nghệ sĩ hiếm hoi đã đứng ngôi vị hàng đầu ở nhiều lãnh vực nghệ thuật như tân nhạc, cổ nhạc, thoại kịch, phim ảnh.. Đầu thập niên 50, chưa đầy 20 tuổi, Hùng Cường đã đoạt giải khôi nguyên kỳ Tuyển Lựa Ca Sĩ do đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau đó những năm 1956, 1957, 1958.. Hùng Cường tiếp tục thu hút khán thính giả mộ điệu qua những ca khúc Vọng Ngày Xanh (Khánh Băng), Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Em Gắng Chờ (Huỳnh Anh).. và nhất là ca khúc Ông Lái Đò của Hữu Nghĩa, cho đến giờ này, hơn nửa thế kỷ, vẫn chưa có giọng ca nào thay thế được Hùng Cường với nhạc phẩm nói trên.

 

 

 

Thành phố Saigon những năm đầu thập niên 70 là thời hoàng kim rực rỡ nhất của Hùng Cường ở nhiều mặt. Mai Lệ Huyền khi đứng bên cạnh Anh, đã trở thành một búp bê phát nhiệt luôn luôn đốt nóng sân khấu ở mọi thời điểm qua những bài hát Hai Trái Tim Vàng, Hờn Anh Giận Em..

 

 

 

Phía cải lương, dân Saigon say mê trước đó những Thanh Nga, Út Bạch Lan.. nhưng từ khi có Hùng Cường, cả miền Nam lại có thêm một thần tượng rực rỡ khác, đó là Bạch Tuyết, người bạn diễn có một không hai của Hùng Cường qua những vở tuồng xã hội bất tử của Hà Triều Hoa Phượng. Ngoài ra, Hùng Cường còn đóng cặp rất thành công với Phượng Liên trong những vở Đời Là Một Chữ T, Trả Thù Đời, Hàn Mặc Tử.. cặp đôi này cũng đã làm rơi nước mắt nhiều khán giả. Ngày đó, những đêm tại rạp hát Quốc Thanh, với bảng hiệu Dạ Lý Hương, những tên vàng Hùng Cường – Bạch Tuyết – Phượng Liên luôn tạo hiện tượng “hết vé”, đó là một trong những thời hoàng kim thành công nhất của bộ môn cải lương.

 

 

 

 

Ở góc cạnh điện ảnh, Hùng Cường từng xuất hiện qua nhiều cuốn phim như Mãnh Lực Đồng Tiền, Anh Yêu Em, Bão Tình, Nắng Chiều, OK-OK.. và người yêu điện ảnh thời đó không thể nào quên được cuốn phim Chân Trời Tím (cuốn phim mầu 35 ly đầu tiên của Việt Nam) đoạt giải thưởng Điện Ảnh tại Việt Nam và một lần nữa tại Điện Ảnh Á Châu năm 1970-1971 do Kim Vui và Hùng Cường thủ diễn.

 

 

 

Còn về kịch nghệ, nhóm Kịch Nghệ Saigon với Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường đã hợp cùng Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng đã tạo nên một luồng gió mới thu hút rất nhiều khán giả tới xem kịch, từ đó ngành thoại thoại kịch tạo được thêm chỗ đứng và ngày càng phát triển.

        Trong một số bài viết về những kỷ niệm đầu tiên và cuối cùng với một số nghệ sĩ đã mất như Lê Hựu Hà, Sĩ Phú, Anh Tú, Trúc Phương, Trịnh Công Sơn, Duyên Anh, Viết Chung, Vô Thường, Việt Hùng, Phi Thoàn, Khánh Băng, Lê Uyên Phương, Lê Nguyễn, Mỹ Thể, Jeannie Mai.. tôi có nhắc đến hai show nhạc cuối cùng “giã từ sân khấu” của nam nghệ sĩ Hùng Cường vào cuối năm 1995. Show thứ nhất là ngày 2 tháng 11/95 tổ chức ở vũ trường Ritz và show cuối cùng làm ở Louisiana sau đó 7 tuần vào đúng đêm Noel 1995. Dù hơi tàn lực kiệt (lúc đó cơn bệnh cũng rất trầm trọng) nhưng Hùng Cường vẫn đứng hát trước khán giả, thân hữu bằng tất cả sức lực mình như cái thời anh còn làm mưa làm gió ở các sân khấu Saigon trước 75.

 

 

Trần Quốc Bảo giới thiệu Hùng Cường ra sân khấu nói lời cảm tạ đến khán giả trong đêm Ông giã từ sân khấu đầu tháng 11 năm 1995 tại vũ trường Ritz.

 

 

Noel 1995, đêm diễn chính thức giã từ sân khấu của Hùng Cường ở tiểu bang Louisiana. Đêm này, một số nghệ sĩ quý thương Ông đã nhận lời Quang Bình – Trang Thanh Lan góp mặt show này như Carol Kim, Hoa Hậu Hạnh Phước, Tuấn Đạt, Như Mai, Quốc Sĩ, ban nhạc The Magic, MC Trần Quốc Bảo..

 

 

Quang Bình & Trang Thanh Lan lên sân khấu trao tặng những món quà thương yêu lưu niệm đến Bố Hùng Cường

 

 

Mai Lệ Huyền dù bận cũng đến với người bạn, người anh yêu quý trong đêm giã từ sân khấu

 

 

Khán giả tràn ngập trước cửa vũ trường Ritx đêm Hùng Cường giã từ sân khấu đầu tháng 11 năm 1995

 

 

Tài tử Kim Vui dù không khỏe như cũng đã đến chung vui trong ngày đặc biệt của người bạn diễn trong Chân Trời Tím thuở nào

 

 

Tháng 5 giờ này Saigon đã bắt đầu chìm đắm nghiêng ngã trong những cơn mưa. Giữa những giòng lệ đắng từ trời đó, tự nhiên tôi tưởng tượng đó là những giọt nước mắt của một vì sao đã tắt đang ngậm ngùi nhớ đến một thời nghệ thuật huy hoàng mà vì sao đó đã cung hiến cho đời.

     Sáng thứ năm ngày 8 tháng 5 năm 2014, chúng tôi có hẹn cùng ghé xuống tỉnh Bến Tre, trước là viếng mộ nghệ sĩ Hùng Cường, sau ghé qua nhà ở của vợ chồng ca sĩ Phương Hồng Ngọc cũng cách đó không xa. Trên chiếc xe bus 16 chỗ, có người viết và các nghệ sĩ Tú Trinh, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Michael, Kim Anh (vợ trước nghệ sĩ T.Đ), chị Lan, Anh Sơn, Phương Hồng Ngọc và chồng Anh Tuấn, Quang Bình, và đặc biệt có Má Bê, người vợ đầu tiên của nghệ sĩ Hùng Cường. Tôi nói với Bà, tôi rất mong có được một buổi phỏng vấn ngắn để hỏi Bà về những câu chuyện cũ liên quan đến mối tình đầu đời của 2 người.. Tôi e Bà sẽ từ chối, nhưng trên môi người phụ nữ hiền hòa 76 tuổi đời này luôn điểm những nụ cười thật nhẹ nhưng lại mênh mông tình cảm. Khi xe tới Bến Tre, dừng trước đất nhà bên quê nội Quang Bình ở ấp Phú Thành, xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trong lúc mọi người vào thắp nhang, chụp hình, viếng mộ.. tôi mời Bà ra một nơi yên lặng để nghe Bà kể về những tháng ngày hạnh phúc nhất của mối tình đầu và Bà đã dành cho tôi những giây phút mở lòng khi nhắc về thời gian cũ..

 

 

Bà Huỳnh Thị Bê, người vợ đầu tiên của nghệ sĩ Hùng Cường, thân mẫu ca sĩ Quang Bình

 

 

Dù xa xôi nhưng cũng phải về thắp nén nhang thương tưởng đến Anh.

 

 

Sàigòn Bến Tre – đường tuy xa nhưng mang theo bao nhiêu tình ý

 

 

Thân phụ Hùng Cường sinh quán ở Bến Tre và là một thủy thủ cơ khí rất giỏi thường xuyên lái tầu từ Nam ra Bắc vào những năm thập niên 20-30. Năm 1935, trong chuyến lái tầu ra Bắc, Ông phải lòng một phụ nữ họ Thạch người dân tộc. Bà là con ông Cả, gia đình đất Hải Phòng rất giàu. Hai người lấy nhau, và ngày 21 tháng 12 năm Bính Tý 1936, Bà hạ sinh người con trai đặt tên Trần Kim Cường, tức nghệ sĩ Hùng Cường sau này. Năm 1937, Ông lái tầu ra Bắc đón vợ con ra mắt bên Nội ở Bến Tre, sau đó về sống ở Sàigòn trong một ngõ hẻm nhỏ địa chỉ 137 khu Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm (là đường Trần Đình Xu hiện giờ) gần rạp hát Quốc Thanh.    

      Năm 1952, cô bé Huỳnh Thị Bê (tên trong giấy tờ là Phạm Thì Huỳnh Liên) sinh quán ở Ninh Thuận (Phan Rang) sau đó vào sống ở Đà Lạt, mỗi năm đôi lần cô bé ghé xuống Sàigòn thăm người chị ruột của mình tên Dưỡng đang sống ở ngõ 137 cùng địa chỉ với Hùng Cường. Lúc đó, cô chỉ mới 14 tuổi không hề biết rằng có một thiếu niên 16 tuổi thường để ý mình mỗi khi cô từ Đà Lạt về Sàigòn thăm chị ruột và Hùng Cường thường đi ngang qua nhà cô. Về sau Bà tâm sự: “Lúc đó tôi biết Ổng có để ý nhưng mình mới có 14 tuổi, đâu nghĩ chuyện yêu đương gì..”, “Mà Hùng Cường lúc đó có đẹp trai không cô?”, “Đẹp gì, đen thui, tối ngày đi học xong là về nhà đá banh ngoài đường, đâu có gì nổi bật hơn ai..”. Không có gì hơn người, vậy mà cuộc tình lớn dậy lúc nào không ai hay biết.

    Năm 1954, cậu bé Trần Kim Cường 18 tuổi tỏ tình lần đầu và dám xin cưới nàng thiếu nữ tên Bê tuổi 16 còn rất ngây thơ. Chàng thường lén gia đình lên Đà Lạt đi tìm nàng cho thỏa nỗi nhớ mong. Trong lúc vượt đèo lội suối lên Đà Lạt tìm kiếm, chàng còn sáng tác nhiều ca khúc viết tặng người trong mộng của mình, chẳng hạn bài Về Thăm Xứ Lạnh:

 

“Anh về thăm xứ lạnh một chiều

Mây buồn khơi kín nỗi niềm yêu

Thời gian xa cách chừ lâu lắm

Anh nhớ ngày đi lệ thấm nhiều

Đà lạt mơ, mơ người em nắng ấm lên rồi

Nhìn đôi môi son thắm em còn tươi

Đà Lạt ơi, sương buồn thấm ướt trên hàng mi

Ai người nhớ đến câu biệt ly

Lòng du khách ngập ngừng ghi

Đà Lạt ơi, ai buồn khơi tiếng sáo xa vời

Kia nhà ai khói ấm lên rồi.

Thấy lòng chơi vơi

(Về Thăm Xứ Lạnh – Hùng Cường)

hoặc ca khúc Trăng Cam Ly

Bên suối trăng thu nay về đây

Vi vút thông reo trên ngàn cây

Sương xuống cô liêu ai hững hờ

Đau đớn ta mong chờ

Ôi suối Cam Ly đây hồn tôi

Xao xuyến tim tôi ai thờ ơ

Thu ấy em đi anh ngóng chờ

Hẹn ngày mai tràn ước mơ

Rồi nay vì sao em đành quên mất chẳng về

Phải chăng là em xây tình duyên mới lỗi thề

Lòng anh buồn đau khi chiều thu xuống gió về

Lệ anh tràn rơi gây niềm thương nhớ đầy vơi

Ngày đi nào anh có cùng em nói nửa lời

Người em mà anh tin rằng yêu mãi suốt đời

Ngờ đâu ngày nay em đành chia cách phương trời

Hiểu chăng lòng anh thu nay chan chứa lệ rơi

Em hỡi thu nay em về đâu

Trăng hỡi cho ta xin vài câu

Mây hỡi mây thu nay úa vàng

Tim ta giày nát tan

(Trăng Cam Ly – Hùng Cường)

 

 

     Xúc động trước sự theo đuổi của Hùng Cường, đồng thời những năm 1955-1956, thời gian này Hùng Cường vừa đoạt ngôi vị đầu trong cuộc thi ca sĩ của đài Pháp Á với nhạc phẩm Ông Lái Đò của Hiếu Nghĩa cho nên tên tuổi đã được nhiều người biết đến. Riêng người đẹp Huỳnh Thị Bê cũng không thua gì. Trong cuộc thi tuyển lựa tài tử đóng phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American) cuối năm 1956, bộ phim đầu tiên chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Graham Greene, đạo diễn người Mỹ Joseph L. Mankiewicz tới miền Nam Việt Nam cần tuyển một thiếu nữ châu Á tóc dài, trong thành phần Ban Giám Khảo có tài tử Lê Quỳnh và vài người Pháp khác, người đẹp Huỳnh Thị Bê đã được chọn vào vai diễn này, hãng phim dự tính mời cô sang Hawaii đóng phim, nhưng vì đám hỏi giữa cô và Hùng Cường vừa tổ chức xong, Hùng Cường không đồng ý cho cô đi một mình sang ngoại quốc, vì thế cô Huỳnh Thị Bê đành từ chối hợp đồng đóng phim trên. Mùa Thu năm 1956, đám cưới Hùng Cường được tổ chức liên tiếp 3 ngày. Ngày thứ nhất, dành cho bà con giòng họ bên nội ở Bến Tre. Ngày thứ nhì, đãi thân hữu của ông bà nội và ngày thứ ba, đãi bạn bè của Hùng Cường. Trong số quan khách hiện diện, có sự tham dự của vợ chồng Ông Bà Hoàng Cao Tăng – Kim Báu, giám đốc đài phát thanh Pháp Á, ca sĩ Tuyết Mai (vợ Duy Khánh), ca sĩ Việt Ấn, ca sĩ Thanh Thoại..     

    Sau khi lấy nhau, vợ chồng Hùng Cường lần lượt có 5 mặt con, theo thứ tự là Quang Bình (ca sĩ) sinh năm 1957, Quang Đại (đạo diễn) sinh năm 1959, Phương Giao (ca sĩ) sinh năm 1961, Phương Huy (ca sĩ sau đó lấy chồng đi Pháp) sinh năm 1963, và sau cùng là Phương Uyên sinh năm 1965 (đã mất tháng 8 năm 1975).     

   Lấy một người chồng tài hoa, đẹp trai, dĩ nhiên Hùng Cường là một thỏi nam châm thu hút rất nhiều cô. Năm 1967, sau nhiều lần bắt gặp, Bà dự tính ra tòa ly dị nhưng vì nghĩ đến tai tiếng ở xã hội, hạnh phúc gia đình, Bà lại cố gắng chịu đựng cho qua ngày. Nhưng khi vượt qua mức giới hạn của lòng bao dung, năm 1972, Bà quyết định ra Tòa và chính thức chia tay với người chồng hào hoa đang là người nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Sàigòn lúc bấy giờ. Bà tâm sự: “Nếu không chia tay lúc này khi ảnh trên đỉnh cao của danh vọng, mai này làm sao có thể ra đi được khi mà hạnh phúc gia đình không còn cứu vãn được ở tương lai”.

 

 

 

Hùng Cường – Kim Vui trong phim Chân Trời Tím

 

 

Hùng Cường – Phượng Liên trong vở Đời Là Một Chữ T trên sân khấu Dạ Lý Hương những năm 1969-1970

 

 

 

(trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành ngày thứ sáu 23 và ngày 30 tháng 5 năm 2014)

 

 

 

Bình luận về bài viết này