Lời Giới Thiệu:
Không những là một danh ca, Khánh Ngọc còn là một nữ tài tử điện ảnh trước những Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh.. Theo như tài liệu của Lê Quang Thanh Tâm ghi nhận: “Từ nhỏ, lúc còn đi học Khánh Ngọc đã rất thích ca nhạc, năm 12 tuổi Khánh Ngọc đã theo học nhạc với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Minh Trang lúc đó cặp nghệ sĩ này giữ phần ca nhạc ở Đài Phát thanh Pháp Á và Quốc Gia. Cuộc đời nghệ thuật của cô bắt đầu từ đó. Ca khúc đầu tiên Khánh Ngọc trình diễn là bài hát Tiếng hát lênh đênh của nhạc sĩ Từ Pháp, hát ở rạp Nam Việt, Sài Gòn. Sài Gòn thời điểm đó trước khi trình chiếu một bộ phim luôn có những chương trình phụ diễn tân nhạc và Khánh Ngọc hát hàng tuần ở các rạp Nam Việt, Nam Quang, Văn Cầm, Đại Nam và đi lưu diễn nhiều nơi khác.
Đến năm 13, 14 tuổi, ca sĩ Khánh Ngọc hát ở các Đài Phát thanh và hát trong các chương trình Đại nhạc hội Sài Gòn các tỉnh, Đà Lạt và ra miền Trung, Sau đó ca sĩ Khánh Ngọc gia nhập ban nhạc Gió Nam trong đó có các ca sĩ như: Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung và Hoài Bắc, rồi ra Bắc thì có Trần Văn Trạch, nhạc sĩ Võ Đức Thu và ban ca nhạc nhảy múa là: Lưu Hồng, Lưu Bình. Ca hát đã giúp Khánh Ngọc có tiếng tăm và cũng chính ca hát se duyên cho Khánh Ngọc gặp, yêu, kết hôn với nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc.
Duyên điện ảnh cũng đến với Khánh Ngọc nhờ tài năng ca sĩ. Vào năm 1955 có đoàn làm phim ngoại quốc Mỹ, Phi đến Sài Gòn để tìm các diễn viên cho bộ phim Ánh sáng miền Nam. Đạo diễn phim này là người Phi Luật Tân cũng chọn nhiều diễn viên, nhưng qua một chương trình nhạc cảnh Được mùa do Ban hợp ca Thăng Long trình diễn tại rạp Việt Long, đạo diễn “chấm” Khánh Ngọc và người nữ ca sĩ khả ái này đã đóng vai cô thôn nữ cũng là vai chính trong phim. Với bộ phim Ánh sáng miền Nam nữ diễn viên Khánh Ngọc đã đoạt giải Oscar của Đại hội Điện ảnh Phi Luật Tân vào năm 1956. Vinh quang trong điện ảnh đến với Khánh Ngọc một cách thật bất ngờ. Phim thứ hai của ca sĩ Khánh Ngọc là Đất lành của Hãng Đông Phương. Phim thứ ba của Khánh Ngọc là Ràng buộc- hãng phim Alpha.
Cùng lúc là minh tinh của ba bộ phim đều thành công, ăn khách, Khánh Ngọc cũng được khán giả mến mộ nhiều hơn, nên lịch hát của cô càng dày đặc. Thời gian này, Khánh Ngọc là một vì sao sáng nhất của vòm trời ca nhạc – điện ảnh miền Nam Việt Nam. Bài này của Khánh Ngọc được cô viết vào tháng 12 năm 1958, lúc ấy cô còn ở trong nước và đã được yêu chuộng qua một một vai chính trong phim Ánh Sáng Miền Nam. Với vai diễn này, Khánh Ngọc cũng được trao một giải điện ảnh của Phi Luật Tân vào năm 1956. Mời bạn đọc Thế Giới Nghệ Sĩ đọc lời tâm sự chia sẻ từ người ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh này về những kỷ niệm đóng phim ban đầu của chị).
NGƯỢC GIÒNG ĐỜI
Nghệ sĩ nói chuyện với bạn đọc
BƯỚC ĐẦU ĐIỆN ẢNH CỦA TÔI
KHÁNH NGỌC(trích trong báo Truyện Phim số 46 phát hành ngày 6 tháng 12 năm 1958 với hình bìa Khánh Ngọc ở ngoài / Tài liệu riêng của Thế Giới Nghệ Sĩ)
Tôi mê thành diễn viên màn bạc từ lâu lắm, chẳng nhớ là từ bao lâu, nhưng có điều chắc chắn là ngay từ hồi bé tí, tôi đã mê những Shirley Temple, Mickey Rooney, Deanna Durbin, v.v… Tôi thường vẫn nói với tụi bạn bè “ôn con” của tôi hồi đó: “Tao mê chúng nó quá, biết bao giờ mình mới được đóng ‘si-nê’ như thế nhỉ?”. Thơi gian trôi qua, cho đến khi khôn lớn, hiểu biết hơn, mỗi lần đi xem một phim hay về là tôi lại thấy ngao ngán không biết bao giờ nước mình mới có thể sản xuất được những cuốn phim tương tự. Tôi cầu mong cho nền điện ảnh nước nhà chóng lớn mạnh. Tôi ước mơ được thấy mình trên khung vải, được trở thành một tài tử màn bạc như những cô đào quốc tế mà tôi hâm mộ. Bạn bè thì vẫn cho tôi là “manger photo” lắm, nhưng ăn ảnh là một chuyện mà diễn xuất lại là một chuyện khác, chẳng biết tôi có đủ tài ra trước ống kính camera không? Nghĩ đến mà phát sợ, nhưng sợ mà vẫn thích.
Thế rồi, giấc mơ điện ảnh đã đến với tôi trong một đêm đẹp trời giữa lúc tôi không ngờ nhất. Đêm đó, cuối năm 1955, sau khi trình diễn ca nhạc tại một rạp chớp bóng ở Saigon, tôi đã được mấy người Mỹ và Phi mời lại nói chuyện. Họ tự giới thiệu là nhân viên của một hãng điện ảnh Phi Luật Tân sang đây thực hiện sản xuất hỗn hợp với Việt Nam và đang đi tìm một vài đào cho cuốn phim “Exodus” tức Ánh Sáng Miền Nam. Họ tỏ ý mời tôi đóng phim, vì qua cảnh trình diễn của tôi trên sân khấu, họ đã nhận thấy ở tôi những điển hình của vai trò mà họ đang tìm kiếm. Đêm đó, thú thật với các bạn, về nhà không sao chợp mắt nổi, cứ nghĩ vớ vẩn, không biết phải diễn xuất như thế nào và phải làm gì khi đứng trước ống kính camera.
Sáng sớm hôm sau, y hẹn, họ tới đón tôi đưa lên một chiếc tầu Mỹ số 404 đậu ở hải cảng Saigon. Trời ơi! Sao mà lắm người đến như thế. Họ dẫn tôi tới một bà người Phi, chuyên viên hóa trang, mà sau này tôi được biết tên là Rémi. Bà ta thoạt trông có vẻ “dữ tướng”, nên tôi thấy hơi ngán, nhưng trái lại bà ta lại rất hiền, lúc nào cũng sẵn sàng chỉ bảo những điều cần thiết cho những chú “lính mới” như tôi. Sau khi được bà hóa trang cho, tôi cầm gương lên soi, thấy mặt mình đỏ ối khác hẳn những lúc hóa trang để hát ở sân khấu. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng chẳng dám hỏi mà chỉ biết ghi lấy một kinh nghiệm đầu tiên trong nghề mà thôi.
Bắt đầu quay phim. Ông phụ đạo diễn vào mời tôi ra đóng chung với những người khác. Chao ôi, sao mà run thế không biết, có lẽ lên đoạn đầu đài cũng không bằng. Nhưng tôi luôn luôn tự nhủ: “Cố! Cố nhé! Dịp may đã đến với mày đấy, Ngọc ơi, đừng để lỡ!”. Thế là tôi cố giữ vẻ tự nhiên đi ra chỗ quay phim. Xưa nay tôi vẫn có tiếng là dạn dĩ trên sân khấu, thế mà trước “ống kính” thì sao mà lúng túng thế, có lẽ vì từng trên từng dưới đầy chặt những người, họ nhìn tôi như một con “quái vật” chăng? Vai trò của tôi lúc đó là đứng cách xa camera 5 thước, rồi đi từ từ lại còn 2 thước thì ngừng lại nước mắt chan hòa nhìn quanh như người mẹ mất con đang đi tìm kiếm. Trời ơi! Xưa nay đóng kịch tôi thường vẫn khóc, nhưng khóc được là vì mình đã sống với nhân vật trên sân khấu suốt từ đầu cho tới lúc phải khóc, chứ đằng này tự nhiên bảo tôi nức nở lên thì nước mắt đâu chẩy ra nhanh như thế được. Đang lúc phân vân lo lắng thì nghe tiếng đạo diễn quát “Action”, tôi chẳng hiểu ông ta nói gì, nhưng thấy ông ta quát to lại tưởng mình bị mắng nên tự nhiên cảm thấy vừa ức, vừa tủi, nước mắt cứ thế chảy dài trên má. Tính tôi vốn không ưa to tiếng mà lỵ!
Xong cảnh đó, ông Gerardo de Léon, đạo diễn cuốn phim đã đến bắt tay tôi khen ngợi: “Trong số 60 người mà tôi đã chọn để thử diễn xuất, cô là người đầu tiên không phụ lòng mong muốn của tôi”. Thế là tôi thoát nạn như trút được hàng tấn đá trên người xuống. Nhưng chưa hết. Suốt ngày hôm đó, tôi lại phải phơi nắng cùng đoàn diễn viên tượng trưng đóng vai những người di cư trên tầu. Các bạn thử tưởng tượng xem, trời nóng từ dưới bốc lên, có cảm tưởng như cháy da xém thịt, đầu óc thì nhức như búa bổ, chân tay thì mệt mỏi rã rời, thế mà tôi vẫn phải cố gắng tranh đấu bản thân để tự thúc đẩy mình hăng hái làm việc. Quả thật ngành nghệ thuật mới mẻ này đòi hỏi diễn viên nhiều sự hy sinh quá, nếu không nói là dễ “tổn thọ” lắm lắm. Tuy nhiên theo tôi biết, người diễn viên màn bạc muốn thành công vẫn phải có những điểm cần thiết như: Kiên nhẫn, chịu đựng, biết phục thiện và sức khỏe. Hôm đó, mãi tối mịt tôi mới về tới nhà. Người thì bẩn như ma lem, chân tay không sao nhấc lên nổi, môi thì khô cứng, cổ họng thì đau và khản đặc. Đó là những kỷ niệm đầu tiên không bao giờ quên trên bước đường phục vụ nghệ thuật thứ bẩy của tôi, một nghệ thuật mà tôi đã say mê, đã chịu đựng để hy vọng được thành tài.
Thôi tôi xin phép các bạn được ngừng bút nơi đây và… mong sẽ còn nhiều dịp chia sẻ nỗi vui buồn trong nghề với các bạn, vì phạm vi bài này, và khuôn khổ tờ báo không cho phép tôi viết dài hơn nữa.
KHÁNH NGỌC (tài liệu riêng của Thế Giới Nghệ Sĩ)