Ông Khai Trí và tờ Thiếu Nhi tại miền Nam trước 1975 (Làng Đậu)

Ông Khai Trí và tờ Thiếu Nhi tại miền Nam trước 1975
Ông Khai Trí và tờ Thiếu Nhi tại miền Nam trước 1975

 

 

 

Tôi đã định viết một bài về tờ Thiếu Nhi, tờ báo giáo dục lớn nhất và thành công nhất tại miền Nam trước năm 1975; nhưng rồi nhiều biến cố xảy ra khiến tôi chưa làm được việc ấy, và sáng nay (11 tháng 3 năm 2005) thì được tin: Ông Nguyễn Hùng Trương, nguyên chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi và là chủ nhân Nhà sách Khai Trí tại miền Nam trước 1975 vừa từ trần tại Sài Gòn.

Xin mượn diễn đàn talawas này như một nơi để tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ thiếu nhi tại miền Nam, trong đó tác giả bài này là một độc giả nhỏ bé theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng.

Nhắc tới Khai Trí, tôi tin rằng ai đã sống tại Sài Gòn thì không thể quên được cái tên này. (Sau 1975, nhà sách này được trưng dụng làm một cửa hàng phát hành sách tại số 60-62 Lê Lợi.)

Còn nhớ những ngày đầu sau 1975, khi còn là con mọt sách mới nở, tôi lang thang trên đường phố Sài Gòn, được mục kích tận mắt ông chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương trải tấm ny-lon lớn trên viả hè ngay trước cửa Nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu Nhi còn sót lại; tờ báo vốn khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét. Có lẽ số phận cuả nó cũng tương tự như số phận cuả các bạn thiếu nhi ở các vùng nóng trong những ngày tơi tả cuả một cuộc chiến đang đến hồi kết: cố thu mình lại là để giữ nguyên vẹn cái hình hài mà cha mẹ Việt Nam đã ban cho. Tôi còn nhớ rất rõ một bài trong một số đã phát hành, đại ý như sau: “Cho dù tờ báo có nhỏ đi, số trang có bị bớt đi và số người đọc có giảm thiểu đến bao nhiêu thì mãi mãi chủ trương, mục đích giáo dục và chất lượng cuả tờ báo vẫn sẽ không thay đổi…”

“Ông Khai Trí“ thật sự làm đúng những gì đã nêu: Tiền lời cuả nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu Nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành xử “bù lỗ nhiều hơn”; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu Nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn.

Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Khai Trí đã có thời gian sống ở Hoa Kì, dự định mở lại Nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu cho ông là hầu hết các tác phẩm cuả Nhà Khai Trí đã “được” một số nhà xuất bản hải ngoại khác in lại mà không hề nghĩ đến chuyện… bản quyền! Có lẽ đó là một trong những nguyên do chính khiến ông chán nản và trở về sinh sống tại Sài Gòn.
Tiện đây, thay mặt cho các độc giả, xin chân thành ghi ơn tất cả những người đã bỏ rất nhiều công lao viết bài cho tờ Thiếu Nhi, trong đó phải kể tới chủ biên Nhật Tiến, họa sĩ Vi-Vi (Võ Hùng Kiệt) và các nhà văn, nhà báo, các dịch giả mà tôi không thể nhớ hết tên.

Sau đây xin ghi lại những hình ảnh mà tôi còn giữ về tờ báo đã “vang bóng một thời” ấy.
Về hình thức, trang bià và trang cuối cuả tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kĩ thuật tiến bộ (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ.
Trang bià thường in hình vẽ cuả hoạ sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm cuả hoạ sĩ Vi-Vi: Võ Hùng Kiệt.

Nếu như trang đầu cuả tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện cuả Walt Disney,… Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Hoạ sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh hoạ một số truyện tranh Việt Nam.

Đến phần trong, in typo 3-4 màu, lúc nào cũng bắt đầu bằng lá thư chủ nhiệm hay chủ bút; chủ nhiệm tờ báo qua các lá thư này thường gởi những lời nhắn nhủ khuyên bảo chân tình đến các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh về nhiều đề tài thiết thực cuả cuộc sống. Các chủ đề biến động theo sự lớn mạnh cuả lượng độc giả cũng như theo sự suy tàn cuả chế độ chính trị ở miền Nam. Nhưng cho dù thế nào, trong các mục chính cuả tờ báo, chưa bao thiếu truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch cuả các nhà văn nhà báo miền Nam cũng như những bài văn thơ chọn lọc cuả bạn đọc hay cộng tác viên. Bên cạnh đó là các bài phổ biến kiến thức khoa học thường thức cũng như các bài về kiến thức sống. Tôi còn chưa quên các bài trích đăng cuả dịch giả Nguyễn Hiến Lê về những tấm gương thành công, những bài học về nhân cách từ các cuốn sách “học làm người”. Tờ báo không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kì thi đố vui có thưởng, các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các tiết thơ, văn, nhạc, hoạ cuả nhiều tác giả già, trẻ. Mục „Truyện cổ tích“ cũng thu hút người đọc không kém bằng các truyện cuả Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Chỗ không kém phần thú vị cuả tờ báo là hai mục: “Trả lời thắc mắc” và “Tay ngọc bên bếp hồng”. Chắc không viết thì các bạn cũng rõ hai mục này để làm gì. Một lần có bạn đọc nào đó cắc cớ hỏi đố về độ cao cuả một ngọn núi tên lạ hoắc, khiến cả BBT tờ báo gặp khó dễ hết mấy tuần. Nếu tôi không lầm thì chính nhà văn Nhật Tiến đã ra thông báo rằng mục tiêu cuả mục trả lời thắc mắc không phải là để thi thố tài năng, cũng không phải để thách đố mà là hỗ trợ các bạn trong học vấn, kiến thức. Trong bài trả lời, ông đã khéo léo biến câu hỏi đố thành bài học đạo đức đáng giá.

Sau 1975, do các đợt vận động cuả chính quyền về việc “tiêu huỷ các tàn dư văn hoá đồi truỵ phản động” cũng như các đợt kêu gọi thiếu niên nhi đồng làm “kế hoạch nhỏ”, những số báo Thiếu Nhi còn sót lại cuả tôi và có lẽ cũng cuả nhiều gia đình đã lần lượt ra đi. Tôi không trách gì những ngưòi thực hiện chủ trương này, nhưng nếu họ có được cái nhìn thoáng hơn và sâu xa hơn thì có lẽ những tài sản quí báu về văn hoá vốn đã bị huỷ hoại quá nhiều trong cuộc chiến cũng đỡ bị tuyệt diệt.

Tờ Thiếu Nhi, theo thiển ý, bỏ rất xa các tờ báo sau này được xuất bản dành cho thiếu nhi trong nước về cả chất lẫn phẩm, vì nó là tinh hoa cuả nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sĩ góp thành và đặc biệt nó lại không chịu bất kỳ một ảnh hưởng chính trị hay một xu hướng văn hoá độc đoán nào.

Cuối cùng, xin “trình“ lại vài câu thiệu trong vô vàn các câu mà tờ Thiếu Nhi đã in trong phần footnote ở trang bià ngoài cuả các số báo:

Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan (Thích Ca)
Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghiã thắng hung tàn (Nguyễn Trãi)
Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi

Cầu cho hương hồn ông chủ nhiệm tờ Thiếu Nhi được an nhiên.

© 2005 talawas

 

 

 

Bình luận về bài viết này