Lại câu chuyện bài hát “Túy Ca” của Châu Kỳ – thơ Trương Minh Dũng; hay của Tú Nhi – Chế Linh? (Trần Quốc Bảo)

 

Nhạc sĩ Châu Kỳ và thi sĩ Trương Minh Dũng cùng hợp soạn nhạc phẩm Túy Ca

Nhạc sĩ Châu Kỳ và thi sĩ Trương Minh Dũng cùng hợp soạn nhạc phẩm Túy Ca

 

 

 

Đã có một lần, người viết loan tải bản tin tác giả ca khúc Túy Ca được sáng tác từ phần thơ của thi sĩ Trương Minh Dũng và phần nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ, chứ hoàn toàn không phải của Tú Nhi (một biệt danh viết nhạc của Chế Linh).  Chuyện sai sót này trước đây từng gây phiền lòng cho cả 2 người sáng tác ra nó và ngay cả bạn bè của họ đều rất bất mãn trước lối in ấn nhầm lẫn như vậy,.

     Chiều nay, trước giờ giao bài, họa sĩ Mạc Chánh Hòa gọi đến cho biết Ông vừa xem một đài truyền hình VN tại Quận Cam vừa giới thiệu một quảng cáo CD Túy Ca sẽ phát hành nay mai do một nam ca sĩ trẻ K.L trình bày lại in sai tên tác giả là Tú Nhi. Người viết có đề nghị họa sĩ Mạc Chánh Hòa và cậu con trai của thi sĩ Trương Minh Dũng đầu tiên nên gửi thư thông báo sự nhầm lẫn này đến nhà sản xuất và người ca sĩ, tôi tin vì uy tín và tấm lòng trân trọng nghệ thuật của họ, những người có trách nhiệm này sẽ sửa lại ngay.

     Để minh chứng thêm việc tác giả Túy Ca không phải là Tú Nhi, người viết xin gửi đến bạn đọc một bài viết của Tuấn Ngọc, để thấy có đoạn nói chỉ cần Chế Linh ca 1 chữ sai trong Túy Ca, nhạc sĩ Châu Kỳ đã bắt người ca sĩ sửa ngay tại chỗ. “Sau 75, nhạc sĩ Châu Kỳ phải đi tập trung cải tạo. Bà Kha Thị Đàng nhớ lại: “Đó mới là quãng thời gian vất vả cực nhọc nhất của tôi bởi tôi vừa phải một mình nuôi các con vừa phải kiếm tiền để đi thăm nuôi anh ấy trong hoàn cảnh kinh tế chung của của đất nước rất khó khăn sau cuộc chiến”. 

 

chau-ky1

Rơi nước mắt khi có người hát nhạc Châu Kỳ

    Khi ấy bà làm công nhân nhà máy giấy Tân Mai ở Đồng Nai lương chỉ có 300 đồng nhưng mỗi tháng phải đi thăm nuôi ông tiêu tốn hết những 1.000 đồng, chưa kể tiền nuôi các con ăn học. Để trang trải tất cả những khoản tiền ấy, ngoài công việc chính là làm kế toán phát lương ở nhà máy giấy Tân Mai, bà còn phải thức khuya dậy sớm đi làm thêm ở ngoài để cải thiện thu nhập. Khi ấy nhiều người nói rằng bà là phụ nữ mà “điếc không sợ súng” nhưng bà bảo: “Khi ấy, chồng con tôi là những người quan trọng nhất nên tôi làm tất cả vì họ tôi. Tôi chỉ buồn một chuyện là do thời điểm ấy khó khăn quá nên việc học hành của các con tôi lỡ dở”.   

    Quãng thời gian ấy, mỗi tháng bà Kha Thị Đàng lên thăm chồng một lần ở trại giam Chí Hòa. Chỉ được thăm chứ không được gặp mặt. Có người còn đồn rằng ông đã chết ở trong trại giam. Sau này bà được nghe kể lại: “Ông ấy vô tư lắm, ngay cả khi ở trong trại giam ông vẫn lạc quan vui vẻ và hát cho các anh em khác nghe. Dù ở trong trại giam nhưng ông ấy vẫn sáng tác nhạc và phổ nhạc bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Xuân Diệu, bài Lời kỹ nữ.    Bà nói rằng, suốt quãng thời gian ông ở trại giam, bà không có thời gian để buồn bởi phải tất bật lo cho kiếm sống, lo kiếm tiền để thăm chồng, nuôi con. Thời gian ấy, nhạc của ông cũng không được phổ biến nhưng nhiều người lao động bình dân vẫn hát. Bà nhớ lại: “Tôi xa chồng, bao nhiêu khổ sở, vất vả, cực nhọc với cuộc mưu sinh nhưng chưa bao giờ khóc. Thế nhưng khi đi ra chợ hễ nghe thấy người ăn xin và người bán rong hát nhạc của anh Châu Kỳ là tôi lại khóc ngất đi vì quá xúc động. Nhạc của anh ấy khi đó không được phép hát công khai trên đài nhưng người dân thì vẫn hát vì nó là nhạc trữ tình”. Sau này, những bài hát của nhạc sĩ Châu Kỳ dần dần được cấp phép phổ biến trở lại, bà Kha Thị Đàng xúc động nói: “Mình tin tưởng bởi mình làm chuyện phải cả, đâu có làm gì sai trái”.

Niềm kiêu hãnh đến hết cuộc đời

     Trong gia tài hơn 300 ca khúc của mình, nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ có một bài viết riêng dành tặng bà Kha Thị Đàng đó là bài Em gái miền Nam. Thế nhưng, bà lại là người thuộc gần như nằm lòng hơn 300 ca khúc của ông. Trong cuốn hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà đã sưu tầm lại gần như toàn bộ các ca khúc ông từng viết. Một phần do bà lưu giữ được, phần khác do bạn bè và người hâm mộ mang đến tặng lại.   

     Năm 2005 trong chuyến đi Mỹ thực hiện chương trình nhạc Châu Kỳ do một trung tâm ca nhạc ở hải ngoại tổ chức, nam ca sĩ Chế Linh chỉ hát sai một từ trong lời bài nhạc Túy ca thì ngay lập tức bị bà sửa lại. MC Kỳ Duyên khi ấy hỏi bà: “Cô ơi cô, mấy trăm bài của chú cô thuộc hết hả”? Bà gật đầu đáp lại, còn MC Kỳ Duyên thốt lên: “Trời ơi, sao cô thương chú dữ vậy”.   

    Người nghệ sĩ giống như con tằm, rút ruột để trả nợ cho đời những tác phẩm nghệ thuật, điều hạnh phúc nhất đối với họ hẳn là có những người tri âm tri kỷ có thể hiểu được những sáng tạo của họ. Đối với nhạc sĩ Châu Kỳ, có lẽ bà Kha Thị Đàng ngoài vai trò một người vợ thì còn là một người tri âm, tri kỷ. Có lẽ bởi vậy nên họ đã có những tháng ngày hạnh phúc dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Những năm cuối đời, nhạc sĩ Châu Kỳ phải nằm một chỗ mất gần 4 tháng. Bà kể lại, ông không có bệnh gì nhưng do cơ thể đã lão hóa nên mọi thứ ngưng hoạt động hết. Mỗi ngày phải truyền 3 chai nước biển, một chai muối, một chai đường, một chai đạm để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Khi ấy, bà khóc và nói với ông rằng: “Anh ơi, em hết tiền rồi. Khi nào anh trăm tuổi thì anh nằm lại Sài Gòn nhé”. Nhạc sĩ Châu Kỳ đáp: “Em phải đưa anh về Huế. Em đừng có lo, bạn anh lo hết”.      

 

Nơi mộ nhạc sĩ Châu Kỳ có in bài nhạc Túy Ca với hình của thi sĩ Trương Minh Dũng trên bản nhạc.

Nơi mộ nhạc sĩ Châu Kỳ có in bài nhạc Túy Ca với hình của thi sĩ Trương Minh Dũng trên bản nhạc.

 

 

    Khi nhạc sĩ Châu Kỳ mất, bạn bè tập trung lại rất đông lo tang lễ và đưa ông trở về cố hương – đất Huế Thần Kinh thương nhớ mà bao nhiêu năm ông đã gửi vào những ca khúc bolero đậm chất dân ca của mình như Thương về miền Trung, miền Trung thương nhớ, Thần Kinh thương nhớ… Những người bạn của ông, mỗi khi ra Huế đều đến viếng mộ ông và gọi điện về cho bà Kha Thị Đàng và nói với bà: “Chị ơi, em đang ở bên anh nè. Em đang hát Thương về miền Trung nè”. Là người theo đạo Phật nên trước khi ông ra đi, bà xin cho ông đi theo con đường của Phật và được vị sư thầy tu ở chùa gần nhà tặng cho pháp hiệu Thiện Tâm. Vị sư thầy ấy tặng cho bà một chiếc đĩa có hình phật rồi nói với bà rằng “Hãy để Châu Kỳ thấy phật, để Châu Kỳ niệm phật, đi con đường của Phật”.   

    Khi bà mang về và truyền đạt lại lời sư thầy, ông chỉ lặng lẽ gật đầu đồng ý. Vài ngày sau khi ông đau nặng, sư thầy làm lễ tụng kinh cho ông. Sau khi nghe hơn một giờ kinh, ông lặng lẽ ra đi rất êm và không có dằn vặt gì hết. Bữa đó, rất nhiều bà con hàng xóm cũng đã đến để cùng sư thầy tụng niệm cho ông ra đi theo con đường của Phật. Không nén được nước mắt bà khóc và bảo: “Hễ khi nào có đủ tiền là gia đình tôi lại ra Huế thăm anh ấy. Năm năm rồi mà vẫn còn buồn và thương nhớ nhiều lắm. Mặc dù theo quan niệm của đạo Phật, mất đi là sẽ được luân hồi sang một kiếp khác, người sống không được buồn thương để người ra đi không còn vướng víu với cõi trần gian nhưng trong tim mình thì không bao giờ quên được. Tụi nhỏ nhà tôi lúc nào cũng nói rằng tụi nó vẫn còn nhớ ba lắm”.      

   Những năm đầu khi ông mới mất, năm nào bà cũng tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm cho ông. Trong đêm nhạc ấy, ngoài những ca sĩ đã thành danh với nhạc Châu Kỳ còn có hai cháu ngoại của ông bà là Nguyễn Châu Kha và Nguyễn Châu Hoàng Nhung cũng đang làm nghề ca hát. Giống như ông bà ngoại của mình, hai ca sĩ trẻ này cũng rong ruổi khắp miền Tây với những khán giả bình dân, chỉ có điều họ không hát nhạc của ông ngoại mà thay vào đó là hát nhạc mới bây giờ. Trước khi hát lại những ca khúc của ông ngoại trong lễ tưởng niệm, Nguyễn Châu Kha và Nguyễn Châu Hoàng Nhung đều xin bà ngoại thứ lỗi trước vì không hát hay được như các ca sĩ thuở trước. Thời gian gần đây, bà không còn đủ khả năng tài chính để làm những đêm nhạc như những năm đầu khi ông mới mất. Bà chia sẻ: “Tôi buồn lắm nhưng điều kiện không cho phép. Nhiều người nói rằng, các ca sĩ trẻ bây giờ hát nhạc xưa không có độ rung, độ ngân và không nhiều tình cảm như các ca sĩ thế hệ trước nhưng tôi vẫn mon họ hát nhạc của anh Châu Kỳ bởi chỉ có như thế, nhạc của anh Châu Kỳ mới đến được với những người nghe trẻ tuổi bây giờ mà không bị mai một đi“

Một tình yêu đích thực được thử thách qua thời gian   

   Hiện tại, bà Kha Thị Đàng đang sống cùng gia đình con trai trong căn nhà nhỏ ở quận 9. Cô con gái lớn nhất của hai ông bà nay cũng đã nghỉ hưu và sống cùng gia đình riêng. Con trai thứ hai của ông bà hiện đang giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật ở nhà hát thành phố, con trai thứ ba và con trai út làm trong ngành giao thông vận tải.  Ngoài thời gian chăm sóc con cháu, bà Kha Thị Đàng thường đi lễ chùa và theo các đồng đạo, phật tử khác đi đến những vùng xa để làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình dù cuộc sống của bà cũng không khá giả hơn thời trước là mấy.    

   Trong ngôi nhà nhỏ ấy thường vắng tiếng người bởi các con cháu đều bận rộn cả ngày với công việc riêng của mình nhưng tôi tin bà không cô đơn bởi những hình ảnh, những kí ức về ông lúc nào cũng luôn ngập tràn trong căn nhà ấy. Trong lúc nói chuyện với bà về ông, tôi luôn có cảm giác ông cũng đang có mặt trong phòng. Ông lặng lẽ ngồi nghe và mỉm cười hiền hậu mỗi khi bà nhắc đến những câu chuyện về ông. Cho đến tận lúc này, tôi vẫn còn nhớ nguyên cái cảm giác rất lạ lùng ấy.   

     Nhà thơ Kiên Giang đã nói về bà Kha Thị Đàng: “Châu Kỳ trở thành một nhạc sĩ tài danh trong thập niên 1960 là một người đào hoa, hào phóng, sống hết lòng với bạn bè. Sự nghiệp thành công của anh có công rất lớn của người vợ chịu thương chịu khó để cho chồng toàn tâm toàn ý sống với nghệ thuật mà anh đã chọn. Bà đúng là một người vợ của nghệ sĩ”.      

    Không phải là một nghệ sĩ nhưng hơn 50 năm sống cuộc đời du ca cùng chồng, trải qua không biết bao nhiêu ngọt bùi cay đắng như một người nghệ sĩ thực thụ, cuộc hôn nhân định mệnh của bà Kha Thị Đàng và nhạc sĩ Châu Kỳ là một câu chuyện tình đẹp và hiếm hoi trong giới nghệ sĩ.    

    Đó đích thực là tình yêu bởi trong cuộc đời mình, bà chưa bao giờ nói lời ân hận và luôn hãnh diện bởi bà đã cùng chồng sống một cuộc đời say mê, hết mình cho nghệ thuật. Cuộc tình ấy, cuộc đời ấy dù không sung túc nhưng xứng đáng để bà có thể kiêu hãnh với cuộc sống này.

(trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành ngày thứ sáu 28 tháng 3 năm 2014)

 

Trần Quốc Bảo

Trần Quốc Bảo

 

 

 

 

 

 

 

 

1 comments on “Lại câu chuyện bài hát “Túy Ca” của Châu Kỳ – thơ Trương Minh Dũng; hay của Tú Nhi – Chế Linh? (Trần Quốc Bảo)

Bình luận về bài viết này