Trường hợp hồi hương sinh sống lúc cuối đời của Ông Nguyễn Hùng Trương (Nhật Tiến)

Nhà văn Nhật Tiến giới thiệu ông Nguyễn Hùng Trương%0Atrong buổi ra mắt tuần báo Thiếu Nhi

Nhà văn Nhật Tiến giới thiệu ông Nguyễn Hùng Trương trong buổi ra mắt tuần báo Thiếu Nhi

 

 

Trên nhật báo Người Việt, xuất bản ở Quận Cam, California, số ra ngày 13-3-2005, ký giả Lê Thụy có viết một bài báo sau khi có tin ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí đã từ trần ở Sài Gòn, trong có đoạn như sau :

“Năm 1991, ông Khai Trí sang đoàn tụ với vợ con  ở Hoa Kỳ, nhưng lúc đó có nhiều tin  đồn là nhà nước Cộng Sản  VN đã có chủ trương mới, với chính sách cởi mở, sẵn sàng trả lại nhà, cơ sở kinh doanh cho các chủ cũ trước năm 1975 nên ông Khai Trí  hy vọng nhiều là  khi trở về  có thể lấy lại  được nhà sách, tiếp tục  nghiệp buôn bán sách trước đây. Năm 1996, ông xin trở về  với hy vọng to lớn trên nhưng đi đến đâu cũng bị đáp lại  bằng một cái lắc đầu.. . . . . .”.

Nhân danh một người được ông Khai Trí coi là thân thiết, đã từng nhiều lần được nghe chính ông thổ lộ nhiều tâm tư, cảm nghĩ của ông sau khi đã trải qua nhiều biến cố trên quê hương, đất nước, tôi nhận thấy có bổn phận phải làm sáng tỏ một đôi điều trong đọan viết của ký giả Lê Thụy kể  trên, để  một mặt soi sáng lại một sự thật như chính nó, ngõ hầu trả lại sự công bằng cho người đã khuất và mặt khác,  để an ủi phần nào vong linh  người vừa nằm xuống, thân xác chưa kịp ấm đất đã có thể bị dư luận choàng thêm nhiều điều  mai mỉa khi cho rằng : ông Khai Trí  hy vọng nhiều là  khi trở về  có thể lấy lại  được nhà sách, tiếp tục  nghiệp buôn bán sách trước đây. Năm 1996, ông xin trở về  với hy vọng to lớn trên nhưng đi đến đâu cũng bị đáp lại  bằng một cái lắc đầu..

Có thực là ông Khai Trí đã xin trở về VN sinh sống chỉ vì ông hy vọng nhà nước có chủ trương cởi mở , sẽ trả lại nhà sách cho ông để ông tiếp tục hành nghề như trước đây ?

Với ai thì tôi không rõ, nhưng với ông Khai Trí, con người  sau bao nhiêu năm bị vùi giập, vừa bị tước đoạt tài sản, vừa nằm ốm đau vật vã trong tù, tôi không nghĩ là ông lại mang nhiều ảo tưởng về sự  cởi mở của nhà nước như thế .

Sau biến cố 30-4-1975, cùng với số phận của các nhà tư sản khác, ông Khai Trí đã bị chính quyền mới tịch thu toàn bộ tài sản bao gồm nhiều kho sách vừa do chính ông xuất bản, vừa do ông nhập cảng từ nước ngoài,  cộng với rất nhiều tài sản, nhà cửa,  đất đai, biệt thự ở Sài Gòn do chính ông gây dựng nên sau bao nhiêu năm cật lực làm ăn bằng chính tài năng, mồ hôi  và sức lực lao động của mình. Vào năm 1976, ông đã từng than thở với tôi sau khi nhà nước ra lệnh “Kiểm kê sách báo đồi trụy” như sau :

“ Chú nghĩ mà coi, họ chỉ cho tôi 2 ngày để kiểm kê bao nhiêu là kho sách chứa  hàng triệu cuốn với trên 20 ngàn tựa sách, làm sao tôi làm nổi”.

Giọng nói của ông tuy cố làm ra vẻ thản nhiên nhưng nó đã bao hàm biết bao nỗi bùi ngùi và chứa chan ê chề, chịu đựng. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi cũng đã hiểu số phận mà chính quyền mới đã dành  cho ông thế nào. Quả nhiên , để hợp thức hóa việc chiếm đoạt những tài sản kể trên, đặc biệt là căn nhà sách Khai Trí ,  nhiều tầng lầu nằm ngay trên đại lộ thênh thang Lê Lợi tại trung tâm Sài Gòn, nhà nước Cộng Sản đã  quy chụp  nhiều tội nặng cho ông như tư sản mại bản, ấn loát và phổ biến văn hóa đồi trụy đầu độc tinh thần dân chúng miền Nam, rồi bắt ông đi tù trong nhiều năm khiến cho một con người mạnh khỏe, năng động như ông đã trở nên suy sụp rất nhanh chóng, và thân xác của ông còn bị đầy đọa trong tù với nhiều  bệnh tật.

Tuy nhiên, vốn là một con người trọn đời mê sách như nhiều người đã có cùng nhận xét, khi ra tù ông Khai Trí vẫn không từ bỏ ý định gây dựng lại  sự nghiệp sách vở của mình. Tuy nhiên, ông không hề có ảo tưởng là sẽ được nhà nước “ trả lại tiệm sách để tiếp tục kinh doanh nghề sách ở Sài Gòn” như ký giả Lê Thụy đã đưa ra một cách võ đoán.

Làm sao ông có thể ảo tưởng như thế được, khi vào  những ngày gần cuối đời, ông còn tâm sự với tôi về sự đấu tranh âm thầm nhưng không mệt mỏi của ông trước nhiều áp lực bắt ông ký giấy cho phép một vài tập đoàn  tư bản đỏ ký hợp đồng với công ty nước ngoài (Thụy Sĩ) để xây cất building ngay trên phần đất đã tịch thu của ông. Dĩ nhiên là ông đã không ký. Nhưng bất chấp sự đồng ý hay không của chủ nhà, việc xây cất cứ  được lẳng lặng tiến hành. Ông đã phản ứng lại bằng cách gửi toàn bộ bản sao chủ quyền của mình cho giới lãnh đạo công ty nước ngoài với lời tố cáo :” Đất hợp đồng đang xây là đất chiếm đọat, là một công ty lớn của một nước văn minh, các ông không thể nhắm mắt tiến hành !”. Thế là hợp đồng xây cất bị hủy bỏ. Ông Khai Trí đã thắng bạo quyền ít ra là trong giai đoạn đất nước đã đi vào thời kỳ kinh tế thị trường, mong muốn hòa nhập cùng thế giới !

Sự thực là ông Khai Trí muốn gây dựng lại nhà sách Khai Trí, không phải ở Sài Gòn mà là ở hải ngoại sau khi ông được phép định cư ở Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Nhưng khi sang tới nơi, ông đã trực diện một sự thực não nề :

–      Độc giả ở hải ngoại đã không nhiều như ông nghĩ, mặt khác, sau bao nhiêu năm ổn định đời sống, riêng ở Hoa Kỳ đã hình thành nhiều cơ sở xuất bản hay nhà sách lớn lao, có danh tiếng. Là người tới sau, lại trắng tay không còn vốn liếng, hỏi làm sao ông có thể mở lại tiệm sách hay nhà xuất bản ở hải ngoại để có thể cạnh tranh và đứng vững ?

–      Thêm nữa, rất nhiều loại sách giá trị trong tủ sách Khai Trí trước đây của ông,  đặc biệt là nhiều loại tự điển thông dụng mà ông đã mua trọn bản quyền, không hiểu do những bàn tay gian thương nhớp nhúa nào đã cho in lại hầu hết ( sách bán rất chạy trong những thập niên 80, 90 là những năm người tỵ nạn ồ ạt tới Hoa Kỳ, ai ai cũng có nhu cầu học hỏi, nhất là Anh ngữ). Mỉa mai thay, người đã từng đầu tư vào những cuốn sách đó là ông Khai Trí, thì hầu như ông đã không được mấy ai đền bù cho công lao của mình dù chỉ một đồng xu ! Cái Thông Báo sau đây là một bằng chứng :

“ Tôi là NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG,  nguyên là chủ Nhà sách  và Nhà xuất bản Khai Trí 60-62 Lê Lợi- Sài Gòn cũ, có soạn và in một bộ TỪ ĐIỀN LỜI HAY Ý ĐẸP, dầy 1898 trang, các trang trong in 2 mầu, có nhiều phụ bản đẹp, đóng làm 2 quyển, chưa gửi bán ở nước ngòai. Nay được biết có người in lại bộ sách trên tại Mỹ, ruột một mầu và không phụ bản bày bán  ở Mỹ và nhiều nhà sách ở hải ngoại. Tôi thông báo để quý vị độc giả khỏi mua lầm bộ sách in lậu.”

Thất vọng trước sự thực mỉa mai và phũ phàng ngay trên phần đất mà ông cho rằng ắt phải văn minh và công bằng nhất thế giới, có thể vì vậy mà  ông đã âm thầm quyết định trở về nước sinh sống. Tuy vậy, vốn là một người tích cực, yêu đời, yêu sách báo, nên khi trở về quê nhà, ông vẫn  còn có niềm vui trong sự cho in một số sách sưu tầm,  tuyển chọn danh ngôn hay thi ca tình ái. Và cũng chỉ có  thế mà thôi , chứ chẳng bao giờ ông có ảo tưởng sẽ được nhà nước Cộng sản cho phép hoạt động xuất bản sách  trở lại và được trả lại tiêm sách đồ sộ tọa lạc ngay trên đường Lê Lợi mà hiện nay nó vẫn còn nằm trong tay nhà nước vốn đã bị đổi tên từ năm 1976  thành nhà sách Sài Gòn.

Ước mong những dòng chữ sơ lược này sẽ giải tỏa được phần nào những ngộ nhận (nếu có) sau khi bài viết của ký giả Lê Thụy đã được cho in trên báo Người Việt.

Nhật Tiến

Garden Grove 14 tháng 3-2005

 

 

 

Bình luận về bài viết này