Ca khúc Mùa Hè -Quỳnh Giao

 

 

 

 

 

Ngày xưa chúng ta học chữ nửa buổi, còn nửa buổi kia học tư các môn chính, hoặc nhà khá giả thì được học thêm đàn. Chính vì nhàn nhã như thế mà người viết bài mới có thể vừa học chữ ở Gia Long, vừa học đàn ở Quốc Gia Âm Nhạc mà vẫn vừa đi hát chuyên nghiệp khi mới có 15 tuổi. Ngày nay thì trẻ con còn không có giờ để… chơi nữa, đừng nói đến làm chuyện khác.

Và nếu có chơi thì trò chơi cũng khác chúng ta, toàn là chơi game trên máy và nói chuyện bằng cell với nhau, chứ đâu có chạy ra nắng nhẩy dây, hay lượm hột me, hòn bi, hòn cuội về chơi giải gianh! Không khí học đường bây giờ cũng khác, tuy cũng có thi cử, có ra trường, nhưng sao không thấy có sự hồi hộp của những mùa thi ngày trước.

Tân nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc viết về Mùa Hè, nhưng trong trí tưởng của người viết có hai bài in đậm nét không phai lạt là “Hè Về” của Hùng Lân và “Mùa Thi” của Ðỗ Kim Bảng.

Nhạc sĩ Hùng Lân là người chuyên viết nhạc hùng cho thanh thiếu niên. Ông có viết một số ca khúc trữ tình, nhưng sở trường vẫn là nhạc hùng. Vốn là một nhà giáo, một người có tính tình mô phạm và đạo đức, Hùng Lân dùng âm nhạc để giáo dục thanh niên có lòng yêu mến quê hương đất nước và dân tộc. Các tác phẩm như “Rạng Ðông”, “Tiếng Gọi Lên Ðường”, “Khỏe Vì Nước”, và nhất là tuyệt phẩm “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” đã nằm trên đầu môi giới thanh thiếu niên các thập niên 40-50-60. Bài “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” được bao nhiêu nhạc sĩ uy tín và đầy thẩm quyền như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Vũ Thành cho là đáng được chọn làm quốc ca Việt Nam hơn cả.

Riêng với Quỳnh Giao, ngoài lòng ngưỡng mộ vì tài âm nhạc và lòng yêu trẻ, còn có sự tri ân vì chịu ơn giáo dục và đào tạo của ông. Giáo Sư Hùng Lân là người dạy môn nhạc pháp (nhạc lý và ký âm pháp, chứ không phải nhạc của nước Pháp) tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn. Ông còn giữ chức giám học thời kỳ Giáo Sư Nguyễn Phụng làm giám đốc trường nhạc. Người viết được học với thầy Hùng Lân từ năm đệ tứ cho tới khi tốt nghiệp, và được thầy đặc biệt thương vì là con bé rất nghe lời và kỷ luật của thầy.

Hùng Lân rất tận tâm và nghiêm khắc, nên lũ học trò vừa sợ vừa thương. Cho đến nay, đối với riêng Quỳnh Giao, thầy Hùng Lân là người dạy nhạc pháp giỏi nhất. Thầy đã đào tạo biết bao nhạc sinh xuất sắc và những người học trò của thầy sẽ không bao giờ quên ơn và quên phương pháp giảng dạy thật hữu hiệu mà dễ hiểu của thầy.

“Hè Về” là ca khúc Mùa Hè đẹp nhất của chúng ta. Hùng Lân có biệt tài viết lời ca nhanh và liền lạc như một chuỗi hạt trai. Quý độc giả cứ thử hát lại rồi sẽ có cảm giác bồng bềnh, mênh mông, rào rạt trên sóng của áng mây hồng buổi sớm mai, của mầu xanh ngọc bích nơi cành là, của mầu phượng đỏ rung rinh ngoài nắng.

Và còn nữa: đám mây trắng đùa với nắng, đàn chim én tung cánh đo trời, dưới thì đồng lúa vàng nhịp nhàng cao thấp trên sườn đồi. Hương sen thanh nồng lan theo gió mát. Cảnh đã đẹp mà nhạc thì lôi cuốn, dìu dặt và trong sáng.

Chỉ trong một đoạn mà người thưởng thức nghe được tiếng ve, tiếng trúc; ngắm được mây trắng, lá ngọc, chim én, lúa vàng, mà còn ngửi được hương thơm của sen nồng. Hát cả câu lên để thấy lòng lâng lâng, thanh thoát. Người ngoại quốc học tiếng Việt một trăm năm có lẽ cũng không thể đọc kịp lời khi hát ca khúc này

 

Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc mầu mây bích ngọc qua màu duyên
Ðàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hòa thơ đón hè sang…
Bâng khuâng ghe nắng đùa mây trắng
Ðàn chim cánh đo trời
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ
Thuyền ai biếng trôi
Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi
Thanh thanh hương sen nồng
Ướp gió mát khi chiều rơi…

 

Ở đoạn điệp khúc, Hùng Lân tài tình sử dụng lối hát đuổi (canon) nên càng làm câu nhạc quấn quýt liền lạc như tâm tư tác giả trào dâng với cảm xúc chứa chan trước cảnh hữu tình. Ðoạn này được hát đuổi hay nhất với giọng nữ câu cao, và giọng nam câu trầm:

 

Hè về hè về
Nắng tung nguồn sống khắp nơi
Hè về hè về
Tiếng ca nhịp phách lên khơi
Ðầu ghềnh suối mát/ reo vui dào dạt
Ngập trời gió mát/ ven mây phiêu bạt
Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời…

 

Lời ca của “Hè Về” xứng đáng được dùng cho học sinh học cách hành văn vừa trong sáng vừa đầy hình ảnh và mầu sắc. Bài hát cho đến nay vẫn được trình bày, và là một trong những bài hợp ca hay nhất tân nhạc Việt Nam. Ngày xưa, trên vô tuyến truyền hình trước 75, khán giả vẫn còn nhớ phong độ của cặp song ca Y Bất Hối và Hoàng Hương qua nghệ thuật điêu luyện và rất “ăn khớp”. Hai giọng quyện nhau đến nỗi không biết ai hát bè ai hát phần chính!

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s