Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
(tác giả: An Hạ)
Euro
Euro lần trước nhằm lúc má đang bệnh.
Nhà có mỗi cái ti vi là đáng giá, ba đem cầm để thuốc thang cho má. Hễ đến giờ trực tiếp, ba vừa lo canh thuốc vừa lắng nghe tiếng bình luận câu được câu mất ở ti vi nhà hàng xóm.
Nhưng một năm sau, ba lại ra đi trước má.
Euro lần này, tuy không hiểu thế nào là bóng đá nhưng đêm nào cũng vậy, đến giờ má lại thức mở ti vi và ngồi khóc một mình.
(tác giả: Đặng Quang Vinh)
Nỗi niềm
Cái điệp khúc ấy má tôi nhắc hoài mỗi khi soạn tủ:
– Ba con không thích má cho ai quần áo cũ. Ổng nói: “Thà cho họ một số tiền, anh không thích hương áo em lại đưa cho người khác mặc.”
Giờ, hương xưa còn giữ lại, người xưa đã đi xa…
Chiều nay, má đẩy sang tôi mớ quần áo cũ. Tôi chọn một bộ cho chị bán cơm ở vỉa hè, để rồi sau đó bao lần phải ngoảnh mặt đi mỗi khi thấy chị ấy tất tả ngược xuôi trên hè phố trong thấp thoáng bóng dáng của má tôi.
(tác giả: Kim Thúy)
Tính Cách
Mẹ tôi buôn bán, chai lỳ trước cái cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên “ăn theo” một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:
– Coi chừng trôi ti vi….
– Còn sách ông chưa viết ra đã hóa đá – Mẹ tôi trả miếng – Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi chạy vụt ra đường chận đường con bé bán trứng vịt lộn.
– Mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất rồi cũng gặp tao – Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.
– Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm!
– Nhà này cũng đang ốm đây – Mẹ tôi cười bù – Khỏi bẻm mép.
Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cải mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi….
Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút mùi soa chấm mắt.
Lâu sau, ti vi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
(tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh)
Mùa thi
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
– Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
– Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
– Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
– Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.
(tác giả: Võ Thành An)
Giỗ ông
Sớm mồ côi, từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên rẻo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú lấy lại căn chòi, khuyên:
– Mười bốn, lớn rồi, nên tự lập.
Anh em nó dắt díu nhau tha hương, lên thành phố sống ở dưới gầm cầu.
Trưa, phụ hồ về mệt, đói, giở nồi cơm, nhão như cháo, nó mắng:
– Đồ hư.
Con em mếu máo:
– Em nấu để giỗ ông.
Nó ngẩn người, chợt nhớ hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà…
Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt:
– Ông ơi!
(tác giả: Lê Nguyên Vũ)
Con gái
Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa:
– Con gái là con người ta.
Mẹ gục đầu nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại. Mẹ cũng là con gái…
(tác giả: Lữ Gia)
Lòng mẹ
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói:
– Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!
Nếu không hạnh phúc thì ly hôn đi!
Hôm nay tôi về nhà, bố tôi vừa nhìn đã nhận ra ngay, bố rưng rưng nước mắt nói: “Nếu như không hạnh phúc, thì ly hôn đi!”
Mẹ nói: “Ly hôn rồi vậy con của nó phải làm sao, đáng thương lắm!”
Bố nói: “Vậy con của tôi thì sao?”
Khoảnh khắc đó, tôi đã vỡ òa trong nước mắt.
Nấu cơm
Có một lần, bố tôi ốm nặng, nằm trên giường bệnh hơn nửa tháng rồi mà không tỉnh. Vào một buổi chiều, đột nhiên ông tỉnh lại.
Khi ấy, miệng ông động đậy không ngừng. Mẹ tôi tiến sát lại gần, nói với bố: “Ông cứ từ từ nói, tôi vẫn nghe đây”.
Bố tôi yếu ớt thốt lên rằng: “Con gái sắp đi học về, bà đã nấu cơm chưa?”
Có những lúc con người ta không hề biết, được làm con của cha của mẹ là điều hạnh phúc biết bao nhiêu. Bất luận bản thân họ phải trải qua những gì, điều đầu tiên họ nghĩ đến luôn là “Con cái có khỏe không”.
Chạy bộ
Trước kia tôi cãi lại lời cha, gả cho một người đàn ông, kết hôn rồi lại ly hôn. Cha con bất hòa.
Sau khi ly hôn tôi một mình nuôi con, hai mẹ con sống vô cùng kham khổ. Mẹ tôi xót con xót cháu, bảo tôi sang nhà ăn cơm, tranh thủ lúc cha tôi đi chạy bộ.
Từ hôm ấy, ngày nào tôi cũng đợi cha đi chạy bộ rồi dẫn con sang nhà ăn cơm. Cho đến một hôm trời đổ mưa to, tôi chạy về không kịp, hai cha con chạm mặt nhau, không kịp tránh đi.
Cha tôi nhìn tôi mà nói: “Lần sau về nhà ăn cơm thì đừng có mà giấu giấu giếm giếm, hại tôi mưa to thế này vẫn phải đi chạy bộ!”
Bất hòa, cãi vã với cha mẹ, con cái nghĩ rằng sau này sẽ không thèm quay lại, nhưng trong mắt cha mẹ, ta vẫn mãi là đứa trẻ con của họ. Cha mẹ trách ta sao không biết tự chăm sóc mình, thực ra cũng chỉ là muốn ta hạnh phúc mà thôi!
Bánh bao
Bố tôi mắc chứng Alzheimer, trí nhớ càng ngày càng kém, đến con trai mình cũng chẳng nhận ra.
Một hôm tôi đưa ông đi ăn hàng, trong đĩa còn lại hai cái bánh bao, bố liền cầm lấy cho vào túi. Tôi rất sững sờ. Rồi bố nói: “Hai cái này để dành cho con trai tôi, nó thích ăn nhất cái này.”
Thời gian trôi đi, cha mẹ rồi cũng sẽ già, và đổ bệnh. Có lúc, dù bản thân họ chẳng nhớ, quên đi tất cả nhưng tình yêu đối với con cái thì luôn thường trực.
Chùm nhãn
Có một hôm, mẹ tôi mua về một ít nhãn, nhưng ăn lại không được ngọt lắm. Tôi và bố chê không ngon, mẹ tôi liền nhỏ giọng nói: “Mẹ thấy bác bán nhãn lớn tuổi, nhìn có nét giống bà ngoại con.”
Bà ngoại tôi qua đời đã được hơn một năm rồi…
Trên đời này, có những chuyện chẳng thể khóc một trận là có thể quên ngay, những thâm tình ấy rồi sẽ trở thành hoài niệm. Thời gian vẫn cứ trôi, song yêu thương đã khắc sâu vào xương tủy.
Thở dài
Có một lần, tôi gọi điện về với cha mẹ, nói chuyện một lúc lâu.
Sau khi cúp máy, tầm nửa tiếng sau thì mẹ tôi gọi lại, hỏi rằng: “Có chuyện gì không ổn à con, vừa nãy con cứ thở dài mãi.”
Trên đời này, chỉ có cha mẹ là nhận ra tiếng thở dài của con, dù chỉ là thanh âm rất nhỏ.
Võ công
Người bố: Con trai, con thấy bố có mạnh mẽ không?
Con trai: Có ạ!
Người bố: Con thấy võ công Thiếu Lâm có lợi hại không?
Có trai: Lợi hại ạ!
Người bố: Bây giờ cha cạo trọc đầu, luyện võ công Thiếu Lâm, con thấy có được không?
Con trai vỗ tay: Cha giỏi quá!
Một hôm, con trai thấy cha đã cạo trọc đầu, liền vui vẻ hoan hô: Cha ơi cố lên, nhất định cha sẽ trở thành cao thủ!
Hôm ấy, là ngày đầu tiên người cha tiếp nhận hóa trị. Những lời nói dối ấy, là tình cảm ấm áp cha muốn dành cho con.
Đừng quên mang ô!
Cha mẹ Kiều Nhất (nhân vật trong bộ phim “Anh không thích thế giới này, chỉ thích em”) vì lo cho con trai, con gái nên đọc hết báo Bắc Kinh, xem thời tiết… rồi gọi điện nhắc nhở.
Ngày nào nắng, ngày nào mưa, đừng quên mang ô. Mãi tới hôm mưa 1 trận, đi trong cơn mưa, Kiều Nhất mới thấy nhớ nhà như thế nào.
Món quà Noel
Lúc còn nhỏ, ba tôi chưa bao giờ tặng hay nói ngọt gì với tôi cả. Tôi nghĩ ông ấy thật lạnh lùng…
Nhớ lại Giáng sinh năm tôi lên 5, bố tôi hỏi rằng con muốn được ông già Noel tặng gì? Tôi bảo con muốn bút chì màu, ấy mà sáng ngủ dậy thấy nó ở cạnh. Lúc đó cứ nghĩ ông già Noel thật tốt bụng, giờ nghĩ lại mới thấy chẳng có ông già Noel nào cả, chỉ là bố đã mượn ông già Noel để thể hiện tình cảm với tôi. Vậy mà khi ấy tôi chưa từng nói lời cảm ơn, đến tận bây giờ vẫn thế…
“Nhớ gọi cái Th dậy đi học!”
Bà mình bị ngã, xong mình vẫn nghĩ có một ngày bà sẽ lành chân, bà lại đi được thôi. Nhưng hôm ấy đi học về tự nhiên bà miên man không nói gì nữa. Lúc đấy linh cảm như điều gì đã đến rồi…
Thế mà bà mình lúc mê man, mẹ gọi xem bà có biết gì không mà bà vẫn cứ thều thào bảo: “Nhớ gọi cái Th dậy đi học nhớ”, “Đã ai đón thằng D chưa?”, “Tối nhớ ra ngoài bãi thăm không chúng nó trộm hết”…
Bà nói chậm lắm, toàn thều thào thôi, mà bà nói xong mấy câu đấy thì mình hiểu ra rồi. Tuy bà không còn tỉnh táo nữa nhưng tiềm thức của bà cứ đau đáu nghĩ cho con cho cháu. Bà một đời vất vả rồi mà lúc đi vẫn lo cho gia đình này. Con nhớ bà lắm bà ơi!
Nguồn: Hải Âu
DQ cảm ơn Cô đã sưu tầm và đăng bài này! Những mẫu chuyện cô đọng nhưng đầy ý nghĩa. Mỗi câu chuyện mang đến cho người đọc một nỗi xúc động riêng. 😍
ThíchĐã thích bởi 1 người
Mẫu chuyện nào cũng hay và ý nghĩa. cảm ơn cô đã đăng, chúc sức khỏe cô Thanh thúy
ThíchĐã thích bởi 2 người