Nhạc sĩ Lam Phương và những ca khúc tâm tình người lính (Cung Mi / SBTN)

 

lam phuong

 

 

Vào ngày 20/03 năm nay, nhạc sĩ Lam Phương sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 79 của mình. Tính theo tuổi Ta đã là 80! Những người yêu nhạc Việt Nam cùng gởi lời chúc thọ đến người nhạc sĩ tài hoa này, một trong những cây đại thụ còn lại của nền tân nhạc Việt Nam.

Với hơn 200 ca khúc để lại cho đời, đã có rất nhiều chương trình ca nhạc được thực hiện, để vinh danh sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhạc sĩ Lam Phương. Trong phạm vi một bài viết nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 79 của nhạc sĩ, hãy cùng nghe lại một số ca khúc viết cho người lính Cộng Hòa của ông.

Bản thân Lam Phương cũng là một người lính. Ông nhập ngũ năm 1958, đã từng gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày mất nước năm 1975. Bởi vậy, cũng giống như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, những ca khúc của ông viết về người lính là góc nhìn của “người trong cuộc”, rất thực về đời lính. Sáng tác nổi tiếng của Lam Phương trong màu áo lính có lẽ là bài ca “Tình Anh Lính Chiến”. Hầu như người nào của Miền Nam Việt Nam cũng đã có một lần nghe lời ca, giai điệu của bài này, đặc biệt là những người lính Cộng Hòa:

 

Xuyên lá cành trăng lên lều vải

Lòng đất ấm thương tình đôi mươi

Thương những người mạch sống đang khơi

Đang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương

Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến

Đời lính chiến xui gặp nhau đây

Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay

Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường… 

 

Từ lời ca đến giai điệu đều mộc mạc, giản dị, nhưng rất đẹp, thấm đẫm tình huynh đệ của những người lính dành cho nhau. Đúng như  nữ ca sĩ Ngọc Minh đã từng bình luận, trong một chương trình “Người Yêu Của Lính” để giới thiệu về bài hát này: trong quân ngũ, những người lính sống với nhau tại quân trường, chiến trường còn nhiều hơn là sống với người thân; bởi vậy “tình anh lính chiến” là một cái gì rất đẹp, sống chết có nhau, sung sướng cũng như nguy hiểm đều có nhau. Huynh đệ chi binh là vậy.

Tình yêu của người lính dành cho người yêu cũng say đắm, lãng mạn. Nhất là những đêm phải đánh giặc, giữ quê hương ở nơi tiền tuyến, nhớ về người em gái hậu phương. Ca khúc “Đêm Dài Tiền Tuyến” của Lam Phương đã lột tả hết nỗi nhớ nhung này:

 

Một đêm dài nhớ em, một đêm dài trắng đêm

Nhìn sao rừng nhớ em, nhìn núi đồi thấy em, người anh yêu trọn đời

Từ khi mình biết nhau, đời ta đẹp biết bao

Giờ vui đời chiến binh, bạn anh là gió sương, quê anh là muôn phương…

 

Trong tiết điệu Rumba dìu dặt, lời ca chính là lời tâm tình nhớ thương của người lính. Những hình ảnh mà Lam Phương gợi ra về người lính khi nhớ về người tình cũng thơ mộng không kém gì người thi sĩ:

 

…Đêm nay gối súng viết lên dòng thư gởi em

Viết cho em, trao cả về em

Viết trong vạn niềm say vì đời trai gió sương

ngoài kia núi sông, thì tim này dâng cả em …

 

Để đáp lại tình yêu của người lính, những người em gái hậu phương hướng về các anh với một tấm lòng ngưỡng mộ, chung thủy sắt son. Cũng chính nhạc sĩ Lam Phương, qua ca khúc Bức Tâm Thư, đã nói thay cho tâm tình những người yêu lính:

 

Vài hàng gửi anh trìu mến

Vừa rồi làng có truyền tin

Nói rằng nước non đang mong

Đi quân dịch là thương nòi giống

Người thường tìm sang giàu tới

Lòng này thì khác tình ơi

Ước nguyền hứa duyên trao người

Cầm tay súng tòng quân anh tươi cười… 

 

Người thôn nữ Việt Nam không mơ sang giàu, mà chỉ yêu người lính anh hùng, bảo vệ giang sang. Ở lại xóm làng yên vui, cô luôn cầu mong cho quê hương sớm có một ngày thanh bình, để lứa đôi lại được đoàn tụ vui duyên lành:

 

…Lạy trời tròn năm tròn tháng

Nợ làng ơn nước đã đền xong

Xóm làng hát câu thanh bình

Về nơi cũ tìm vui duyên lành…

 

Ước mơ thật bình dị, vậy mà… Miền Nam Việt Nam không bao giờ có được ngày yên vui đó. Rồi mãi đến tận bây giờ, nhạc sĩ Lam Phương cùng biết bao nhiêu người lính Cộng Hòa vẫn còn ly hương, và chưa một lần về với một quê hương thực sự yên vui, thanh bình theo đúng nghĩa.

Nhân ngày sinh nhật thứ 79, cầu chúc cho nhạc sĩ Lam Phương sẽ có một ngày kịp về nhìn lại quê hương Việt Nam đã thay đổi, theo đúng như ước nguyện của mình…

Cung Mi / SBTN

 

 

Bình luận về bài viết này