Thanh Trí, tranh và thơ (Bùi Bích Hà)

 

motherland_and_peace_600

 

 

 

Tôi đã sống ở Huế suốt quảng đời thơ ấu và niên thiếu, cho tới tuổi thành nhân nhưng điều lạ lùng, khó tin, với chính mình và với người, mà có thật, là vào cái thời xa xưa đó của chúng tôi, nhiều cô thiếu nữ chưa bao giờ biết hết các địa danh nổi tiếng của Huế. Đồi Thiên An, nơi có tu viện của các linh mục dòng Tên và rừng thông. Đồi Vọng Cảnh vươn mình dưới bầu trời thanh, nhìn xuống dòng Hương Giang như tấm gương soi lồng lộng. Lầu Viễn Đệ bên bờ sông Bến Ngự xanh bóng những hàng cây, nghe nói trong khuôn viên lát gạch có bức tượng bán thân của bà Viễn Đệ để ghi khắc cuộc chia tay não lòng do nghịch cảnh nàng dâu, mẹ chồng, đến nỗi bà phải đem thân nương cửa Phật…Ít nhất là ba nơi này, với những hình ảnh vẽ ra theo truyền tụng của dân gian, cho tới tận bây giờ, cứ mãi còn là huyền thoại đối với riêng tôi. Thế nhưng, kỳ thú thay, từ huyền thoại nên thơ ấy, nay có một người phụ nữ tài danh vừa bước ra…

Nhờ bà, tôi mới biết trường cao đẵng mỹ thuật Huế tọa lạc ngay trong khuôn viên lầu Viễn Đệ, trên bờ sông Bến Ngự. Thật dễ chịu khi tôi hình dung lại, khoảng thời gian đầu thập niên 1960, ớ cái thành phố Huế nặng truyền thống cổ kính của tôi, trong lúc đa số con gái cắp sách tới trường để mưu cầu một mảnh bằng cho phép họ xây dựng một cuộc sống bình thường trong khuôn khổ thì cũng có vài người như hạt mưa long lanh trên tầng cao, như giọt nước không trôi theo giòng, như tia nắng rực rỡ lấy mình giữa trời hạo nhiên, như ngọn gió thu góp phấn hoa đi gieo trồng những mùa gặt khác thường, các nhân vật đặc biệt này, cùng với khung vải, màu, sơn cọ, đã cả quyết đem theo họ tới ngôi trường bên bờ sông Bến Ngự, giấc mơ to lớn của đời người: tái tạo cuộc sống, vũ trụ, nhân quần, có khi bằng những phiên bản nghệ thuật, có khi bằng hình tượng nhìn thấy, tạo ra, do cảm xúc sáng tạo diễn đạt với ngôn ngữ tài hoa riêng. Thanh Trí là một trong vài thiếu nữ tuổi đôi mươi hiếm hoi này khi bà tốt nghiệp ưu hạng khóa I (1957- 1961) trường cao đẵng mỹ thuật Huế.

Sinh trưởng từ một quê hương cỏ cây, sông núi diễm lệ, những năm tháng lớn khôn giữa cảnh thần tiên đã tưới tẩm tâm hồn Thanh Trí, ban cho bà không chỉ khả năng cảm nhận vẻ đẹp của trời đất bao la, của cõi người ẩn mật xung quanh, mà còn ban cho bà tình yêu, khát vọng thể hiện chúng như một cưỡng chống mãnh liệt trước thời gian mong manh, như câu trả lời khẳng định mỗi sat na trong hội họa là ngàn năm.

Người nghệ sĩ thường sống nhiều hơn một cuộc đời họ có, nhiều hơn một con người trong bản thân. Điều này vừa là ưu thế, vừa là đớn đau, trăn trở bởi những xô đẩy nội tâm, những lựa chọn thường không dễ dàng khi phải thích nghi cái vô cùng trong cảm thức của họ với cái hữu hạn của đời thường.

Thế mà Thanh Trí đã êm đềm vượt thoát ranh giới khốc liệt này suốt năm thập niên. Bà làm vợ, làm mẹ, nay làm bà nội, bà ngoại, làm họa sĩ, thi sĩ cùng một lúc, trong hòa điệu, trong hạnh phúc, trong bình an.

Những ai từng ở Huế chắc không bao giờ có thể quên tiếng mưa đêm rơi trên tàu chuối, cái thanh âm thật gần, lúc rào rạt trên phiến lá, chà xiết lên những đầu dây thần kinh nhậy cảm của người nghe, lúc rời rã, gõ xuống cõi lòng rét mướt, cô quạnh, như một điệu ru buồn. Càng không thể quên những hồ sen bát ngát hương hoa, những cánh sen hồng, sen trắng, cả những cánh sen non màu thiên lý, là những bài kệ hát lên giữa hư vô điệu thiền ca thanh thoát.

Người mẹ hiền hòa trong bức tranh bìa tập tranh thơ Thanh Trí ngủ giấc thần tiên giữa tình mẫu tử, trong vỗ về tiếng sóng biển Đông và bên vành nón quê hương. Cho dù thân thế mẹ có tang thương như tàu lá chuối bị gió mưa dập vùi tơi tả, lòng mẹ vẫn tinh khôi những đóa tịnh liên, con vẫn ấm áp trong chở che, vẫn có tiếng chim hót ru và ngọn đòng đòng nuôi con khôn lớn. Tác phẩm của bà thoạt tiên là một gắn bó thủy chung với vẻ đẹp và niềm tin kiên định nơi sinh trưởng, về sau, là những gắn bó đầy cảm xúc với mọi cảnh đời bà chứng kiến hay trải qua.

 

canhvongthoigian_500

 

 

Tôi đặc biệt yêu thích tranh màu nước trên lụa của Thanh Trí. Ngoài kỹ thuật sáng tác của họa sĩ mà tôi hoàn toàn không có khả năng nhận định, tôi thú vị bắt gặp những cảm hứng bất chợt đem lại sự bất ngờ như một nét duyên thầm ý nhị trong tranh của bà.Trong bức Thời Gian và Không Gian chập chùng ánh dương hồng và màu đêm thấp thoáng, nét bất ngờ làvầng trăng lưỡi liềm trên đầu cánh võng.
Trăng thượng tuần hay hạ tuần đây? Năm tháng, cảm hứng đã vơi khuyết rồi hay đang chờ mong lúc đầy?

hongnangmoi_500

Với bức Hong Nắng Mới, cô gái sống áo trễ tràng, hớ hênh buông thả mình vào giấc ngủ trưa trên chiếc chõng tre nhưng sao bàn chân này dẫm lên thúng hàng, bàn chân kia không rời chiếc guốc. Trong vô thức, cô giữ chặt điều gì?

ngayxuandanhdu_400

Bức Ngày Xuân Đánh Đu, chẳng phải bốn mảnh quần hồng bay phấp phới, hai hàng chân ngọc ruỗi song song là nét gợi tình mà chính là những chiếc guốc tung hê vội vàng, lănlóc, khi đôi trai gái nhìn thấy nhau. Bức Suối Baatan Philippines, những nhánh cỏ là yếu tố bất ngờ làm nổi bật sức sống thật của toàn cảnh ghi xuống mặt lụa.

Vì không có ngày tháng ghi trên mỗi họa phẩm, tôi không biết Thanh Trí bước vào vẽ tranh sơn dầu từ thời điểm nào? Nghe nói, trong sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ, sơn dầu là một mời gọi hết sức lôi cuốn,thách thức lớn vì nó là sự phối hợp hoàn chỉnh giữa cảm hứng bay lượn, đường nét chuẩn xác của bàn tay xử dụng cọ và sự tiên liệu những gam màu tài hoa. Không thể ngập ngừng, vấp váp. Không thể lầm lỡ. Như mũi tên buông trên dây cung, một là tới đích, hai là mất vào hư không. Như lời nói cất l

Có lẽ cuộc sống kinh qua tuổi đời từng trải sẽ càng lúc càng thô cứng hơn, những hình thái đa dạng của nó cần sự đào bới, đập vỡ, khống chế và thể hiện bằng mọi phương tiện thích hợp sẵn trong tầm tay và đáp ứng được khát vọng của thời đại. Rời bỏ khung lụa, chuyển sang mặt gỗ, tôi vui mừng thấy tranh sơn mài của Thanh Trí vẫn có nét uyển chuyển, mượt mà, tươi thắm đáng yêu. Dưới bàn tay Thanh Trí, dù với lụa mong manh, dù với sơn rất cứng đầu, dù với gỗ vô tri giác, con người và cuộc sống luôn được thể hiện lung linh cảm xúc và nồng nàn hơi thở.
Mặc dầu được tiếng là sở trường về tranh lụa, Thanh Trí không vội bằng lòng với giới hạn này. Với bà, con đường khai phá trong sáng tạo và tự tìm kiếm mình không có nơi dừng chân.
Bà bước vào địa hạt trừu tượng với tất cả hồn nhiên và tự tin, diễn tả cảm xúc bằng những hình tượng và màu sắc đến trong mắt hay trong thần trí say mê nhưng hoan toàn tỉnh táo của bà. Ngoại trừ một lần người xem ngỡ như được nhìn thấy bà tự bộc lộ mình với tâm thế đôi phần giao động, nét hốt hoảng, tiếngkêu bi thương của sắc màu bối rối, của ngã xuống rồi hình với bóng níu nhau can cường đứng lên trong bức Linh Hồn Nghệ Thuật và Bóng Thời Gian, kỳ dư tôi liều lĩnh đoán rằng những năm tháng dạy học có ít nhiều tác động đến khuynh hướng hợp lý, sự trong sáng và tự chủ tuyệt đối của bà trong diễn đạt, đường nét, bố cục, tự chúng có sẵn câu trả lời cho người thưởng ngoạn.Thử thách mình đã đủ. Đến một lúc nào đó.

 

 

linhhonnghethuat

 

 

Thanh Trí không chỉ vẽ, bà còn nghe hát lên trong cảm hứng của mình những giai điệu thơ. Bà ghi xuống mặt giấy những giai điệu ấy như một hái tặng cho người những bông hoa bất ngờ bừng nở muôn màu trong xưởng vẽ, những bông hoa làm bạn với bà trong những giờ một mình cặm cụi. Hóa ra người nghệ sĩ cũng còn là người chiến sĩ, phải chiến thắng trong mọi hoàn cảnh để sống còn. Chiến thắng càng gay gắt, tác phẩm kết tinh từ chiến thắng ấy càng lớn. Đến đây, tôi dường như chợt hiểu lý do bức sơn dầu Chiếc Lá hiện diện trong tuyển tập tranh thơ của Thanh Trí: áo trận, giày saut (một đôi giày rất khỏe) những chiếc lá phong trên má, trên tay người nữ quân nhân, những chiếc lá mà định mệnh muốn chúng sống đời rực rỡ trước khi bị gió cuốn đi dưới trời giông bão.

Tôi tin rằng trong dáng vẻ thanh nhã, với tất cả nét dịu dàng phụ nữ, Thanh Trí có quyết tâm sắt đá trong mọi lựa chọn của bà, luôn can đảm sống chân thật với mình vượt qua ngoại cảnh. Trên con đường tìm kiếm và phục vụ chân thiện mỹ, bà đạt đến một phong cách ứng xử mang nhiều đạo vị giúp bà, áo trận, giầy saut, đi những bước vững chãi trong sự nghiệp và đời riêng.Ở một nơi đã nghìn trùng ngăn cách với quê hương, bà thảng thốt kêu lên trước Cơn Lốc thời cuộc:

 

“Về đâu chiếc nón đứt dây?
Về đâu gió loạn, cuồng quay dấy đùa?
Lấy chi che nắng, che mưa?
Lấy chi ngăn gió khỏi lùa tóc xanh?”

(Hỏi Gió Loạn)

 

Tấm lòng quan hoài cố quốc của Bà thật xót xa:

“Minh niên khai bút lệ đầu xuân
Năm nay khai bút, bút chẳng vươn
Giấy mực lạnh lùng không muốn động
Lặng yên ngồi ngắm khói trầm hương”.

(Ngày Xuân Nhớ quê)

 

Tách rời khỏi đất mẹ nuôi dưỡng, người nghệ sĩ sống bằng hơi thở của quá khứ và đồng loại thấy mình cằn khô như lũ ốc mượn hồn:

“Mãi ngồi đây với nỗi buồn tê
Nhìn giấy bút tưởng xác ốc sò
Gọi cảm hứng sóng đã về mô?
Làm ngây dại khung trời đang sống

(Gọi Sóng)

 

Nhẹ nhàng bày ra, xóa đi những cảnh đời trên khung vải, Thanh Trí có nụ cười an nhiên, phóng đặt trước thời gian mong manh, sự vô thường của kiếp người trôi trên giòng sinh diệt:

 

Cánh võng thời gian lộng giữa vời
Trời trăng hai mối cột chơi vơi
Đêm đưa hồn mộng thăm cung Quảng
Ngày đẩy tâm linh sáng đạo đời…
Ngày đêm thức tỉnh mầm Sinh Trụ
Từng phút hoại không chẳng nhẹ vơi”

(Cánh Võng Thời Gian ) 1

 

Cái thành phố Huế thơm ngát trầm hương một thời cổ tích, sớm khuya lay động tiếng chuông chùa trên những cánh ngọc lan, oanh trảo, cái thành phố những đêm mùa hè trẻ thơ ra ngồi bờ ao đợi một cánh sao băng để thấy mình bay theo ánh sao về chân trời xa thẳm, nhiều phần đã lưu lại dấu ấn đậm đà đạo vị trong tâm hồn Thanh Trí, khiến bà dễ chan hòa cùng vũ trụ, soi trong đại ngã có bóng hình cái tôi nhỏ nhoi:

 

“Cô đơn một thoáng trong hư ảo
Hỏi bóng thân yêu giọt nước nào?”

 

Thế giới hội họa của bà, vì thế, chan chứa tình yêu, sự thủy chung hiền hậu, vẻ đẹp của những bông hoa nở trong nắng sớm, tàn rơi lúc chiều tà, không có gì lạ lẫm, phi thường, nhưng đó là đời sống với tất cả rung động đến từ một tấm lòng, một tài năng, vì tha thiết trân quý đời sống ấy nên đã không ngừng cất cao lời ca ngợi và đem chia sẻ nó với mọi người”.

 

nhavanbuibichha

Bùi Bích Hà

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này