Lóng Lánh Lá Thu Vàng (Ngọc Anh)

từ trái: Khải Chính, Ngô Tịnh Yên, Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Anh và Trương Sĩ Lương
từ trái: Khải Chính, Ngô Tịnh Yên, Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Anh và Trương Sĩ Lương

 

Tàng cây trước nhà ngả màu vàng nâu. Những chiếc lá trên cành rơi lả tả. Bao mùa thu đi qua và giờ này mùa thu lại đến. Nhìn lá mùa thu để tự hỏi phải chăng tuổi đời, tuổi người và những đổi thay cũng được đếm bằng những mùa thu qua và những chiếc lá vàng rơi rụng. Và nhìn lá đổi màu cũng để thấy lòng thấm lạnh, tâm bồi hồi vì sự luân chuyển của đất trời, để từ đó càng hiểu rõ thêm về cuộc sống vốn vô thường, con người đến rồi đi chẳng khác gì như những chiếc lá xanh, vàng, nâu lặng lẽ rời đi.

Biết thế nhưng lòng vẫn nhuốm buồn, vẫn ngập ngừng, vẫn bâng khuâng mỗi lần nhìn những chiếc lá vàng báo hiệu một mùa thu nữa lại trở về.

Tóc xanh và tóc trắng. Quá khứ và kỷ niệm. Có bao nhiêu người và việc muốn nhớ và muốn quên. Giữa những chập chờn nhớ và quên đó, hình ảnh người phụ nữ mảnh khảnh nhỏ thó dường như lúc nào cũng đậm nét.

 

từ trái: Minh Đức Hoài Trinh, Tố Uyển và Nguyên Hương, Ngọc Anh, Scotland 1997
từ trái: Minh Đức Hoài Trinh, Tố Uyển và Nguyên Hương, Ngọc Anh, Scotland 1997

 

 

Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Thu qua, thu lại. Năm năm, mười năm… tôi không còn nhớ rõ thời gian, nhưng với người phụ nữ mang tên Minh Đức Hoài Trinh thì vẫn nằm vững chắc trong trí tưởng của mình.

Tôi đọc chị lúc tôi còn rất nhỏ ở độ tuổi mười một, mười hai. Tuổi của khám phá tò mò, thì những dòng chữ viết về một thành phố Paris xa lạ với Lá Thư Paris trong những cuốn báo Phổ Thông luôn luôn khiến lòng mình háo hức, ước mơ có thêm đôi cánh để được bay đến kinh đô ánh sáng với L’arc de Triomphe huy hoàng, với Tour Eiffel kiêu hãnh, với giòng sông Seine ngập ngừng nước chảy… Tôi bắt đầu biết chị từ đó. Nhưng biết cũng chỉ là biết qua danh hiệu nhưng hoàn toàn không có khái niệm gì về một con người, mãi cho đến sau này cách nay chừng mười mấy năm tôi mới có dịp đến gần chị, để biết rõ hơn về người viết những Lá Thư Paris từ thuở nhỏ.

Ngõ Trúc. Trúc mọc dọc lối vào nhà chị. Thị trấn Giữa Đàng của Sài Gòn Nhỏ. Một ngôi nhà không thể nào lẫn được với những ngôi nhà chung quanh. Tôi đã đến đó gặp chị. Trên bàn trong phòng khách của chị là một chậu hoa Ikebana kiểu cách, cạnh đó ấm trà và những tách trà nho nhỏ. Hớp từng ngụm trà chị pha. Vị trà ngọt chát và hơi ấm của chất nước màu xanh ngọc toả ra từ chén trà trong một buổi sáng mùa thu ở Ngõ Trúc làm đậm thêm buổi đầu gặp gỡ.

 

Trước đài BBC, Luân Đôn Hàng trước: Từ Nguyên, Lê Phan, Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Anh, giám đốc chương trình BBC tiếng Việt (không nhớ tên) Hàng sau: Xuân Hồng, Nguyên Hương
Trước đài BBC, Luân Đôn
Hàng trước: Từ Nguyên, Lê Phan, Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Anh, giám đốc chương trình BBC tiếng Việt (không nhớ tên)
Hàng sau: Xuân Hồng, Nguyên Hương

 

 

Chúng tôi nói với nhau nhiều thứ, nhưng có lẽ câu chuyện lâu nhất và dài nhất của lần gặp gỡ đó là chuyện Văn Bút, một tổ chức chị đã tốn rất nhiều công sức để nó còn giữ được tiếng nói của người cầm bút Việt Nam Lưu Vong; để nó có được một danh xưng với cộng đồng thế giới dưới tên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, sau khi Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử và Văn Bút của Việt Nam Cộng Hoà không còn tồn tại. Và cũng từ tổ chức này, từ đó tôi có dịp sát cánh cùng chị đến vài thành phố trên thế giới như Guadalajara, Mixico City của Mexico, London của Anh Quốc, hay Edingburgh của Scotland để dự những cuộc họp của Văn Bút Quốc Tế. Chỉ tiếc rằng những nỗ lực đóng góp nhằm giúp cho tổ chức này được ngày càng phát triển tốt hơn vẫn không thể vực dậy được số phần của nó với những phần tử tài năng như con kiến, tham vọng tựa dãy Hoành Sơn. Tuy nhiên xét cho cùng dầu những người đó có quay cuồng như thế nào, sự thật vẫn là sự thật, đồng tiền của Caesar cũng buộc trả lại cho Caesar, con kiến vẫn tiếp tục làm con kiến. Nhưng niềm an ủi lớn nhất của mình là mỗi lần nghĩ đến những tên tuổi có mặt trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại dạo đó như Cao Xuân Huy dầu đã luân lưu cõi khác, hay như Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyên Hương, Sơn Tùng, Cao Mỵ Nhân, Ngô Tịnh Yên..v…v… và nhất là chị Minh Đức Hoài Trinh lòng vẫn còn thấy ấm.

Chị và tôi, mối giây liên lạc không phải chỉ có chuyện Văn Bút. Có hôm tôi đến nhà chị để ăn một món bún bò chị nấu. Có hôm đến để thưởng thức chén trà chị pha khi chị có một gói trà đặc biệt nào đó. Chị là người sành uống trà. Trà cụ của chị là những ấm chén nho nhỏ. Tôi cũng thuộc loại thích uống trà, nhưng thuộc loại ngưu ẩm, chừng đến với chị thì nhập gia phải tùy tục, tôi đã buộc mình học hỏi cách nhấp trà thay vì uống trà, vì nếu uống trà trong những chén trà bé tí như thế, có lẽ chẳng bao giờ đủ để thấm môi. Cũng may, nhờ thế tôi học được cách thưởng thức hương vị chát chát, ngọt ngọt của trà từ từ rớt nhẹ thấm vào cổ họng mình.

Nhắc đến chuyện trà, tôi còn có một kỷ niệm khác về chị. Như đã nói ở trên, mặc dầu tôi thuộc loại ngưu ẩm nhưng chất nước được đưa vào miệng hằng ngày vẫn là những tách trà mộc không pha tẩm còn giữ được màu xanh, nên thích nhất vẫn là nước trà được pha bằng lá trà tươi có màu xanh ngọc, còn nguyên vị chát của những lá trà chưa bị sấy khô. Tuy nhiên, ở Mỹ tìm đâu ra những lá trà tươi nếu mình không tự trồng. Thế tại sao không trồng một cây trà trong vườn? Không giữ ý nghĩ đó trong đầu, tôi đã tìm đến những vườn ươm cây của Việt Nam trong vùng, để rồi sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng không phụ lòng mình, tôi mua được hai cây trà ghép bé xíu. Một cây dành cho mình. Một cây mang đến tặng chị. Nhìn thấy cây trà xanh cao không quá hai gang bàn tay, mặt chị rạng rỡ. Chị đặt nó dưới hiên nhà, có mái che khuất ánh nắng chiều vì sợ nắng gắt cây trà sẽ khô héo. Chị bảo đặt nó ở đó để che chở cho nó và cũng để mỗi lần bước ra ngõ trúc chị có thể ngắm được nó. Có thể khi đặt cây trà nơi bóng mát chị đã nghĩ đến khí hậu dịu mát của thị trấn Bảo Lộc nơi san sát những đồi trà trải mình trong buổi sáng mù sương.

 

Hội ngộ tư gia Hàng đầu: Phu nhân BS Đỗ Xuân Giụ, Minh Đức Hoài Trinh, phu nhân  BS Nguyễn Lộc, Ngọc Anh, GS Lê Hữu Mục, Hải, phu nhân BS Vũ Quang Bân, Mai, NS  Trần Đắc Mỹ,  Hàng sau: Bình, Nguyễn Quang, Phạm Đăng Khải, ca sĩ Thanh Mỹ, BS Vũ Quang Bân, BS Nguyễn Lộc, BS Đỗ Xuân Giụ.
Hội ngộ tư gia
Hàng đầu: Phu nhân BS Đỗ Xuân Giụ, Minh Đức Hoài Trinh, phu nhânBS Nguyễn Lộc, Ngọc Anh, GS Lê Hữu Mục, Hải, phu nhân BS Vũ Quang Bân, Mai, NSTrần Đắc Mỹ,
Hàng sau: Bình, Nguyễn Quang, Phạm Đăng Khải, ca sĩ Thanh Mỹ, BS Vũ Quang Bân,BS Nguyễn Lộc, BS Đỗ Xuân Giụ.

 

Những lần sau đó tôi đến thăm chị, hai chị em ngồi trước ngõ trúc chị đều nâng cây trà đặt ngang tầm mắt ngắm nghía và khoe rằng cây trà đã có thêm vài chiếc lá, cây trà đang sống tốt sống khoẻ. Rất tiếc vài tháng sau đó, dầu đã cất công chăm bón, cây trà của tôi và cây trà của chị không thể trụ lại trên mảnh đất lạ thiếu thổ nhưỡng dành cho việc trồng trà.

Dĩ nhiên ở chị không phải chỉ có trà. Dường như hoa cũng làm chị say đắm. Có nhiều lần tôi ghé thăm chị với một chậu hoa lan đơn giản. Nhìn cách chị cẩn thận đặt chậu hoa lên bàn. Nhìn cách chị ngắm từng nụ hoa vừa nở. Nét rạng rỡ trong đôi mắt chị dành cho hoa làm cho người tặng hoa cảm thấy ấm lòng.

Dẫu thế trà và hoa cũng không phải là tất cả những gì chị thích. Tới gần chị tôi mới thấy được sự tài hoa của chị, vì ngoài việc viết lách, chị còn là giáo sư dạy đàn tranh và là người rất giỏi hán tự. Điều này hiếm thấy ở một phụ nữ. Rất tiếc tôi không chuyên về những vấn đề này, nên không thể biết hơn những điều nghe và thấy.

Mối thâm tình giữa tôi và chị không phải chỉ có những lần tôi đến nhà chị, mà còn qua những lần chị đến nhà tôi để cùng nhau ăn chiều, hay bữa ăn vào những ngày lễ Tạ Ơn, hoặc tham dự một cuộc họp mặt nào đó, như có lần chị đã đến tham dự buổi văn nghệ được tổ chức ở nhà tôi với sự có mặt của giáo sư Lê Hữu Mục để thưởng thức tiếng đàn dương cầm của ông.

Bên cạnh những cuộc vui nho nhỏ đó, sự gắn kết giữa gia đình chị và gia đình tôi còn nhờ thêm chất keo của những lần ra mắt sách của chị hay của anh Nguyễn Quang là phu quân của chị. Vì hiểu nếu muốn việc ra mắt sách được thêm thành công, việc mang âm nhạc vào chương trình sẽ giúp chương trình thêm hào hứng, nên hầu như lần nào anh Nguyễn Quang cũng nhờ nhà tôi, nhạc sĩ Trần Đắt Mỹ giúp cho phần đệm đàn cho các ca sĩ trong phần giúp vui văn nghệ. Vì lẽ đó phần lớn những lần ra mắt sách của anh chị bao giờ cũng có sự tham dự của gia đình chúng tôi.

Giờ đây ngồi nghĩ lại để thấy rằng mặc dầu những niềm vui đó tuy không lớn, nhưng về lâu về dài chính là những kỷ niệm hằn sâu ký ức mình và giúp cho người và người đến gần nhau hơn.

Năm nay mùa thu lại lần nữa trở về. Tôi không muốn tìm biết chị đã trải qua bao nhiêu mùa thu của cuộc đời. Tôi sợ phải đối mặt với sự thật, bởi vì tôi hiểu rõ sự mong manh của kiếp người. Thà rằng như thế tôi sẽ thấy niềm vui được trọn vẹn hơn khi gặp chị, gặp người thân hay gặp bạn bè. Một ngày nào đó chị cũng như tôi phải ra đi, nhưng những giòng chữ này tôi hy vọng tình cảm giữa tôi và chị sẽ còn tiếp tục lưu lại, để có lúc nào đó có người đọc nó sẽ hiểu rằng giữa một khoảng không gian và thời gian đã từng nảy nở tình bạn, tình chị em để giúp những chiếc lá vàng thêm lóng lánh giữa những mùa thu cuộc đời.

 

trích từ Tuyển Tập: “Minh Đức Hoài Trinh: chính khí của người cầm bút”, xuất bản 12-2014
Ngọc Anh
Ngọc Anh

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này