Phần 4: Ca Sĩ Anh Tú – 10 năm ra đi còn mãi trong niềm nhớ của Ca Sĩ Julie (Trần Quốc Bảo)

Anh Tu, Julie

Mời quý bạn đọc những giòng kỷ niệm của nữ ca sĩ Julie khi cô nhận lời TQB ghi lại những kỷ niệm của cô với Anh Tú. Anh Tú và Julie là hai người bạn thân mấy chục năm từ cái thời Julie đi hát còn lấy tên … Julie Quang. Những năm gần đây Julie thường sống tại VN. Thỉnh thoảng mỗi năm đôi ba lần, có việc gì đó Julie mới bay sang Mỹ lại. Lần cuối cùng Anh Tú và Julie gặp gỡ, đó là một buổi chiều nắng còn gắt của tháng 10 năm 2003 tại quán café Factory. Julie hẹn TQB ra quán để trao đổi về một chương trình ca nhạc của cô. Bất chợt TQB có sáng kiến gọi ngay Anh Tú và mời Anh ra ngay quán café khẩn cấp 911. Anh Tú khi ra tới nơi không hề biết Julie có mặt ở nơi đó. Bất ngờ gặp gỡ, hai người bạn xưa mừng mừng rỡ rỡ vô cùng. Những câu chuyện “không tên tiếp nối” cứ thế mà tuôn trào trong giây phút hội ngộ. Ba người trao đổi những dự định sẽ làm vào đầu năm sau, chưa kể đến Show nhạc Thế Giới Nghệ Sĩ tổ chức ngày 26 tháng 12/2003 với Anh Tú, Julie, Thanh Lan để làm một đêm tình ca nhạc Pháp như ngày nào. Julie hứa sẽ bay qua Mỹ trước 10 ngày để tập dượt.

Giã từ quán café, ba người chia tay. Sáng hôm sau Julie về lại VN và chỉ hơn một tháng sau, Julie được hung tin “Anh Tú qua đời”. Từ Mỹ, TQB nhờ Julie viết ngay một tùy bút nhắc lại những kỷ niệm của cô và Anh Tú, và Julie đã gửi ngay E-mail bài viết này. Mời quý bạn thưởng thức bài viết của Julie sau đây:

“Ánh mắt lấp lánh niềm vui, cái ôm ghì thắm thiết ở trong Anh tỏa ra nỗi vui mừng rất chân thành khi gặp lại bạn bè. Đó là hình ảnh của một Anh Tú rất riêng không lẫn lộn. Có thể con trai của Anh có vài nét của Anh nhưng cũng không chép lại được sự linh động, một tâm hồn không thể nảo làm phụ bản được.

Anh và tôi cùng một tuổi đời, có cùng một thời của tuổi trẻ hát ca… Con đường ca hát cho đời mua vui thuở ấy, chúng tôi không hề nghĩ tới mua vui cho đời hay cho người. Sống vô tư, chúng tôi chỉ thấy niềm vui khi ca hát. Mỗi đêm chúng tôi đều gặp nhau. Có khi hát chung sàn diễn, có lúc mỗi ban nhạc đóng đô ở một nơi, nhưng vẫn ới nhau để đi ăn khuya chung với nhau. Đó là những đêm kỷ niệm với quán bánh cuốn Nguyễn Ngọc Linh (quán đó bên hông trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh nên chúng tôi gọi như thế cho tiện) hay ăn phở gà Hiền Vương… và như thế đó chúng tôi sốt ruột để gặp nhau. Chẳng phải gì cả, ngoài thói quen khoe nhau bài hát mới tập, hoặc khoe nhau cái áo mới toanh. Danh vọng lúc đó chưa phải là thứ hấp dẫn được chúng tôi. Tiền bạc ư? Đó là nỗi lo nghĩ của mẹ cha không ảnh hưởng gì đến. Chúng tôi làm ra rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa biết ham tiền là gì? Cuộc đời rất ưu đãi chúng tôi và chúng tôi đón nhận lấy cũng rất ư vô tư.

Ban nhạc của Anh là The Uptight và sau đó là Thúy Hà Tú. Còn tôi thì hát cho ban nhạc The Dreamers, còn gọi là Ban Nhạc gia đình Phạm Duy. Năm 1969, cả hai ban nhạc này cùng xuất hiện lần đầu trong một chương trình Nhạc Trẻ do Kỳ Phát tổ chức tại Queen Bee. Tôi còn nhớ, lúc đó là vào một buổi trưa Chủ Nhật, lần đầu trình diễn ra quân với ban nhạc riêng của mình. Trước đó vài năm, Anh Tú và tôi đều đi hát với nhiều ban nhạc khác nhau trước khi thành lập cho riêng mình một ban nhạc gia đình. Trong lần đầu này, tôi không bỡ ngỡ với sân khấu hay e ngại khán giả nhưng với tôi lần đó là lần ghi đậm rất ấn tượng trong đời ca hát của tôi. Lần đó có mẹ chồng tôi là Thái Hằng đi xem các con thực hiện ước mơ của mẹ cha. Mẹ tôi rơi nước mắt vì sung sướng. Đó là lần đầu tiên tôi biết Anh Tú và Khánh Hà. Tuy chưa quen và chưa trò chuyện nhiều với nhau, nhưng Anh Tú đã gây cho tôi nhiều thiện cảm qua ánh mắt biết cười có một không hai ấy.

Không bao lâu sau, chúng tôi đã thân thiết với nhau trên các sân khấu của các Club Mỹ. Ở Tân Sơn Nhất, nếu The Dreamers diễn ở Officer’s Club thì The Uptight ở USO’s Club. Chúng tôi dặn dò nhau, giờ nghỉ giải lao cách nhau nửa tiếng, để có thể chạy qua chạy lại hát background hổ trợ lẫn nhau. Có khi anh Tuấn Ngọc books show cho cả hai ban nhạc cùng trình diễn trên một sân khấu USO hay USAID, những lần hát chung đó thật là thú vị. Anh bày ra những điệu bộ nhịp nhàng để nhún nhẩy khi trình diễn, chỉ cần Anh nắm lấy tay tôi, nhìn theo bước của Anh là chúng tôi vừa hát vừa nhẩy giống nhau rất đẹp mắt. Anh là phái nam yêu cái đẹp. Tôi là phái nữ yêu cái hay. Chúng tôi mê hoặc nhau tới không cần ý tứ với Anh. Anh cũng không cần chừng mặc với tôi. Giữa hai chúng tôi dừơng như không có làn ranh cách biệt của giới tính. Anh ân cần sửa lại nơ không ngay ngắn trên ngực tôi. Anh xịt keo trên tóc cho tóc tôi man dại hơn. Tôi luôn nghe theo Anh bởi mắt thẩm mỹ của Anh rất lạ, rất ngầu.

Ba mươi năm sau, cái Danh đã tạo thành cái Distance. Chúng tôi không có dịp để hát chung với nhau, yểm trợ cho nhau như ngày xưa nữa. Những buổi ra mắt CD của tôi, Anh vẫn đến tay bắt mặt mừng nhưng cả hai chúng tôi không còn tìm lại được kỷ niệm giống như ngày xưa ấy.

Gần đây tôi muốn thực hiện những gì mình yêu thích, trong đó ít ra phải có một CD nhạc Pháp hát chung với Anh Tú. Cơ hội đó gần tầm tay, khi Việt Anh, chủ nhân của sân khấu Dạ Khúc ngõ lời mời Julie và Anh Tú trình diễn một show nhạc Pháp. Tôi trả lời Việt Anh: “Tại sao không?”. Tôi bàn thảo với Anh Tú và chúng tôi đồng ý trên quan điểm làm thật tốt, để lại ấn tượng đẹp bởi cả hai chúng tôi đều không có thời gian, không còn bao lâu nữa. Tôi đang tiến hành biên soạn những bài hát thì nghe tin Anh ra đi. Tôi không hối tiếc việc chưa làm nhưng hối tiếc đã chưa nói lời muốn nói với Anh khi Anh còn nghe được rằng: “Anh rất đáng yêu, và đời ca hát sẽ không vui đâu nếu không có Anh”.

Giờ đây tôi cố nói với Anh bằng ngôn nhữ của nhân gian, hy vọng Anh sẽ nghe bằng tầng số của linh hồn. Tôi không được nhìn thấy mắt anh cười long lanh nhưng chắc Anh nghe được tiếng lòng tôi rưng rưng. Dù có dở dang mong muốn nhưng nếu đã đến lúc Anh phải trở về thì Anh cứ an nhiên tự tại mà ra đi. Tôi chúc Anh một giấc an lành. Cuộc đời của chúng ta ví như kiếp con Dế hát rong, tôi vẫn phải hát đều hơi cho đến lúc được thật sự nghỉ ngơi như Anh. Anh đừng quên chúng ta có chung một hẹn ước còn chưa làm xong. Hát chung với nhau. Hẹn nhau lần sau.. Chờ đến lúc đó. Tạm biệt nhé. Bạn bè yêu mến”.
JULIE.

2 comments on “Phần 4: Ca Sĩ Anh Tú – 10 năm ra đi còn mãi trong niềm nhớ của Ca Sĩ Julie (Trần Quốc Bảo)

    • Con xin lỗi vì đầu óc lơ mơ do hồi tối ngủ có 3 tiếng nên tìm không ra chữ đành viết Tây ta lẫn lộn. Tính cách cô Julie có vẻ nổi loạn nhưng tư duy cô rất sâu sắc. Cô đã viết một câu rất chí lý “ Tôi không hối tiếc việc chưa làm nhưng hối tiếc đã chưa nói lời muốn nói với Anh khi Anh còn nghe được rằng Anh rất đáng yêu…” Cô Thanh Thuý ơi, con hay nói yêu Cô, thương Cô là vì vậy chứ không phải là “tiếng ngọt trên đầu môi”.

      Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này