Tiếng hát Thanh Thúy với dòng nhạc Phạm Duy (Diệu Quỳnh)

 

 

 

 

Xin chú ý: Xin quí vị bấm vào tên ca khúc có màu xanh để nghe ca khúc đó.

 

 

Cô Thanh Thúy là ca sĩ được thiên phú cho một giọng ca độc đáo, trác tuyệt khó có ai bắt chước được, như nhà văn Hồ Trường An từng  nói: “Cô là một nhà ảo thuật âm thanh. Cô giỡn vọt âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nền nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực rỡ”.

Khi nhắc đến tên tuổi Danh ca Thanh Thúy, khán thính giả thường nhớ ngay và dường như mặc định Cô với dòng nhạc Trúc Phương. Tiếng hát cô Thanh Thúy với dòng nhạc Trúc Phương đã quá quen thuộc và gần gũi với người yêu nhạc trước 75. Cô là người hát rất nhiều và thành công với những nhạc phẩm để đời của nhạc sĩ Trúc Phương như: Nửa đêm ngoài phố, Tàu đêm năm cũ, Chuyện chúng mình, Buồn trong kỷ niệm, Đò Chiều, Hai chuyến tàu đêm, Chiều cuối tuần, Xin cảm ơn đời, v.v. ….

Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc đời ca hát của cô Thanh Thúy, khán thính giả sẽ nhận ra Cô có một “gia tài” phong phú, đa dạng các thể loại và các dòng nhạc của nhiều nhạc sĩ mà Cô đã hát và thâu âm. Trong một lần trả lời phỏng vấn chính cô Thanh Thúy cũng đã xác nhận điều này: “Tôi bắt đầu đi hát một thời gian rất ngắn thì được khán giả thương mến. Tôi hát các bài của các anh Phạm Duy, Anh Bằng, Văn Phụng, Văn Cao, Trúc Phương, Lam Phương, và còn nhiều nhạc sĩ khác… ”

 

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin nhắc đến Cô với dòng nhạc của Nhạc Sĩ Phạm Duy.

Ngay từ lúc mới đi hát, những nhạc phẩm do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác được cô Thanh Thúy thể hiện rất thành công và được nhiều người biết đến.

Như bài nhạc Phố buồn nổi tiếng qua giọng hát Thanh Thúy từ khi Cô hãy còn rất trẻ. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét như sau: “… Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc tái bản tới 8 lần, bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát thanh…”.

Hay như nhạc phẩm “Tiễn em” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, khi mới vừa được giới thiệu đã rất được yêu thích và lúc bấy giờ ở Sài Gòn hầu hết các phòng trà mà cô Thúy đến hát, khán thính giả đều yêu cầu được nghe “Tiễn em” qua tiếng hát của Cô:

“Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…” 

Bài nhạc này được hát theo điệu boston kết hợp với giọng hát chậm rãi, da diết của cô Thúy đã phác họa ra được một khung cảnh tuyệt đẹp và lãng mạn nhưng đượm buồn. Buồn cùng tâm trạng của đôi lứa trong bài nhạc, quyến luyến không nỡ rời trước phút chia ly.

Nếu nhắc đến “Ngày em hai mươi tuổi” của nhạc sĩ Phạm Duy thì cũng không thể nào quên kể tên cô Thanh Thúy. Bài hát ra đời vào đầu thập niên 60, được yêu chuộng và nổi tiếng qua giọng hát Danh ca Thanh Thúy.

Ngày em hai mươi tuổi – Cái độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tuổi vừa chớm biết yêu người nhưng cũng chính là tuổi bắt đầu với những nỗi buồn vu vơ rồi âu sầu và lo sợ không nắm giữ được tình yêu…

Cô Thúy hát “Ngày em hai mươi tuổi” thật uyển chuyển, dịu dàng và dễ thương pha một chút e ấp, thẹn thùng như đóa hoa hàm tiếu. Qua giọng hát của mình cô Thúy giãi bày hộ tâm tư của một người thiếu nữ vừa “từ giã ngây thơ”, từ giã những ngày tháng mộng mơ, cánh cổng mới của cuộc đời cô gái vừa hé mở mà nơi đó có lẽ những ưu tư, muộn phiền đang chờ đón cô.

“Ngày em hai mươi tuổi

 Mới chớm biết yêu người

Ðã buồn vì duyên mới

Rồi đây sẽ nhạt phai…”

        

Một số bài tôi rất thích nghe tiếng hát của cô Thanh Thúy như: Tiếng đàn tôi, Đố ai, Thương ai nhớ ai, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Bên cầu biên giới… Với bài “Tiếng đàn tôi”, khi âm nhạc vang lên hòa quyện với tiếng hát của cô Thúy làm tâm hồn tôi cảm thấy mơn man, bay bổng…

“Mênh mông là ơi

Thuyền về tới bến mê rồi

Khoan khoan hò ơi

Dặt dìu trong tiếng đàn tôi

Mênh mông là ơi

Thuyền về bát ngát hương trời

Khoan khoan hò ơi

Nhịp sầu xa vắng mà thôi…”

 

Còn với bài “Tình hờ” lần đầu tiên khi được nghe Cô hát tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, ngạc nhiên vì trong tâm trí tôi Cô lúc nào cũng là một người thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình nên khi vừa nghe:

“Tôi đang lừa dối anh

  Mà sao anh không biết

  Những lời nói tình duyên

  Với tôi không cần thiết…”

 

Thoạt tiên, tôi hơi ngỡ ngàng, thảng thốt nhưng cũng ráng nghe tiếp rồi sau đó mới giật mình nhớ ra: ồ chỉ là một bài nhạc và Cô đang thể hiện bài hát đó thôi. Sau đó tôi rất thích “Tình hờ” với cách mà Cô hát và mỗi lần nghe đều làm cho tôi xót thương và ngậm ngùi thay cho nhân vật bị phụ tình trong bài hát.

 

Những nhạc phẩm: Thương tình ca, Cành hoa trắng, Một bàn tay, Kiếp nào có yêu nhau, Hai năm tình lận đận, Phượng yêu, Nha Trang ngày về, Khối tình Trương Chi, Giết người trong mộng…  của nhạc sĩ Phạm Duy qua tiếng hát của cô Thanh Thúy đều làm tôi say mê, lần nào cũng vậy nghe một bài rồi cứ muốn được nghe bài tiếp theo không dứt ra được.

Tôi chợt nhớ trong một bài viết của nhà thơ Nguyên Sa khi viết về giọng hát của cô Thúy có một đoạn như sau: “ Dù tango hay rumba, bolero, boston hay valse, paso hoặc nhạc khúc miền Trung đều biến giọng hát Thanh Thúy thành “giọng hát ma túy.” Nghe là phải thích. Thích là phải mê, phải ghiền”. Ông không biết giữa hai chữ “Ghiền” và “Mê” chữ nào mãnh liệt hơn. Còn với tôi thì tôi thích dùng từ “Mê” với chữ “ê” kéo dài mỗi khi nghe cô Thúy hát.

 

Có lẽ chúng ta cũng không xa lạ gì với nhạc phẩm “Bao giờ biết tương tư”, mà nói tới đây thì xin phép được nhắc một chút tới nhạc sĩ Ngọc Chánh, Ông là trưởng Ban nhạc Shotguns lừng lẫy và từng hợp tác với cô Thúy để làm băng nhạc. Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Ngọc Chánh chỉ vỏn vẹn có 3 nhạc phẩm viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư và Tuổi Biết Buồn. Cả 3 nhạc phẩm này đều là nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn nhạc và nhạc sĩ Phạm Duy viết lời.

Nhạc phẩm “Bao giờ biết tương tư” với hai phiên bản mà tôi được nghe trên website thanhthuy.me qua tiếng hát của cô Thanh Thúy thì chỉ biết thốt lên hai chữ “Tuyệt vời”, tiếng hát của Cô trong nhạc phẩm này lúc tha thiết, lúc trào dâng, sự tinh khôi, nguyên vẹn của tình yêu đầu đời được gom vén qua từng lời Cô hát. Quả thật, chỉ có tình yêu, chỉ có khi yêu rồi thì người ta mới có thể “biết”, có thể thấm đẫm cảm xúc tương tư, mong chờ, chộn rộn cả khi buồn cả khi vui là như thế nào. Những cảm xúc chẳng thể tìm được đâu khác ngoài địa hạt của tình yêu.

“Ngàу nào cho tôi biết,

Biết уêu em rồi tôi biết tương tư

Ngàу nào biết mong chờ,

Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…”

        

Tôi đã khóc cùng cô Thanh Thúy qua nhiều nhạc phẩm, cũng như từng khóc cùng Cô với vận nước nổi trôi, nhạc phẩm “Nước non ngàn dặm ra đi” của nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những bài mà nước mắt tôi lăn dài khi nghe và xem Cô hát. Nhạc phẩm này tôi được xem video Cô quay ngoại cảnh, Cô đẹp kiêu sa, diễm kiều, phải chăng người đẹp thì làm gì cũng đẹp, xúc động mỗi khi hát tôi thấy Cô càng đẹp và quyến rũ hơn với đôi dòng lệ ngấn dài.

“ Nước non ngàn dặm ra đi

Dù đường thiên lý xa vời

Dù tình cố lý chơi vơi

Cũng không dài bằng

Lòng thương mến người…”

 

“Nước non ngàn dặm ra đi” là một ca khúc mang tính lịch sử, trong phần hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy giải thích rằng ca khúc này công chúa Huyền Trân muốn nói con đường thiên lý kia có dài đằng đẵng, nhưng dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người như nàng khi xưa. Qua tiếng hát như thủ thỉ, tâm tình của cô Thúy làm cho người nghe thấu rõ nỗi tang thương, thống khổ của đất nước trong thời kì tối tăm.

 

Và thêm một nhạc phẩm nữa của nhạc sĩ Phạm Duy qua tiếng hát của cô Thanh Thúy cũng đã lấy đi không ít nước mắt của tôi đó là bài: “Tưởng như còn người yêu” được phổ từ bài thơ “Ngày mai đi nhận xác chồng” của nhà thơ Lê Thị Ý. Tiếng hát mà như tiếng lòng, tiếng nức nở, nghẹn ngào của cô Thúy làm tôi hình dung ra cảnh đàn bà, con nít đến lật từng cái poncho quấn xác để nhận mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Khi hát “Tưởng như còn người yêu” dường như Cô Thúy đã hòa mình vào nỗi đau chung với những người có chồng chết trận và như thể đó cũng là nỗi đau của chính Cô nên giọng hát mới ai oán làm sao và mới lột tả hết được tận cùng của nỗi đau này.

“Em không nhìn được xác chàng

Anh lên lon giữa hai hàng nến trong

Mùi hương cứ tưởng hơi chàng

Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu…”

 

Hai nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy qua tiếng hát của cô Thanh Thúy mà tôi đặc biệt yêu thích và để dành cho đến phần cuối bài mới nhắc đến là bài “Hẹn hò”“Thuyền viễn xứ”, không hơn không kém tôi yêu hai bài này như nhau, hai bài nhạc gọi là “gối đầu giường” mà tôi không thể không nghe mỗi buổi tối hoặc sáng sớm, nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất và tôi yêu thương tiếng hát của Cô đậm sâu cũng qua những bài này.

“Một người ngồi bên kia sông

im nghe nước chảy về đâu

Một người ngồi đây

trông hoa trôi theo nước chảy phương nào

Trời thì mưa rơi

mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau…”

 

Khi mới vừa nghe Cô hát những câu đầu tiên của bản nhạc thôi là hồn tôi đã thấy tê dại, mê mệt, giọng hát ấy cứ cuốn lấy tôi, nhiều lúc có những chữ Cô hát quá hay đến nỗi khiến tôi không muốn có bất cứ một cử động nhỏ nào để phải xao nhãn nó. Giọng trầm của Cô qua bài này càng thể hiện rõ hơn, trầm mà quý phái, mỗi chữ Cô hát đều sang trọng và sáng lấp lánh như được bọc qua một lớp pha lê. Nhiều khi nghe Cô hát mà tôi có cảm tưởng như là đang nghe Cô kể một câu chuyện trên nền nhạc, trong bài này Cô đang kể cho tôi nghe câu chuyện tình buồn của Chàng Ngưu và Nàng Chức.

 

Tiếng hát của cô Thúy như những giọt mưa rớt xuống từ trời cao, từng giọt, từng giọt đau buốt nhưng cũng mê đắm ngọt ngào. Cô Thúy là hiện thân của nỗi buồn: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng và vô định…

“Một người bèn ra ven sông

buông theo nước cuồn cuộn mau

Một người chìm sâu

trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu

Cuộc tình thương đau

êm êm trôi theo nước xuôi về đâu?

Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau”

 

Có người từng nói rằng: “Giọng hát Thanh Thúy in hằn sức nặng thời gian, da thịt loài người” tôi cảm nhận điều này thật rõ khi nghe Cô hát “Thuyền viễn xứ”, bài nhạc đã lặng lẽ trôi qua cùng bao nhiêu năm tháng nhưng nghe Cô hát tôi thấy cái buồn sầu mang mang của lòng người, cái buồn nhuốm vào vạn vật, cái riêng hoà vào cái chung của thời cuộc, của thế thái nhân tình vẫn thấp thoáng đâu đây.

“Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa

Một lần qua dạt bến lau thưa

Hò ơi! giọng hát thiên thu

Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về…”

        

Tôi thích cách Cô bắt đầu mỗi bài hát với một phong cách riêng và rất ấn tượng. Thích hơn nữa là cách nhả chữ của Cô, nhả chữ nào chắc chữ đó, nặng như chì và rền như sấm. Trong từng chữ đều in hằn sức nặng của thời gian, da thịt loài người. Cô không cần phải nhấn nhá nhiều vì bản thân cách hát tự sự, chậm rãi của Cô đã nhấn vào mọi chữ rồi.

“Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa

Trời cao chìm rơi xuống đời

Biết là bao sầu trên xứ người…”

        

Nhạc phẩm “Thuyền viễn xứ” được nhạc sĩ Phạm Duy rất tâm đắc khi phổ từ thơ của nữ sĩ Huyền Chi, chính vì vậy được rất nhiều ca sĩ chọn để trình bày nhưng với tôi vẫn là tiếng hát Thanh Thúy thể hiện thành công xuất thần và có hồn nhất. Tiếng hát trầm buồn, day dứt của Cô đã nói hộ nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của những người con tha hương luôn hướng về quê mẹ đau thương, khó nghèo.

        

Theo như tôi mới được biết, thời gian đầu khi vừa qua hải ngoại cô Thúy có hát thêm một số nhạc phẩm nữa của nhạc sĩ Phạm Duy như: “Quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”, “Ở bên nhà em không còn chờ đợi anh”, “Thư em đến”… đây là những bản nhạc thuộc chủ đề di tản, lưu vong. Tôi rất thương và đau lòng mỗi khi nghe Cô hát loại nhạc này.

Nghe Cô hát nhạc phẩm “Thư em đến” của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Cao Tần, là tôi lại liên tưởng đến nhạc phẩm “Một chút quà cho quê hương” của nhạc sĩ Việt Dzũng, trong một lần hát Đại nhạc hội Cám ơn anh, khi khán thính giả yêu cầu cô Thúy hát “Một chút quà cho quê hương” thì Cô hát được một đoạn rồi nghẹn ngào khóc và không thể nào hát tiếp được vì quá xúc động. Cũng mang nội dung của dòng nhạc di tản nhưng “Thư em đến” có phần nhẹ nhàng hơn:

“Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già

Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh

Nuôi một bầy con cuối đời vắng lạnh

Cho anh ôm hôn ơn nặng một thời xa…”

 

Bài hát này có lẽ ít được phổ biến trên mạng, tôi tình cờ nghe được trên website của cô Thúy, giọng hát của cô Thanh Thúy cùng với giọng hát bè phụ họa của cô Thanh Châu tạo cho bài nhạc một khoảng lặng, một dư âm vọng xa, để lại trong tôi sự xót xa và niềm thương cảm cho những người buộc lòng rời bỏ quê hương để đi tìm tự do nên phải chịu cảnh ly biệt:

“Gửi cho anh thêm một tờ giấy trắng

Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa

Anh sẽ đọc ra mênh mông đời lạnh vắng

Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa…”

        

Như đã nói ở trên, Cô Thúy không dừng ở một hay một vài nhạc sĩ mà Cô hát được nhiều dòng nhạc của nhiều nhạc sĩ. Từ cuối thập niên 50 đến thập niên 70, cô Thúy là ca sĩ thượng thặng vang danh ở Sài Gòn chính vì vậy mỗi khi đặt được bài nhạc nào mới các nhạc sĩ thường đưa tới nhà, nhờ Cô hát và tập cho Cô hát. Cô Thúy rất thương nhạc sĩ và muốn giúp họ nên Cô không nỡ từ chối một ai, và đây cũng là một trong những lý do tại sao cô Thúy hát nhạc của rất nhiều nhạc sĩ lúc bấy giờ. Nếu giọng trầm buồn là màu sắc chủ đạo của Cô thì ở mỗi dòng nhạc Cô chọn một kiểu hát khác nhau. Với dòng nhạc bình dân hay dòng nhạc trữ tình, quê hương, giọng hát của Cô giản dị, mộc mạc, chân chất dễ đi vào lòng người như để tâm tình, sẻ chia. Còn với dòng nhạc tiền chiến như nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy thì tiếng hát của Cô sang trọng, bay bổng và ngời sáng qua từng chữ, cho người nghe cảm nhận được chất hàn lâm, quý tộc mà người nhạc sĩ sáng tác theo dòng nhạc này muốn thể hiện.

        

Cô Thanh Thúy là một phần máu thịt, một phần trong cuộc sống của tôi, tôi yêu thương Cô và tiếng hát của Cô đã hơn hai phần ba cuộc đời nên trong bài viết này nếu có những chỗ tôi nhận xét về Cô hay cảm nhận của tôi về những nhạc phẩm Cô hát mà không đồng quan điểm thì mong người đọc thông cảm. Nghệ thuật mà đặc biệt là âm nhạc được cảm nhận tùy theo sở thích, tâm trạng và tình cảm của mỗi người, không ai giống ai. Với tôi, những bài mà cô Thanh Thúy đã hát và tôi đã nghe rồi thì không ai có thể hát hay hơn Cô được nữa.

        

Cuối cùng, trước khi kết thúc bài viết này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn với nhạc sĩ Phạm Duy – Người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc đã để lại cho đời những tuyệt phẩm và xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Tiếng hát Liêu Trai của cô Thanh Thúy đã chuyển tải những nhạc phẩm ấy thật tuyệt vời. Xin cảm tạ đất trời đã ưu ái ban tặng “báu vật” cho phương Nam.

                                                                    Phan Thiết, 06/10/23

                                                                 

 

6 comments on “Tiếng hát Thanh Thúy với dòng nhạc Phạm Duy (Diệu Quỳnh)

Bình luận về bài viết này