MỘT BÀI THƠ KỲ LẠ

 

 

 

 

 

Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời !
Phải nói là bái phục bài thơ lạ kỳ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu từ Paris đăng trên “Khuôn Mặt Văn Nghệ”.

Không biết tác giả là ai, nhưng khi đọc bài thơ này ta vô cùng khâm phục tác giả của bài thơ, càng thêm yêu quý và càng phải giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt.

Cũng có nguồn cho bài thơ này là “Cảnh Xuân”, của Thi Sĩ Hàn Mạc Tử.

Bây giờ ta hãy chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của bài thơ này :

 

1. Bài thơ gốc :

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

 

2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

 

3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
(Sẽ có một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) :

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

 

4. Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta sẽ được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) 

Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

 

5. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc :

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

 

6. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta đọc ngược từ dưới lên :

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

 

7. Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc :

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

 

8. Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ngược từ dưới lên :

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta

 

2 comments on “MỘT BÀI THƠ KỲ LẠ

  1. Cô ơi! Tiếng Việt của chúng ta thật là phong phú Cô nhỉ! Bài thơ “Cảnh Xuân” này (Theo nhiều ý kiến cho là của thi sĩ Hàn Mặc Tử) được viết theo thể thơ Lục chuyển hồi văn hay còn gọi là Thơ xuôi ngược, thơ Thuận nghịch độc đây là một thể thơ độc đáo có nhiều cách đọc sáng tạo, thú vị.
    Để góp vui với Trang nhà con cũng xin giới thiệu một bài thơ độc đáo mà con đọc được trong tập “Những Vần Thơ Vịnh Kiều”. Bài thơ thất ngôn bát cú sau có tựa là “Tiếc Thương” với 32 cách đọc khác nhau. Ở mỗi cách đọc ta có thể đặt một tựa đề mới cho bài thơ.
    Cách 1: Đọc Xuôi : (Bài thơ gốc)
    Vương tình lệ thảm, khóc hồn oan.
    Nát rữa đời xuân, mộng dở dang
    Sương khói lạnh mờ, mây khuất nguyệt,
    Gió mưa sầu rũ, phiếm rơi đàn
    Gương hờn tủi phận, vùi son phấn,
    Lược trách buồn duyên, lỡ đá vàng
    Hương sắc đắm chìm, thân mệnh bạc,
    Thương lòng xót liễu, rụng đài trang.
    Cách 2: Đọc Ngược:
    Trang đài rụng liễu xót lòng thương.
    Bạc mệnh thân chìm, đắm sắc hương
    Vàng đá lỡ duyên, buồn trách lược,
    Phấn son vùi phận, tủi hờn gương
    Đàn rơi phiếm rũ, sầu mưa gió,
    Nguyệt khuất mây mờ, lạnh khói sương
    Dang dở mộng xuân, đời rữa nát.
    Oan hồn khóc thảm, lệ tình vương
    Cách 3: Bỏ 2 chữ đầu trong mỗi câu của bài đọc xuôi:
    Lệ thảm khóc hồn oan
    Đời xuân mộng dở dang
    Lạnh mờ mây khuất nguyệt
    Sầu rũ phiếm rơi đàn
    Tủi phận vùi son phấn
    Buồn duyên lỡ đá vàng
    Đắm chìm thân mệnh bạc
    Xót liễu rụng đài trang.
    Cách 4: Bỏ 2 chữ đầu trong mỗi câu của bài đọc ngược:
    Rụng liễu xót lòng thương
    Thân chìm đắm sắc hương
    Lỡ duyên buồn trách lược
    Vùi phận tủi hờn gương
    Phiếm rũ sầu mưa gió
    Mây mờ lạnh khói sương
    Mộng xuân đời rữa nát
    Khóc thảm lệ tình vương.
    Cách 5: Bỏ 3 chữ đầu trong mỗi câu của bài đọc xuôi:
    Thảm khóc hồn oan
    Xuân mộng dở dang
    Mờ mây khuất nguyệt
    Rũ phiếm rơi đàn
    Phận vùi son phấn
    Duyên lỡ đá vàng
    Chìm thân mệnh bạc
    Liễu rụng đài trang.
    Cách 6: Bỏ 3 chữ cuối trong bài đọc ngược:
    Liễu xót lòng thương
    Chìm đắm sắc hương
    Duyên buồn trách lược
    Phận tủi hờn gương
    Rũ sầu mưa gió
    Mờ lạnh khói sương
    Xuân đời rữa nát
    Thảm lệ tình vương.
    Cách 7: Bỏ 3 chữ cuối trong mỗi câu của bài đọc xuôi:
    Vương tình lệ thảm,
    Nát rữa đời xuân
    Sương khói lạnh mờ,
    Gió mưa sầu rũ
    Gương hờn tủi phận,
    Lược trách buồn duyên
    Hương sắc đắm chìm
    Thương lòng xót liễu
    Cách 8: Bỏ 3 chữ cuối trong mỗi câu của bài đọc ngược:
    Trang đài rụng liễu
    Bạc mệnh thân chìm
    Vàng đá lỡ duyên
    Phấn son vùi phận
    Đàn rơi phiếm rũ
    Nguyệt khuất mây mờ
    Dang dở mộng xuân
    Oan hồn khóc thảm
    Cách 9: Bỏ 3 chữ cuối trong mỗi câu của bài đọc ngược, nhưng đọc từ dưới lên:
    Oan hồn khóc thảm
    Dang dở mộng xuân
    Nguyệt khuất mây mờ
    Đàn rơi phiếm rũ
    Phấn son vùi phận
    Vàng đá lỡ duyên
    Bạc mệnh thân chìm
    Trang đài rụng liễu
    Cách 10: Bỏ 4 chữ đầu trong mỗi câu của bài đọc xuôi:
    Khóc hồn oan
    Mộng dở dang
    Mây khuất nguyệt
    Phiếm rơi đàn
    Vùi son phấn
    Lỡ đá vàng
    Thân mệnh bạc
    Rụng đài trang
    Cách 11: Bỏ 4 chữ đầu trong mỗi câu của bài đọc ngược:
    Xót lòng thương
    Đắm sắc hương
    Buồn trách lược
    Tủi hờn gương
    Sầu mưa gió
    Lạnh khói sương
    Đời rữa nát
    Lệ tình vương

    Bài thơ này vẫn còn 21 cách đọc khác nhau nữa nhưng nếu con viết hết lên đây thì hơi dài với con mỏi tay quá. Nên con chỉ xin đơn cử một vài cách để mọi người đọc giải trí lành mạnh. Còn lại mỗi người tự “biến tấu” cho đủ 32 cách đọc và có thể hơn như vậy nha. Đọc thơ đã là một thú tao nhã nhưng đọc một cách sáng tạo còn giúp chúng ta rèn luyện thêm về tư duy và vốn từ.

    Đã thích bởi 2 người

  2. Cô ơi, trước HMT có vua Thiệu Trị của triều Nguyễn viết một bài thơ đọc ra có 64 bài thôi. Chữ được xếp theo vòng tròn đồng tâm, đọc xuôi đọc ngược đọc theo đường chéo cũng được luôn. Bài thơ này được cẩn bằng xà cừ trên gỗ và lưu giữ ở Bảo tàng Cổ Vật trong kinh thành Huế.

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s