Nguyễn Long và mối tình một chiều với Thanh Thúy (Du Tử Lê)

Trong số hàng chục nghệ sĩ từng bày tỏ tình yêu một chiều với Thanh Thúy, dư luận ghi nhận một người “can đảm” đi hết “con đường tình… một chiều” dài thăm thẳm của mình, mà không hề có khoảnh khắc ngập ngừng nào, đó là tài tử Nguyễn Long.

Nguyễn Long (1), trong một hồi ký được tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ, bộ cũ, số 36, đề Tháng Sáu, 1995, đăng lại, Nguyễn Long cho biết, trước khi thực hiện phim “Thúy Đã Đi Rồi” vào cuối năm 1961, ông đã có tất cả ba vở kịch, mà Thanh Thúy là linh hồn chính…

Đó là các vở kịch “Ghen,” được diễn tại rạp Cathay và sân khấu Anh Vũ – với Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, hợp cùng các diễn viên Ba Bé, Linh Sơn, Nguyễn Long… vào đầu năm 1960.

Vở kịch thứ hai, tựa đề “Khi Người Ta Yêu Nhau,” diễn tại rạp Hưng Đạo, cũng trong năm 1960 – với Kim Cương nhập vai Thanh Thúy, cùng Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé và Nguyễn Long.

Vở kịch thứ ba, có tên “Tan Tác,” cũng vẫn Kim Cương vai Thanh Thúy, cùng với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và Nguyễn Long…

Không biết có phải vì thấy rằng, ba vở kịch viết riêng cho “tiếng hát liêu trai” vẫn chưa đủ “nặng ký,” để Thanh Thúy chú ý tới tình yêu cuồng nhiệt của mình, nên Tháng Mười Một, 1961, Nguyễn Long viết, và quay cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi;” với Minh Hiếu vai Thanh Thúy, Yến Vĩ vai Thanh Mỹ (em ruột Thanh Thúy?); và Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa cùng rất nhiều nghệ sĩ khác, như Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Hương, Hề Minh…

Được biết, nội dung cuốn phim mô tả một ông đạo diễn yêu say mê một ca sĩ, nhưng không được đáp lại. Ông bị ám ảnh tới mức thấy thiếu nữ nào, ông cũng liên tưởng tới người ca sĩ mà ông đã đem lòng tương tư đêm, ngày. Cuối cùng, trong một phút bốc đồng, mất kiểm soát, người đạo diễn kia đã bắt cóc và giết chết cô ca sĩ. Tuy nhiên, không nhờ thế mà ông ta xóa nhòa được hình ảnh cô ca sĩ trong tâm tưởng. Cuối cùng, đạo diễn nọ, đã chọn khung cảnh trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, để tự vẫn.

Phải chăng vì tính bi thảm quá dữ dội của nội dung phim, nên phim “Thúy Đã Đi Rồi” bị cấm tới năm 1964, mới được phép công chiếu (?). Khi đó, Nguyễn Long đã lập gia đình. Do đấy, vì tế nhị, Nguyễn Long kể rằng: “…Phim chỉ được chiếu một lần ở Sài Gòn và một lần ở Huế! Nhưng dù sao thì cuốn phim cũng đã được biết đến một cách rộng rãi trong quần chúng.”

Vẫn theo Nguyễn Long thì sự phổ cập của cuốn phim, sớm trở thành một “cách nói” mới. Đó là khi tìm bạn, không gặp, người tìm đã để lại lời nhắn rằng “Thúy đã đi rồi!”

Tài tử Nguyễn Long cũng ghi thêm, thời gian kể trên là thời gian Thanh Thúy nghỉ hát để lo chuyện gia đình: Cô thành hôn với Đại Úy Không Quân Ôn Văn Tài, năm 1963…

Năm 1967, “tiếng hát liêu trai” trở lại với không khí phòng trà Ritz ở đường Trần Hưng Đạo, không thành công. Nửa chừng, Thanh Thúy trở lại Cần Thơ, là căn cứ không quân, Ôn Văn Tài phục vụ, thời đó.

Tới cuối năm 1972, một lần nữa, Thanh Thúy trở lại Sài Gòn, hát cho phòng trà Quốc Tế, đường Lê Lợi, với ban nhạc Ngọc Chánh. Lần này, “tiếng hát lúc không giờ” được mô tả là thành công, ngoại lệ.

Nguyễn Long kể: “Sự kỳ diệu hiếm hoi đã xảy đến cho Thanh Thúy khi tiếng hát của Thúy lại vang xa, vang xa hơn, và vẫn thu hút, vẫn quyến rũ như ngày nào…”

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Long cũng kể chuyện đầu năm 1963, ca sĩ Duy Khánh (một trong những nghệ sĩ cũng từng âm thầm theo đuổi Thanh Thúy nhiều năm trước), tổ chức một chương trình đại nhạc hội ở ba nơi: Huế, Đà Nẵng và, Quảng Trị… (2)

Phần kịch, Duy Khánh chọn diễn mấy vở của Nguyễn Long cùng với ban nhạc Thăng Long, Thanh Thúy, Mai Vi, Khánh Băng và, Nguyễn Long.

Sau đêm hát cuối cùng ở Quảng Trị, hôm sau, mọi người trở lại Đà Nẵng, để lên máy bay về Sài Gòn. Theo sắp xếp thì trên chiếc citroen từ Quảng Trị về Đà Nẵng, sẽ có vợ chồng Nguyễn Long, Hoài Bắc, Thanh Thúy và Duy Khánh. Tuy nhiên, để bày tỏ tình yêu cũng như cho thấy sự… can đảm vì tình yêu, Duy Khánh nhất định không đi xe hơi mà, một mình chạy chiếc vespa về thấu Đà Nẵng.

Đường xa có tới hàng trăm cây số, theo Nguyễn Long đường đi có nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoằn nghèo, lên, xuống đèo rất nguy hiểm… Nhưng Duy Khánh vẫn lái chiếc vespa như bay trước mũi xe citroen…

Nguyễn Long viết: “Nhiều khi anh lại cố tình lái sát bờ đèo để tỏ cho người ngồi trong xe biết là anh đang rất buồn và sẵn sàng… được chết. Những trường hợp như thế hay với bất cứ trường hợp nào khác, Thanh Thúy cũng chỉ mỉm cười…”

Sự việc diễn ra ngay trước mắt này, khiến Nguyễn Long chợt nhìn lại mình. Họ Nguyễn nhớ, ông từng có 400 đêm ngủ trước cửa nhà Thanh Thúy. Ông cũng có chín lần lái xe đâm thẳng vào quán Anh Vũ, lúc Thanh Thúy, có mặt, trình diễn. Ngoài ra, trong thời gian quay phim “Thúy Đã Đi Rồi” ở Huế, thình lình nhận được điện thoại của “tiếng hát liêu trai,” Nguyễn Long đã lái xe từ lúc 5 giờ sáng ở Huế, để có mặt tại Sài Gòn 9 giờ tối ở phòng trà Tự Do…

Ông tâm sự: “Rất nhiều lần tôi tỏ ra là một cây si… ‘nặng ký,’ nhưng cũng chỉ nhận được nụ cười, như nụ cười Thanh Thúy đã dành cho Duy Khánh mà thôi.”

***

Sau biến cố 1975, mãi tới Tháng Năm, 1981, người thực hiện, và đóng vai chính trong cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi,” mới gặp lại Thanh Thúy ở San Francisco (sau hơn 10 tháng ở trại đảo). Nguyễn Long viết: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình và thấy Thanh Thúy hát trên sân khấu San Francisco, tôi thấy Thúy muôn đời không thay đổi. Thúy là người ca sĩ, bạn hiền nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Giọng hát của Thúy vẫn như xưa. Có phần chắc hơn, già dặn và rung cảm hơn. Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình, không sút giảm dù qua biết bao thăng trầm của đất nước và cá nhân…” (Du Tử Lê)

Chú thích:

(1) Tài tử Nguyễn Long tên thật Nguyễn Ngọc Long, sinh ngày 2 Tháng Ba, 1934, tại Hải Phòng. Ông mất ngày 2 Tháng Mười Một, 2009, ở thành phố Seattle, Washington. (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư)

(2) Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Duy Khánh sinh năm 1936 tại Quảng Trị; mất năm 2003 ở miền Nam California. Ông được coi là một trong tứ trụ của nhạc vàng thời kỳ đầu. Ba người kia là Nhật Trường, Hùng Cường và Chế Linh. (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư)

September 14, 2018

nguon: nguoi-viet.com

11 comments on “Nguyễn Long và mối tình một chiều với Thanh Thúy (Du Tử Lê)

  1. Cô ơi lâu nay con bận quá nên không thường xuyên lên để tâm sự với cô được. Con đành nuốt nỗi nhớ cô vào trong hoàn thành công việc. Ngày nào trước khi bắt đầu làm con cũng mở youtube bài “Cánh hoa yêu” để cô hát cho con nghe và khi kết thúc một ngày thì con có thể nghe cô hát bất cứ bài nào. Cô ơi! sao cô có giọng hát cứ làm người ta phải quấn quít, phải yêu thương cô không ngừng vậy cô? Có người yêu cô từ lúc lên ba, có người yêu cô cả khoảng thiếu thời, có người yêu cô đến suốt một cuộc đời. Có lẽ trong những danh ca ngày xưa cô là người thành công và hạnh phúc nhất, vì cái còn lại sau hào quang của ánh đèn sân khấu đó không phải là danh vọng, không phải vật chất hay là những gì khác mà đó chính là TẤM CHÂN TÌNH của khán thính giả gần xa dành cho cô. Ông Nguyễn Du đã từng thốt lên rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Và con tin rằng không phải đợi ba trăm năm sau như câu Kiều của Nguyễn mà từng ngày, từng giờ vẫn luôn có người nhớ đến cô, yêu thương cô và luôn nguyện cầu cho cô khỏe mạnh, an lạc.
    Cô ơi mấy nay con cũng bớt việc nên có thời gian con lại lên trang nhà Thanh Thúy đấy cô, con thấy như được gần cô hơn. Nhưng trang vừa mở lên con thấy hình ảnh cô hiện lên với chứa chan hai dòng lệ tuy rất đẹp nhưng làm con thấy đau lòng quá cô ơi. Con không muốn nhìn thấy cô khóc, hễ cô khóc là con khóc theo….huhu….Con muốn được nhìn hình ảnh cô thật đẹp, thật vui con mới yên lòng. Nên có thể vì một chút mong cầu nhỏ bé của con mà thay tấm hình đại diện của trang với một cô Thúy cười thật đẹp để con ấm lòng hơn được không ạ? Bây giờ điều con luôn cầu nguyện là cô thật khỏe, thật vui cô nhé! Con yêu cô vô vàng….<3

    Đã thích bởi 1 người

    • Xí! Hổng dám đâu à. Cô sẽ đọc và sẽ vui vì có đứa yêu cô đến vô cùng tận. Mà cô đọc thư em cô ngủ được thì em sẽ viết nhiều viết dài hơn nữa cho cô ngủ ngon giấc. Chỉ sợ cô đọc thơ em biên cô cảm động quá ngủ hổng nổi thôi hà. Ở quê nhà nghe tin bên cô cháy rừng em lo quá mèo ơi. Cô ơi! Đám cháy có ảnh hưởng đến chỗ cô ở không ạ? Con cầu nguyện cô và gia đình cô được bình an, mạnh khoẻ! Con yêu cô! 🥰

      Thích

  2. Cô ơi, không biết tài tử Nguyễn Long lúc đó vì quá say mê Cô hay sao nên lẫn lộn thời gian, địa điểm tùm lum hết. Những năm 60 mà chạy xe cách nào chỉ mất 16 tiếng từ Huế về đến Saigon qua 3 cái đèo lớn và vô số đèo nhỏ trên đường thiên lý Bắc Nam thì đúng là kỳ tích! Từ Quy Nhơn hay Nha Trang còn khả dĩ chứ từ Huế thì con nghi lắm. Nhưng chắc là tình si chắp cánh nên bay nhanh vậy🤣🤣🤣.
    Cô chỉ ngồi cười mặc tình ai liều mạng cứ liều chắc là do Cô hãi hùng quá và thấy ớn óc quá nên tê dại hết cảm xúc mà cạn lời luôn, cứ ngồi cười cho…đúng phép lịch sự!!!

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này