Nhạc sĩ Anh Bằng và Đêm Nguyện Cầu (Minh Nguyệt)

Nhạc phẫm đầu tiên của nhóm Lê Minh Bằng, với ảnh Thanh Thúy

Nhạc phẫm đầu tiên của nhóm Lê Minh Bằng, với ảnh Thanh Thúy

Mỗi một chúng ta có thể làm những việc mà không ai khác có thể làm được…có thể yêu những điều mà không ai khác có thể yêu… Chúng ta như vĩ cầm. Chúng ta có thể được ứng dụng như vật chắn cửa hoặc là chúng ta có thể sáng tác nhạc. Anh biết phải làm gì.” – Nữ sĩ Barbara Sher

(Nguyên Văn: Every single one of us can do things that no one else can do–can love things that no one else can love… We are like violins. We can be used for doorstops, or we can make music. You know what to do.”

Âm nhạc là một phần sáng tạo của đời sống. Thiếu âm nhạc thì sự sống sẽ gần như thiếu tất cả. Âm nhạc giống như một tác phẩm lịch sử khắc ghi lại vết thương của một đoạn đời đã qua và tâm trạng của người đã từng kinh nghiệm qua dòng đời đó. Âm nhạc là nỗi thổn thức của nhạc sĩ trước những diễn biến của đời sống trước mắt, của bao nỗi đau thương tang tác trong cuộc chiến khốc liệt, chan chứa mọi hệ lụy của tình yêu và cuộc đời. Nhạc sĩ thay vì ngậm ngùi, họ đã can đảm đứng lên trong nỗi niềm bi thiết đó. Thay vì gặm nhắm đắm chìm trong nỗi sầu muộn, nhạc sĩ đã chọn lựa con đường sáng tác để vinh danh đoạn đời mà nhạc sĩ đã đi qua, và thế hệ con cháu mai sau của họ sẽ mãi bàng hoàng kinh ngạc trước dòng nhạc thắm thiết mà nhạc sĩ đã gieo trong họ với những cảm xúc bất chợt ở một đoạn đời quá khứ rất xa xôi, ở những biến động chiến tranh của quê hương mà họ chưa bao giờ được biết. Họ sẽ khám phá và sẽ tìm thấy lịch sử quê nhà trong dòng nhạc của nhạc sĩ. Họ sẽ tìm thấy những điều cao quí trong chuỗi đời bình thường mà nhạc sĩ đã biểu hiện qua lời nhạc của họ và họ sẽ cảm nhận được những nỗi sầu muộn cay đắng nhọc nhằn mà cha ông của họ bao năm hằng gánh chịu.

Vì thế, tôi cho nhạc sĩ là một sử gia. Vì họ đã ghi chú lại hình ảnh xưa kia qua âm thanh. Âm thanh đó sẽ ngàn năm giao động lòng người, cho con người của thế hệ hôm nay và có lẽ kể cả những con người của các thế hệ tiếp nối đồng cùng kinh nghiệm cái kinh nghiệm mà nhạc sĩ đang mở ra trước mắt họ. Nhạc sĩ đã trải dài tâm trạng của họ trên những dòng âm thanh cao vút với những nét chấm phá đại tài qua những chất xúc tác đầy ấp trong họ. Khi người ca sĩ hát lên lời nhạc của họ, chính họ cũng sẽ chết chìm trong đó cái cảm xúc dị thường mà nhạc sĩ đã cảm xúc, và người ca sĩ cũng chuyên chở được cảm xúc đó đến người nghe tâm hồn nhậy cảm của nhạc sĩ. “Đó là tôi, và đây là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Xin hãy sống và hãy cùng kinh nghiệm với tôi đoạn đời bi thương đó. Tôi đã sống qua nó và các vị sẽ sống qua nó bằng hồn nhạc, bằng sự cảm xúc của trái tim mà tôi đã ghi chép lại bằng những nốt nhạc.”

Nhạc sĩ Anh Bằng, như bao nhạc sĩ tài danh khác, đã ghi chép lại trong giai đoạn lịch sử của quê hương. Ông đã làm những việc mà có lẽ không ai khác có thể làm được. Ông có thể yêu những điều mà không ai có thể yêu. Ông đã sống qua nó và ông muốn chia sẻ cái kinh nghiệm sống đó với người nghe và đánh thức trong họ dòng cảm xúc mà ông đã từng cảm xúc xưa kia qua chiến tranh.

Khi tôi dò theo tiểu sử và những bản nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng, tôi thấy được đoạn đời mà ông đã đi qua, đã cảm nghiệm bằng chính tâm hồn của ông. Qua bản nhạc Đêm Nguyện Cầu, tôi thấy được nổi đau của quê hương và lời ông như văng vẳng vọng lại từ cái Đêm Nguyện Cầu đó.

“Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài
Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai …”

Ông đã lắng tiếng nói và ông kêu gọi chúng ta hãy cùng lắng tiếng nói như ông vì chỉ khi nào tâm hồn chúng ta có thể lắng xuống, chúng ta mới hiểu được, và mới có thể mở rộng cửa lòng để lắng nghe lời cầu nguyện của một người lính đang van cầu Thượng Đế xót thương quê hương của ông. Và ông còn chia sẻ…” Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối…” Không, con tim chân chánh không bao giờ nói dối khi con tim đó đang hướng vọng về Thượng Đế. Lời nhạc đó làm tôi xúc động vì nhạc sĩ Anh Bằng đã phác họa cho tôi thấy được hình ảnh của một người lính đang quỳ gối nguyện cầu dưới lằn bom đạn, mặc tình súng nổ bên tai ông. Hình ảnh đó làm người nghe cảm thấy muốn khóc.

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Bâng khuâng nghe súng vang trong sa mù
Buồn gục đầu nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu.”

Phải nói nhạc sĩ Anh Bằng không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một họa sĩ. Ông đã cho mọi người thấy rõ được hình ảnh của một người lính sống giữa chiến cuộc. Tuy cận kề với cái chết, dù hồn ông mang những vết thương trần ai và ông đã lăn lộn cuộc đời chiến binh qua bao năm trường rồi nhưng người lính đó không hề nghĩ đến bản thân mình, ông chỉ nghĩ đến quê hương của ông và những người dân lành phải vật vã khốn khổ giữa cuộc chiến kinh hoàng đó. Ông đã chấp tay, đã cầu nguyện, và nghe hồn ông khóc đến rướm máu trước một quê hương đầy trăm ngàn ưu sầu. Tôi đã nghe bản nhạc này từ lúc còn nhỏ. Mấy người chú của tôi thường dạo đàn ghi ta ở phòng khách mỗi khi họ đến nhà chơi và họ thường ngâm nga bản nhạc đó vào mỗi đêm Giáng sinh. Có lẽ chính vì vậy mà tôi đâm ra yêu thích bản nhạc đó hay chăng? Có lẽ như vậy. Nhưng những dòng chữ tiếp đó khiến người nghe thêm bàng hoàng chấn động.

“Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.

Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên.”

Khi có chiến tranh thì tất có nhiều sóng gió. Sóng gió của những người dân chạy nạn. Sóng gió của mẹ khóc con, vợ khóc chồng, người đầu bạc tiển đưa người tóc xanh. Những cơn sóng gió đó đã trôi dạt lâu dài, biết bao giờ mới kết thúc? Ông van xin Thượng Đế hãy lắng nghe những người dân hiền đang vật vã trong tiếng khóc đó và tiếng khóc đó đã triền miên không dứt trong đêm trường. Giữa lằn bom đạn, nghe tiếng súng vang trong sa mù, ông đã hướng về Đấng Tối cao cầu nguyện. Ông không chỉ cầu nguyện mà ông cầu nguyện như một lời tâm sự với Thượng Đế về quê hương tội nghiệp của ông. Ông không chỉ cầu nguyện, ông đã thắc mắc vì không hiểu sao đất nước yêu dấu của ông lại lắm cảnh loạn lạc… và khi nào hoà bình mới thật sự trở về?

Khi cha tôi còn tại thế, ông từng kể cho tôi nghe về một đất nước ưu phiền như vậy với bao tiếng khóc và nước mắt của họ mênh mông hơn cả biển cả bao la. Nhạc sĩ Anh Bằng đã cho tôi kinh nghiệm cái kinh nghiệm mà ông đã một thời kinh nghiệm qua và ông cho tôi sống với cảm xúc mà ông đã sống và đã cảm xúc ở một cuộc thế tơi bời đó.

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?“

Có một văn sĩ nào đó cho rằng chiến tranh khiến con người sống động hơn, sùng đạo hơn. Có lẽ khi con người chạm trán trước cái chết, trước những phân ly tang tóc, họ thấy họ không còn là họ nữa. Họ không còn cái tôi nữa. Họ chỉ thấy được nỗi đau của bàng dân thiên hạ và không có người nào ý thức được nỗi đau đó hơn người lính. Tiếng chuông nhà thờ làm sống trong họ tình thương vô biên đối với nhân loại, đối với người dân hiền hòa và cả với đất nước của họ.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã khắc ghi như khắc ghi một dấu ấn vàng son, hình ảnh của người lính giữa sa trường, đêm nghe tiếng chuông và đã nghe hồn khóc đến rướm máu trước cảnh máu lửa thương đau, dầu sôi lửa bỏng của quê hương.

Từ bối cảnh quê hương, ở những năm tháng dài nhọc nhằn và phải chịu đựng những thảm cảnh do chiến tranh mang lại, nhạc sĩ Anh Bằng đã cho chúng ta một cái nhìn về quá khứ, về một quê hương mà cha ông chúng ta đã phải khốn khó đương đầu mỗi ngày và nỗi ngậm ngùi thê thiết của một người lính ở sa trường. Qua dòng nhạc của ông, ông đã nói lên nỗi lòng của người lính trước chiến tranh, chia sẻ về những nỗi đau khổ triền miên trên mảnh đất Việt Nam. “Đêm Nguyện Cầu” không chỉ đơn giản là một bản nhạc mà còn là một câu chuyện của người lính đó, chia sẻ nỗi niềm của ông bằng hình ảnh của người lính mà còn là hình ảnh của chính ông.

Nhạc sĩ Anh Bằng không chỉ sáng tác nhạc. Ông có thể làm những việc mà không ai khác có thể làm được… có thể yêu những điều mà không ai khác có thể yêu… Ông như vĩ cầm. Ông có thể được ứng dụng như vật chắn cửa hoặc là ông có thể sáng tác nhạc và ông biết phải làm gì. Ông đương đầu với niềm đau bằng tình thương, qua nốt nhạc mà ông dành cho quê hương của ông. Ông đã chọn sáng tác “Đêm Nguyện Cầu” qua lời tâm sự của một người lính như lời nhắn nhủ đến cho hậu thế ở một đoạn đời mà ông đã trải qua trong thời buổi loạn ly của đất nước.

Tôi có đọc qua những bản văn về Nhạc sĩ Anh Bằng. Trong đó có cả MC Nam Lộc, có Ca sĩ, có những người bạn của ông. Họ kể về ông một cách thật chân thành. Họ đã trao đổi với ông, đã là bạn của ông, đã tiếp cận ông và đã học hỏi nhiều điều quí báu của ông. Tôi nghĩ rằng nhạc sĩ cũng tài tình như sử gia. Họ đã đánh dấu lịch sử qua âm thanh, qua dòng nhạc bất hủ của họ. Họ cũng là một nhiếp ảnh gia, cho chúng ta thấy được những hình ảnh của chiến tranh bằng dòng nhạc thắm thía và sống động của họ.

11/25/2008
Minh Nguyệt

One comment on “Nhạc sĩ Anh Bằng và Đêm Nguyện Cầu (Minh Nguyệt)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s