Nghe nhạc Anh Bằng (Bích Huyền)

(*) Hình chụp bản nhạc “Nếu vắng anh” (nhà xuất bản Diên Hồng ấn hành trước 1975):

(*) Hình chụp bản nhạc “Nếu vắng anh” (nhà xuất bản Diên Hồng ấn hành trước 1975):

 

Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió
Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố
Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về…

Bài hát đầu tiên tôi nghe được của nhạc sĩ Anh Bằng có những lời như thế. Tôi đã yêu những câu hát ấy, và yêu cả giọng hát ấy.

Nếu vắng anh ai ngắm môi em tươi nụ cười
làn tóc xanh buông lơi tuyệt vời, chan chứa mộng đời…

Giai điệu tha thiết quá, và giọng hát cũng tha thiết quá.

Nhưng thôi em biết rằng
khi núi sông chưa thái bình trên khắp nơi
anh đi vì nguồn sống
vì ngày mai, vì tự do

liều thân tranh đấu…

Bài hát ấy là “Nếu vắng anh”, giọng hát ấy là giọng Lệ Thanh, có chút gì nũng nịu và vẻ gì cam chịu nghe đến… tội nghiệp. Bài hát ấy, giọng hát ấy được cất lên từ một phòng trà nhỏ ấm cúng ở số 43 đường Bùi Viện, Saigon, những năm đầu thập niên 60’s. Quán Anh Vũ, tên của “phòng trà ca vũ nhạc” ấy, là “nơi gặp gỡ của các văn nhân tài tử thủ đô”–cách gọi phòng trà này vào thuở ấy–là nơi tối tối người ta vẫn tìm đến để được nghe những bài hát thật hay và những giọng hát thật hay.

Bài hát đẹp cả về nhạc lẫn lời, được nhiều người nghe, nhiều người hát, và có vẻ như gắn liền với những tên của nữ ca sĩ có… chữ “Thanh”, như Lệ Thanh, Thái Thanh, Hà Thanh, Thanh Thúy, Thanh Lan… Mỗi giọng có cái hay riêng, có nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

“Nếu vắng anh” được yêu thích đến mức, đã có một lúc người ta muốn ghép bài nhạc ấy với bài thơ “Cần thiết” của Nguyên Sa (“Anh Bằng phổ thơ Nguyên Sa”, hoặc “nhạc Anh Bằng, thơ Nguyên Sa”, hoặc “nhạc Anh Bằng, ý thơ Nguyên Sa”…). Thực sự, nhạc sĩ Anh Bằng không phổ thơ, cũng không mượn ý thơ nào của Nguyên Sa cả. Bài hát, nếu có làm người ta nhớ đến bài thơ “Cần thiết”, có lẽ chỉ vì những câu hát bắt đầu với “Nếu vắng anh…” có vẻ gần gần với những câu thơ bắt đầu bằng “Không có anh lấy ai…” hoặc “Không có anh nhỡ ngày mai…” trong bài thơ ấy. Những ý tưởng trong bài thơ ấy và bài hát ấy thực ra không “mới” (nên không ai “cần thiết” mượn ý của ai), thế nhưng đã được Nguyên Sa và Anh Bằng làm đẹp thêm bằng những câu thơ và những câu nhạc thật là đẹp.

Vào cái “thuở ban đầu” của “Nếu vắng anh”, là cái thuở bài hát được phổ biến nhất, được yêu thích nhất, không nghe ai gán ghép hoặc đặt bài thơ “Cần thiết” bên cạnh bài nhạc “Nếu vắng anh”. Bài nhạc ấy không làm bài thơ ấy được nhiều người biết đến hơn; và ngược lại, bài thơ ấy cũng không làm bài nhạc ấy được nhiều người yêu thích hơn.
Bản nhạc (music sheet) “Nếu vắng anh” do nhà xuất bản Diên Hồng ấn hành trước năm 1975 (tôi còn giữ được) ghi rõ: “Nhạc và lời: Anh Bằng”, bên dưới là dòng chữ “Đã do Lệ Thanh và Mai Hương trình bày lần đầu tiên trên đài phát thanh Saigon”. (*)

“Nếu vắng anh” không phải là bài nhạc phổ thơ, thế nhưng những bài như “Niềm tin”, “Bướm trắng”, “Khúc thụy du”, “Trúc đào”… thì Anh Bằng phổ thơ… thật, và cũng cho thấy nghệ thuật “lấy thơ ghép nhạc” thật tài tình của ông. Nhiều người cùng “phổ nhạc” một bài thơ, nhưng có khi chỉ được có một bài (có khi… không được bài nào) gọi là thành công. Những bài phổ thơ không thành công là những bài không “hát” lên được, những bài “không phải nhạc, không phải thơ”, những bài “giống như nhạc, mà không phải… nhạc”, nghe gượng ép như một lối ngâm thơ… mới. Nhạc không bay lên được, thơ không bay lên được. Rốt cuộc thì thơ vẫn cứ là thơ, vẫn cứ nằm im lìm trong những trang thơ, hoặc bài thơ hay bị lấy đi nhưng lại không thay vào được bằng một bài nhạc hay.

Với nhạc sĩ Anh Bằng thì khác, bài “Khúc thụy du” chẳng hạn, cứ xem cái cách ông chọn ra những câu trong bài thơ của Du Tử Lê để đưa vào nhạc, và cái cách ông đổi một vài chữ trong những câu thơ ấy (vừa tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ), và rồi… thơ bay lên, nhạc cũng bay lên. Ai cũng có thể “hát” theo một cách tự nhiên, dễ dàng, khi chỉ mới nghe qua một hai lần bài nhạc phổ thơ ấy. Rõ ràng là ông đã chắp cho thơ “đôi cánh nhạc”, và đã tặng thêm cho bài thơ một đời sống khác. Bài thơ “hay” hơn, được nhiều người biết đến hơn. Nhà thơ Du Tử Lê được khá nhiều nhạc sĩ tìm đến thơ ông để phổ nhạc; thế nhưng, trước sau vẫn chỉ có hai bài phổ thơ ông được xem là thành công hơn cả (hiểu theo nghĩa được nhiều người nghe, nhiều người hát, nhiều người yêu thích): một bài trước năm 1975, “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng, và một bài sau năm 1975, “Khúc thụy du” của Anh Bằng.
“Phút luyến thương em chắp hai tay lên nguyện cầu…”, tôi tin là câu hát ấy trong bài “Nếu vắng anh” đã ít nhiều gợi hứng cho một sáng tác về sau này của Lê Minh Bằng (kết hợp tên của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). “Đêm nguyện cầu”, bài hát nói về tâm tình của người lính và về những nỗi ước mơ, những niềm khát khao của một dân tộc khi quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh, gợi lên thật nhiều cảm xúc. Bài hát, qua giọng hát Thanh Vũ, một thời rất được yêu thích.

Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu…

Có thể kể ra được những bài nhạc khá quen thuộc, được phổ biến rộng rãi của nhạc sĩ Anh Bằng mà giới yêu nhạc của thập niên 60’s, 70’s đến nay vẫn còn nhớ, như “Đôi bóng”, “Lẻ bóng”, “Sầu lẻ bóng”, “Nửa đêm biên giới”, “Nỗi lòng người đi”, “Giấc ngủ cô đơn”, “Chuyện một đêm”… Có đến hai thế hệ thính giả, hai thế hệ ca sĩ yêu thích và hát nhạc Anh Bằng.
Nhạc sĩ Anh Bằng năm nay đã bước vào tuổi 84, nhưng trái tim ông vẫn là trái tim thiết tha yêu cuộc sống, vẫn là trái tim tràn đầy sức sống của chàng trai… “xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu”. Chúng ta cầu chúc ông luôn khỏe khoắn, luôn sung sức, và vẫn chờ đợi nơi ông những sáng tác mới, vẫn chờ đợi được nghe ông dạo lên những khúc nhạc êm đềm như những khúc nhạc, những câu hát ngày xưa ấy.

Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về…

Sau bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, sau bao mùa tang thương dâu bể, những ca khúc của Anh Bằng vẫn cứ luôn luôn mới, vẫn cứ được tìm nghe, vẫn cứ được yêu chuộng và vẫn gợi lại trong ta những thương yêu ngọt ngào của một mùa kỷ niệm.

Bích Huyền
(Mùa thu 2008, mùa thu đẹp nhất)

Bích Huyền

Bích Huyền

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s