Đôi nét về ca sĩ Kim Chi của những năm thập niên 1950 qua một bài báo xưa – phần 2

 

 

 

 

 

Để tìm về một ca sĩ Kim Chi trước khi rời Việt Nam năm 1965, và sau khi đã trở thành ca sĩ phòng trà danh tiếng từ năm 1957, mời các bạn trở về thời điểm năm 1963. Đây là lúc Kim Chi có nhiều nỗi lòng, tâm sự chất chứa được thể hiện qua bài viết của nhà báo Viên Linh trên tờ Kịch Ảnh.

 

Dãy nhà cổ trên đường Lê Công Kiều

 

Sau đây là bài viết của Viên Linh năm 1963:

Những bậc thang tối tăm, bưng bít giữa ba bức tường hẹp, ẩm thấp, dẫn lên tầng hai của một dãy phố lầu, nơi Kim Chi ở. Lọt vào giữa khu các chú, khu nhà Băng Saigon, căn phòng của Kim Chi chật chội và có một bề mặt giống hệt những căn phố bên cạnh, chạy suốt một lề đường Lê Công Kiều phía giáp đại lộ Hàm Nghi.

Khi đặt chân lên những bậc thang ấy để gặp Kim Chi, tôi đinh ninh nàng ở một mình. Nhưng trên tấm cửa lớn mà mầu sơn đã lẫn vào bóng tối – cái tối bưng trên đầu một chiếc cầu thang hậu dựng thẳng, dù lúc bấy giờ là giữa trưa – tôi nhìn thấy hai tấm lắc đỏ, chữ đồng, một cái ghi tên Kim Chi, một cái ghi tên Linh Phương. Nhưng tôi vẫn cho là nàng ở một mình.

Lúc cánh cửa được mở ra, với những bàn ghế kê sít nhau và với vài thứ vật dụng khác bầy biện xung quanh, tôi mới thấy là Kim Chi ở với gia đình. Tự dưng, trước khung cảnh ấy và ý nghĩ kia, người ta phải tự nhạc nhiên. Tôi kiểm lại tâm trí để xem tại sao tôi lại nghĩ là người ca sĩ kiêm tài tử này ở một mình.

Kim Chi đi hát đã hơn 6 năm nay, từ ngày ở Việt Long, ở Trúc Lâm. Khởi đầu dễ dãi và tự nhiên, hình như do một bạn gái mà Chi đã đến gần phòng trà. Dễ dãi, hay vì lơ đãng, mà ngày nay người ca sĩ này không còn nhớ rõ những ngày chập chững ấy nữa. Trí nhớ của Chi là trí nhớ không từng được gọi đến, nếu đem so sánh nó với một trạng thái nghỉ ngơi của sức khỏe, thì trí nhớ đó thiếp đi như một giấc ngủ ngày. Ngồi gợi lại rất lâu, rồi như ngại nhớ, Kim Chi lắc đầu: “Hình như thế, một cô bạn gái thì phải”.

Mới đi hát lại hơn một tháng nay, sau những ngày dài nghỉ ngơi, hoặc bận hoạt động cho Trung Tâm Điện Ảnh, cảm tưởng Kim Chi khi trở lại phòng trà là một cảm tưởng không rõ rệt, hơi thờ ơ, hơi mệt mỏi: Những bài hát mới không thích hợp (Tại sao ca sĩ không kêu nài? Kêu nài được, phải không anh?). Và khoảng thời gian qua: Chán rồi. Hồi xưa thích đi chơi, bây giờ thỉnh thoảng. Hồi xưa ồn ào, bây giờ lặng lẽ. Hay là một cách lặng lẽ: Tôi nhận thấy Kim Chi, trong khi nói chuyện, muốn lắng câu chuyện xuống đến cái âm thanh thấp nhất chỉ vừa đủ nghe.

Người con gái Bắc Ninh này, năm nay 24 tuổi, sau những ngày sống với tiếng hát và trở về nghỉ ngơi, như vừa rơi vào một khoảng trống hằng xảy ra và vẫn xảy ra, cho bất cứ ai. Trong cái khoảng trống đó, cái khoảng trống mà khi vượt qua, người ta sẽ đổi khác. Kim Chi hình như đang muốn vượt qua cho chóng. Tôi nhớ đến một câu phương châm về con gái Bắc Ninh khi Kim Chi cho biết nàng quê quán ở Đáp Cầu, Bắc Ninh. Câu phương châm ấy, nếu đúng, thì Kim Chi phải là một người đàn bà tháo vát, đảm đang và dĩ nhiên là “ghê gớm!”. Ghê gớm ở đây là một tán thán tự, không phải một tĩnh tự. Nhưng trong cuốn phim đang được đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện, phim Nhạc Lòng Năm Cũ, Kim Chi lại đảm nhiệm vai trò một người vợ hiền, âm thầm chịu đựng cảnh sống thờ ơ của một người chồng lạnh nhạt, lấy nhau vì môn đăng hộ đối.

Kim Chi cho biết: “Tại người ta bảo Kim Chi hiền nên trao cho vai ấy”. Trong một lúc nói chuyện về tiếng đồn đại, những lời nói xấu Kim Chi kể là nàng đã từng gặp phải, hồi hay đi chơi, dù đi từng bande, và Chi, sau khi kể qua, đã kết luận: “Mà không ăn nhằm gì, mình sống theo mình”. Lời kết luận đó thật rành rọt, thẳng thắn, tự trọng, nếu quả Kim Chi đã theo được như thế.

Tuy nhiên, khi nói đến những hạnh phúc, Kim Chi nhận xét về mình: Ít gặp hạnh phúc, nhiều trăn trở. Và Chi nói thêm: “Hình như do dư luận; hình như do sự hiểu lầm. Đi hát, hay đóng phim nữa, là sống với những người không quen biết trước đó. Hay quen biết nhưng thất thường, nhiều khi không chủ tâm đi chơi hay nói chuyện với họ. Rồi có một lúc nào đó, khi mình quá vui hay khi mình buồn chán, buông xuôi, mình dễ dàng đi ăn, cặp phố với người mời, dù đi từng đám một. Do đó xảy ra những ngăn trở trong cuộc sống riêng.

“Anh có thấy họ có một bề ngoài sang trọng mình dễ nể không? Cũng bởi thế nên mới có tiếng đồn, nếu họ mời mình đi đâu. Nhưng thường Chi đi với bạn bè, hoặc cùng có Trúc Mai, bạn đồng nghiệp thân nhất”. Tôi nói rằng đó là những điều thường xảy ra, nhưng đó là những lý do bên ngoài. Lý do chính, quan trọng hơn, là một cái gì đó tự bản thân thường lay chuyển mình. Sau một chút im lặng, Kim Chi đồng ý.

Nàng cũng nhắc lại, sơ qua trên bề mặt, một vài cuộc vui xưa. Trong đó có những người từ xa trở về, ghé Saigon sau những chuyến đi dài tưởng như không còn sống mà về, ghé phòng trà vì hâm mộ, và trước lòng hâm mộ, sau và trước những chuyến đi ấy, Kim Chi muốn gửi họ niềm đầm ấm của tiếng ca mình. Về ngành sinh hoạt mới, điện ảnh, Kim Chi tỏ ra rất thích. Thứ nhất là nó có nhiều cái lạ, thứ hai là được đi luôn. Những lần đi đây đi đó ấy mang đến cho Chi những bầu không khí mới. Ở mãi Saigon không thể được. Nên thỉnh thoảng Chi về Đà Lạt nghỉ mát, ở đó chừng vài tháng, cho đến khi nào thấy nhớ, như cách đây hơn một tháng, thì lại trở về hát lại.

Vì buồn nên đi hát, chứ vui, theo lời Kim Chi, có thể bỏ hẳn, ví dụ lấy chồng sẽ bỏ hát ngay. Có người cho rằng không thể không hát được, nhưng Kim Chi nghĩ khác thế: Người ta chỉ không thể không có hạnh phúc. Mấy năm trước cô nữ sinh Ngô Kim Chi có thể bỏ ngang chương trình Brevet ở trường Chi Lăng để trở thành ca sĩ, thì mấy năm tới đây, hoặc bây giờ, ca sĩ Kim Chi cũng có thể bỏ ngang phòng trà để trở thành một người vợ, khi cần thiết phải bỏ.

Nhưng nếu 6 năm trước, ở cái tuổi 17, 18 Kim Chi có thể quyết định một cách dứt khoát, thì ngày nay, ở cái tuổi 24, Kim Chi còn đang lựa chọn hoặc chờ đợi. Còn đang vượt qua khoảng trống mà mỗi người đàn bà phải vượt một lần trong đời. Từ ý nghĩ ấy tôi hỏi Kim Chi về những ước vọng gần nhất, hằng mơ mộng nhất. Người con gái Đáp Cầu vui vẻ nhưng điểm đạm kể lại điều mà nàng từng nghĩ đến:

“Bây giờ Chi chỉ mong được sống một cách giản dị, bình thường, và – nàng cười ngó ngang – được làm chủ một cửa hiệu tạp hóa”.

Tôi hỏi: “Ở miền quê?”.

Kim Chi ngắt lời: “Không cần, ở Saigon, trong chợ Bến Thành chẳng hạn. Cuộc sống ấy êm lặng và bình thản biết mấy. Ngày ngày ngồi bán hàng lặt vặt, chiều tối thu dọn về nhà. Và có một cái xe hơi thật đẹp! À, thế thì sang quá! Nhưng như thế thì nhất, phải không anh?”

Lúc cảnh cửa căn phố lầu của Kim Cho đã khép lại sau lưng, tôi bước trở xuống cái cầu thang bưng bít và tôi nghĩ rằng Kim Chi sẽ thỏa mãn một nửa những điều nàng mơ ước: Kim Chi sẽ có cái xe hơi đẹp, nhưng Kim Chi không thể thành cô hàng tạp hóa bao giờ.

 

 

 

 

 

 

 

nguồn: nhacxua.vn

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s