Đà Lạt, vùng đất cao nguyên, thành phố của khói sương lãng đãng, nơi có những rừng thông xanh cao vút và đẹp hơn nữa ở nơi này, vào những chiều mưa – mưa Đà Lạt – với những giọt mưa trong như ngọc, hạt to, không hề vẫn bụi. Chính ở mảnh đất này, với cảnh đẹp của thiên nhiên, lòng con người dễ dàng dậy lên những nỗi bâng khuâng và nhung nhớ, từ đó đã có biết bao cuộc tình sản sinh tại Đà Lạt, nơi từng mệnh danh “cảnh đẹp người hiền”..
Trong số những cuộc tình lãng mạn đó, nhiều người Đà Lạt vẫn nhắc về một bóng hồng của xứ này những năm cuối thập niên 60, đó là Tiểu Thư Bích Bảo, con gái của ông bà chủ tiệm ăn Bắc Hương, cạnh sát café Tùng. Quán lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào, đủ hết loại người. Nào là học sinh, sinh viên của các trường Lasan Adran, Lycee Yersin.. và rất nhiều những chàng trai Võ Bị thường xuyên ghé quán. Nhiều người cho đến giờ vẫn không hiểu lý do nào quán này lúc nào cũng đông, có thể vì trời lạnh người ta thích gặp gỡ, thích ăn uống, hoặc quán nằm ngay ở vị trí đắc địa, và cũng có thể lắm, nụ cười rất đẹp của cô chủ Bích Bảo đứng ở quầy tính tiền khiến khó có ai ghé ăn mà không trở lại.
Cuối năm 1968, Ban Hoa Tình Thương với ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh lên Đà Lạt trình diễn. Buổi sáng, cả ban nhạc kéo ra café Tùng nhâm nhi. Đến trưa đói bụng, thế là kéo hết qua tiệm ăn sát bên. Bắc Hương nổi tiếng nấu ngon và đặc biệt nhà lại có 4 cô chủ nhỏ rất xinh. Quả là “danh bất hư truyền”, tay bass Duy Khiêm lần đầu gặp tiểu thư Bích Bảo thì tim đã đập mạnh, lúc nàng nhìn chàng cười thật tươi thì chân tay người nhạc sĩ đã cảm thấy vụng về luống cuống chưa từng có.. và trong ban nhạc Shotguns sau này, mỗi khi nghe Duy Quang hát bài Thà Như Giọt Mưa của bố già Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên thì cả nhóm cười trêu như thầm nói với Duy Khiêm: “có người quỵ té trên đường rồi, sợi tóc vướng chân người”.
Cả hai quen biết nhau từ đó. Chỉ một năm sau, ngày 3 tháng 12 năm 1969 là ngày đám cưới của nhạc sĩ Duy Khiêm và cô chủ nhỏ quán ăn Bắc Hương. Buổi sáng, lễ cưới ở nhà thờ Con Gà. Buổi chiều, tiệc cưới tổ chức linh đình ở nhà hàng Mekong của chủ nhân Tài Bửu với sự hiện diện của ban nhạc Shotguns gồm Ngọc Chánh, Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm, Hoàng Liêm, Quốc Hùng, Duy Khiêm, Đức Hiếu từ Saigon lên không thiếu một ai. Đến tối ăn xong, cô dâu chú rể mời khách thích nghe nhạc thì ghé qua vũ trường Tulip.. Ở đây, ban nhạc Shotguns và ca sĩ đã lên sân khấu góp vui một số bài để mừng ngày đồng nghiệp Duy Khiêm lên xe bông.
Đoạn đầu, Trần Quốc Bảo viết về cuộc tình của hai người khởi sự từ đâu và lúc nào.. còn bây giờ mời bạn đọc theo dõi vài nét về cuộc đời của Duy Khiêm – tay bass tài hoa của ban Shotguns.
Tên thật của người nhạc sĩ là Nguyễn Duy Khiêm. Anh sinh ngày 2 tháng 8 năm 1944 tại Cần Thơ. Trên Duy Khiêm là 2 bà chị, còn anh là út. Năm 10 tuổi lên Saigon và được học trong trường Dòng Cứu Thế. Anh có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nhưng chỉ được phát triển khi ghi danh học guitar của nhạc sĩ Hoàng Lang và sau đó học classic guitar từ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Nhạc sĩ Hoàng Lang thời gian đó là một người rất bận rộn. Ngoài là một cây viết đắc lực cho nhật báo Tiếng Chuông, tuần báo của nhà văn Nguyễn Vỹ, Ông còn là trưởng ban nhạc đàn dây Hoàng Lang của Đài Phát Thanh Saigon và trên đài Tiếng Nói Quân Đội, ông điều khiển chương trình nhạc Hương Xưa, đó là chưa kể nhạc sĩ Hoàng Lang còn làm nhiều chương trình giá trị khác như Thi Nhạc Giao Duyên (với nhà thơ Vương Đức Lệ), chương trình nhạc Thiếu Nhi.. Nhờ uy tín và quen biết nhiều, năm 1962-1963, nhạc sĩ Hoàng Lang nhờ nhạc sĩ Ngọc Bích lúc đó đang chơi nhạc tại nhà hàng Hòa Bình (ngay trung tâm Saigon) giúp cho Duy Khiêm việc làm, thế là từ đó, mỗi đêm tại nơi này, ban nhạc 3 người: Ngọc Bích (accordeon), Vinh (trống), Duy Khiêm (guitar) và 2 ca sĩ Minh Hiếu, Ngọc Hiếu hoạt động được một thời gian.
Trong giới nghệ sĩ, Duy Khiêm khá thân với Nguyễn Ánh 9 vì vợ tác giả Buồn Ơi Chào Mi là em dâu của chị hai Duy Khiêm. Vì thế, năm 1963, Nguyễn Ánh 9 rủ Duy Khiêm về chơi nhạc cho nhà hàng International (tức phòng trà Quốc Tế sau này). Ban nhạc ở đây, nhạc sĩ toàn người Phi, chỉ có 2 chàng Việt Nam là Duy Khiêm và Nguyễn Ánh 9. Một đêm đẹp trời, có 1 Đại tá đi nghe nhạc (về sau làm tướng) gặp cả hai nhạc sĩ Việt Nam này và mời về chơi nhạc trong binh chủng Công Binh của ông. Cả hai nhận lời và bắt đầu làm việc ở đây bắt đầu từ năm 1964, có thêm Khánh Băng, tay trống Phùng Trọng, Mary Linh, Mai Lệ Huyền cộng tác thường xuyên.
Năm 1968, Bà Đại Tướng Cao Văn Viên thành lập Ban Hoa Tình Thương quy tụ những nghệ sĩ trong quân đội có năng khiếu về tân nhạc, cổ nhạc.. Nhờ thời điểm này, các nhạc sĩ Khánh Băng, Phùng Trọng, Duy Khiêm, Nguyễn Ánh 9 lại có dịp sát cánh bên nhau thêm..
Cũng năm 1968, do biến cố Mậu Thân, chính quyền đóng cửa toàn bộ vũ trường, vì thế một số nhạc sĩ như Ngọc Chánh, Pat Lâm, Elvis Phương, Hoàng Liêm, Duy Khiêm (tất cả đều thuộc đoàn Hoa Tình Thương) có ý định muốn chơi cho các Club Mỹ, nhất là Pat Lâm là con nuôi của một người Mỹ, giám đốc USO.. từ đó là bước đầu hình thành ra ban nhạc Shotguns hát rất nhiều show ở Long Bình, Vũng Tầu, Biên Hoà, USO Tân Sơn Nhất… Theo nhạc sĩ Ngọc Chánh, tên Shotguns bắt nguồn có lẽ từ những tiếng súng nổ dòn trong chiến tranh ngày đó và Duy Khiêm thêm vào, tên gọi Shotguns còn là tên của 1 bài hát ngoại quốc làm nhạc chào mở màn mỗi khi ban này tới giờ trình diễn.
Năm 1969, khi tình hình chiến tranh lắng dịu, sinh hoạt ca nhạc về đêm trở lại bình thường, Khánh Ly mướn lại Queen Bee và mời ban nhạc Shotguns về đóng đô mỗi đêm. Cộng tác được hơn một năm, Tết 1971, Khánh Ly sau khi đi Mỹ về, cô rời Queen Bee. Tháng 3 năm 1971, Khánh Ly khai trương chỗ mới của mình tại phòng trà Tự Do. Riêng tại Queen Bee, thì nhạc sĩ Ngọc Chánh mời được nữ danh ca Thanh Thúy tái xuất giang hồ, từ đó ban nhạc Shotguns trình diễn tại nơi này cho đến cuối năm 1973 mới chuyển sang Quốc Tế chơi cho đến ngày Saigon thất thủ.
Cuối năm 1975, đoàn kịch Kim Cương tái ngộ. Trước khi diễn kịch, để lôi cuốn người xem, Ban Giám Đốc có sáng kiến mời một số ca sĩ nổi danh nhất Saigon thời trước như Lệ Thu, Hà Thanh, Thái Châu, Thanh Tuyền, Họa Mi, Thanh Phong, Phương Đại và ban nhạc Ngọc Chánh – Lê Văn Thiện. Ban này quy tụ hầu hết thành phần Shotguns ngày cũ, trong đó có Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Hoàng Liêm, Duy Khiêm, Cao Phi Long, Đan Thọ, Đức Hiếu, Long Thoại Nguyên..
Sau 14 năm ở lại quê nhà, vợ chồng nhạc sĩ Duy Khiêm được bảo lãnh sang Mỹ cùng với 3 con gồm: cháu gái Bích Trâm (sinh năm 1970), cháu gái Bích Ngọc (1973) và cậu út Bảo Nam (1976). Anh chị rời Việt Nam ngày 20 tháng 7 năm 1989 và định cư tại tiểu bang Washington từ ngày đó đến giờ đã 32 năm.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng với một số nghệ sĩ như Thanh Thúy, Duy Khánh, Lệ Thu, Elvis Phương, Hương Lan, Kim Anh, Mai Lệ Huyền, Carol Kim, Hải Lý, Tuấn Đạt, Như Mai, Lynda Trang Đài, Sơn Ca, Yến Mai, Lilian… tổ chức một đêm Chào đón vợ chồng nhạc sĩ Duy Khiêm vào ngày 31 tháng 8 năm 1989 tại vũ trường Ritz.
Trước sự thành công của buổi tổ chức này, vợ chồng nhạc sĩ Duy Khiêm lưỡng lự trước nhiều lời mời anh chị nên thu xếp về Cali sinh sống, nhưng vì tương lai học hành 3 đứa con nên cả hai đành quyết định sống ẩn dật nơi một phương trời mà không khí ca hát như Saigon ngày xưa không thể nào tìm được. Tuy nhiên, trong những ngày đầu đến Mỹ, Duy Khiêm nhớ văn nghệ quá, anh đã thành lập ban nhạc Phượng Hoàng và ban này vẫn còn sinh hoạt cho đến hiện nay.
Thực hiện bài viết này, như những lời chúc mừng thật đẹp của nhiều nghệ sĩ và thân hữu dành đến ngày vui trọng đại hơn nửa thế kỷ thành hôn của anh chị. Xin mượn một câu nói nổi tiếng trong bộ phim Love Story, đó là “Yêu Là Không Bao Giờ Phải Nói Lời Hối Tiếc” (love means never having to say you’re sorry)..
Niềm vui nhất của người viết bài này, là mỗi khi gặp lại anh chị Duy Khiêm – Bích Bảo ở bất cứ nơi nào, có khi ở Cali, và mới đây nhất ở Portland (tháng 10 trong show của nhà tổ chức Long Châu thực hiện), hình bóng của họ vẫn sát cánh như chim và như cây lúc nào cũng liền cành.
Quả thật, đúng như De Stael đã nói: “Yêu thương và được yêu thương là một khúc nhạc thâm trầm, nghe mãi mà không biết chán”… Vâng! Đúng thế! Bài nhạc đó, còn sẽ được nhạc sĩ Duy Khiêm và tiểu thư Bích Bảo cùng cất vang bên nhau vài thập niên nữa.. Mong sẽ là như thế..
Thân hữu và người hâm mộ khắp nơi, sau nhiều năm mất liên lạc, có thể gọi điện thoại nhạc sĩ Duy Khiêm qua số (360)921-9557 hoặc email về khiemnguyen44@yahoo.com
Trần Quốc Bảo 3/12/2020