Tôi không biết từ lúc nào mình bắt đầu yêu tiếng ca Thanh Thúy, cũng không biết từ lúc nào mê mẩn cái danh hiệu mà ngày xưa vị nhạc sĩ, thi sĩ nào đó thương mến dành trọn cho cô – tiếng hát khói sương. Thanh Thúy là một nữ ca sĩ được trần gian ưu ái dành cho nhiều “tên gọi” và tình thương nhất. Từ tiếng hát liêu trai, tiếng hát lúc 0 giờ, tiếng ca u hoài đến tiếng hát khói sương. Mỗi dấu ấn trong cách gọi tên đều ẩn tàng một ý nghĩa sâu kín nào đó. Riêng tôi, từ khi biết đến tiếng hát của cô, cái danh hiệu Tiếng hát khói sương cũng từ đó mà đi vào lòng tôi một cách tình cờ và nhẹ nhàng, như khói sương, len lỏi vào tận sâu thẳm ngõ ngách của cõi tâm tư, rung lên từng nhịp u hoài day dứt.
Nét đẹp cô Thanh Thúy đằm thắm như sương mai, thanh thoát như mẫu đơn nhưng có cái đượm buồn của nhân thế, cái u uẩn của trần gian. Một người con gái trót mang kiếp cầm ca, lại trời phú cho chất giọng trầm trầm u uất. Mỗi bài hát khi được cất lên là nỗi đau day dứt, là nỗi buồn “vạn cổ”. Mỗi khi nghe cô Thanh Thúy “du dương” từng lời ca nhịp phách, trong tôi lại ngơ ngẩn hình bóng nàng Bạch Thu ngồi tần ngần trong gian phòng trống, tấu lên khúc tỳ bà như chất chứa bao nỗi niềm sâu thẳm. Tôi còn nhớ cách đây một năm, khi bên câu lạc bộ tôi tổ chức một buổi tình nguyện, tôi được một người chị nhờ vận chuyển đồ đạc từ khắp nơi cho kịp “chuyến đi về sáng”. Trời hôm ấy sương phủ khắp cỏ cây hoa lá, ánh đèn hiu hắt rọi xuống mặt người, đứng lầm lũi chờ buổi ánh dương hé cười sau đỉnh núi, hơi lạnh cứ thế buốt vào tay tôi trong những chuyến xe vận chuyển đi về. Chợt… giữa bốn bề thanh u và tịch mịch, tôi bắt gặp một tiếng hát não nề của một người ca nương, đâu đó vang lên trong bóng tối, tôi còn nhớ rõ mồn một, rằng:
“Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời…”
Tiếng rè rè của băng quay trước 75, tiếng trầm trầm trong lời hát của dĩa nhựa. Tuy những bộn bề cứ mặc nhiên kéo tới thế nhưng trong tôi vẫn đủ lý trí và nhận thức để nhận diện ra rõ ràng rằng đó là giọng ca của cô Thanh Thúy. Càng đi xa, giọng cô càng lanh lảnh rồi vụt mất vào sương khói mờ mờ ảo ảo lúc nào không hay. Phải chăng cái danh hiệu Tiếng hát khói sương cũng là một tình cờ, như tôi, một tình cờ lạ lẫm?
Tôi nghe nhạc cô Thanh Thúy từ thuở mới 16, cùng với giọng ca cô Hoàng Oanh, tiếng hát của cô Thanh Thúy như đã chiếm lấy trong trái tim tôi một khoảng trời riêng. Mỗi tối, khi sắp chìm vào mộng mị, tôi lại thi thoảng bật lên vài khúc ca ưu tư của những bản thâu thanh trước 1975. Và, mỗi khi giọng cô vang lên, tôi lại không kìm được sự thao thức trong từng nhịp đập, trong từng hơi thở. Đã không nghe thì thôi mà một khi đã nghe là ghiền, ghiền như ghiền “ma túy”, không thể dứt ra được. Không chỉ sở hữu tiếng hát lẫy lừng, cô còn là nữ nghệ sĩ dung hòa được giữa phẩm hạnh và danh vọng. Trong cô hằn lên niềm tin yêu với khán giả, luôn sống trọn trong sự khiêm tốn với vẻ ngoài nhu mi và hiền lương. Dường như trong số những người ca sĩ trước 75, cô Thanh Thúy là nữ nghệ sĩ được khán giả dành trọn niềm yêu thương nhất. Từ thị thành đến nông thôn, ở đâu có tiếng hát Thanh Thúy, ở đó hằn lên sự yên bình và hạnh phúc. Tiếng hát cô không chỉ vọng lên bình thường như thanh âm tiếng khổng tước cất lên phô trương cái đẹp vốn dĩ, mà tiếng hát đó ngân nga lướt theo những tâm trạng hỗn độn trong suy nghĩ của người nhạc sĩ. Đôi khi đó là phút giây mong chờ người tình trở về:
“Bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành
Nửa năm anh viết lá thư xanh bảo rằng
Sẽ về phố phường, mừng rơi nước mắt ướt thư người tôi thương”
(Bóng nhỏ đường chiều – Trúc Phương)
Đôi khi đó là lời tâm sự của kẻ tha hương, nhớ quê xưa với mong muốn một ngày nào đó sẽ trở về:
“Tôi đâu biết khi ra đi mang nhiều nuối tiếc
đâu ai ngờ khi đi rồi là vĩnh biệt quê hương !
Cơn lốc nào .. cơn lốc nào làm cách biệt thân nhân !”
(Chắp tay nguyện cầu – Lam Phương)
Là lời người em gái bến Ngự, là lời quê hương nồng thắm, là nỗi buồn day dứt của kẻ ra đi, cũng là nỗi buồn chia ly của người ở lại:
“Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng
Nhớ chăng non nước Hương Bình!
Có những ngày xanh,
Lưu luyến bao tình,
Vương mối tơ mành!”
(Đêm tàn bến Ngự – Dương Thiệu Tước)
Tiếng hát cô đi theo biết bao nhiêu những thăng trầm của lịch sử, từ xưa đến nay, tiếng hát Thanh Thúy vẫn vang vọng trong lòng người như một điều gì đó hiển nhiên. Tiếng hát cô còn gắn liền với những biến thiên trong dòng nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương. Vì nhạc của Trúc Phương ưa kể lể, tâm sự, bày tỏ tâm trạng, chất giọng cô lại trầm buồn, mang đậm tính tự sự nên khi cất giọng lên, cả hai như cùng nhau nắm tay vào thế giới của những câu chuyện, gởi đến người nghe những bồi hồi, lưu luyến khó cưỡng. Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã từng viết về cô như sau:
“từ em tiếng hát lên trời
tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
sợi buồn chẻ xuống lòng anh
lắng nghe da thịt tan tành xưa sau
trời em tiếng hát lên từ
âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
áo dài lùa nắng vào mây
dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương”
Có nói bao nhiêu cũng bằng thừa, có kể bao nhiêu cũng chỉ tốn công vì địa vị và tiếng hát của cô, từ lâu đã được khẳng định trong trái tim của quý thính giả rồi. Hôm nay, nhân ngày sinh thần đáng nhớ của nữ danh ca Thanh Thúy, tôi xin gửi vào đây lời chúc dưới danh nghĩa của một người vừa ngưỡng mộ cô, vừa thương mến cô: “Con xin chúc cô ngày sinh nhật thật hạnh phúc và êm ấm, con mãi thương tiếng hát của cô và mãi yêu cung cách của cô. Con mong cô sức khỏe trường cửu, dùng lời ca gửi tâm sự vào trái tim của quý khán thính giả. Một lần nữa, con cảm ơn cô vì đã nuôi lớn đời con bằng những thanh âm ôn hòa và bình dị. Cô là nguồn tinh thần lớn lao nhất mà con có được. Mãi thương cô”.
nguon: facebook Nguyen Thanh Loc