Tôi đã có dịp nói tới Song Ngọc, người nhạc sĩ trẻ vừa bước vào đời là bước vào quân ngũ với kỷ luật, gian truân. Vừa bước vào âm nhạc là bước vào chiến tranh với chết chóc, hận thù… Vậy mà trong hoàn cảnh khó khăn của đời lính, anh đã có những bản nhạc êm đẹp, làm giàu cho kho tàng nhạc tình của Saigon những năm 60-70. Anh đã cho chúng ta rất nhiều bản nhạc nói lên tình người, từ tình đồng ngũ: Chúng Mình Ba Đứa, Lính Thành Phố, qua tình trai gái, tình vợ chồng: Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Thư Cho Vợ Hiền, tới tình thơ ngây Chuyện Tình Bé Nhỏ…
Ra hải ngoại, trong khi nguồn nhạc nơi đa số nhạc sĩ gần như bị bế tắc, Song Ngọc vẫn không bị bó buộc bởi hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn. Anh sáng tác quá nhiều bài bản, phản ảnh đầy đủ tâm tư người Việt hướng về ba cõi dĩ vãng, hiện tại, tương lai trong đó ta thấy tràn dâng những tình cảm chín mùi của người nhạc sĩ rất sung sức trong tuổi trung niên. Nói tới dĩ vãng, anh có những bài Những Con Đường Tôi Đã Đi Qua, Người Xưa Ơi Nhớ Quá, Saigon Bây Giờ Buồn Không Em… Nói tới hiện tại, anh có Houston Buồn, Đêm Vũ Trường Đáng Yêu… Nói tới tương lai anh có Chuyến Tàu Hồi Hương, Đưa Em Về Miền Xa Vắng… Trong hoàn cảnh tị nạn nhưng nhạc Song Ngọc không tiêu cực vì anh đã có những ca khúc rất tình tứ và đầy vọng như Chào Bạn Mới và Đoản Ca Hồng… Gần đây hơn nữa là 41 (một con số quá lớn) bài thơ đã trở thành cổ điển của các thi nhân Việt Nam được Song Ngọc phổ thành ca khúc như Cõi Trăm Năm của Bùi Giáng, Mai Tôi Đi của Nguyên Sa, Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, Hương Đồng Gió Nội của Nguyễn Bính, Hoài Niệm của Đinh Hùng, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, vân vân… Trong số 41 bài thơ nổi tiếng này, có dăm ba bài tôi cũng đã phổ nhạc nhưng vì Song Ngọc đem đến cho mấy bài thơ đó một phong cách riêng cho nên nó có giá trị khá cao về phóng tác.
Nhưng có thể nói rằng với tất cả tác phẩm của mình và nhất là trong giai đoạn này, Song Ngọc đã thành công nhất với hai ca khúc nói về con người. Đó là hai bài hát về Đàn Ông, Đàn Bà. Đề tài muôn thuở này thì bất cứ một thi nhân hay một ca nhân nào ở trên cõi đời cũng đều muốn (và đã) nói tới nhưng chỉ có Song Ngọc mới nói được đến tận cùng của hai cõi âm dương, dù muôn đời đối lập nhau mà vẫn phải tìm đến với nhau. Tôi nghĩ rằng nhạc Song Ngọc đang trên con đường tiến tới triết lý, nghĩa là tới mục đích cuối cùng của nghệ thuật…
(Mùa thu 1993)
(trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 77 phát hành ngày 29 tháng 7 năm 2016)