
Từ trái sang phải: Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm một thời làm mưa làm gió ở các Club Mỹ những năm 1967-1969 (ảnh ca sĩ Ngọc Mỹ lưu giữ)
(tiếp theo kỳ trước)
Bài viết tuần qua về cố ca sĩ Pat Lâm, hình như đã tạo được một chút gì đó để thời gian có vẻ như đã ngừng lại một vài giờ và không gian có dịp được quay lại về chốn cũ. Trong số những người bạn xúc động nhất, có Crystalzero – người em ruột của Pat Lâm, gửi một message ngắn lên Face Book cho người viết: “Omg, B.. the more news of my beloved brother Pat Lam, the more its killing me with all memorys flashbacks..”
Như đã loan ở số trước, kỳ này Thương Hoài tiếp tục nói về Pat Lâm cùng với một nhân vật khác có tên David Garfield. Người này là ai? Mời quý bạn thưởng thức một đoạn ngắn từ bài viết Phong Vũ do ca sĩ trẻ Duy Thanh gửi đến cho Thương Hoài@:
“Chuyện xảy ra vào mùa Noel năm 1971, tại câu lạc bộ sĩ quan không quân Việt Nam ở phi trường Tân sơn Nhất. Suốt gần một tháng trước ngày Noel, cứ đến cuối tuần vào hai đêm thứ bảy và chủ nhật, CLB này có tổ chức chương trình ca nhạc khá phong phú hơn thường lệ với những ban nhạc và ca sĩ tầm cỡ ở Sàigòn dạo ấy. Tôi vốn cũng là thằng mê nhạc và nhậu, nên trong những cơ hội như thế này tôi cũng khó lòng bỏ qua. Thế là vào thời gian đó cuối tuần nào tôi cũng mò vào đó để nghe nhạc và lai rai cùng một hai thằng bạn thân.
Và tình cờ một đêm nọ, vì số lượng khách quá đông nên bạn tôi và tôi được xếp chung bàn với một người đàn ông Mỹ. Ông này trạc độ trên dưới 50 (sau này biết được ổng đã ngoài 60 khi gặp chúng tôi, nhưng trông ông rất trẻ, có lẽ nhờ sự ăn nói hoạt bát, vui nhộn trẻ trung lúc ấy). Và chúng tôi quen thân nhau ngày từ buổi đầu tiên (trao đổi địa chỉ liên lạc), nên mới biết là hắn là nhân viên cao cấp của văn phòng DAO mà cơ sở chính cũng nằm trong khuôn viên phi trường. Hắn rất có thể làm việc cho CIA với khả năng nói được tiếng Việt khá sành sỏi mà hắn giải thích là do lấy vợ Việt. Và tên hắn là David Garfield).
Hắn tỏ ra rất thích thú các ca sĩ Việt (cũng có một số ban nhạc Phi và Đại Hàn được mời chơi trong những đêm đặc biệt này) thể hiện những ca khúc tiếng Anh. “Mấy anh biết không, tôi là người có cơ hội nghe những người châu Á ca nhạc Mỹ, dù không cần biết trình độ tiếng Anh thực sự của họ như thế nào, nhưng tôi dám chắc một điều là gần như 100% họ đều hát ngọng cả” – hắn nói như thế. Bạn tôi và tôi gật gù ra vẻ đồng ý (và quả thật chính chúng tôi cũng nhận thấy thế). Hắn cỏ vẻ hài lòng với một nhận định mà chắc hắn nghĩ là sẽ “nghịch nhĩ” với chúng tôi, những người châu Á, mà lại nhận được sự đồng tình.
Rồi hắn nhìn chúng tôi, nheo mắt, tiếp : “Tuy nhiên, thành thật mà nói thì những ca sĩ Việt hát tiếng Anh ít ngọng hơn cả. Đây là phát hiện của riêng tôi, còn lý do tại sao thì tôi chưa biết”. Tôi không chắc đây có thực là một lời khen hay chỉ là một câu chuyện làm quà. Dù thế nào đi nữa, chuyện đó cũng không có gì quan trọng đối với chúng tôi lúc ấy, vả lại, chủ yếu mục đích của chúng tôi là giải trí, gặp phải thằng Mỹ này thì cũng ba hoa cho vui thôi.
Nhưng có điều khiến chúng tôi phải để ý là đối với những ca sĩ hay ban nhạc nào cũng thế, hắn cũng nghe, cũng chăm chú như nhau không khác, không có vẻ gì là mê mẩn cả, trừ một ca sĩ mà khi nghe anh thể hiện bất cứ ca khúc nào đều khiến hắn chú tâm một cách tận tình. Thậm chí, khi đến lượt anh chàng này bước lên sân khấu, lỡ bạn tôi và tôi đang mãi háo chuyện với nhau thì hắn lại ra dấu cho chúng tôi im lặng để hắn nghe anh chàng ca sĩ này hát. Chúng tôi tò mò muốn biết định hỏi hắn nhưng hắn lại : “Suỵt, khoan đã, để nghe đã”.
Thì ra, trong những đêm như thế này thì mỗi một ca sĩ theo thông lệ chỉ trình bày một ca khúc mà thôi, trừ trường hợp được khán giả yêu cầu. Riêng đối với Pat Lâm (tên anh ca sĩ này) thì không hiểu sao lại được dành ưu tiên thể hiện liên tục 3 ca khúc. Thế nên khi chúng tôi có ý muốn hỏi hắn tại sao hắn có vẻ là một “fan cuồng nhiệt ” của Pat Lâm thì anh này mới kết thúc ca khúc đầu tiên. Mà hắn thì không muốn bỏ lỡ bất cứ bài nào của Pat Lâm cả (tuần đó tôi đã có mặt ba đêm liên tục thì cũng thấy hắn có mặt đủ cả ba đêm). Mà phải công nhận anh ca sĩ này có giọng ca tuyệt vời, đặc biệt với những ca khúc tiếng Anh. Giọng anh chuẩn không hề ngọng (sau này mới biết anh là thầy dạy Anh văn của trường trung học Bác Ái ở Chợ Lớn, ảnh chỉ ca a-ma-tơ cho vui vậy thôi, không xuất hiện ở phòng trà hay show ca nhạc nào cả).
Trở lại với chuyện của Pat Lâm, riêng với anh chàng này thì khác, bất kỳ ca khúc Mỹ hay Việt, anh đều có thể chuyển tải được những gì anh muốn, và quan trọng hơn hết là những điều anh muốn chuyển tải đều có thể tìm đến đúng địa chỉ của những người đồng cảm. Vậy mà anh lại không hành nghề ca hát, mà vì say mê âm nhạc không nỡ lìa xa khi không có đủ cơ duyên theo đuổi như một nghề nghiệp gắn bó với đời mình.
Thấy David có vẻ mê mẩn Pat Lâm khi anh chú tâm như thế, chúng tôi đành im lặng. Và khi gần kết thúc ca khúc thứ ba, tức là ca khúc cuối mà Pat Lâm ca đêm hôm ấy, bỗng dưng David vỗ đùi đánh đét một phát rồi la lên : “Có thế chứ! (Here it is…!!!) Chúng tôi nhìn nhau chưa kịp hiểu chuyện gì, thì hắn đã quay sang chúng tôi rồi mỉm cười từ từ nói : “Tôi biết hai bạn muốn hiểu tại sao tôi có vẻ hứng thú với anh chàng ca sĩ này. Trước hết, hai anh phải công nhận là anh này có giọng ca trời cho, phải không? (he was born to sing) Và như tôi đã nói mấy ngày nay, hầu hết ca sĩ châu Á ca ngọng nhạc Mỹ, kể cả ca sĩ Việt Nam. Thế nhưng mấy ngày gần đây, lần đầu tiên tôi phát hiện ra anh này ca không hề ngọng một chữ nào. Suốt ba đêm nay, tôi ngồi đây nghe anh hát cố tình bắt lỗi phát âm của anh nhưng gần như bất lực chịu chết. Mãi cho đến khi lúc nãy anh ca bị hơi lệch một từ…haha, thế đấy!” (close to mispronunciation) Chúng tôi ồ lên một tiếng rõ to khi phát hiện ra cái chân lý hứng thú của ông người Mỹ khá là kỳ lạ này.
Sau này thì tôi biết thêm thực sự David có vợ Việt Nam hẳn hoi, người Vĩnh Long, là một người đàn bà dân quê chân chất, hiền lành. Tôi còn biết thêm David sau này làm quen với Pat Lâm, nhận anh chàng này làm con nuôi vì nghe đâu David không có khả năng có con”.
Đó là những kỷ niệm nhỏ có liên quan phần nào đến Pat Lâm, người mà hiện nay Crystalzero đang muốn tìm lại một chút tông tích về ông anh ruột của mình. Không biết giờ đây David Garfield trôi giạt nơi đâu, cũng như vợ con của Pat Lâm nếu còn sống ở VN, thì cư ngụ ở nơi nào, cậu em trai ngày đêm thao thức ngóng tin nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Theo Trường Kỳ trước khi mất có tiết lộ: Pat Lâm đã mất khoảng năm 1977-1978 sau khi cố tìm cách rời khỏi nước. Hy vọng qua 2 loạt bài này, nếu bạn đọc nào biết được bất kỳ tin tức gì của Pat Lâm, xin vui lòng cho biết những tin tức giá trị đó.
Muon biet gio ve Ba Patlam cua toi thi lien he toi so 0968656531
ThíchĐã thích bởi 1 người
Thật tuyệt vời. Nhờ trang này mà kết nối được với gia đình của người ca sỹ lừng lẫy một thời tưởng đã “bóng chim tăm cá” vì thời cuộc. Cơ duyên thật huyền diệu!
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chào Chú,
Ba của cháu là Pat Lâm , chúng cháu rất vui khi gõ lên google , có thể đọc những bài viết về Ba của cháu .
Cháu tên Lâm N Thăng
65/6 Nguyen Van Giai, Quan 1
Dt 0968656531
Chào Chú
ThíchThích
Xin cho cô chia sẻ niềm vui của cháu. Những kỷ niệm giữa ba cháu, cùng toàn ban Shotguns và cô sẽ không bao giờ phai nhòa…
ThíchThích