Báo Stars and Stripes, ấn phẩm của Quân Lực Hoa Kỳ vùng Viễn Đông số ra ngày 25 tháng 10 năm 1968 có bài viết nhan đề “The Shotguns at Their Fingertips” của phóng viên Sgt. Roger Neumann.
SAIGON – Các nhà tổ chức từng đưa những tài năng vòng quanh thế giới đến những câu lạc bộ quân đội ở Việt Nam. Don Raymond chỉ cần tạt sang nhà bên là tìm được Pat Lâm và ban Shotguns. Ban Shotguns ở ngay Saigon. Họ cũng phải có mặt tại đây; họ ở trong Quân Đội. Chính là Quân Lực Miền Nam Việt Nam. Có một thành viên trong nhóm không ở trong Quân Đội. Cô là Ngọc Mỹ (người ta gọi cô là Mi-Mi), và nhìn cô cứ như một lối quảng cáo mời gọi đi lính tuyệt vời khi cô diện bộ trang phục rằn ri. Bộ trang phục thật tiện lợi khi Mi-Mi đi theo ban Shotguns đến những trung tâm giải trí nằm ngoài Tự Do như Qui Nhơn, Ban Mê Thuột và Đắk Tô. Cô nói: “Tôi thích đi ra tiền đồn vì tôi cho là những gì chúng tôi làm giúp ích cho binh sĩ”.
Quân Đội cho các nghệ sĩ này một hợp đồng dài hạn, nhưng họ không hẳn đi săn việc. Ngay cả đối với Quân Đội, sự nghiệp họ đang khá lắm cho đến trận tấn công của Việt Cộng dịp Tết Mậu Thân khi tất cả đều thất nghiệp, tuy không phải là nguyên nhóm cùng lúc, ở các phòng trà Saigon vì bị đóng cửa. Pat Lâm, trưởng ban nhạc, nói: “Tôi đang hát ở phòng trà Quốc Tế. Tôi không hát nhạc soul, rock’n’roll, những loại nhạc chúng tôi hát lúc này, vì họ không ưa những loại nhạc như vậy ở đó. Những ca sĩ yêu thích của tôi là Frank Sinatra và Jack Jones, và tôi hát loại nhạc của họ. “Đáng lý ra tôi giải ngũ năm nay, nhưng bây giờ thì tôi sẽ ở lại cho tới năm 38 tuổi hoặc tới khi hết chiến tranh. Ít nhất lúc này tôi được hát trở lại”.
Bẵng đi một thời gian, chẳng ai trong số họ hát hay chơi nhạc. Bọn họ làm việc cho những đơn vị tâm lý chiến cho tới sau Tết, một tổ chức mới ra đời lấy tên là Hoa Tình Thương bắt đầu gồm thu các tài năng để giải khuây cho binh sĩ. Ngoài Pat Lâm và Mi-Mi, vốn có hợp đồng với Hội, những người khác tham gia Shotguns gồm có Elvis Phương, ca sĩ; Hoàng Liêm, lead guitar; Quốc Hùng, bass; Duy Khiêm, rhythm; Ngọc Chánh, organ; và Đức Hiếu, trống. Khi họ không trình diễn cho binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở tiền đồn, người môi giới vẫn có việc cho họ. Ban Shotguns thích chơi cho các câu lạc bộ quân đội Mỹ quanh Saigon vì họ thích chơi loại nhạc người Mỹ thích và người Mỹ cũng thích lối trình diễn của họ. Bài bản của họ đa dạng từ những ballad như “The Impossible Dream” Pat Lâm ca cho đến soul như “Chain of Fools” Mi-Mi hát cho đến những bản nhạc country và western được ưa chuộng như “Together Again” với cả hai giọng ca Mi-Mi và Pat Lâm. Pat Lâm cho biết: “Chúng tôi thích chơi nhạc cho người Mỹ vì chúng tôi hát hầu hết nhạc Mỹ. Nhiều người Việt cũng thích loại nhạc này, nhưng hầu hết là những người trẻ, tuổi choai choai. Ngay cả khi họ không hiểu lời ca, họ thích tiết tấu của bản nhạc. Nhưng khi chúng tôi trình diễn cho người Mỹ, chúng tôi biết rằng chúng tôi đang chơi đúng loại nhạc của họ”. Ban Shotguns trình diễn mỗi Thứ Bảy ở Tân Sơn Nhứt USO và Chủ Nhật ở câu lạc bộ Saigon. Cả hai chương trình bắt đầu lúc 12 giờ trưa.

Ban Shotguns trình diễn mỗi Thứ Bảy ở Tân Sơn Nhứt USO và Chủ Nhật ở câu lạc bộ Saigon. Cả hai chương trình bắt đầu lúc 12 giờ trưa.