- Biển Quy Nhơn
Quy Nhơn, 1973
Cơn mưa bất chợt trút xuống khi Mỵ vừa đạp xe từ trường Nữ Trung học Quy Nhơn đến đầu đường Võ Tánh. Nhà của Mỵ còn xa, mãi ở khu 6, qua khỏi sân bay một đỗi, nếu cố đi sẽ ướt như chuột. Quên mang theo áo mưa, Mỵ vội tấp vào núp dưới hiên một căn phố lầu. Nàng mặc đồng phục áo dài tetoron trắng, nếu bị ướt làn vải mỏng sẽ như giấy bóng trong dán sát vào người. Thế nào khi về nhà Mỵ sẽ bị mẹ mắng “con gái mà vô ý vô tứ”.
Nàng đứng ép sát cửa nhà để tránh mưa tạt vào. Tuy thế, hai ống quần đã thấm nước ướt nhẹp, từ nửa đùi trở xuống đã lộ màu da dưới làn vải. Nàng vừa ngượng vừa sợ thế nào cũng bị cảm lạnh. Chỉ còn mấy tháng nữa là thi Tú Tài 1, bịnh là “chết” – nàng nghĩ vậy.
Nàng chợt nghe tiếng hát của Thanh Thúy từ trong căn nhà vọng ra bản nhạc mà nàng ưa thích “ Ai cho tôi tình yêu”, và nàng khe khẽ hát theo. Nàng cười một mình khi hát “ tôi xin dâng vòng tay mở rộng”. Thật tình, nàng chưa có ai để “dâng”, ngay cả chưa từng nắm tay đứa con trai nào. Cũng có một vài anh chàng theo đuổi nhưng nàng lại không thích mấy chú nhóc cùng lứa mặt đầy mụn trứng cá, đang tập tễnh hút thuốc lá, uống cà phê.
Có tiếng chân người trong nhà, rồi cánh cửa sắt đột ngột mở ra. Tiếng rít của bánh xe sắt làm nàng giật mình, vội ngưng hát. Một anh chàng lính hải quân nhoài người ra nhìn, khi thấy nàng anh ta khựng lại. Nàng lúng túng lùi xa khỏi cửa, bất kể nước mưa từ trên lầu xối xuống đầu. Thấy vậy anh chàng vội kêu: “ Cô đứng vào trong nầy. Ướt hết rồi…”. Anh như muốn bước ra kéo nàng, thấy vậy nàng vội trở vào chỗ cũ. Anh lính vào trong nhà mang ra một chiếc ghế mời nàng ngồi: “ Mưa chắc còn lâu mới tạnh, cô cứ ngồi cho đỡ mỏi chân”. Nàng nói cảm ơn rồi khép nép ngồi, lấy vạt áo phủ lên đùi, hai tay ôm ghì cặp sách che trước ngực. Lúc ấy nàng mới nhận ra anh chàng mang quân hàm thiếu úy, tóc húi cua, da ngâm đen, trông khá đẹp trai. Anh mặc quân phục là (ủi) thẳng nếp, mang giày da đen bóng, có lẽ đang chuẩn bị đi đâu đó.
Anh ta vào trong nhà mang ra một chiếc ghế khác cho mình, rồi gợi chuyện: “ Trời dạo nầy hay mưa, sao cô không mang áo mưa theo?”. Nàng đáp gọn lỏn, “Dạ, em quên…”. Rồi anh chàng cố gợi chuyện học hành, thi cử, dự định nghề nghiệp tương lai…Mấy chuyện đó chỉ nói dăm câu là hết, anh chàng trở nên lúng túng, lấy thuốc Ruby ra hút. Mỵ chủ động đổi đề tài, “ Dường như anh thích Thanh Thúy, nãy giờ em nghe toàn giọng ca của cô ấy?”. Anh chàng trở nên hoạt bát hẳn lên, “ Đúng rồi, tôi mê giọng ca trầm lắng, mang âm hưởng Huế của Thanh Thúy. Nhà văn Mai Thảo gọi đó là “Giọng hát lúc O giờ”. Những đêm trên tàu dù đậu ở căn cứ hay trên hải hành, giữa rì rào biển cả, tiếng hát ấy làm lòng mình chùng lại, lắng xuống rồi như tan loãng trong đêm đại dương thăm thẳm. Cô có thích Thanh Thúy không?”. “Em cũng thích. Thảo nào anh có cảm nhận về Thanh Thúy rất hay. Hồi mới tới đây em nghe ké bản ‘Ai cho tôi tình yêu’…”. Chàng reo lên, “Ôi, đó là bản ruột của tôi. Ta cùng nghe lại nhé. Ủa, mà cô chưa cho biết tên để dễ gọi…Tôi cũng quên tự giới thiệu, tên tôi là Minh”. Nàng nói tên mình trong khi anh quay vào bên trong để cho máy chơi lại bài hát ấy. Khi quay ra anh bảo, “ Shotguns 13 đó, mới phát hành tuần trước. Tôi mua ở Sài Gòn…Mỵ nghe thử nhé”.
Nghe hết điệp khúc bài hát của Trúc Phương, mưa cũng bớt nặng hạt, My chào Minh ra về. Minh bảo nàng đợi rồi chạy vào trong mang ra chiếc áo mưa nhà binh, bảo Mỵ: “Mưa chưa tạnh hẳn. Mỵ mặc áo mưa kẻo ướt”. Mặc cho Mỵ tỏ ra ngại muốn từ chối, Minh cứ giũ áo mưa và khoát cho Mỵ. Khi chạy xe một đoạn, Mỵ ngoái đầu nhìn lại, thấy Minh đứng ở cửa nhìn theo. Khi kéo cao cổ áo mưa, nàng nhận ra mùi là lạ, nhưng chẳng biết là mùi gì. Nàng thích thú gọi đó là “mùi của lính”- cái mùi khó quên.
Hôm sau, vào cuối giờ học buổi sáng. Mỵ quay lại nhà Minh để trả áo mưa. Minh mời Mỵ vào nhà. Qua câu chuyện Mỵ được biết anh công tác trên một tàu vận tải hải quân, hải đoàn của anh đóng ở Đà Nẵng và anh đang nghỉ phép thường niên, cuối tuần sau anh sẽ trả phép. Những ngày sau đó anh đón Mỵ ở cổng trường, rồi dắt nhau đi dạo biển, hoặc mời nàng đi ăn kem. Ngày nghỉ phép cuối của anh, Mỵ nhận lời đi ciné với anh ở rạp Lê Lợi. Hôm đó, anh mua tặng Mỵ một chiếc cassette nhỏ với mấy cuộn băng nhạc Thanh Thúy, đương nhiên không thể thiếu bản ruột “Ai cho tôi tình yêu”…
Sài gòn, 1975
Mối tình giữa Mỵ và Minh bắt đầu như thế. Năm 1974, Mỵ đậu Tú tài 2, rồi vào học Đại học Sư phạm Sài Gòn. Minh đã dành kỳ phép thường niên để đưa nàng vào Sài Gòn, thu xếp chỗ trọ cho nàng ở nhà một người quen của anh ở Thị Nghè. Lúc đầu nàng đi học bằng xe đạp, mấy tháng sau Minh gửi cho nàng chiếc Honda dame của anh, anh sợ nàng ngại nên trong thư anh viết “ anh thường đi biển, ít khi dùng xe, đem gửi nhà người ta cũng phiền phức, trong khi em chưa có xe. Của anh cũng như của em, em đừng từ chối nhé”.
Mỵ đã “dâng vòng tay mở rộng”cho anh và anh đã đem đến cho nàng mối tình đầu “để làm duyên nụ cười” như ca từ bài hát. Nàng vẫn nghe Thanh Thúy bằng chiếc cassette Minh tặng. Khi cuộn băng bị nhão, nàng lên kiosque ở đại lộ Nguyễn Huệ mua cuộn Shotguns 13 khác cũng phát hành năm 1973.
Năm ấy Thanh Thúy mới 30 tuổi, đang ở đỉnh cao, từng ba năm liền là ca sỹ ăn khách nhất Sài Gòn. Nhiều nhà văn , nhà thơ, nhạc sỹ nổi tiếng có sáng tác riêng tặng Thanh Thúy, kể cả một bộ phim “Thúy đã đi rồi” của đạo diễn Nguyễn Long với bản nhạc phim cùng tựa đề của Y Vân.
Mỵ trở thành “fan” trung thành của Thanh Thúy, theo dõi mọi hoạt động nghệ thuật của cô, mua tất cả các cuộn cassette của cô, sưu tầm những bài báo, các tác phẩm thơ, nhạc viết về cô. Mỗi lần Minh có dịp đi công tác ở Sài Gòn, hai người cùng đến cà phê “Hạ” ở cuối đường Duy Tân để nghe Thanh Thúy. Minh thường gọi Mỵ là chuyên gia về ca sỹ có “tiếng hát liêu trai” ấy.
Lần cuối họ gặp nhau vào tháng 2-1975, khi tàu của Minh về Sài Gòn để nhận tiếp liệu. Trong khi chờ tàu nhận hàng quân dụng, Minh và Mỵ được gần nhau suốt tuần. Tình hình chiến sự lúc ấy đã ngày càng căng thẳng, Minh dặn Mỵ, “có biến cố gì xảy ra, em cũng cứ ở Sài Gòn để chờ anh nhé…”. Khi tiễn anh xuống tàu, Mỵ không cầm được lòng mình. Nàng ôm hôn anh giữa những người lính trong thủy thủ đoàn của anh. Dường như linh tính mách bảo nàng đó là lần vĩnh biệt.
Sau 30-4-1975 nàng vẫn ở nhà cũ như đã hứa với Minh, mặc dầu càng về sau nàng biết đó là sự chờ đợi vô vọng. Khoảng tháng 7-1975, một người đàn ông tìm gặp Mỵ, tự giới thiệu là trung sỹ trong đơn vị Minh. Ông ta báo cho nàng biết Minh đã theo tàu xuất phát từ Cam Ranh di tản ra nước ngoài. Riêng ông ta ở lại vì còn vợ con “kẹt” ở Sài Gòn.
Saigon, 2013
Năm tháng qua mau…Bà giáo Mỵ nay đã về hưu, thỉnh thoảng vào thành phố thăm con gái. Một hôm, bà nghe tiếng hát quen thuộc của Thanh Thúy từ chiếc desktop của con. “Ai cho tôi tình yêu của ngày thơ ngày mộng…”. Bà chạy đến chỗ con đang ngồi:
– Phải Thanh Thúy không con?
– Đúng rồi mẹ ơi, con down load từ trên mạng đó. Cô gái lướt con chuột chỉ cho mẹ xem những nhạc phẩm do Thanh Thúy hát của mọi thời kỳ có trên mạng internet.
– Con cho mẹ nghe lại bài “Ai cho tôi tình yêu” do Shotguns phát hành năm 1973 đi. Mẹ quen nghe giọng của Thanh Thúy thời trẻ. Chóng quá, mới đó mà nay Thanh Thúy đã bảy mươi tuổi rồi…Bà bảo con.
Bà nghe đi nghe lại bản nhạc ấy nhiều lần…Thấy mẹ thích nên chiều hôm đó, con gái bà mua về một máy nghe nhạc nhỏ, down load nhiều bài hát của Thanh Thúy xuống USB cho mẹ.
Q.Nga sưu tầm
nguon: gocnhosantruong.com