Chuyện thời binh lửa: nhớ lại bài viết “Tiếng hát Thanh Thúy, nghe từ chiến hào“, cách đây hơn 50 năm (Vương Hồng Anh)

 

designed by Quách Tử Nghi

 

 

 

 

Rất tình cờ, qua YouTube, tôi được nghe lại nhạc phẩm Tàu Đêm Năm Cũ của cố nhạc sĩ Trúc Phương được diễn cảm qua tiếng hát của nữ danh ca Thanh Thúy, mà trước năm 1975, được báo chí và giới âm nhạc gọi là “tiếng hát khói sương, tiếng hát liêu trai”.

Nghe bài hát này, tôi nhớ đến câu chuyện của một thời binh lửa, đó là vào khoảng tháng Ba năm 1967, lúc bấy giờ tôi là một quân nhân , phụ trách về biên soạn chương trình truyền hình, và biên kịch phim tài liệu, thuộc phòng Vô tuyến truyền hình và Điện Ảnh Quân đội của một đại đơn vị trung ương của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Do sự phân nhiệm, mỗi tháng, tôi cùng một toán quay phim đến các đơn vị để thực hiện một phim tài liệu 16 ly, và được chuyển qua hệ thống máy chiếu của truyền hình.

Vào tháng Ba năm đó, chúng tôi đến một tiền đồn của một đơn vị hoạt động tại tỉnh Bình Dương. Vào buổi tối, tôi đã cùng với sĩ quan chỉ huy đi một vòng quanh phòng tuyến. Thật bất ngờ trong lúc đi, tôi được nghe từ một chiếc máy radio, tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Thúy qua nhạc phẩm Tàu Đêm Năm Cũ của nhạc sĩ Trúc Phương, trong một chương trình văn nghệ của Đài phát thanh Sài Gòn. Tôi đã đứng lại để nghe hết bài hát, vào lúc đó tôi nghe tiếng đạn đại liên vang lên từ một ụ điểm hoả lực của tiền đồn.

Khi đó, trong tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn, lòng bồi hồi khi nghe tiếng hát của Thanh Thúy “tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?”, và rồi liên nghĩ đến nếu có trận đánh xảy ra trong đêm, thì có thể sẽ có những người lính trẻ vĩnh viễn ra đi.

Ngày hôm sau, trở về Sài Gòn, khi viết lời dẫn cho phim phóng sự “Người lính trên phòng tuyến miền Đông”, tôi đã viết với tất cả cảm xúc. Cũng từ cảm xúc, tôi đã viết một tùy bút ngắn có tiêu đề là “Tiếng hát Thanh Thúy và âm thanh đại liên” đăng trên Nhật báo Tiền Tuyển, một nhật báo của Quân Đội. Bài báo đó tôi đã giao tận tay cho nữ ca sĩ Thanh Thúy như một kỷ niệm khi cô đến Đài Phát Thanh Quân đội (nằm trong doanh trại của đơn vị tôi). Khi đó nữ ca sĩ Thanh Thúy đã lập gia đình, và mái tóc dài và khuôn mặt buồn vời vợi đã “nhường lại” cho mái tóc ngắn và một khuôn mặt tươi vui của một hạnh phúc rạng rỡ trong ánh mắt người xưa.

Và phải đến hơn 30 năm sau, tôi mới gặp lại “tiếng hát khói sương” Thanh Thuý tại miền Nam California. Tôi đã ghi lại nội dung bài viết năm xưa đó và đăng trên một tuần báo văn nghệ tại Hoa Kỳ, trong bài viết tôi có ghi rằng “năm tháng qua đi, nhưng tiếng hát đó đã ở lại trong lòng của một thế hệ thời binh lửa”.

 

 

2 comments on “Chuyện thời binh lửa: nhớ lại bài viết “Tiếng hát Thanh Thúy, nghe từ chiến hào“, cách đây hơn 50 năm (Vương Hồng Anh)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s