VĨNH BIỆT NHẠC SĨ NGỌC CHÁNH / NGƯỜI GÓP PHẦN THANH XUÂN RỰC RỠ CHO ÂM NHẠC / CHO TUỔI TRẺ MIỀN NAM TRƯỚC 75 (Bài: Trần Quốc Bảo)

 

 

 

 

 

Tin nhạc sĩ Ngọc Chánh từ trần thật sự không làm tôi ngạc nhiên nhưng khi nhận được tin nhắn của Ngọc Châu: “Ba em vừa pass away lúc 6:05PM today”, tôi cảm thấy mình như một người bị cơn bịnh vertical bất ngờ ập đến, tâm thần choáng váng, sau đó đầu óc chóng mặt xoay vòng trong không gian. Trước đó một tuần: ca sĩ Thái Trung (bạn thân của Ngọc Châu) gọi báo: “Chú Ngọc Chánh bịnh tình nguy hiểm lắm rồi, lần này sợ khó qua”. Chỉ 2 ngày sau, tôi nhận được tin nhắn của Ngọc Châu: “Hi Anh Bảo, Em là Châu Nguyễn con Ngọc Chánh, Anh Bảo cho Em số phone của Anh nhe, thank you”… Tôi đoán chuyện không lành có lẽ sắp đến. Và cuối cùng, hung tin về NS Ngọc Chánh đã làm rướm máu nhiều người, nhất là những ai đã yêu âm nhạc miền Nam trước 75 nói chung và từng ngân nga đôi câu trong 3 nhạc phẩm mà Ngọc Chánh và Phạm Duy hợp soạn: Bao Giờ Biết Tương Tư, Tuổi Biết Buồn và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang.

Người tôi cầm phone báo đầu tiên, đó là chị Thanh Thúy, một người gắn bó nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Ngọc Chánh từ năm 1970-1971, thời điểm Ông khuyến khích “tiếng hát liêu trai” tái xuất giang hồ sau 7 năm Thanh Thúy lấy chồng quyết định giải nghệ. Biết bao là kỷ niệm của hai người khi làm việc chung tạo dựng vũ trường, các băng nhạc mang tên Thanh Thúy.. vì thế tôi không ngạc nhiên, khi nhận được tin: “Anh Ngọc Chánh mới vừa mất chị ơi”… chị đã khóc trên điện thoại, càng lúc càng nức nở.. hình như càng khóc, mỗi phút giây đẹp nhất của chị về một thời rực rỡ thanh xuân tại Saigon nửa thế kỷ trước càng hiện về rõ nét…

Người thứ nhì tôi báo là ký giả Nguyễn Toàn bên Úc Châu, người trước đây từng viết về ban nhạc Shotguns và sinh hoạt phòng trà Queen Bee, Quốc Tế… Cách đây 1 tuần, trong lúc nhắn tin qua lại, anh Nguyễn Toàn có nhắn: “Bảo ơi, cuối năm rồi sao vẫn còn tin buồn” (có lẽ anh đã xem bản tin tôi viết về sự ra đi của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc), tôi có trả lời nói xa nói gần chuyện anh Ngọc Chánh nhưng không dám nói rõ tên: “Sắp sửa sẽ còn 1 tin động trời mà anh em mình buồn lắm. Tin quá lớn, em chưa dám nói giờ này, vì cũng không muốn đó là sự thật”.

Với chị Thanh Thúy, các ký giả Kỳ Phát, Nguyễn Toàn, Ngọc Hoài Phương và nhiều ca nhạc sĩ khác thời trước… kỷ niệm về nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban Shotguns nhiều vô số kể. Đó là thời thanh xuân đẹp nhất của những ai từng sống tại miền Nam trước 75. Và như một câu nói của nhà thơ Ruben Dario của Nicaragua:

“Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế
Đã ra đi không thể trở về
Lúc muốn khóc ta không khóc nổi
nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi”

Trần Quốc Bảo đang khóc nhớ về Anh. Một vì sao huyền thoại vừa bay vào cõi vô cùng…
Sau đây xin mời bạn đọc bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trên tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ / Việt Tide số 109 phát hành đúng ngày sinh nhật thứ 80 của Ông, ngày 13 tháng 3 năm 2017. Xin mời bạn đọc…

 

 

NHẠC SĨ NGỌC CHÁNH
người đính lên bầu trời âm nhạc Saigon
những vì sao lung linh bất tử
(Bài: Trần Quốc Bảo)

Khi gọi thứ gì đó bất tử, có nghĩa điều đó có sự sống đời đời hoặc rất dài lâu. Những vì sao được gọi bất tử, chắc chắn đó là những tinh tú mà hào quang lung linh chẳng bao giờ tắt cho dẫu hàng trăm năm trôi qua.

Trong số báo viết về nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns kỳ này, số báo mừng ông với sinh nhật thứ 80 (13/3/1937), người viết muốn cùng với người yêu nhạc nhìn lại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ mà người nhạc sĩ này đã có công xây dựng và phát triển từ hơn nửa thế kỷ trước, và hôm nay, sau tròn nửa thế kỷ nhìn lại, tên gọi Shotguns của ban nhạc và những sản phẩm nghệ thuật, hầu như những người yêu nhạc năm xưa ở miền Nam, khó có ai mà quên được.

Khởi đi là ban nhạc Shotguns, được thành lập từ năm 1968, và chấm dứt ngừng hẳn vào cuối tháng 12 năm 1998, có nghĩa, ban nhạc Shotguns đã trị vì trong vương quốc âm nhạc Việt – từ trong nước ra hải ngoại – tròn suốt 30 năm dài.

Nhớ về nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns là phải nhớ đến phòng trà Queen Bee (từ tháng 3 năm 1971 đến tháng 3 năm 1974) và sau đó là phòng trà Quốc Tế (từ tháng 3 năm 1974 đến 30/4/1975). Cả hai phòng trà với lối kiến trúc đẹp mắt ấm cúng và hấp dẫn nằm ngay giữa trung tâm Hòn Ngọc Viễn Đông. Ở đó, hàng đêm đã thu hút số đông rất lớn những khách yêu thích ca nhạc.

Nhà báo Lưu Khâm từng ca ngợi: “Người ta đến với vũ trường của nhạc sĩ Ngọc Chánh như tìm về một tổ ấm thân thương dưới ánh đèn màu, tiếng nhạc lời ca của những ca sĩ ưu hạng đương thời và đệ nhất ban nhạc Shotguns. Lắm người ghiền Queen Bee, mê Quốc Tế và sau này ra hải ngoại với Maxim (San Jose), Ritz (Quận Cam) cùng ban nhạc Shotguns như mê một nhân tình tài sắc, tâm vẹn toàn. Trong khung cảnh lãng mạn, thơ mộng hài hòa giữa nhạc và ca, thời gian như lắng đọng lại để người ta tạm quên những nỗi nhọc nhằn cơ cực của đời sống. Ở đây, tâm tình được dàn trải, thương yêu được gắn bó, ước mơ được nối liền, những trái tim cùng thưởng thức một nhịp đập trên cung điệu tài hoa của Shotguns, lắng nghe và ngắm nhìn những tiếng hát hàng đầu, bồng bềnh sương khói có khả năng dìu người ta về những bến đời hạnh phúc”. Và qua những lời của nhà báo Lưu Khâm vừa viết, chúng ta thấy ngay những Queen Bee, Quốc Tế trước 75 và sau này ở hải ngoại, vũ trường Maxim (1980-1983), rồi Ritz (1984-1998)… nói chung là những vũ trường có bàn tay chỉ huy của nhạc sĩ Ngọc Chánh được ví như một tổ ấm và ban nhạc Shotguns là những cọng rơm đan kết âm thanh dịu dàng và nồng nàn nhất.

Chưa hết, điều đáng nói là những sản phẩm băng nhạc nghệ thuật của Shotguns được bắt đầu tung ra tại miền Nam từ tháng 9 năm 1969. Khách yêu nhạc trên mọi miền đất nước, nếu không thể đến vũ trường, vẫn có thể nghe được những giọng hát, lời ca, những nhạc khúc quen thuộc được thu âm và phát ra từ băng nhạc (cassette) mang danh hiệu Shotguns. Mỗi sản phẩm là một đúc kết vẹn toàn về nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Hàng trăm sản phẩm giá trị như vậy đã khiến Shotguns trở thành một trung tâm băng nhạc được yêu thích nhất, được vồn vã đáp ứng nhất. Báo chí Saigon ngày đó gọi những băng nhạc do Shotguns thực hiện là món ăn tinh thần dự phần quan trọng trong đời sống con người chứa đầy buồn vui hờn giận. Đó là một cô đọng đầy chất nghệ thuật như một ánh lửa bập bùng, rồi âm ỉ của những tâm hồn mặn nồng yêu thương của nhiều thế hệ.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh còn có công lao nhiều lắm, khi đã giới thiệu (trực tiếp hoặc gián tiếp) những giòng nhạc mới của Phượng Hoàng (Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang), Vĩnh Điện, Trần Quang Lộc, Đynh Trầm Ca.. hoặc có công phổ biến những bài thơ của các thi sĩ Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Linh Phương, Phạm Văn Bình, Người Áo Tím… được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc.

Và bây giờ xin mời bạn đọc bước vào câu chuyện về “Nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns – người đã vẽ lên bầu trời âm nhạc Sàigòn những vì sao lung linh bất tử” do Trần Quốc Bảo thực hiện.

* * *

Nhạc sĩ Ngọc Chánh, tên họ thật Nguyễn Ngọc Chánh, sanh ngày 13 tháng 3 năm 1937. Khi ông ra đời, gia đình đang sống tại khu vực nhà thờ Chí Hòa (Ngã Ba Ông Tạ, quận Tân Bình). Gia đình ông ở đây cho đến năm 1968 mới dời đi chỗ khác.

Ông có tất cả 10 anh chị em, nhưng tất cả đã mất từ khi còn nhỏ, chỉ còn lại nhạc sĩ Ngọc Chánh (thứ sáu) và cô em út (thứ mười một) tên Ngọc Lan (tên giấy tờ là Nguyễn Thị Trí). Người em gái này đã có giấy tờ đi Mỹ định cư vào giữa tháng 10 năm 1989 nhưng chẳng may lại đột ngột qua đời hai tuần trước đó. Cô mất vào ngày 25 tháng 9 năm 1989 để lại sự bàng hoàng hụt hẫng và đau đớn cho người con trai tên Long (cũng là tay trống của ban nhạc Shotguns lúc bấy giờ) và cho người anh ruột là Ngọc Chánh.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh mê nhạc và có năng khiếu từ thuở bé. Lúc nhỏ, ông đã học ghi ta với một anh bạn tên là Cổ Tấn Tịnh Châu, anh này có ngón đàn Flamenco tài giỏi (về sau mất năm 1967). Người nhạc sĩ tài danh vắn số này là em ruột của đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu (Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát) phu quân của ca sĩ Dạ Lý hiện sống tại Quận Cam (Cali). Sau đó ông học thêm với một nhạc sĩ người Phi là Benito… nhờ vậy mà ngay từ lúc nhỏ, ông đã có một số kiến thức khá vững vàng về nhạc lý để từ đó soạn riêng cho mình 2 cuốn sách chỉ dẫn Tự Học Đàn Guitar từ lúc ông mới 13, 14 tuổi (sẽ nói rõ phần sau).

Năm 1945, khi ông vừa 8 tuổi, gia đình xin cho ông vào trường dòng Lasan Đức Minh (Tân Định), một nơi nổi tiếng về kỷ luật với các frères khá nghiêm khắc. Trong số các frères, ông luôn nhớ hình bóng hiền từ nhân ái của Frère Aimé Nguyễn Văn Đức, người đã dậy cho ông nhiều điều tốt đẹp thuở cắp sách đến trường.

Người viết cũng một thời khoác áo Lasan, đầu tiên là Lasan Mossard, sau về Saigon năm 1975, có một năm học tại Lasan Taberd, đến khi trường bị giải thể, sang học 2 năm cuối tại Lasan Đức Minh. Khi sang bên Mỹ gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh, ngoài tình cảm nghệ sĩ, còn là tình huynh đệ cùng trường. Khi người viết đứng ra tổ chức 4 chương trình Lasan Hội Ngộ: Nhớ Ơn Thầy bắt đầu từ kỳ 1 (1986), kỳ 2 (1988), kỳ 3 (1990) và kỳ 4 (1992), những lần tổ chức này, nhạc sĩ Ngọc Chánh đều tạo điều kiện cho mượn vũ trường Ritz làm nơi gây quỹ .

 

 

Năm 1948, lúc 11 tuổi, ông rời Lasan Đức Minh chuyển sang trường Lê Văn Hai học 2 năm. Ở đây, ông dành thì giờ học Pháp văn và học Việt văn với giáo sư Ngọc Thứ Lang (cũng là một tiểu thuyết gia và là người dịch truyện Bố Già).

Hai năm sau (1950), ông được vào học tại Trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Trong khoảng thời gian học tại đây, ông viết 2 cuốn sách Tự Học về guitar và đến năm 1953 (khoảng 16 tuổi), Ngọc Chánh bán bản quyền 2 cuốn sách này cho nhà xuất bản Mỹ Tín, chủ nhân chuyên làm đàn violon (Tiệm đàn Mỹ Tín có tên trong tự điển Pháp về tài chế tạo đàn violon và ông này cũng là một kịch sĩ, giáo sư Kịch Nghệ của trường Quốc Gia Âm Nhạc trước 75).

Nhờ tiền bản quyền 2 cuốn sách, nhạc sĩ Ngọc Chánh lấy được 24 ngàn, mua đàn piano hết 22 ngàn, còn dư 2 ngàn, ông dùng làm tiền học phí để học piano, hòa âm và sáng tác với Thầy Dung ở đường Hiền Vương.

Năm 1957, ở tuổi tròn 20, nhạc sĩ Ngọc Chánh đến tuổi động viên. Trước ngày phải đi Thủ Đức, ông được nhận vào làm trong ban Công Dân Vụ. Ở tại nơi đây, ông gặp các nghệ sĩ Thanh Hoài, Thanh Việt, tài tử Kim Vui, kịch sĩ Cảnh (còn được bạn bè gọi thân mật là Cảnh Vịt, chủ nhân Phở Nguyễn Huệ ở Bolsa), Hoàng Long, Huyền Anh… Làm ở Công Dân Vụ được 3 tháng, ông rời nơi này và bắt đầu ra ngoài tự tìm nơi chơi đàn để mưu sinh.

Những ngày tìm việc thuở đầu đời đó, là những năm tháng khó quên của chàng trai tròn 21 tuổi. Năm 1958, chàng thanh niên rất vui khi có những công việc đầu tiên dù chỉ là chơi đàn trong những quán bé nhỏ, như nhà hàng An Lạc (ở Xa Cảng Miền Tây), sau đó vài tháng, ông tìm thêm được những chỗ mới khá hơn, như nhà hàng Melody, nhà hàng Tàu Lai Yun…
Ròng rã gần hai năm, năm 1960 – nhạc sĩ Ngọc Chánh được ông Hoành, một người gốc Hoa, chủ nhân thầu ca nhạc tại Hồ Tắm Cộng Hòa (cũng là chủ nhân vũ trường Văn Cảnh) mời về làm chef d’orchestre…

Một hôm, có một nhạc sĩ tên Tư giới thiệu Ngọc Chánh một nữ ca sĩ trẻ quê quán ở Bình Long lên Saigon trước tiên, cô dự tính học nghề may, đồng thời cô cũng có một giọng hát lạ mong có dịp tham gia vào làng ca nhạc. Người nữ ca sĩ với khuôn mặt đẹp và tiếng hát khá ngọt ngào ấy – chính là nữ danh ca Minh Hiếu sau này – đã chinh phục ngay mọi người, từ ông chef d’orchestre cho đến người chủ nhân Hồ Tắm Cộng Hòa – ngay từ phút đầu tiên cô cất lên tiếng hát những bản Kiếp Nghèo, Nỗi Lòng, Gợi Giấc Mơ Xưa. Sau khi được nhận, Minh Hiếu còn được nhạc sĩ Ngọc Chánh dậy thêm về nhạc lý và chẳng bao lâu, người nữ ca sĩ này được nhiều vũ trường và phòng trà khác mời cộng tác. Thời gian này, tại Hồ Tắm Cộng Hòa, có những ca sĩ thường xuyên góp mặt, như Thanh Lan (vợ ông Cao Xuân Vỹ), Thanh Thúy…

Năm 1962, chủ nhân Hoành thay người kéo Ngọc Chánh về trình diễn tại vũ trường Văn Cảnh, lúc đó chef d’orchestre là nhạc sĩ Sáu Già. Chỉ một năm sau (1963), ông được nhà hàng Mỹ Phụng mời về làm chef d’orchestre, trong ban nhạc bấy giờ có Hoàng Liêm guitar, Xuân Mỹ saxo, một người Hoa đánh trống…

Năm 1964, nhạc sĩ Ngọc Chánh được ông bà Long (thân sinh anh Nguyễn Thành Quốc – chủ vũ trường Majestic và Blue Club tại hải ngoại sau này) mời về làm chef d’orchestre, thành phần cũng thế, ngoại trừ không có tay guitar Hoàng Liêm vì anh này bị một tai nạn lớn năm 1963 phải nghỉ làm việc một thời gian).

Năm 1966, với tình hình tổng động viên, Ngọc Chánh tham gia vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Năm 1967, Ban Hoa Tình Thương do bà Tướng Cao Văn Viên thành lập, rút những nghệ sĩ có tài từ nhiều nơi khác về, chẳng hạn bên Công Binh có Khánh Băng, Phùng Trọng, Duy Khiêm, Nguyễn Ánh 9, bên Hải Thuyền có Elvis Phương, bên Địa Phương Quân có Hoàng Liêm, bên Biệt Đoàn Văn Nghệ có Ngọc Chánh, Pat Lâm, Đức Hiếu…
Ngày 31 tháng 1 năm 1968, tức Mùng 2 Tết, Cộng Sản tổng tấn công Saigon. Toàn bộ những chương trình ăn chơi giải trí ở các phòng trà, vũ trường đều bị đóng cửa đồng loạt. Giới nghệ sĩ lúc này thất nghiệp cả đám ngoại trừ một số hát được nhạc ngoại quốc thì còn có công việc làm tại các Club Mỹ.

Trong hoàn cảnh này, ca sĩ Pat Lâm được một người cha nuôi người Mỹ có chức quyền cao trong cơ sở USO đề nghị ông và nhạc sĩ Ngọc Chánh quy tụ những nhạc sĩ có sẵn trong Ban Hoa Tình Thương lúc bấy giờ thành lập một ban nhạc để chơi hàng tuần (Thứ Bẩy tại U.S.O. Tân Sơn Nhất và mỗi Chủ Nhật tại U.S.O. 119 Nguyễn Huệ Saigon) cũng như chạy thêm show ở các Club Mỹ khác tại Biên Hòa, Long Bình, Vũng Tầu… với số lương rất cao. Theo một tài liệu, USO viết tắt từ United Services Organizations, tổ chức phi lợi nhuận đưa các hoạt động giải trí tới phục vụ quân đội Mỹ đóng ở khắp nơi trên thế giới. Cơ sở là rạp hát – Nguyễn Huệ. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là cơ sở U.S.O. số 119 Nguyễn Huệ.

Trong lúc mọi người đang mất việc, thì lời đề nghị này của người cha nuôi Pat Lâm quả như những giọt nước quý trên sa mạc. Chỉ một tuần sau, ban nhạc được hình thành với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Một thời gian ngắn, Pat Lâm tăng cường thêm Ngọc Mỹ – một giọng nữ chỉ mới 22 tuổi mà đã được coi là một giọng ca vững vàng nhất về nhạc ngoại quốc, nhất là về nhạc Jazz, một loại nhạc nếu không có một căn bản nhạc lý vững chắc thì khó mà trình bày được. Khi vừa chơi trong Club Mỹ một thời gian ngắn, tay trống Lưu Bình vào thế Đức Hiếu và có thêm sự hiện diện của Quốc Hùng chơi bass, Duy Khiêm đánh guitare accord.

Còn tên gọi Shotguns, không chỉ vì ban nhạc được thành hình sau cuộc chiến Tết Mậu Thân chỉ vài tuần – mà tên ban nhạc còn được bắt nguồn từ một bài nhạc chào có tên Shotgun rất ăn khách vào thời gian đó. Theo như một tài liệu: “Shotgun” là tên một dĩa đơn do Junior Walker & All Stars phát hành năm 1965; sáng tác do Walker viết lời và nhạc, sản xuất bởi Berry Gordy Jr. và Lawrence Horn. Trong bốn tuần liên tiếp, dĩa “Shotgun” đứng đầu danh sách các dĩa nhạc R&B Singles ở Hoa Kỳ và đứng hàng thứ tư trên Billboard Hot 100 vào cuối tuần 3 tháng 4 năm 1965. Nhạc sĩ guitar Jimi Hendrix từng trình diễn bản này trên sân khấu với ban All Stars. Ca sĩ Pat Lâm và nhạc sĩ Ngọc Chánh, hai linh hồn của ban nhạc, quyết định chọn tên Shotguns cho ban nhạc mới thành lập của mình.

Năm 1969, khi tình hình chiến tranh có vẻ đã lắng dịu, sinh hoạt ca nhạc về đêm trở lại bình thường, nhạc sĩ Ngọc Chánh có khuynh hướng muốn về đóng đô trình diễn hàng đêm tại Saigon. Theo nhà báo Nguyễn Việt, trong giai đoạn này:

Ngọc Chánh cùng Hoàng Liêm, Elvis Phương quyết định chuyển hướng từ một ban nhạc chuyên trình diễn loại nhạc Pop Rock kích động sang trình bày nhạc Việt. Bởi Ngọc Chánh có tâm tư, tại sao cứ phải trình diễn cho các Club Mỹ với loại nhạc kích động Pop Rock, Twist, Bebop… ồn ào náo nhiệt, mà không trở về với cội nguồn cho khán giả Việt thưởng thức những nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình như Slow, Boston, Rumba, Tango, Bolero… Một quyết định xem ra đơn giản nhưng không đơn giản vào thời đó, vì có một số anh chị em trong ban nhạc không đồng tình. Lý do trình diễn ở các Club Mỹ được nhiều tiền hơn trên các sân khấu Việt.

Thời gian này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có lúc đã mời ban Shotguns về trình diễn Show mỗi đêm với thời lượng một tiếng đồng hồ. Khách tại Maxim rất yêu thích phong cách sống động của ban nhạc và lối trình diễn nóng bỏng của Ngọc Mỹ, Pat Lâm và Elvis Phương.
Cuối năm 1969, đầu 1970, khi Jo Marcel rời Queen Bee, Khánh Ly đã mướn lại và mời ban nhạc Shotguns về đóng đô mỗi đêm. Mỗi đêm, bên cạnh thành phần nhạc sĩ thường xuyên của Shotguns, khán giả đến Queen Bee còn nghe được tiếng đàn piano của Nguyễn Ánh 9 và tiếng trống Anh Thoại.

Tết 1971, Khánh Ly cùng Ngọc Minh và cô em gái Ngọc Anh đi trình diễn tại Mỹ. Lúc trở về, Khánh Ly rời Queen Bee và khai trương chỗ mới ở phòng trà Tự Do. Riêng tại Queen Bee, nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban Shotguns quyết định “thầu” lại và mời tiếng hát nữ danh ca Thanh Thúy tái xuất giang hồ sau 5 năm cô giải nghệ đi lấy chồng. Không biết vô tình hay hữu ý, đêm khai trương của hai vũ trường Tự Do và Queen Bee đều cùng một ngày, ngày 16 tháng 3 năm 1971.

Bên phòng trà Tự Do, để cho có nét lạ, đích thân Khánh Ly đến nhà Mai Hương mời cô cộng tác với hợp đồng ký 6 tháng. Tuy chỉ thích hát trên truyền hình, truyền thanh, nhưng vì quý mến Khánh Ly, cho nên Mai Hương đã nhận lời mời. Do đó, trên tờ quảng cáo, Khánh Ly đã ghi: “Và lần đầu tiên, giọng ca chị em với Thái Thanh, nữ ca sĩ Mai Hương” chịu đi hát phòng trà.

Ngày cuối cùng mãn hợp đồng, đúng 6 tháng sau, ngày 16 tháng 9 năm 1971, trong buổi hát cuối cùng tại Tự Do, Mai Hương đã kêu gia đình đi xem rất đông, ai dè, đêm hôm đó, phòng trà Tự Do bị đặt chất nổ, một số người đã bị thương vong, trong đó có gia đình của ca sĩ Mai Hương, một vài người cháu đã bị thương khá nặng.

Còn bên phía phòng trà Queen Bee do Ngọc Chánh làm chủ thì đêm khai trương kết quả ra sao, nhất là khi ông đã có công mời được giọng ca liêu trai Thanh Thúy tái xuất giang hồ. Mời bạn đọc bài viết của Ngọc Hoài Phương đăng trên tuần báo Hồng số 10 phát hành ngày 14 tháng 7 năm 1971:

THANH THÚY ĂN KHÁCH NHƯ THUỞ NÀO

Sau hơn 5 năm xa lánh ánh đèn màu sân khấu, khi tái xuất giang hồ, giọng hát liêu trai của Thanh Thúy vẫn còn ăn khách như thuở nào. Nàng vẫn được đón tiếp với trọn vẹn cảm tình của giới ái mộ dành cho một thần tượng. Và có lẽ ngay chính nàng cũng không thể ngờ được sau quyết định tiếp tục trở lại nghiệp cầm ca này, nàng lại được tiếp đón nồng hậu đến như vậy.

Nhắc đến Thanh Thúy thì bắt buộc phải nhớ lại thuở vàng son của nàng trong những năm 1963, 1964 đã qua. Tên tuổi nàng đã đạt tới tuyệt đỉnh danh vọng trong những năm đó. Và bây giờ, khi trở lại với đám đông trong khung cảnh Queen Bee này, tài nghệ của nàng còn có phần điêu luyện, vững vàng hơn xưa nữa là khác. Giọng ca khàn khàn, lê thê đó vẫn còn dư hấp lực để lôi cuốn người nghe. Và ngày nay nếu nàng vẫn còn được nhiều người ái mộ, thiết tưởng đó là chuyện dĩ nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Nàng đã chọn Queen Bee cho lần tái xuất hiện này. Đêm 16/3 vừa qua, giới yêu nhạc ở thủ đô đã chen chúc nhau tới đây để được nghe lại giọng ca Thanh Thúy, được nhìn lại vóc dáng quen thuộc của nàng. Vẫn khuôn mặt đó, vóc dáng đó và giọng ca đó, người ta không tìm thấy một sự thay đổi nào ở người ca sĩ này. Hình như, đối với Thanh Thúy, khoảng thời gian mấy năm qua chưa đủ để cho nàng có những thay đổi quan trọng, có chăng chỉ là tài nghệ của nàng vững vàng hơn mà thôi. Sự tái xuất hiện của Thanh Thúy được ghi nhận như một hiện tượng tốt trong sinh hoạt An Nam ta.

Và kể từ buổi tối hôm đó, với sự góp mặt thường xuyên của Thanh Thúy, với dàn nhạc nổi tiếng Shotguns do Ngọc Chánh điều khiển cùng các nghệ sĩ tài danh khác, Queen Bee đã được giới yêu nhạc coi như một nơi giải trí ngon lành nhất, thích thú nhất. Thường thường các phòng trà rất buồn tình đối với các trận mưa vào buổi tối, bởi vì sẽ vắng khách. Nhưng đối với Queen Bee, mưa hay nắng không phải là một vấn đề quan trọng. Điển hình là trong đêm 1/7, khi bộ biên tập báo Hồng mở cuộc hành quân tại Queen Bee, trời cũng mưa. Vậy mà những khách tới trễ cũng khó khăn trong việc tìm chỗ ngồi. Đây là một điểm son của phòng trà này.

Trở lại với người ca sĩ mang tên Thanh Thúy, điều mà rất nhiều người đã công nhận rằng, mặc dầu đã từng là một giọng ca bậc nhất, đã từng chiếm được ngôi vị cao nhất trong những năm trước đây, và cho tới nay nàng vẫn được đón tiếp nồng hậu như xưa, nhưng không phải vì thế mà Thanh Thúy có bộ mặt kên kên khó chịu như một số nghệ sĩ khác. Nàng nói năng thật nhỏ nhẹ dễ thương và lúc nào cũng cởi mở với những người đã quen hoặc chỉ mới biết sơ sơ. Với tính tình hòa nhã như vậy, với tên tuổi và tài năng sẵn có, chúng tôi tin tưởng rằng Thanh Thúy sẽ còn gặt hái thêm nhiều thành quả trên bước đường ca hát mà nàng còn nặng nợ, không thể dứt bỏ được.

Trụ ở Queen Bee được hơn 3 năm, Ngọc Chánh dời phòng trà về ngay trên lầu Bộ Tư Lịnh Khai Sáng 91 ter Công Lý cho dễ sinh hoạt. Ban ngày bán băng nhạc, buổi chiều chuẩn bị vặn máy lên đèn và một ngày đẹp trời của tháng 5 năm 1974, phòng trà Quốc Tế do Ngọc Chánh, Thanh Thúy làm chủ được khai trương thật rầm rộ.

Nhìn lại thật công tâm một chặng đường dài 5 năm của Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns, từ Queen Bee cho đến Quốc Tế, ở đây đã là nơi quy tụ những nhạc sĩ tài danh hàng đầu của Saigon như:

– Nhạc sĩ dương cầm Lê Văn Thiện: người đã hòa âm hàng ngàn nhạc khúc và được hàng trăm ca sĩ ưu hạng trình bày.
– Nhạc sĩ Hoàng Liêm: người solo guitar được khách ái mộ phong tặng đệ nhất Đế Vương Tây Ban Cầm độc tấu.
– Đức Phú, Lưu Bình, Hoàng Hải, Mạnh Tuấn: những tiếng trống cừ khôi đã tạo nên những vũ bão âm thanh với đôi dùi huyền nhiệm.
– Saxo Trần Vĩnh, Xuân Tiên: Hai tiếng kèn như hai ngọn núi cao nhất, hú gió gọi mưa về làm mát lòng người.
– Bass guitar Duy Khiêm: người nhạc sĩ được các ca sĩ ưu ái cho là hạt ngọc quý trong xâu chuỗi kim cương của dòng nhạc.
– Đan Thọ: nhà vĩ cầm với chiếc áo vàng trong cuộc đua violin cho tới nay chưa có người thay thế.
– Nhạc sĩ Cao Phi Long: ngôi sao sáng chói trên vòm trời trumpet Việt Nam.

Đồng thời cũng tại hai phòng trà này, nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns đã là nơi trình diễn lý tưởng cho những giọng ca nổi tiếng đương thời như Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai… và là những bệ phóng tuyệt vời của những giọng ca trẻ ngời sáng như Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Diễm Chi, Trọng Nghĩa, Nguyễn Chánh Tín…

Riêng trong lãnh vực thực hiện băng nhạc, mặc dù ra đời sau những hãng băng Jo Marcel, Tú Quỳnh, cộng thêm một bất lợi, là tác phẩm Shotguns đầu tay phát hành ngày 22 tháng 7 năm 1969 được thực hiện ở phòng thu Bùi Hữu Nghĩa trong Chợ Lớn (chuyên viên thu thanh tên Hồng), Ngọc Chánh tin rằng anh sẽ thành công bởi có trong tay ca sĩ Hùng Cường hát 5 ca khúc đang nổi ồn ào, đó là Một Trăm Phần Trăm, Ông Lái Đò, Chiều Hoang Vắng, Kim, Đêm Trao Kỷ Niệm… bên cạnh đó cuốn băng còn có những giọng ca ăn khách thời đó như Thanh Tuyền, Duy Khánh, Ban Sao Băng, Mai Lệ Huyền, Lệ Thu, Giao Linh, Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm… nhưng chẳng hiểu sao, cuốn băng không gây được tiếng vang như Ngọc Chánh mong muốn.

Nhà báo Nguyễn Việt đã nhắc lại câu chuyện này như sau:

Giới thưởng thức âm nhạc thời bấy giờ rất kén nghe ca sĩ hát, và ca khúc thuộc dạng lãng mạn trữ tình hay dành cho “sến nương” trong một nhãn hiệu băng nhạc nào đó. Hai trường phái này luôn đối nghịch, nếu nhãn băng có những Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan… thì sẽ không có những Chế Linh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Chung Tử Lưu, Giang Tử, Duy Khánh v.v… Có các nhạc phẩm như Tình Nhớ, Con Thuyền Không Bến, Đêm Đông, thì thường không nghe những bài thuộc dòng “nhạc sến” như Chuyện Tình Lan Và Điệp, Nhẫn Cỏ Cho Em, v.v… Khán thính giả đã phân chia các hạng bậc ca sĩ, nhạc phẩm như thế để thưởng thức nhằm thư giãn tinh thần. Cho nên khi Ngọc Chánh mở đầu cho nhãn hiệu băng nhạc Shotguns với bài “Một Trăm Phần Trăm” do Hùng Cường hát, trong một cuốn băng có những giọng ca như Thanh Thúy, Thanh Lan, Xuân Sơn, Khánh Ly, Elvis Phương… đã không được giới thính giả chào đón, đi đến thất bại.

Từ kinh nghiệm trên, nhạc sĩ Ngọc Chánh rất thận trong phong cách chọn bài hát, ca sĩ và cả về âm thanh. Đến khi cuốn “Băng Vàng Shotguns” được phát hành, một tờ nhật báo bán chạy nhất lúc bấy giờ viết đến kỹ thuật thu âm audio cao cấp của nhóm nhạc này, giới mộ điệu âm nhạc bắt đầu chú ý và từ đó trở thành nhãn hiệu băng được mọi người tin cậy, bán chạy nhất bấy giờ.

Thừa thắng xông lên, Ngọc Chánh tung thêm nhiều nhãn hiệu khác, tùy theo giòng nhạc, nếu là nhạc trẻ, ông xếp vào tủ băng có tên Nhạc Trẻ, những cuốn đầu tiên do Kỳ Phát chăm sóc, chọn bài, ca sĩ chủ lực trong những cuốn băng này là Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Phúc – Minh Xuân, Bích Loan và CBC, Julie Quang, Cathy Huệ, Thúy Hà Tú, Vy Vân, Thái Hiền, Duy Quang và ban Dreamers, Tuấn Dũng, Cao Giảng, Trung Hành (Mây Trắng), Paolo Tuấn, Tuấn Ngọc, Thanh Mai, Ái Ly… và đôi khi mời những special guest như Ngọc Mỹ, Tuấn Ngọc, Carol Kim, Jennie Mai, Trọng Nghĩa…

Bên cạnh tủ băng Nhạc Trẻ, còn có tủ băng Siêu Âm, tủ băng Chế Linh, tủ băng cải lương với nhãn hiệu Hồn Nước (do soạn giả Viễn Châu phụ trách). Cũng nói thêm tại đây, cách đây khá lâu, cô Sáu Liên chủ hãng dĩa Việt Nam có tìm cách liên lạc với nhạc sĩ Ngọc Chánh để xin phép sử dụng lại những cuốn băng cải lương mang nhãn hiệu Hồn Nước mà Ngọc Chánh đã thực hiện trước 75. Sau khi suy nghĩ, ông đồng ý cho cô Sáu Liên sử dụng những sản phẩm Hồn Nước với điều kiện bà trao số tiền 1000 dollars (xem như tiền sử dụng) đến tay nhạc sĩ Viễn Châu. Người viết không rõ câu chuyện kết cuộc về đâu nhưng tấm lòng cao quý âm thầm của nhạc sĩ Ngọc Chánh vô cùng đáng quý.

Điều tiếc nuối của Ngọc Chánh là năm 1974, ông dự tính một kế hoặc lăng xê những giọng hát trẻ có nhiều triển vọng như Hương Lan, Dạ Hương, Nguyễn Chánh Tín, Từ Công Phụng… nhưng chưa kịp lăng xê thì bởi chiến cuộc lan rộng khắp miền Nam nên mọi kế hoạch đành hủy bỏ.

Biến cuộc 30/4 trờ đến. Cuối năm 1975, để được yên thân, ông nhận lời cộng tác với đoàn kịch Kim Cương vào cuối tháng 12. Những thành viên trong ban nhạc hầu hết là những nhạc sĩ cũ của ban Shotguns như: Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Đan Thọ, Cao Phi Long, Duy Khiêm, Long Thoại Nguyên, Đức Hiếu, Xuân Tiên… có thêm Văn Hạnh, Lê Tấn Quốc (chồng Họa Mi), Đặng Văn Hiền… Những buổi diễn đầu tiên tại Rạp Kinh Thành vé bán hết sạch trong chớp nhoáng bởi những cái tên nạm vàng của miền Nam ngày trước: Lệ Thu, Thanh Tuyền, Thái Châu, Hà Thanh, Thanh Phong, Phương Đại, Họa Mi cùng với một ban nhạc toàn những tên tuổi lẫy lừng.

Ẩn nhẫn chờ thời khoảng 3 năm, Ngọc Chánh cùng gia đình vượt biển đến đảo Pulau Tengah của Mã Lai vào đúng ngày 4 tháng 10 năm 1978. Ngày 1 tháng 4 năm 1979, gia đình ông đến Mỹ do nhà thờ bảo lãnh. Ở San Pedro 1 tháng, cả nhà dời lên thành phố Van Nuys cư ngụ khoảng 6 tháng. Tháng 10 năm 1979, trong một dịp tình cờ ông gặp lại Đinh Thành Châu – một thân hữu giờ làm chủ một nhà hàng tại San Jose muốn giao cho Ngọc Chánh làm vũ trường với tiền cho mướn chỉ 2200$ một tháng.

Đêm khai trương của nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban Shotguns cùng những tiếng hát Kim Anh (Mùa Thu Lá Bay), Huy Sinh, Hải Lý, Ánh Lệ vào cuối tháng 12 năm 1979 đã thu hút giới mê nhạc năm xưa ở Saigon. Những năm 1980-1981 dù bận nhưng ông vẫn dành thì giờ đi học chụp ảnh nghệ thuật với nhà nhiếp ảnh Trần Cao Lĩnh… và nhờ vậy, ông đã có một số kiến thức về nhiếp ảnh để những năm sau này, khi từ giã thế giới phòng trà, ông đã lao vào thú vui chụp hình như một đam mê cháy bỏng cuối đời.

Năm 1983, đang sinh hoạt nhộn nhịp, vũ trường ông bị cháy. Đang dự tính tìm một nơi khác để mở lại thì bỗng một dịp xuống thăm Quận Cam, ông gặp được nhạc sĩ Vô Thường, lúc đó đang cùng Lê Đức Long (chủ một cây xăng) làm chủ một vũ trường và đang muốn sang lại. Chỉ nửa ngày sau, Ngọc Chánh đồng ý chồng tiền.

Từ một diện tích nhỏ khi sang lại năm 1984, đến cuối tháng 12 năm 1989, chỉ 5 năm sau, vũ trường Ritz đã khuếch trương gấp 5. Lúc Trần Quốc Bảo tổ chức đêm ra mắt tờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ ngày 8 tháng 12 năm 1989, thì trong vũ trường còn đang xây dựng một bên góc khá ngổn ngang.

Năm 1986, ông cùng các con mở một nhà in thật lớn, có tên Perfect Printing, được sự yểm trợ của nhiều anh chị em nghệ sĩ và thân hữu xa gần.

Sau 19 năm làm chủ vũ trường, con cái ông bà giờ đây học hành cũng đã thành đạt, ông quyết định giải nghệ và sang lại vũ trường này cho ông Phương. Đêm đầu tiên, đúng vào lễ Noel 1998, người viết và nhiều ca nhạc sĩ (cũng như khách hàng quen) bước chân vào vũ trường mới biết được giờ đây chủ nhân Ritz đã là người mới.

Sau ngày đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng vợ dành thì giờ đi du lịch rong chơi nhiều quốc gia. Thì giờ còn lại, ông chơi tennis, rồi đánh golf, cũng như chuyên tập bộ môn Hồng Gia để giúp cho cơ thể có thêm sức khỏe.

Cách đây 10 năm, năm 2007, ông bắt đầu đi vào chuyên môn nhiếp ảnh, và nhiều lần ghi danh dự thi, ông cũng nhiều lần đoạt được những giải thưởng hạng đầu. Tuy nhiên với ông niềm vui duy nhất trong thú đam mê này, đó là làm sao tạo được những tác phẩm nghệ thuật mà mình và nhiều người nhìn vào sẽ yêu thích. Cũng như ngày xưa, biết bao giờ quên ăn, đêm không ngủ, để cố đi tìm những phương cách mới lạ cho bảng hiệu Shotguns.

Kết thúc bài viết này, người viết xin trích một bài thơ ngắn mà ngày xưa thi sĩ Hoàng Trúc Ly từng viết về Shotguns:

Em là người yêu có sắc
Em là người thương có tài
Em là tình nhân có tâm
Ta si mê nên trở thành nô lệ
Suốt đời ta không hối hận một lần.

Kính chúc nhạc sĩ Ngọc Chánh, một sinh nhật thứ 80, mãi mãi tươi trẻ, mãi mãi nồng nàn, để cho thần Thời Gian phải cúi đầu khuất phục.

TRẦN QUỐC BẢO

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s