
Bức ảnh chủ đề Tình Mẫu Tử của Nguyễn Cao Đàm (một số báo chí như Tin Mới ấn hành ngày 8 tháng 3 năm 1959 dùng tên khác là Lòng Mẹ nhưng theo Bà Nguyễn Cao Đàm xác nhận với tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ, bức hình với tên Tình Mẫu Tử mới là chính xác). Người phụ nữ trong ảnh là bà Nguyễn Cao Đàm và cậu bé hơn 1 tuổi đang nằm ngủ chính là Nguyễn Trọng Tuấn – tác giả bài viết này.
Ai trong ta từ lúc sanh ra đến khi lớn lên đều có những kỷ niệm ít nhiều trong gia đình. Riêng tôi vì đi du học Tân Tây Lan lúc còn nhỏ ở tuổi mười tám cho nên nói đến các kỷ niệm với bố Cao Đàm qua cuộc đời nhiếp ảnh của ông thì cũng không được nhiều như các anh chị em khác trong gia đình nhưng lại có vài kỷ niêm khó quên vẫn giữ sâu đậm vào ký óc tôi đến bây giờ.
Còn nhớ đến những buổi ông đi săn ảnh ở Biên Hòa, Lái Thiêu mà tôi thường làm tài xế chiếc Vespa của ông cho đến những đêm hội họp tại gia với các nhiếp ảnh gia thân thuộc như Cao Lĩnh, Mạnh Đan, Trần Việt, Lê Văn Khoa, Lê Anh Tài hoặc các buổi gặp gỡ đám học trò trẻ mà ông là thầy giáo dạy ảnh trường Hội Việt Mỹ. Kỷ niệm khó quên được của những đêm ấy là trong khi mọi người đang bàn tán, phân tách ảnh đẹp xấu ra sao thì tôi chợt nghe bố thoát một câu “Tuấn đâu! đi rót trà mời khách con”. Quýnh quáng tôi vội vã đi đun nước mang bình trà đãi khách mà trong lòng thì bực bội vì lúc ấy đang bận học thi Tú Tài trối chết, chưa kể lúc ấy có cảm giác “lép vế” trong cảnh phải bưng trà mời tận tay các anh học trò mà tuổi vẫn còn non choẹt chỉ bằng cỡ tuổi mình thôi! Thế mới biết là ông bố tin cận giao thằng con trai việc trà nước này vì các anh chị em khác trong nhà có lẽ khó sai bảo hơn! Tôi cũng là đứa được đảm nhiệm các việc như khóa cửa, thắp nhang bàn thờ vì mang tiếng là siêng năng dễ bảo từ bé. Toàn là các kỷ niệm tiếu lâm mỗi khi nghĩ đến.
Bố con cũng có những ngày hàn huyên say sưa về đề tài liên hệ đến môn Vật Lý trong nhiếp ảnh qua các công thức liên quan giữa khẩu độ, tốc độ, ánh sáng, khoảng cách xa gần của ảnh vật. Chưa lúc nào tôi lại cảm thấy được dịp đấu láo ngang ngửa với ông bố như thế vì nó nằm đúng trong phần thi Tú Tài mà tôi đang gạo bài rối riết. Dân dần ông tin tưởng tôi hơn và biết tôi có chút khiếu về Việt Ngữ nên ông giao cho công việc sửa chữa chính tả các bài viết của ông trước khi được giao cho nhà xuất bản để in sách. Phải nói tôi cảm thấy khá hãnh diện khi được giao phó việc này vì nó cũng làm tôi thêm tự tin cho việc học của chính mình, và cũng nhờ sửa chữa chính tả từng trang giấy của các bài viết đó tôi càng thấy nể phục ông bố hơn vì không những ông đã là nhiếp ảnh gia có tiếng mà còn là người cầm bút viết lên những lời văn dễ hiểu, đầy lôi cuốn cho người đọc.
Nhưng không có kỷ niệm nào sâu đậm nhất cho tôi qua tác phẩm Tình Mẫu Tử ông thực hiện năm 1956 khi tôi mới được một tuổi. So với bẩy anh chị em trong nhà thì tôi lại hay được chọn làm người mẫu có lẽ phần vì bẩm sinh tánh tình dễ bảo, ai đặt đâu ngồi đó. Vài tác phẩm có tôi trong hình đã được đăng trên quyển Bước Đầu Nhiếp Ảnh qua tấm Nỗ Lực, Gần Đèn trong quyển Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Bước Hai, và Tình Mẫu Tử trong quyển Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu.
Qua bộ phim điện ảnh tựa đề Bóng cau trong miền ảnh đẹp, thực hiện năm 1997 với nhóm nhiếp ảnh Sydney, ông mở đầu bài thuyết trình về tác phẩm Tình Mẫu Tử như sau: Còn có cảnh nào êm đềm bằng cảnh ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu với người mẹ ngồi khâu ngoài màn vừa canh thức cho đứa con giấc ngủ êm ái…Ông cho biết tiếp đây là một trong những tác phẩm ông ưng ý nhất vì ông tốn rất nhiều thì giờ để sắp đặt từ ánh sáng đến bố cục. Nhưng vì nhờ công phu và nhiều sáng tạo, tấm ảnh đó đã mang cho ông nhiều huy chương cao quý qua các kỳ tranh triển lãm quốc tế. Tình Mẫu Tử quả thật đưa ông lên đỉnh cao của nhiếp ảnh nghệ thuật.
Tấm ảnh để đời ấy đã trở thành một kỷ niệm đẹp cho tôi mỗi khi nhìn lại chính mình ngày còn bé nằm ngủ say sưa bên cạnh mẹ hiền với ngọn đèn dầu cặm cụi đang may vá cho con. Một khung cảnh thật giản dị mang nhiều sâu đậm gia đình tính.
Tháng 5/2017
trích bài của Nguyễn Trọng Tuấn (con trai của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm) đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 121 phát hành ngày 2 tháng 6 năm 2017