This slideshow requires JavaScript.
Nhân đọc bài tiểu luận “Tứ Đại Danh Ca của miền Nam Việt Nam” của Khuất Đẩu (xin xem bài viết này tại đây: https://wp.me/p1o8bF-8xn), Diệu Quỳnh đã viết phản hồi/bình luận dựa theo bài viết này.
Chúng tôi xin phép chia sẻ cùng quí vị.
Một bài tiểu luận quá xuất sắc. Vừa mới đọc vào tiêu đề của bài nghiên cứu tôi đã có cảm tình. Tác giả viết chắc tay, kiến thức sâu rộng “thông kim bác cổ”. Xin chân thành cảm ơn tác giả Khuất Đẩu đồng cám ơn BĐH đã chia sẻ bài viết. Đối với tôi, khi tôi được thụ hưởng bất cứ thành quả nào từ người khác mang lại tôi đều mang trong lòng niềm biết ơn sâu sắc.
Bài viết đã nói sâu kỹ đặc trưng về tiếng hát của từng Cô. Những tiếng hát khi cất lên không lẫn với ai được. Bản thân tôi, khi tôi đem lòng yêu mến và ngưỡng mộ một người nghệ sĩ nào đó bên cạnh tài sắc vấn đề mà tôi quan tâm nữa đó là nhân cách của họ, trong Truyện Kiều đại thi hào Nguyễn Du có viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Những nữ Danh ca trong bài viết này gần như Tài – Tâm – Đức của các Cô đều vẹn toàn, sáng ngời. Sau đây tôi xin được bày tỏ một chút cảm nhận và tình cảm của tôi dành cho mỗi Cô.
Với cô Thái Thanh – “Tiếng hát vượt thời gian” (xin phép cho tôi gọi các Cô như vậy cho thân mật – tôi ít khi dùng Đại danh ca vì trong lòng tôi họ đã là những tượng đài bất tử rồi) tôi yêu Cô từ khi tôi nghe Cô hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời…”. Khi Cô cất tiếng hát lên trái tim tôi rung động tôi cảm tưởng như đây là một giọng hát nào đó từ cõi thiên thai lạc xuống trần gian. Tôi yêu tiếng nước tôi bởi “Tiếng tôi còn là nước tôi còn” (Phạm Quỳnh) chính vì vậy tôi yêu “Tình ca” của ông Phạm Duy và tôi càng yêu hơn cô Thái Thanh mỗi khi Cô hát: “Vì yêu, yêu nước, yêu nòi. Ngày Xuân tôi hát nên bài ư bài Tình ca. Ruộng xanh tươi tốt quê nhà. Lòng tôi đã nở như là ừ là đóa hoa…”. Giờ đây, Cô đã đi xa nhưng tôi tin rằng: “Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh” tiếng hát của Cô sẽ vĩnh hằng với thời gian và còn mãi trong lòng người mộ điệu.
Với cô Lệ Thu – “Tiếng hát vàng mười” tôi thích nhất Cô hát nhạc phẩm “Xin còn gọi tên nhau” của nhạc sĩ Trường Sa: “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng” mỗi lần nghe tôi như thấy trước mắt mình hiện ra từng thước phim quay chậm tái hiện lại hình ảnh của Sài Gòn hoa lệ trước 75 với những con người lịch lãm, hào sảng, những tiếng nhạc cùng với những giọng ca trác tuyệt trong không khí phòng trà lúc Sài Gòn về đêm. Với một đứa sinh sau đẻ muộn như tôi thì cũng lắm thiệt thòi bởi tôi không được tận mắt thấy, tận tai nghe “tinh anh phát tiết ra ngoài” của những tinh hoa miền Nam thời bấy giờ. Nên tôi chỉ có thể hình dung lại qua phim ảnh, văn thơ và âm nhạc. Giọng hát của cô Lệ Thu đầy nội lực, sang trọng và quý phái. Giọng hát của Cô không làm cho người ta cảm thấy thương cảm khi nghe mà nó làm cho người ta phải thán phục. Cô Lệ Thu là người Bắc nhưng tôi rất thích cách nói chuyện thẳng thắng, sòng phẳng của Cô, lần nào vô tình nghe được Cô nói chuyện trên các Talkshow tôi cũng thấy vui vẻ và dễ chịu. Tôi thích Cô ở tính tình khẳng khái, bộc trực như một người miền Nam chánh hiệu. Có một điểm tôi rất giống Cô là mê sách, dường như trước khi ngủ mà không đọc một cái gì đó là Cô trằn trọc không thể nào ngủ được. Cho đến hôm nay, cảnh “Nổi chìm kiếp sống lênh đênh” của Cô đã khép lại. Cô đã đến chốn mà “Ở nơi này tất cả hóa thành thơ”. Nguyện cầu Cô yên an trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
Với cô Thanh Thúy – “Tiếng hát liêu trai” – Nữ hoàng của trái tim tôi. Tôi biết nói sao cho đủ, nói sao cho hết bởi ngôn từ của tôi không đủ để chuyển tải hết được sự ngưỡng mộ cũng như yêu thương tôi dành cho Cô hai mươi năm qua. Kể từ nhạc phẩm “Chuyến tàu hoàng hôn” mà tôi được nghe Cô hát đầu tiên nó đã in hằn trong tâm trí non nớt của tôi và sau đó hình ảnh Cô đã in sâu nơi trái tim tôi. Có lẽ tôi phải mượn hai câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh có chỉnh biên một chút để nói về tình yêu của tôi dành cho Cô:
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa.
Nhưng biết yêu Cô cả khi chết đi rồi.
Tôi tin khi đọc đến đây sẽ có người cho tôi là sáo rỗng, nhưng không đây là những lời tận sâu nơi trái tim tôi đấy. Đọc bài này, tôi càng thương cô Thúy của tôi hơn, đọc đến câu “Cô chỉ là cô gái nghèo” tôi thấy cay cay ở sóng mũi. Tôi thương cô Thúy “mình hạc xương mai” của tôi mong manh như một cành liễu mà phải sớm dày dạn với gió sương, với vất vả, gánh nặng gia đình nỡ đè lên “đôi vai gầy ướt mềm” của Cô. Nhưng cũng cảm ơn hoàn cảnh, cảm ơn gian khó đã cho tôi có được một cô Thúy trên cả tuyệt vời. Bởi những con người đẹp nhất là những con người từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Ở những người này họ có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời. Cuộc đời đã làm cho họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng, biết quan tâm và yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có, nhưng ở đây cô Thúy tôi vừa đẹp vừa có đủ những phẩm chất cao quý nói trên.
Tôi thỉnh thoảng cũng có nghe một vài bài mà tôi thích từ những nghệ sĩ chân chính khác, tôi cũng cảm thấy họ hát rất hay nhưng có một điều mà tôi chỉ cảm nhận được mỗi khi nghe cô Thúy tôi hát thôi đó là cảm thấy “THƯƠNG” nghe đến đâu là thương đến đấy, càng nghe càng chỉ thấy thương thêm không sao diễn tả cho hết được. Tiếng hát của cô Thúy tôi trầm, buồn sâu lắng mỗi khi Cô hát như mang nỗi buồn từ kiếp nào nữa theo về. Tiếng hát của Cô mang lại cho tôi sự thương cảm và thấu cảm với những phận đời, những kiếp người buồn tênh. Con người giống như cửa sổ kính nhuộm màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi được chiếu ánh sáng mặt trời; nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự của họ chỉ lộ ra nếu có ánh sáng từ bên trong. Quả đúng như vậy cô Thúy tôi đã bừng sáng cả một thanh xuân tươi đẹp và rực rỡ, và giờ đây khi tuổi đã xế chiều vẻ đẹp thực sự của cô Thúy tôi vẫn lấp lánh vì có ánh sáng từ một trái tim rất đẹp soi chiếu. Bây giờ, điều tôi tha thiết nhất là cô Thúy của tôi luôn khỏe, luôn vui. Nếu có một nơi nào thực hiện việc quy đổi tuổi tác tôi nguyện là người đầu tiên làm việc này vì Cô. Tôi mãi yêu Cô – Tình yêu Thanh Thúy của tôi!
Và cuối cùng là cô Khánh Ly – “Nữ hoàng nhạc Trịnh” tôi chỉ biết Cô là người hát nhạc của ông Trịnh Công Sơn nhiều nhất và theo nhiều nhận xét thì Cô là người hát nhạc của ông Trịnh Công Sơn hay nhất. Còn về Cô thì tôi không được biết nhiều nên tôi không thể viết những điều tôi không biết. Tôi xin kính chúc Cô Khánh Ly luôn được bình an và mạnh khỏe.
Phan Thiết 17/02/21
Diệu Quỳnh
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Cô ơi! Diệu Quỳnh xin cám ơn Cô và Ban điều hành đã cho DQ vinh dự được “có mặt” trên Trang nhà. Đây là niềm tự hào cũng như hạnh phúc to lớn của DQ!
DQ xin kính chúc Cô và Ban điều hành luôn dồi dào sức khỏe, vạn sự cát tường! ❤️
ThíchĐã thích bởi 2 người