Nhà văn Mai Thảo viết:
Bao nhiêu năm vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Ở giữa Hợp ca Thăng Long lẫy lừng như vì sao ở giữa, hoặc cây Tây-ban-cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình, Phạm Đình Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc với tiếng hát nam tôi cho là hay nhất, vẫn là Hoài Bắc Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng.
Con đường ấy, suốt bốn mươi năm đã đi hết những buồn vui và những mộng tưởng một thời. Vẫn còn những biển khơi và những chân trời đi tới. Cõi nhạc ấy, trọn bốn mươi năm có tài năng và có tâm hồn làm thành mưa nắng, nên đã là một cảnh thổ và khí hậu hàng đầu của âm nhạc Việt Nam.
Cuối cùng là chẳng có một đổi thay nào. Sau bốn mươi năm, chúng ta vẫn yêu mến Hoài Bắc Phạm Đình Chương bằng một mến yêu không bao giờ thay đổi.
Nhà văn Vũ Khắc Khoan viết:
Nhân danh Tình Yêu, Tự Do, Con Người …
Tự cõi nhạc Phạm Đình Chương bỗng vang lên những cung bậc lạ lùng.
Không đong đưa Đôi mắt người Sơn Tây, không tái tê Chân trời tím ngát. Mà chát chúa, tan tác, nổ dồn ngược dốc chiếc Lambretta ba bánh, rầm rập bước chân biểu tình nhân danh Tình Yêu, Tự Do, Người, la lên, hét lên những khẩu hiệu, những bàn tay gân guốc giơ thẳng lên trời, vươn lên những cột đèn, những bàn tay quấn quýt những bàn tay.
Một tuổi trẻ lớn lên cùng giông bão, những đam mê, u uẩn, day dứt, sửng sốt, bàng hoàng, những đam mê hôm nay tuổi trẻ khóc trên vai. Không Trần Dạ Từ, không Đinh Hùng, không cả Quang Dũng. Mà Thanh Tâm Tuyền. Thơ đã thành nhạc. Nhạc không chỉ là một phương tiện. Nhạc lấy lại địa vị một ngôn ngữ.
Và nhạc và thơ quấn quýt như âm và dương tìm đường trở về thái cực. Không giao duyên mà giao hoan rực rỡ, dị kỳ. Trong một ngôi nhà mái tôn mưa Sài Gòn đổ xuống. Tận cùng một hẻm cụt. Giữa một bidonville. Nhạc thét lên.
Cười lên sặc sỡ La qua mái ngói, thành phố, đồng ruộng Bấu lấy tim tôi
Thành nhịp thở. Ngõ cụt đường làng, cỏ hoa cống rãnh, Cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng(*).
(*) Thơ Thanh Tâm Tuyền, trong Liên Đêm-Mặt trời tìm thấy (1966).
Nhạc sĩ Vũ Thành viết về tác giả ca khúc Mộng dưới hoa:
Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là Mộng dưới hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc “mẫu” trong các sách giáo khoa về sáng tác.
Câu nhạc đầu gồm 16 trường canh (mesures), chia làm hai bán cú. Bán cú thứ nhất được kết bằng một bán kết (cadence à la dominante) ở trường canh thứ tám (“… nhìn em không nói năng”…), nghĩa là gồm tám trường canh, được coi như một [dấu] chấm phẩỵ Bán cú thứ hai gồm tám trường canh được chấm dứt bằng một toàn kết (cadence parfaite), coi như một dấu chấm câu.
Câu đầu như vậy là khai đề, câu giữa gồm tám trường canh với [lối] chuyển cung rất khéo léo làm thành những dị kết (cadences rompues) là một phá đề. Và câu kết lấy lại ý nhạc của khai đề để đi đến chung cục (cadence finale) coi như một chấm hết. Đó đúng là hình thức đúng đắn nhất của một sáng tác nhạc và luôn luôn được đem ra làm mẫu mực trong các sách giáo khoa về sáng tác (composition musicale).
Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa cung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi. Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được [âm] bằng trắc của từng chữ.
Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương.
Nhạc sĩ Cung Tiến: “Cánh bướm mộng”:
Nếu phải dùng một tính từ duy nhất để xác định đặc điểm của những ca khúc Phạm Đình Chương, thì có lẽ tôi sẽ chọn từ ngữ “đằm thắm”. Dường như bất cứ một bài hát nào của anh – từ những khúc mô tả một cảm xúc cá nhân (Xóm đêm), gợi lại một dĩ vãng (Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội, Nửa hồn thương đau), chia xẻ nhịp đập chung của trái tim tập thể (Ly rượu mừng, Đón xuân, Hò leo núi), đến những khúc lý tưởng hóa những tình tự dân tộc (Hội trùng dương, Bài ngợi ca tình yêu), và đặc biệt là những khúc hát làm thăng hoa ái tình (Mộng dưới hoa, Đêm màu hồng) – ta đều thấy cùng tỏa ngát ra, từ giai điệu hay lời ca, một hương thơm của tình cảm sâu sắc, đậm đà và tha thiết.
Ở Phạm Đình Chương người ta không thấy những đam mê giả tạo, những phẫn nộ gò ép, và nhất là rất hiếm thấy những hô hoán om sòm của loại văn nghệ tuyên truyền chính trị, dù là từ bên này hay bên kia giới tuyến ý thức hệ.
Ấy là những lý do tại sao hễ cứ bắt đầu hát hay nghe một ca khúc nào của Chương, là ta cứ không muốn cho nó chấm dứt, mà cứ muốn hát lại hay nghe lại ca khúc đó.
Ý nhạc (motif) của ca khúc cứ vương vất, lãng đãng như sương như khói trên không gian âm nhạc. Nó cứ bám chặt lấy ký ức người nghe, ngón tay người đàn, và bắt buộc họ phải nghe lại một lần nữa, dạo thêm
một lần nữa.
Riêng về chất liệu và kỹ thuật tạo nhạc thanh của Chương, thì có thể nói rằng thế giới của anh đã hết rồi cái ám ảnh “ngũ cung”, mà là thế giới chói chang của thang âm bảy nốt Tây phương không ngỡ ngàng, của điệu thức trưởng/thứ (major/minor modes) Tây phương không ngượng ngập, với những hợp âm quãng ba (tertian chords) là những viên gạch xây cất, với chủ âm tính (tonality) đóng vai đạo diễn, và với bậc thứ âm trên thang âm đóng vai đổi phông, thay cảnh (“chuyển giọng” hay”chuyển khóa”-modulation). Cung cách chuyển giọng của anh, vì thế, cũng rất là hiền lành và “cổ điển”: công thức cơ bản của nhạc chủ âm (tonal music), đơn và thuần vậỵ
Nhưng dù được ươm trong rừng thảo mộc nào, phương Đông hay phương Tây, thì giai điệu và hòa âm (hàm ý) của anh cũng đã nở rộ thành những đóa hoa thơm, quý và hiếm. Những giai điệu và hợp âm ấy đêm nay sẽ rướn vút lên một lần nữa trong không gian âm nhạc, và như cánh chim bay đi sẽ chẳng níu lại được. Nhưng tôi nghĩ rằng ý nhạc của chúng sẽ còn phảng phất trong tâm tưởng người nghe như hương lan đêm. Sẽ còn chập chờn trong ký ức người hát như cánh bướm mộng. Và như phấn dư, như hương thừa của một loài hoa thơm và bướm đẹp, sẽ còn rơi rớt trên ngón tay của kẻ dạo đàn. Sẽ còn nồng, còn đậm dư vị ngọt đắng trêo đầu lưỡi của một ôm hôn tình ái/ Và rất xa xôi, mà gần gũi, như thoáng cười của nàng Mona Lisa. Bởi vô cùng đằm thắm.