
Ngoài Hoàng Trọng vai trò nhạc trưởng (góc trái), giàn nhạc sĩ thấy trong hình có Nguyễn Quý Lãm, Đặng Văn Hiền, Cao Thanh Tùng, Dương Văn Tôn, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Vũ Đức Tuyết. Phía ca sĩ nữ có Mộc Lan (đứng phía trước), Mai Hương, Hoàng Oanh, Bạch La, Tuyết Anh, Tuyết Mai. Phía nam ca sĩ có Vũ Thanh Tuyền, Thanh Sơn, Tấn An, Hồng Dũ Trân, Trần Ngọc, Hoàng Tiến Long, Nhật Bằng.
Nhạc trưởng Hoàng Trọng, người sáng lập Ban Hòa Tấu và Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng, trong trí nhớ của ca sĩ Hồng Tước là một người làm việc chu đáo, kỹ lưỡng. Bao giờ cũng thế, trước khi thu hình một bài hát vào giữa tuần, ông ghé nhà, cuộn tờ nhạc đã chép phần bè phụ họa của Hồng Tước, đưa cho chị tập trước từ đầu tuần. Hồng Tước là em của danh ca Kim Tước, được Kim Tước giới thiệu vào ban Tiếng Tơ Đồng khoảng năm 1969-70, còn Kim Tước đã sinh hoạt ngay từ những ngày đầu thành lập ban nhạc nổi tiếng này… Một buổi sáng trung tuần tháng 8, trong gian nhà xinh xắn của ca sĩ Hồng Tước, danh ca Kim Tước hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp cùng Thế Giới Nghệ Sĩ về Ban Hòa Tấu và Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm đại ban xuất hiện trên băng tần Truyền Hình Việt Nam phát hình từ thủ đô Saigon.

Danh ca Kim Tước đang thích thú xem lại một bài viết cũ viết về sự thành lập của ban Tiếng Tơ Đồng trên báo Thế Giới Tự Do ấn hành năm 1968 mà Trần Quốc Bảo đã lưu giữ 50 năm qua
Ca sĩ Kim Tước nhớ lại: “Ông Hoàng Trọng nóng tính lắm, hay dỗi lắm, hễ ai nói gì làm phật lòng là ông ấy bảo: Thôi, bỏ đi. Nhưng đấy là trong công việc thôi, chứ ngoài đời thì rất dễ thương”. Cùng với Châu Hà, Mộc Lan, Mai Hương, Quỳnh Giao, Anh Ngọc, Duy Trác, Trần Ngọc (nhạc sĩ Tuấn Khanh), Nhật Bằng…, Kim Tước bắt đầu sinh hoạt với tiền thân của Tiếng Tơ Đồng, từ những ngày đầu nhạc sĩ Hoàng Trọng lập ban hợp xướng và hòa tấu trên đài phát thanh.
Theo ca sĩ Quỳnh Giao nhớ lại trong một buổi phỏng vấn trước đây, khởi đi từ giữa thập niên 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng điều khiển các ban nhạc có hòa tấu và hợp xướng trong một số chương trình trên Đài Phát Thanh Saigon. Khi bắt đầu có truyền hình, ông khuếch trương thành đại ban với khoảng 50 ca nhạc sĩ gồm hơn 20 nhạc công và cũng khoảng hơn 20 ca sĩ cùng với những ca sĩ khách mời. Lúc này ông mới đặt tên là Ban Hòa Tấu và Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng. Đặt tên là Tiếng Tơ Đồng vì đại ban giờ đây có đủ bộ gõ, dàn đồng (kèn), và dàn tơ (vĩ cầm, trung hồ cầm, đại hồ cầm…). Hoàng Trọng phụ trách phối âm, hòa âm, viết cho các phần phụ họa, song ca, tam ca… và đương nhiên điều khiển dàn nhạc và hợp xướng. Quỳnh Giao cho biết chị “mê nhất phần phối âm cho hợp xướng của nhạc sĩ Hoàng Trọng”. Ca sĩ được ông nhóm theo tuổi hoặc theo giọng tùy bài. Riêng ca sĩ Duy Trác, có lẽ vì hành nghề luật sư thời đó, nên chỉ thu thanh chứ không tham dự thu hình với Tiếng Tơ Đồng.
Số lượng ca sĩ, nhạc sĩ của Tiếng Tơ Đồng có thể nói là đông nhất cho một ban nhạc thu hình, nhưng với sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, mỗi nghệ sĩ đều có lương tháng tương đối khá.
Tất cả ca nhạc sĩ tham dự Ban Hòa Tấu và Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng đều giỏi nhạc lý, có thể cầm một bản nhạc là xướng âm hát ngay. Hễ hát sai là phải hát lại từ đầu, còn thu thanh trực tiếp thì không cách gì sửa. Những ca sĩ như Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao… thuộc về thế hệ “hát đài phát thanh”, một ngày các nghệ sĩ này thu cho 2, 3 ban là chuyện bình thường, nên đưa bài là có khi phải hát ngay, chứ không còn nhiều thì giờ tập dợt. Rất nhiều khi đó là những sáng tác mới toanh.
Ca sĩ Hồng Tước kể một kỷ niệm về sáng tác mới. Dịp nọ, nhạc sĩ Hoàng Trọng giao cho chị Kim Tước hai bài hát, một bài mới sáng tác của ông để Kim Tước trình bày, bài kia là Tan Tác của nhạc sĩ Tu My dành cho Hồng Tước. Tan Tác có những lời ca sầu man mác cần sự thâm trầm, từng trải để thể hiện đúng mức: “Mây bao la trời đen u tối/ Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng…” Thấy vậy, Kim Tước đã tự ý đổi bài với Hồng Tước, để cô em tuổi đời còn quá trẻ hát bài mới của Hoàng Trọng, còn mình trình bày nhạc phẩm Tan Tác. Không hiểu nhạc sĩ có vui với điều này chăng vì chắc là ông cũng muốn một danh ca lăng-xê bản nhạc mới của mình.

Tại tư gia ở Garden Grove, California, sáng 18/8/2017, ca sĩ Hồng Tước (trái), ca sĩ Kim Tước (giữa) và Trần Quốc Bảo đang trò chuyện, gợi nhớ những kỷ niệm về ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng trong dịp kỷ niệm 50 năm đại ban xuất hiện trên Đài Truyền Hình Việt Nam (photo: Thế Giới Nghệ Sĩ)
Nhưng dù sao, đài phát thanh, truyền hình miền Nam ngày trước là một trong những nơi các nghệ sĩ đối đãi với nhau trong tinh thần tương kính, vị nghệ thuật. Ca sĩ Quỳnh Giao, trong một lần phỏng vấn trước đây về ban Tiếng Tơ Đồng, đã tâm tình: “Cái nghề ca hát ở đài phát thanh không bao giờ gặp chuyện buồn, không hề có sự ganh tỵ. Thấy ai hát hay là mình ngưỡng mộ, trân trọng”. Có thể nói một phần là do công lao của người nhạc trưởng phụ trách chương trình.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng, tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Đường, Bắc Việt. Năm 15 tuổi, Hoàng Trọng thành lập ban nhạc đầu tiên gồm các anh em trong gia đình (Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh) và các thân hữu (Đan Thọ, Vũ Dự, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỷ, Tạ Phước…). Ca khúc đầu tay của Hoàng Trọng là bài Đêm Trăng làm năm 1938. Trong chừng 10 nhạc phẩm ông viết tính tới năm 1946, giới thưởng thức âm nhạc lúc bấy giờ đã gọi Hoàng Trọng là “vua Tango” để ca tụng tài viết nhạc theo thể điệu Tango của ông.
Năm 1954, đất nước chia đôi, Hoàng Trọng di cư vào Nam. Sang năm sau, ông được mời thành lập một ban nhạc để trình bày nhạc trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Suốt thời gian từ đó đến năm 1975, ông liên tục viết hòa âm và đảm trách nhiều ban nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Đài Tiếng Nói Tự Do, và Đài Truyền Hình Việt Nam. Các ban nhạc của ông trên đài phát thanh từng mang nhiều tên tùy chủ đề ông phụ trách như Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất Nước Mến Yêu…
Riêng ban Tiếng Tơ Đồng, kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào ngày 30 tháng 8 năm 1967 trên Đài Truyền Hình Việt Nam, có thể nói hầu như mỗi nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam, nếu không phải là nghệ sĩ thường trực của ban đều đã xuất hiện trong chương trình Tiếng Tơ Đồng ít nhất một lần với tư cách nghệ sĩ khách mời. Khán giả mộ điệu thuở đó trông chờ Tiếng Tơ Đồng xuất hiện để có dịp thưởng thức những nhạc phẩm bất hủ như Thiên Thai của Văn Cao (Thái Thanh hoặc Anh Ngọc đơn ca với sự phụ họa của khoảng 20 giọng nam, nữ), Khúc Hát Sông Thao của Đỗ Nhuận, hoặc Vần Thơ Sầu Rụng của Phạm Duy (trình bày hợp ca), v.v… Nhạc chọn lọc và trình bày trong ban Tiếng Tơ Đồng phần lớn là nhạc tiền chiến. Trên màn ảnh, ban Tiếng Tơ Đồng tạo được hình ảnh của một gia đình thắm thiết. Mỗi nghệ sĩ đều đến với nhau trong tinh thần tương kính được xây đắp từ sự kính trọng dành cho người nhạc trưởng hết lòng vì nghệ thuật.
(trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 133 phát hành ngày 25 tháng 8 năm 2017)