
Trầm Tử Thiêng (1937 – 2000) là một nhạc sĩ của dòng nhạc vàng và tình ca giai đoạn 1954 – 1975 tại miền Nam Việt Nam.
Bắt đầu viết nhạc từ thời còn đi học… khoảng 55, 56 nhưng mãi đến 65, 66 ca khúc mới có cơ hội phổ biến rộng rãi.
Những bài hát của tôi viết ra phần nhiều là man mác có dính líu đến đời sống riêng của tôi, đời sống về tình cảm riêng của tôi… cùng bối cảnh của từng thời. Tình cảm của tôi thì có nhiều biến động… Tôi không cho một thứ tình cảm nào gọi là mất mát trong đời tôi cả…. Tình yêu nó có cái thời của nó, thành thử khi nó đã có, rồi không có nữa thì cái có đó vẫn còn trong cách nghĩ ngợi nào đó.
Về sáng tác, Có 3 giai đoạn :
1. Giai đoạn từ 75 về trước, thời đất nước chiến tranh.
2. Giai đoạn từ 75 đến 85. lúc tôi còn kẹt trong nước, 10
năm.
3. Giai đoạn thoát khỏi đất nước Việt Nam Cộng sản. Giai đoạn này có thời gian ngắn sống ở trại tỵ nạn Galang, Indonesia và thời gian định cư tại Hoa Kỳ từ cuối năm 85 đến nay.
Mỗi giai đoạn trong tác phẩm của tôi đều có sự hiện hiện của Tình Yêu, hoặc Thân Phận của con người qua mọi biến chuyển của cuộc sống. Dĩ nhiên nó xen lẫn nỗi đau thương và niềm hạnh phúc.
Công trình sáng tác, có thể kể :
Những nhạc phẩm đầu tay của tôi, rất tiếc đã bị tuyệt bản vì lý do này hay lý do nọ, nhất là vì biến cố tháng 4/75.
Những nhạc phẩm được trình làng đầu tiên là : Rồi 20 năm Sau. “Rồi 20 Năm Sau” gồm hai phần riêng biệt : phần 1: “Lời Của Mẹ” và phần 2 :”Lời Của Con” (đã bị tuyệt bản).
Trong khi “Lời Của Mẹ” đến nay vẫn được phổ biến, đôi khi dưới tựa đề chung là “Rồi 20 Năm Sau”. Cũng trong thời gian 66, tôi đã viết một loạt tình khúc và in thành tập gồm 14 bài mang tên “Trên đỉnh Yêu đương”, trong đó có 4 bài được phổ từ thơ Hoàng Trúc Ly, xuất bản năm 69. Hối Tiếc, Mây Hạ, Yêu Dấu Chưa Nguôi… Cõi Nghìn Trùng (thơ Hoàng Trúc Ly) cũng như Trên đỉnh Yêu đương đều nằm trong tuyển tập này. Từ đó đến những năm sau tôi đã viết “Bài Hương Ca Vô Tận”, “Bảy Ngày đêm Góp Lại”, “Ðưa Em Vào Hạ”, “Mùa Xuân Trên Cao”, “Trộm Nhìn Nhau” vv… Rồi biến cố Mậu Thân 1968 tôi viết “Chuyện Một Chiếc Cầu đã Gãy” cho Huế và cả nước đau thương, rồi “Kinh Khổ”, “Khúc Sinh Ca”, “Ðêm Trên Quê Hương”vv… Không nhớ hết… song song là những bài tình ca như “Mộng Sầu”, “Tưởng Niệm”, “Tưởng Không Còn Nhìn Thấy Nhau”, “Em Có Còn Trở Lại”, “Nghìn đêm Như Một” vv. Rồi loạt bài về hòa bình cho thời Hiệp định Paris như “Vĩnh Biệt Chiến Trường”,”Hòa Bình ơi, Việt Nam ơi”, “Hình ảnh Của Một Ngày Hòa Bình”, “Nếu Xuân Này Hòa Bình” vv…
Sáng tác trên đất Mỹ, khởi đầu là “Mười Năm Yêu Em”, rồi “Tình Ca Mùa đông”, “Thư Xuân Hải Ngoại”, “Ðêm Nhớ Về Sàigòn”, “Hãy Hát Lên Tin Yêu” vv…. Những nhạc phẩm đó có thể đi vào cá biệt hoặc đi vào đại thể, như có những bài về tình yêu nhưng vẫn có những vướng mắc của con người đang sống lưu vong. đó là quan niệm của tôi, một người viết nhạc, một người lưu vong sáng tác. đề tài sáng tác của tôi thay đổi theo nhịp sống, hơi thở chung quanh của người Việt hải ngoại…
Mỗi một thời nó đều có những sáng tác đi theo tôi chứ tôi không có thay đổi cách sáng tác gì cả. Hoàn cảnh cho tôi những biến đổi trong sáng tác. Tôi nghĩ đó là điều cần cho tôi và đó là cách để cho mình có những sáng tác dồi dào. Nó ghi nhận được từng thời một của cuộc sống, ít nhất cho bản thân của mình. Bên cạnh đó là những người cùng sống với mình, cùng chia sẻ đời sống, chia sẻ những cái vui cái buồn với mình. Vậy thì chủ đề tôi vẫn viết về Tình Yêu, Quê Hương, Thân Phận Con Người và Giữa Con Người Với Con Người cũng như Giữa Mình với chính bản thân mình… Trong đời sống có những cái tiêm nghiệm, cách sống, thái độ sống với mình, với người khác… tất cả những cái đó đều ghi nhận trong cuộc đời sáng tác của tôi.
Trầm Tử Thiêng
(tuyển tập Nghệ sĩ 3 xuất bản năm 1998)