50 năm trước, nhắc đến Phương Tâm, có người vẫn nhầm với Phương Hoài Tâm, cho dù 2 loại nhạc có khác nhau. Thời Phương Tâm trình diễn, chưa có sự xuất hiện của Mai Lệ Huyền, mà chỉ có những giọng ca chuyên trị nhạc ngoại quốc như Linh Đa, Mary Linh và Phương Tâm tung hoành. Trong trí nhớ của Hồ Trường An, nhà văn này tả lại: “Phương Tâm có mái tóc rối và man dại. Có người bảo rằng, cô dùng mái tóc đó để che một vết sẹo in khá rõ bên má trái của cô. Dù gì thì dù, mái tóc vẫn làm cho cô thêm gợi cảm, thêm duyên dáng mặn mà. Cô không đẹp lắm, nhưng rất ăn ánh đèn sân khấu, và có một cái duyên đằm thắm thâm trầm. Càng nhìn cô, khán thính giả càng khám phá thêm cái hấp dẫn kỳ diệu của cô. Thân hình cô không sexy, chỉ được cái vẻ thanh tân yểu điệu trong những chiếc áo dài màu sắc khiêm tốn lặng chìm.
Giọng của Phương Tâm khàn. Mỗi khi cô gào rống, giọng trở nên bào buốt ruột gan khán thính giả. Đó là một giọng tượng trưng cho sự khát vọng cuồng nhiệt. Bản ruột của cô là “I Will Follow Him”, bản nhạc đã đưa nữ danh ca Petula Clark gốc người Anh lên đài vinh quang rực rỡ trong thập niên 60. Và cũng như Petula Clark, cô cũng có thể hát bài này bằng tiếng Pháp (khi chuyển qua tiếng Pháp, bài này có cái tựa là Chariot). Phương Tâm là nghĩa nữ của nữ nghệ sĩ Túy Hoa. Theo lời bà Túy Hoa thì cô rất ngoan hiền. Phương Tâm không đeo đuổi nghiệp cầm ca lâu. Vì đó không phải là cái chân hạnh phúc của cô”.
Hồ Trường An nhớ rất kỹ về Phương Tâm cho dù tiếng hát này đã giã từ sân khấu từ cuối năm 1965, đầu 1966.. gần trọn nửa thế kỷ. Dù chưa bao giờ gặp chị nhưng tôi vẫn thường nghe những bài hát chị thu cho các hãng dĩa Sóng Nhạc, Continental.. với các bài quen thuộc như Ai, 20-40, Ngày phép của lính, Nếu có xa nhau, Những ngày qua, Thế hãy còn xa lắm, Buồn 18, Anh Đâu Em Đó..
Thứ hai tuần qua, một buổi chiều đáng nhớ, người viết đã gặp được hai người đều có dấu mốc liên quan đến năm 1965, tức tròn 50 năm trôi. Thứ nhất, tôi có hẹn với nhiếp ảnh gia Nick Út để phỏng vấn về Huỳnh Thanh Mỹ, người anh ruột của anh (trước làm cameraman cho đài CBS, sau đó năm 1963 anh về làm phóng viên chiến trường cho hãng thông tín AP). Ngoài năng khiếu truyền thông, Huỳnh Thanh Mỹ còn rất đẹp trai, xuất hiện trong một vài phim của hãng An Pha như Đôi Mắt Người Xưa đứng cạnh các nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Thành Được.. Đang thành công vùn vụt trong sự nghiệp, anh bất ngờ tử nạn tại chiến trường miền Tây do VC phục kích vào ngày 13 tháng 10 năm 1965, để tưởng nhớ ngày giỗ năm thứ 50, tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ cố gắng số chủ đề về anh Huỳnh Thanh Mỹ, vì thế bằng đủ mọi cách, đã tìm phỏng vấn nhiếp ảnh Nick Út cho bằng được.
Người thứ hai, đó là ca sĩ Phương Tâm, đã chính thức rời xa sân khấu vào cuối năm 1965 để lên xe hoa cùng Bác sĩ Hà Xuân Du hiện sống tại vùng thung lũng hoa vàng. 50 năm không hát, nhưng nụ cười và tâm hồn yêu nhạc của chị còn mênh mông lai láng lắm. Người viết mời chị khi nào trở lại Quận Cam, sẽ có dịp thực hiện loạt bài 1001 Khuôn Mặt Thương Yêu nhắc lại những đóng góp một thời lẫy lừng của Phương Tâm, và chị đã vui tươi đồng ý.
(bài Trần Quốc Bảo đăng trong Thế Giới Nghệ Sĩ số 34)