Có những vị trưởng lão râu tóc bạc phơ, nói rằng, họ “đã nghe, đã thuộc Cô Lái Ðò và Biệt Ly của Dzoãn Mẫn từ lúc còn nhỏ!”
Và họ không ngần ngại hát ngay vài câu để chứng minh điều đó:
Dừng chèo lại đây cô lái đò ơi
Dừng chèo lại đây giây phút ngừng bơi
Cho tôi sang với bên sông xa vắng
Ðường xa đêm vắng khách sang mình tôi
Khi bài Cô Lái Ðò [cũng có người nhớ là Cô Lái Ðò Ơi, Cô Lái Thuyền Xinh] bắt đầu được phổ biến, ít người biết đó là một sáng tác của Dzoãn Mẫn. Vào thời ấy, hình như vấn đề tác giả chưa được người ta chú ý lắm. Chỉ mãi sau này, qua những bài viết của các nhà nghiên cứu, các tác giả đồng thời với ông, người ta mới biết đó là một sáng tác của ông. Trường hợp Dzoãn Mẫn cũng hơi lạ: Từ khi ông nổi tiếng như một tác giả lại không thấy ca sĩ nào trình bày hay cho ghi âm lại ca khúc này. Hỏi những người hay lưu trữ các băng, đĩa nhạc cũ, quả thật không thấy ai có cả.
Dzoãn Mẫn thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên của chúng ta.
Các tác giả cùng thời với ông, hiện nay không biết còn lại bao người?
Những người nói là mình thuộc nhạc của Dzoãn Mẫn “từ khi còn nhỏ”, sự thực cũng chỉ cùng trang lứa với ông, hoặc chênh lệch nhau 5, 10 tuổi thôi.
Nền tân nhạc của chúng ta còn quá trẻ.
Kể cả những người đã chết [hình như] cũng chưa ai đến cái tuổi “bách niên?”
Nếu chúng ta coi thời kỳ khởi sự của nền tân nhạc Việt Nam là một thời kỳ rực rỡ, thì Dzoãn Mẫn chính là một trong những người đóng góp nhiều công lao nhất.
Cũng có thể nói thêm, tất cả các sáng tác của Dzoãn Mẫn còn được lưu truyền cho tới hiện nay, đều đã được ông viết trong giai đoạn ấy.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh rồi cộng sản sau đó hình như ông không viết được gì cả.
Vì cho đến nay, người ta không thấy một sáng tác nào khác của ông ngoài những gì ông đã viết ra trước đó.
Người ta cũng không biết ông được hưởng những gì, phải chịu đựng những gì, trong trận gió tanh mưa máu diễn ra trên khắp đất nước và riêng ở miền Bắc suốt hơn một nửa thế kỷ qua.
Ông khó lòng đóng vai một người vô danh, nên chỉ nguyên cái việc tên ông không thấy ai nhắc tới trong những ngày ấy đủ là một chuyện lạ.
Biệt Ly, ca khúc được nhiều người biết đến nhất của Dzoãn Mẫn, nghe nói, đã được ông viết từ khi còn đang là một học sinh trung học. Mới đầu nó có tên là Huyền Trân và nằm trong vở kịch Huyền Trân Công Chúa. Vở kịch này Dzoãn Mẫn viết để các bạn cùng trường [Bưởi / Chu Văn An] trình diễn trong một đêm văn nghệ cuối năm của học sinh, sinh viên tại nhà hát lớn thành phố [Hà Nội].
Có thể coi Biệt Ly là ca khúc tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam trước chiến tranh. Thơ mộng, ngọt ngào, nửa tưởng tượng, nửa thực. Người ta nói đến tình như một thứ hướng dương đổ về phía mặt trời và bằng thứ ngôn ngữ tựa những mảnh của một tấm gương tuy đã rập vỡ nhưng vẫn long lanh hạnh phúc.
Biệt ly nhớ nhưng từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Ðến khi bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống [sáng?] trong hồn tôi
Xa cách nhau ta còn thấy đâu ngày vui
Biệt ly biết bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương đưa
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Ðành sống vui cùng gió sương
Trong thơ và nhạc của chúng ta những ngày xa ấy, có hai tiếng còi tàu đã để lại dư vang trong lòng rất nhiều người.
Tiếng còi tàu hỏa [xe lửa] trong thơ Tế Hanh:
“Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về”
Và tiếng còi tàu thủy trong nhạc Dzoãn Mẫn:
“Ôi còi tàu như xé đôi lòng”
Ðó là tiếng còi của những chuyến tàu Nam: Hà Nội/ Nam Ðịnh. Những người sống hai bên ven sông Hồng, gần bến Phà Ðen, chắc không ai quên được tiếng còi này. Nhất là những buổi chiều mùa Ðông đất trời u ám, cái tiếng “ù ù” trầm nặng, ngắn ngủi của còi tàu, chỉ nghe thôi người ta đủ sợ chia ly đừng nói là phải làm chia ly trong cảnh ấy.
Một điều có lẽ cũng nên nói thêm ở đây, tuy chỉ riêng với nhạc Dzoãn Mẫn, nhưng cũng là tình trạng chung của nền ca nhạc Việt Nam, đó là nếu người ta có trong tay 3 đĩa nhạc thu thanh cùng một ca khúc, người ta sẽ không biết bài nào đúng với chính bản. Vì, mỗi người hát một khác. Có những cái sai người ta có thể biết được, đoán ra được. Nhưng cũng có những cái sai chỉ một mình tác giả biết, còn đối với tất cả những người khác chỉ là sự khác biệt.
Thí dụ bài Ðêm Ðông của Nguyễn Văn Thương: Câu “Ðêm đông bên ‘song’ ngẩn ngơ kìa ai mong chồng” rất nhiều người hát là “Bên ‘sông’ ngẩn ngơ kìa ai mong chồng.” Hoặc: “Ca nhi đối gương ôm sầu ‘riêng’ bóng” có người hát là “Ca nhi đối gương ôm sầu ‘nghiêng’ bóng.
Bài Biệt Ly của Dzoãn Mẫn câu: “Biệt ly ‘sống’ trên dòng sông” hay ‘sóng’ trên dòng sông”, “dáng em ‘sống’ trong hồn tôi” hay ‘sáng’ trong hồn tôi?”
Trong hai trường hợp hẳn phải có một câu sai, một câu đúng.
Nếu lại thêm một bản thứ ba có một đôi chữ khác nữa thì người ta không còn biết sự thật sao nữa.
Nhạc Dzoãn Mẫn vào cái thời xa xôi ấy đã được coi là có nhiều cái mới từ giai điệu, nhịp điệu đến ca từ.
Một Buổi Chiều Mơ có đủ cái chững chạc của một bản boston ngoài nghe hát có thể dùng để khiêu vũ:
Ðàn du dương quá ru hồn quá
Ðàn vang reo khắp thinh không xa
Ðàn như bay theo gió theo rừng lá
Trời chiều màu ngà
Ðàn yêu đương quá êm đềm quá
Ðàn đang lan thánh thót trong sương sa
Ðàn như ganh với muôn lời lá
Và với ngàn lời hoa
Chiều nay ánh trăng lên
Lầu hoa thắm êm đềm
Nhưng đâu bóng trên gác cao
Nàng còn đứng đâu
Lòng tôi càng đớn đau.
Nhịp điệu rộn rã [Slow Fox] Dzoãn Mẫn dùng để viết “Hương Cố Nhân” khi ấy, có thể coi là hoàn toàn mới đối với nhạc Việt Nam.
Nhạc Dzoãn Mẫn không nhiều.
Những bài phổ biến nhất của ông gồm có:
Cô Lái Ðò [Cô Lái Ðò Mơ?]
Biệt Ly
Gió Xa Khơi
Hương Cố Nhân
Một Buổi Chiều Mơ
Nhạc Chiều
Nhắn Người Chiến Sĩ
Sao Hoa Chóng Tàn…
Mỗi ca khúc của Dzoãn Mẫn là một cõi tình thu nhỏ. Lời ca của ông, tựa “những câu ân ái, đã thốt ra từ những cái miệng ái ân” như cách nói của Nguyễn Bính thì phải.
Trừ bản Biệt Ly có vẻ não nùng, tất cả các ca khúc khác của Dzoãn Mẫn, cái đẹp, chất thơ mộng nhiều hơn cái buồn, nên người nghe vẫn cảm nhận một niềm vui lẩn khuất trong từng mỗi thanh âm của ông, cho dù Dzoãn Mẫn có nói tới một cuộc chia lìa sắp sửa nào khác nữa.
Sau đây là nguyên văn bài Hương Cố Nhân:
Mây chiều xa bay trong ánh tơ
Giấc mơ triền miên tràn không bờ
Buông lòng thầm nghe xa đưa lướt trên từng mây
Tiếng dây tơ đồng rộn thiết tha mê say
Có một đêm Hè lòng tơ vương
Gió lùa đưa qua muôn phương
Ngàn tiếng dế reo trong sương
Xa vắng cố hương
Từ lâu ta nguyền cùng người
Suốt đời chìm trong muôn tiếng đàn thầm rộn chơi vơi
Có một đêm Hè lòng thầm ca
Khúc nhạc ngân trong muôn hoa
Trầm lắng tiếng trong sương sa
Vương vấn thiết tha
Chiều nay trên đường gặp người
Hãy sánh dây tơ đồng
Cho lòng được thắm tươi
Vì mai đây mỗi người một đường
Cùng ra đi sống trong phong sương
Nhớ đây ta đắm say hương cố nhân
Cùng quên mưa gió
Rung tiếng đàn suốt canh thâu.