Buổi sáng tôi có thói quen thức dậy theo giờ phát thanh “Chào Bình Minh” của Hồn Việt TV Houston và radio Little Sài Gòn. Ngày 9 tháng 1 năm 2004, tôi nghe xướng ngôn viên đưa tin: “Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã vĩnh viễn từ giã âm nhạc và bạn bè ra đi lúc 4 giờ 15 sáng, theo tin của nhà thơ, nhà báo Thái Tú Hạp cho biết. Hưởng thọ 78 tuổi”.
Tôi rất xúc động về sự mất mát này vì đã từ lâu, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn vẫn xem tôi như một người em, một người bạn vong niên, một đồng nghiệp tri kỷ lâu đời.
Những kỷ niệm xa xưa với anh Lê Trọng Nguyễn bỗng trở về với tôi.
Từ lâu lắm rồi, hơn nửa thế kỷ trôi qua…
Trước năm 1945, gia đình tôi sống ở một thị xã nhỏ bé miền Trung nước Việt gọi là Ville de Faifoo, thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhà tôi ở phía bên trái của tiệm thuốc tây Đức Phú – do ông Phan Huy Anh, bào huynh của Bác sĩ Phan Huy (Quang) Đán làm chủ – trên đường Rue de Hội An (sau này đổi thành đường Lê Lợi). Nhà song thân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở trong một con hẻm nhỏ đối diện với ngôi nhà cha mẹ tôi nên anh Lê Trọng Nguyễn đã quen biết tôi, người hàng xóm.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tên theo khai sinh là Lê Trọng nên bà cụ của anh có tiệm buôn bán nhỏ, được người dân phố Hội gọi là tiệm bà Trọng (gọi theo tên con). Sau anh lấy bút hiệu và trở thành tên hiện nay là Lê Trọng Nguyễn: Lê (họ cha) Trọng (tên) và Nguyễn (họ mẹ). Những người quen biết anh trước 1945 đều thân mật gọi tên anh là Trọng hơn là Nguyễn như anh đã đổi lại.
Năm 1946 – 1952, khi đi tản cư ở Liên khu 5, Tam Quan và Bồng Sơn tỉnh Bình Định, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đặc trách âm nhạc toàn Liên Khu (các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú) thường hay đến nhà của chú tôi là Nhạc sĩ Trương đình Quang để đàn hát vui chơi. Trong thời gian này (đầu thập niên 50), Lê Trọng Nguyễn gặp một thiếu nữ trẻ đẹp và anh đã ghi lại mối tình đơn phương này qua lời ca của nhạc phNm “Nắng Chiều”.
“Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh.
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà, tóc thề nhẹ vương…”
Năm 1952 anh đã “dinh tê” (về thành) sống ở vùng quốc gia ở tỉnh Quảng Nam (khi thì Đà Nẵng, lúc ở Hội An). Năm 1953 anh ra làm việc ở thành phố Huế và cho in bản nhạc “Nắng Chiều”. Bản Nắng Chiều không phải là nhạc phẫm sáng tác đầu tay của anh vì anh có nhiều nhạc phẫm được hát trong những năm trước đó ở chiến khu
Liên khu 5 (Nam Ngãi Bình Phú) rồi. Bản nhạc Nắng Chiều được thính giả yêu cầu trình bày rất nhiều lần ở các đài phát thanh Huế, Pháp Á, Sàigòn và quân đội trong những năm 1953 trở về sau. Các nhà xuất bản nhạc, nhất là nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) và Tinh Hoa Miền Nam (Sàigòn), An Phú (Sàigòn) đã ấn hành và tái bản rất nhiều lần.
Anh Lê TrọngNguyễn thường hay tâm sự với tôi: “Các ông chủ xuất bản nhạc bảo mỗi lần in là 3.000 bản thật ra các ông ấy đã in nhiều hơn, nhưng tác giả chỉ hưởng bản quyền một số tiền giới hạn trong mỗi đợt in ấn hoặc tái bản theo con số các ông ấy cho biết!”
Tôi gặp lại anh Lê Trọng Nguyễn tại Huế năm 1954 khi tôi theo học trung học đệ nhị cấp tại trường Quốc Học. Thời kỳ này, học sinh trung học chúng tôi phải theo học lớp huấn luyện Cao Đẳng Quân Sự (Préparation Militaire Supérieure) song song với giờ học văn hóa. Huấn luyện viên lớp CĐQS của Đệ Nhị quân khu là Trung Úy Hoàng Trọng Trị ở trong Cung An Định. Vị sĩ quan này có cô em gái xinh đẹp, nên học viên chúng tôi mà được cử vào chỗ ở của Trung úy huấn luyện viên để mang hộ các bài huấn luyện in bằng ronéo về phân phát cho học viên thì anh nào cũng giành nhau.
Trước mua vui sau mong có dịp “nghễ” (nhìn trộm) cô gái xinh đẹp họ Hoàng. Cô này là cháu Đức Từ Cung (thân mẫu Đức vua Bảo Đại). Nhưng có lẽ “vô duyên” nên nhiều lần vào Cung An Định “công tác” mà chúng tôi chưa có dịp chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp tại nhà mà chỉ gặp ở trường học thôi. Xin mở dấu ngoặc đơn: Sở dĩ chúng tôi thích gặp ở nhà vì ở nhà thì thiếu nữ nào cũng ăn mặc đẹp hơn, tươi cười cởi mở hơn khi ở trường mặc đồng phục áo dài nghiêm trang và ít nói.
Một hôm, lúc đó tôi sắp nghỉ hè. Ngoài đường các phố ở Huế ve đã trỗi giọng gọi hè và phượng vĩ hai bên bờ sông Hương đã khoe sắc thắm, anh Lê Trọng Nguyễn hỏi tôi:
-Cậu có muốn đến nhà anh chơi không?
Tôi vội trả lời:
-Thưa anh, em muốn lắm chứ…
Nhưng thật ra, từ khi tôi gặp anh Lê Trọng Nguyễn tại Huế, thường đi uống cà phê với anh tại tiệm Lạc Sơn, đi ăn Chè Ga Huế, đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ, đi ăn cơm Âm Phủ, đi lên núi Ngự ăn bánh bèo, đi đến đài phát thanh Huế nghe nhạc nhưng tôi chưa biết nhà anh Lê Trọng Nguyễn ở “mô” trong thành phố cổ kính này. Thì ra anh Lê Trọng Nguyễn ở trong An Định Cung. Vì lúc đó anh đang cộng tác với Đài phát thanh Huế và rất thân quen anh Vũ Đức Duy (cháu Đức Từ Cung) đang trú ngụ trong cung điện ở An Cựu này. Tại nơi này, gặp người đẹp, anh Lê Trọng Nguyễn sáng tác nhạc phẫm Cung Điện Buồn, khá “romantique”, nhưng anh Lê Trọng Nguyễn chỉ chép tay để tặng các bạn nhạc sĩ thân quen chứ không đưa hát ở đài phát thanh, hay cho in ấn. Mặc dù lúc đó anh đang cộng tác với Đài phát thanh Huế và đã có nhạc phẫm do nhà xuất
bản Tinh Hoa (Huế) do ông Tăng Duyệt xuất bản rồi.
Cũng trong gời gian sống ở Huế này, tôi ghi danh học hàm thụ âm nhạc với École Univers. Đến giữa năm 1959, sau một thời gian dài phục vụ trong quân đội (ngành Quân cụ), nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn được giải ngũ, về thăm phố cổ Hội An, nên tôi đã đề nghị ông Hiệu trưởng mời nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn làm giáo sư âm nhạc thay tôi, vì tôi không thể phụ trách quá nhiều giờ phụ. Thế là tôi và anh Lê Trọng Nguyễn lại có dịp tiếp tục thảo luận với nhau về âm nhạc, nghệ thuật.
Mỗi cuối tuần, từ chiều thứ Sáu tôi tháp tùng với anh Lê Trọng Nguyễn ra Đà Nẵng vui chơi vì ở Hội An, thành phố nhỏ chẳng có gì giải trí, họa may chỉ mang đàn xuống biển Cửa Đại gào với sóng biển! Ra Đà Nẵng, chúng tôi thường hay đến các quán cà phê có nhạc (nhạc dĩa 76 tours hay tapes) như quán Thạch Thảo, café Thanh Bình… để ngồi uống trà tàu Đài Loan, uống cà phê Tây nghe nhạc Việt như đa số thanh niên,
học sinh, giáo sư, quân nhân lúc bấy giờ. Lúc đó, ở quán café Thanh Bình, có cô Hiếu, tiếp viên nói giọng Bắc rất ngọt ngào và rất xinh. Tôi là một trong những người ”trồng cây si” ở quán café này.
Nhìn tôi và các khách trẻ tuổi ngồi bên cạnh, – Anh đã viết bản nhạc “Quán Nửa Khuya” với lời ca:
“Một tối, âm thanh vây kín,
Mắt em tràn ứ lời…
Tưởng có yêu trong câm nín,
Bắt ta buồn nhớ rồi…
………………..
Gục đầu vào ly
Ta quên mất thời gian!”
Nhạc viết theo thể điệu valse lente rất ướt át nhạc và lời. (Xin độc giả đừng nhầm lẫn với bản Quán Nửa Khuya viết theo thể điệu khác của một nhạc sĩ khác ở trong miền Nam lúc đó). Bản nhạc này được in năm 1960 và được nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam phát hành rộng rãi.
Cũng năm 1960, một đoàn ca múa nhạc của Trung Hoa Dân Quốc từ Đài Loan sang trình diễn tại Việt Nam. Có một nữ ca sĩ Trung Hoa tên Kỷ Lộ Hà hát bài Nắng Chiều bằng lời ca Trung Hoa. Tác giả Lê Trọng Nguyễn được mời ra Đà Nẵng để tham dự buổi trình diễn đó và cho phép phổ biến lời ca mới này. Nhạc phẫm Nắng Chiều lời tiếng Hoa được phát hành bằng dĩa nhựa 33 tours và là một trong những nhạc phẫm
ngoại quốc được yêu thích ở Đài Loan và Hong Kong trong nhiều thập niên. Cô Kỷ Lộ Hà trình bày bản nhạc này rất xuất sắc, kèm theo phần hòa âm rất phong phú của ban nhạc Trung Hoa, khi cô gặp tác giả Lê Trọng Nguyễn (lúc đó Lê Trọng Nguyễn khá đẹp trai) cô đã dành nhiều “tình cảm đặc biệt” và khi đoàn hát Trung Hoa này về lại Sàigòn, anh Lê Trọng Nguyễn đã xin phép nghỉ dạy một thời gian để tháp tùng đoàn văn nghệ về Sàigòn vui chơi với đoàn.
Sau đó, một đoàn văn nghệ Nhật Bản từ Tokyo sang trình diễn ở Việt Nam. Nữ danh ca Mitdori Satsuki hát bản Nắng Chiều bằng lời Việt. Cô Mitdori Satsuki (*) nhỏ nhắn và xinh đẹp, hát rất hay. Cô đã dành rất nhiều tình cảm cho tác giả Lê Trọng Nguyễn.
Hàng tuần, sau khi về lại Nhật Bản, Mitdori vẫn có thư qua lại với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Có một lần, tôi được anh Lê Trọng Nguyễn đưa xem lá thư gửi từ Nhật sang. Ngoài bì để người gửi là Mitdori Satsuki, nhưng bên trong là một tờ giấy lụa bạch rất trang nhã, không có ghi một chữ gì hay một dấu hiệu nào.
Anh Lê Trọng Nguyễn hỏi tôi:
-Cậu có biết Mitdori muốn nói gì không?
Tôi suy nghĩ, trả lời ngay:
-Yêu anh vô cùng và lòng em như tờ giấy lụa mầu trắng mềm mại và chờ mong…
Nghe xong, anh Lê Trọng Nguyễn cười và không giải thích gì thêm. Một thời gian ngắn sau đó, tôi được anh Lê Trọng Nguyễn báo tin Satsuki Mitdori vừa bị tai nạn nghề nghiệp. Trong một buổi quay phim ca nhạc, cô thụt lùi và bị ngã, chấn thương sọ não và không còn liên lạc với anh nữa. Anh LTN mến tiếc một tài năng còn
trẻ đẹp và giọng hát đang lên.
Thời đó, anh Lê Trọng Nguyễn có tặng tôi mấy tapes thu âm giọng nói, giọng hát bản “Nắng Chiều” bằng tiếng Việt, Nhật và Anh “Evening Sunshine” cùng nhiều ca khúc Nhật bản khác do Mitdori Satsuki hát đang lúc Nàng nổi tiếng nhất tại Nhật Bản, do chính cô ca sĩ mang sang Sài Gòn tặng Lê Trọng Nguyễn.
Năm 1962, anh Lê Trọng Nguyễn trở về sống ở Sàigòn. Năm 1963, tôi nhập ngũ, thụ huấn khóa 16 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mỗi cuối tuần, khi tôi chưa được gắn Alpha
(nên chưa được đi phép Sàigòn), anh Lê Trọng Nguyễn tuần nào cũng lên trường SQTB Thủ Đức thăm tôi. Đến khi được đi phép, tuần nào tôi cũng đến nhà anh Lê Trọng Nguyễn ở Phú Nhuận, gần quán ăn Bò Bảy Món nổi tiếng. Từ lâu, anh Lê Trọng Nguyễn rất mê khiêu vũ nên buổi tối tôi cũng tháp tùng anh đi nhảy ở các vũ
trường Sài Gòn, Chợ Lớn.
Có lẽ, anh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của thủ đô lúc bấy giờ nên trong giới ca nhạc có nhiều người biết anh. Anh ít khi chịu nhảy ở một vũ trường đến trọn đêm. Cứ nhảy một lúc lại sang nơi khác nhảy tiếp. Tôi để ý khi nào các nhạc công thấy anh Lê Trọng Nguyễn xuất hiện ở sàn nhảy là có bản “Nắng Chiều” theo nhịp điệu Rumba Boléro… trỗi lên như để mời khách cùng nhảy và cũng như để chào mừng tác giả nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.
Tôi nhớ nhất về một kỷ niệm khó quên: Tôi với anh Lê Trọng Nguyễn đến nhảy ở vũ trường để vui chơi « lần chót » vì có lệnh của chính phủ Ngô Đình Diệm cấm khiêu vũ. Đúng 12 giờ khuya, khi tiếng kính coong của đồng hồ Carillon Westminster đổ mười hai tiếng ngân dài, ban nhạc hòa tấu bản “Au Revoir” (Tạm Biệt). Tất cả mọi người đều ngưng nhảy. Các vũ nữ ôm các khách nhảy khóc như mưa. Bao quanh nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn rất nhiều vũ nữ thay phiên ôm hôn anh và nói “vĩnh biệt vũ trường” trong tiếng khóc nức nở. Anh Lê Trọng Nguyễn nói: “Đừng buồn, ngày mai trời lại sáng!”. Thật đúng, sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm mất, các vũ trường mở cửa lại và rộn ràng hơn trước.
Tôi không hút thuốc lá nhưng tôi nghiện mùi thuốc « Half and Half » tỏa ra thơm ngọt ngào từ ống pipe của anh Lê Trọng Nguyễn đứng đầu gió. Anh hút pipe liên miên, cả trong giờ dạy nhạc nên có một số học sinh của anh (nam cũng như nữ) lúc đầu chưa quen mùi khói thuốc, lấy làm khó chịu, nhưng lâu dần lại đâm nghiện mùi thơm ấy như tôi.
Sau này, đôi lúc gặp lại các học sinh cũ tại Mỹ, còn có cô hỏi tôi:
-Thầy Nguyễn bây giờ ở Việt Nam hay đã sang định cư tại Mỹ rồi, thầy?
Tôi nói:
-Tại sao chỉ hỏi thầy Lê Trọng Nguyễn mà không hỏi các thầy cô nào khác?
Cô nữ sinh ngày xưa (nay đã bà nội, bà ngoại rồi) trả lời:
-Khói thuốc pipe của thầy Lê Trọng Nguyễn thơm quá. Nay em còn mường tượng mùi half and half thuở nào.
Anh Lê Trọng Nguyễn thường dẫn tôi đến những nơi “hít tô phe” để hai anh em cùng nằm nói chuyện văn chương, triết học, âm nhạc thoải mái như một “yên sĩ phi lý thuần” (Trung Hoa dịch âm chữ inspiration của Tây phương đó!) Anh dặn tôi đừng tiết lộ cho bạn bè, bà con nào biết anh ở trong “làng bẹp” này vì thỉnh thoảng anh mới hút cho vui! Hồi ở Sàigòn, có lúc anh kể cho tôi nghe là các bậc thầy như thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nhạc sĩ Phạm Đình Chương có khi cùng nằm “hòa tấu kèn Tầu” với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn theo thể điệu Slow!
Anh Lê Trọng Nguyễn sáng tác bản “Sao Đêm” mà chẳng cần phải nhìn lên trên trời. Vì bản nhạc Sao Đêm ra đời khi anh nằm nhìn người bạn hút thuốc phiện. LTN nhìn ánh đèn dầu lạc và viên thuốc phiện sôi nơi lỗ điếu của dọc tNu rồi viết ra:
“Còn gì nữa? Tuổi vàng qua mất rồi.
Mà ôi! Thương đau theo mãi không thôi.
Thân xác héo mòn. Đời lạnh trống.
Đôi mắt tiên nâu chờ ta giữa trời sao.
……
Em, ánh sao đẹp xa cuối trời di về đâu?
Đêm quá sâu hồn ta rã rời trong trời nâu.
Tìm em không gian hồ đổ vỡ theo tinh cầu bay.
Hằng đêm gối sách mơ trăng sao.
Vội vàng hái trời sao chín mọng
Mà ôi! Thiên thai sao tắt mây vương.
Lạc bước, thiếu tài, nhạc lôi, rượu cuốn
Người yêu xa mãi, tìm gió ngàn phương.”
( Sao Đêm – 1963)
Tôi nhận thấy anh rất quý trọng hai vị đàn anh đồng bệnh này. Anh đã xúc động khi nghe tin thi sĩ Vũ Hoàng Chương qua đời cũng như lúc nhạc sĩ Phạm Đình Chương mất. Anh đã tham dự lễ tiễn đưa linh cữu nhạc sĩ Phạm Đình Chương đến nơi an nghỉ cuối cùng. Anh thường rủ tôi đến thăm một số văn nghệ sĩ khi chúng tôi sống ở Sàigòn như nhạc sĩ Y Vân, Đằng Vân, Mạnh Phát, Lan Đài, Dương Minh Ninh, nhà văn Lưu Nghi, đạo diễn điện ảnh Lưu Bạch Đàn…
Năm 1962, sau khi nghe tin họa sĩ Vũ Hối đoạt giải khôi nguyên Hội Họa Quốc Tế tại Hoa Kỳ, anh Lê Trọng Nguyễn có đưa tôi đến thăm anh Vũ Hối tại họa thất ở Sàigòn. Cùng là đồng hương Quảng Nam, anh Vũ Hối nhỏ thua anh Lê Trọng Nguyễn một hai tuổi và tôi nhỏ thua anh Vũ Hối vài tuổi. Anh Vũ Hối tặng tôi một cây bút có khắc hình một thiếu nữ rất đẹp, tôi đâu có ngờ, ông họa sĩ họ Vũ này vẽ hình “đặc biệt” khi xem xuôi thì thấy hình “kiều nữ” đoan trang mà khi xem ngược lại là “dâm nữ” xếc-xy vô cùng!
Thời kỳ đệ nhất Cộng Hòa, Bộ Thông Tin VNCH có thông cáo mời các nhạc sĩ sáng tác nhạc để “Suy tôn” và nhạc “Tố Cộng”. Một trong hai bản nhạc: “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” được hát lúc đó, có một phần đóng góp ý nhạc và lời ca của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, nhưng anh không muốn người bạn cùng sáng tác để tên anh đồng tác gỉa vì anh bảo tôi:
-Nhạc “commande” chỉ có giá trị rất ngắn ngủi (nhất thời) mà một nhạc sĩ thì nên viết nhạc theo “cõi lòng” của mình mới mong… lâu dài hơn.
Thời kỳ này, anh khuyến khích tôi viết nhạc để dự thi, tôi sáng tác hai bản nhạc hành khúc chiếm được hai giải an ủi. Nhạc phẫm “Thanh Niên Cộng Hòa hành khúc” (năm 1958) và “Niềm Tin Bất Diệt” (năm 1959) được trình bày nhiều năm trên Đài phát thanh Sàigòn, Quân Đội, Huế, Đà Lạt…
Khi sáng tác nhạc, anh Lê Trọng Nguyễn rất chú trọng đến luật cân phương và gieo vần các lời ca. Khi một ý nhạc hiện ra trong đầu, anh u ơ xướng âm theo điệu nhạc rồi ghi lên giấy trên các khung nhạc. Sau đó dùng ghi-ta ghi hợp âm. Sau này đến nhà bạn bè hay nhạc sĩ bạn có dương cầm, anh đàn lại khúc nhạc vừa sáng tác và ghi lời ca.
Anh Lê Trọng Nguyễn cho tôi biết, trong thời kỳ còn ở Liên khu 5, anh dạy học ở trường Trung học Gia Hựu (phía bắc tỉnh Bình Định) do các linh mục Công Giáo mở dạy nên anh có dịp vào thư viện của nhà trường đọc các sách nhạc lý bằng tiếng Pháp. Anh không là tín hữu đạo Công Giáo nhưng thời gian sống với các linh mục khá lâu, anh có nhiều cảm tình với đạo này. Anh đã viết bản: “Chiều Bên Giáo Đường”, một nhạc phẫm khá hay trong một ngày lễ trọng của đạo Công Giáo khi anh ở Sài Gòn.
Vì theo học các cours nhạc châu Âu, nên các sáng tác của anh chịu ảnh hưởng của loại nhạc cổ điển Tây phương. Anh viết nhạc theo loại bán cổ điển (Semi-classique) tương đối khó hát với các ca sĩ trung bình. Chỉ có các ca sĩ vững nhạc lý mới chọn các bản nhạc của Lê Trọng Nguyễn để trình bày. Trong số này có các ca sĩ như Kim Tước, Lệ Thu, Hà Thanh, Tâm Vấn, Quỳnh Giao, Thanh Lan v.v….
Anh Lê Trọng Nguyễn thường nói với tôi về một số nhạc phNm bán cổ điển Việt Nam mà anh thích như: Dạ Khúc (Nguyễn Mỹ Ca), Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Hẹn Một Ngày Về (Lê Hữu Mục), Bến Xuân Xanh (Dương Thiệu Tước), Nhớ Bạn (Vũ Thành), Thuyền Viễn Xứ (Phạm Duy), và một vài bản nhạc nổi tiếng của Cung Tiến.
Anh Lê Trọng Nguyễn rất nghiện cà phê và trà Tàu ngon. Anh có thể uống cà phê và trà suốt ngày, kể cả lúc khuya sắp đi ngủ. Nhà anh ở Phú Nhuận mà sáng nào hai anh em chúng tôi cũng phải xuống quán Pôle Nord góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ để uống cà phê vì theo anh chỉ có quán này có cà phê ngon nhất Sài Gòn và có gout Tây!
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác không nhiều nhạc phẫm so với nhiều nhạc sĩ khác. Nhưng một số nhạc phẫm của anh lại được thính giả yêu mến như Nắng Chiều, Sao Đêm, Chiều Bên Giáo Đường, Cát Biển, Bến Giang Đầu (Nắng Chiều II), Quán Nửa Khuya, Lá Rơi Bên Thềm, một số sáng tác khác của Lê Trọng Nguyễn chỉ phổ biến trong bạn bè quen thân như: Cung Điện Buồn, Quán Bên Đường, Tình Khúc, Mộ Khúc, Ngày Mai Trời Lại Sáng… Ngoài ra anh đã sáng tác nhiều bản nhạc không lời (musique sans parole) như suite des valses… Những năm cuối đời của anh, anh chỉ sáng tác loại nhạc không lời và chơi dương cầm để giải trí.
Những người yêu nhạc Lê Trọng Nguyễn rất mong ước có nhà sản xuất CD nhạc nào gom lại tất cả nhạc khúc nổi tiếng của Lê Trọng Nguyễn vào một đĩa nhạc để họ có thể thưởng thức đầy đủ nhạc phNm trữ tình của anh.(*)
Ngoài tài viết ca khúc, LTN khi đi tản cư ở Liên-khu 5 đầu thập niên 50 và giữa thập niên 60-70 sống ở Sài Gòn anh còn là một nghệ nhân với tay nghề cao đã làm những cây đàn guitar classic ược nhiều nhạc sĩ sử dụng mến phục trong số bạn thân quen này có nhạc sĩ Lê-Mộng-Bảo, giám đốc nhà xuất bản Tinh-Hoa Miền Nam, Saigon trước năm 1975. Những cây đàn chính tay LTN làm: hình dáng trang nhã, âm thanh chính xác, độ bền cao dù đem sử dụng ở nhiều nơi có thời tiết, khí hậu khác nhau.
Ghi lại một vài kỷ niệm với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn để tưởng niệm một người anh, một người bạn vong niên và một đồng nghiệp, cầu nguyện linh hồn anh thanh thản nơi cõi vĩnh hằng, nơi có Beethoven, người nhạc sĩ đại tài mà anh ái mộ vô cùng.
© PHƯƠNG-DUY TDC
Ghi chú:
(*) CD nhạc “ LE TRONG NGUYEN COLLECTION” đã được phu nhân của LTN phát hành trong dịp kỷ
niệm (giỗ đầu LTN) cùng với một tập nhạc gồm những ca-khúc do LTN sáng tác.
(**) CD nhạc “ LÁ RƠI BÊN THỀM tức “ LE TRONG NGUYEN COLLECTION volume II”
phát hành năm 2007.
(***) Vài dòng tiểu sử về ca sĩ Mitdori Satsuki :
Sanh niên, nguyệt, nhật = ngày tháng,năm sinh :October 21, ‘(14 Ngày sinh Showa)
Quê quán: Edogawa-ku, Tokyoên, (Tokyo/ Đông Kinh)
Giáo dục: Tốt nghiệp hâm Quyến Trung học Metropolitan
Sở thích: hội họa, thư pháp
Máu : loại A
Chòm sao: Thiên Bình
XIV ngày sinh Showa tức là = 1926+14 = 1940 (Người Nhật ghi năm sinh theo năm thứ mấy của Thời Nhà
vua đang trị vì)
Tính theo dương lịch là ngày 21 OCTOBER 1940 thuộc tuổi CANH THÌN âm lịch.
(****) NẮNG CHIỀU (Lời tiếng HOA)
我又来到昔日海边 — wǒ yòu lái dào xí rì hǎi biān
海风依旧吹皱海面 — hǎi fēng yī jiù chuī zhòu hǎi miàn
那样熟悉那样依恋 — nà yàng shú xī nà yàng yī liàn
只有旧日人儿不见 — zhǐ yǒu jiù rì rén ér bù jiàn
不敢来到昔日海边 — bù gǎn lái dào xī rì hǎi biān
海霞娇艳拥着海面 — hǎi xiá jiāo yàn yōng zhe hǎi miàn
那样熟悉那样依恋 — nà yàng shú xī nà yàng yī liàn
只有故人离去多年 — zhǐ yǒu gù rén lí qù duō nián
那往事一幕幕到我眼前 — nà wǎng shì yī mù mù dào wǒ yǎn qián
是梦境还是幻想令人常怀念 — shì mèng jìng hái shì huàn xiǎng lìng rén cháng huái niàn
那梦境何日能回到眼前 — nà mèng jìng hé rì néng huí dào yǎn qián
你又在我的身边无限情缠绵 — nǐ yòu zài wǒ de shēn biān wú xiàn qíng chán mián
不敢来到昔日海边 — bù gǎn lái dào xī rì hǎi biān
海霞娇艳拥着海面 — hǎi xiá jiāo yàn yōng zhe hǎi miàn
那样熟悉那样依恋 — nà yàng shú xī nà yàng yī liàn
只有故人离去多年 — zhǐ yǒu gù rén lí qù duō nián