“Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay”
(Xin Còn Gọi Nhau Là Cố Nhân)
Nhạc sĩ Song Ngọc sinh năm 1943. Tên thật Nguyễn Ngọc Thương. Dưới bút hiệu Song Ngọc, Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến. Viết nhạc từ năm 1957 và đã xuất bản trên 100 ca khúc. Những sáng tác tiêu biểu nhất: Mưa Chiều, Bừng Sáng, Tiễn Đưa, Chúng Mình Ba Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Họp Mặt Lần Cuối, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, Thư Cho Vợ Hiền, Nó Và Tôi, Chuyện Tình Bé Nhỏ, Tình Yêu Như Bóng Mây..v..v… hiện định cư tại Houston Texas.
Vào đầu năm 1960, một trong những bài hát rất thịnh hành vào thời đó, tới phòng trà, đại nhạc hội hay phụ diễn tân nhạc đều nghe:
Người về chiều nay hay đêm mai
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vì hành tinh rung rung
Lung linh trên thềm ga vắng…
Ngay cả những ban nhạc tài tử trong các phường chung quanh thành phố, các bạn trẻ cũng cất tiếng hát ca vang. Bài hát thật nhẹ nhàng thơ mộng, trải dài trong quần chúng như một cơn gió nhẹ nhưng vô cùng mãnh liệt.
Bài thơ thật hay của thi sĩ Nguyên Sa, được nhạc sĩ trẻ Song Ngọc (18 tuổi) biến thành bài Hát, vừa tung ra đã được hoan nghênh chào đón, trong giới văn nghệ cũng như ngoài quần chúng thưởng ngoạn. Tuy còn trẻ, nhưng trước đó Song Ngọc đã đặt một số bài nhạc cho các đài phát thanh. Năm 1959, Anh đánh trống trong ban nhạc Dân Nam, lúc đó thần đồng Kiều Oanh (em gái Song Ngọc) đương trình diễn trên sân khấu Dân Nam và rất nổi tiếng. (Một số Ca Sỹ, Nhạc Sỹ sinh năm 1942: Song Ngọc (Nguyễn Ngọc Thưởng), Lê Uyên Phương (Lê Văn Lộc) Trần Thiện Thanh (Nhật Trường), Sỹ Phú, Vô Thường…)
Nương theo đà thành công với bài hát Tiễn Đưa” thơ Nguyên Sa, nhạc Song Ngọc, anh tiếp tục viết thật nhiều trong giai đoạn này, trong khoảng 15 năm từ 1960 đến 1975, Song Ngọc đã sáng tác trên 150 bài hát, trong đó có những bài, đã được rất nhiều người ưa thích như Mưa Chiều, Chiều Thương Đô Thị, Bừng Sáng (do ban Hợp Ca Thăng Long trình bày). Chúng mình 3 đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Thư Cho Vợ Hiền, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân… v..v.. . Đặc biệt trong thời gian thụ huấn lớp sỹ quan cao cấp tại Đà Lạt, Song Ngọc đã có bài vô cùng thơ mộng về thành phố sương mù, một tình yêu nhẹ nhàng như sương khói, long lanh như nước trên hồ Xuân Hương, một trong những ca khúc viết về Đà Lạt thật hay, thật buồn, nhẹ nhàng và thắm thiết
“Tình Như Bóng Mây”;
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho Em…
Một số nhạc sỹ thường đặt nhạc cùng một tiết điệu, riêng Song Ngọc viết nhạc với nhiều tiết điệu, hoàn cảnh, tâm tình khác nhau. Anh tâm sự “Tôi ưa đi lang thanh như một nhạc sỹ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây, ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì nhộn nhịp, tưng bừng. Tới vùng chiến tranh thì súng đạn tơi bời, bao nhiêu đau khổ, người bạn vừa gặp nhau, chuyện chưa nói hết thì anh ta đã chết. Vì đời gian truân, lăn lộn, nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.
Qua Mỹ năm 1975, đời Song Ngọc cũng giống như trong tác phẩm của Anh, rất nhiều màu sắc, thật nhiều khuôn mặt. Khởi đầu Anh là chuyên viên địa ốc (vẫn giữ nghề và môn bài cho tới nay) đầu tư, làm Chủ hơn 10 tiệm “Chạp Phô Mỹ” rồi mở Chợ, Nhà Hàng, hiện nay làm chủ “Quán Trọ” Bear Creek Inn với trên 100 phòng. Làm bầu “Show” ca nhạc, mỗi năm tổ chức trên 20 lần.
Buổi sáng gặp anh, rõ rệt là một nhà thương gia xuất sắc, tính toán. Khi mặt trời xế bóng, con người thương mại để lại trong văn phòng. Trở lại căn nhà rộng thênh thang, khi nắng chiều còn vương nhẹ trên những cành thông trước cửa, tay cầm cây đàn, với tâm hồn chính xác, thanh khiết nhất, những giòng nhạc ào ào tuôn ra.
Cho dù sau 20 năm miệt mài vì đời sống “bạo tàn, gay cấn” trên đất Mỹ, anh vẫn sáng tác trên 100 bài hát, có nhiều bài khi nghe thấy, nếu chưa được giới thiệu tên tác giả, thì không ai có thể nhận ra được người viết là Song Ngọc, vì mỗi bài đều có nhịp điệu, thể điệu, âm điệu khác hẳn nhau như: Đàn Bà, Người Đàn Bà Năm 2000, Hương Đồng Cỏ Nội (thơ của thi sỹ Nguyễn Bính), Tiền, Hà Nội Ngày Tháng Cũ…
Gặp anh vào sáng ngày 15 tháng 5 năm 2001, nhân tiện hỏi Anh về vài vấn đề trong tân nhạc Việt Nam.
– Hỏi: Xin anh cho biết, phải mất bao thời gian để hoàn thành một bài Nhạc?
– Song Ngọc: Không thể nào có thời gian quy định cho việc hoàn tất một bài Nhạc. Có nhiều khi ý nhạc và lời cuồn cuộn trong lòng, phải viết ra không là Chết. Sau đó mất chừng vài tuần liên tiếp, sửa chữa và hoàn thành. Có nhiều bài đã làm xong, không ưng ý, cất vào tủ, ít lâu sau, lại mang ra sửa tới, sửa lui, đôi khi hơn một năm sau mới hoàn tất.
– Hỏi: Còn bên Việt Nam, chỉ trong một thời gian mà anh đã sáng tác trên 200 bài.
– Song Ngọc: Bên Việt Nam, việc chính của tôi là viết Nhạc, khi vào quân đội, trông coi ban văn nghệ, có nhiều thời gian. Ngoài ra là vấn đề phổ biến. Khi một bản nhạc đã hoàn tất, nhờ một ca sĩ trình bày trên đài phát thanh hay thâu Tape, khi nghe lại bài hát của mình, tạo ra nhiều hứng thú, sáng tác dồi dào hơn. Bên Mỹ thì ban ngày phải “đi cày” lo kiếm sống, chỉ còn lại buổi chiều và ban đêm, viết xong 1 bản nhạc, phải gởi đi cho các Ca Sỹ, không có phương tiện phát thanh, thâu Tape cũng mất một thời gian, lâu lắm mới nghe lại tác phẩm của mình, nên cảm hứng thường gián đoạn.
– Hỏi: Xin anh cho biết, sự khác biệt về Tân Nhạc Việt Nam, trước năm 1975 và bây giờ.
– Song Ngọc: Trước năm 1975, giới Nhạc Sỹ cũng như người dân Việt Nam, sống trong hoàn cảnh chiến tranh, đều cùng nhau mang chung niềm âu lo trong đời sống cũng như xã hội. Những biến chuyển thời cuộc liên tục dồn dập tạo nên những cảm xúc liên quan đến con người và thân phận … Do vậy, phải nói đa số tác phẩm văn chương, âm nhạc, đều tạo nên bằng những rung cảm từ “Trái Tim”.
Sau 75, tức là ra nước ngoài. Tiêu biểu những sáng tác tại nước Mỹ, nhất là các nhạc sỹ trẻ tuổi, thường hay thiếu vắng chất liệu “Quê Hương”, ngoài ra đời sống xứ người gò bó, thời gian chật hẹp. Người nhạc sỹ không đủ thời gian, nguồn cảm hứng quá nhiều chi phối, bởi đời sống áo cơm, do vậy sự rung động trong tác phẩm có phần lạc điệu. Tuy nhiên, bù lại thì “kỹ thuật” có phần cao hơn, vì đời sống văn minh hiện nay là Computer, máy móc tối tân, phương tiện trau dồi.
Tóm lại có thể nói giản dị như thế này: “Trước 75 “viết Nhạc bằng trái Tim”. Sau 75 “viết Nhạc bằng Kỹ Thuật”. Tuy nhiên dù bằng kỹ thuật hay trái tim, cũng tham dự dù nhiều hay ít vậy. Riêng âm nhạc Việt Nam từ trong nước sau 75, tôi thích một số ca khúc ca ngợi tình tự quê hương, vì lẽ đó là chất liệu mà người nhạc sỹ tại quên nhà đang được thừa hưởng .
– Hỏi: Anh cho biết sự giá trị của hai loại nhạc đó.
– Song Ngọc: Nhạc nào cũng hay, riêng nhạc viết băng Trái Tim thì dễ đi vào trái tim người nghe hơn.
– Hỏi: Anh cho biết về giá trị văn chương của nhạc tiền chiến và bây giờ.
– Song Ngọc: Nhạc tiền chiến (trước năm 1945) cũng như nhạc bây giờ và mai sau, lúc nào cũng có những bài sau này được mọi người ghi nhớ, chắc chắn là phải hay. Về kỹ thuật, con người mỗi ngày một tiến, theo quy trình thời gian và sự sáng tạo của con người. Riêng trong địa hạt văn chương thì không theo quy định đó, thời gian nào thì tâm hồn cũng sáng tạo như nhau. Có một bài thơ đã được làm 600 năm nay, mà văn chương hùng tráng còn vang dội tới ngày nay và mãi mãi: Bài Bình Ngô Đại Cáo của đức Ông Nguyễn Trãi (1380-1442) đã sáng tác năm 1428 sau khi quân xâm lược Trung Hoa (nhà Minh) phải lên đường về nước. Cũng như áng văn chương tuyệt tác của cụ Nguyễn Du (chuyện Kiều) đã có từ hơn 200 năm nay, hiện giờ vẫn còn lung linh trong đời sống Việt Nam
(trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 77 phát hành ngày 29 tháng 7 năm 2016)