Sáng mùng 2 Tết, nhạc sĩ Song Ngọc từ Houston gọi đến tòa soạn với giọng reo vui: “Happy New Year em trai… Anh có tin vui báo em”, “Dạ, thưa tin gì vậy anh?”, “Hôm qua mùng 1 Tết, anh nhận được giai phẩm Xuân Thế Giới Nghệ Sĩ – Việt Tide em gửi sang, vui nhất là nhận quà ngay mùng 1 Tết. Cuốn báo Xuân đẹp quá.. Từ hình thức cho đến nội dung… Anh lật từng trang, đọc kỹ, bất ngờ thấy trang Thơ của thằng bạn cũ, ngày xưa đi học nó có tên Nguyễn Đức Trạch, bây giờ là Trạch Gầm. Đọc mấy bài thơ của Trạch anh xúc động, cảm hứng dâng lên lai láng tràn đầy, Anh cầm đàn, cầm bút viết ngay một mạch.. chỉ một tiếng là hoàn tất, nên hôm nay anh gọi báo cho em biết tin vui này”. Chưa nói hết, bên kia đầy dây đã vang lên tiếng đàn thùng tưng tửng.. “Em nghe anh hát vài câu nhé…” và Song Ngọc cất giọng ngay:
“Kể em nghe thằng lính nào không thiếu nợ
Không biết sao em lại bảo ta thiếu một nụ cười
Một nụ cười thiếu em là chuyện nhỏ
Trả lúc nào chuyện nhỏ dễ như chơi…
Ta sinh ra đụng đầu thời tao loạn
Tình Mẹ nghĩa Cha chẳng chút đáp đền
Sách vở học trò trả nợ ngày nợ tháng
Đường phố Saigon nợ bước chân đêm…”…
Bài thơ phổ nhạc còn dài, tự nhiên Song Ngọc ngưng hát, buông đàn và nói: Thôi: “Thôi, bài hát thì hay mà anh hát dở quá, sợ em nghe rồi không thích..”.. Câu này nghe quen quen, hình như Phương Hồng Quế có kể lại. Thỉnh thoảng có bài hát bolero nào mới, Song Ngọc từ Houston gọi cho Quế khoe ngay.. Lần nào cũng vậy, giọng chàng không “ngọt” nhưng sáng tác mới mà tác giả nhắm người gửi đến, đều có kết quả thành công, chẳng hạn như ca khúc Đàn Ông, Thương Quá Mẹ Ơi.. từng viết riêng cho PHQ..
Một tiếng sau, Song Ngọc gửi email đến tòa soạn tặng bài hát Thiếu Em Một Nụ Cười phổ từ thơ Trạch Gầm với lời chú thích phía cuối bài hát:
“Thái Xuân và Trần Quốc Bảo gửi tặng báo Xuân Mậu Tuất. Đọc bài thơ Thiếu Em Một Nụ Cười của Trạch Gầm. Rung cảm tình thơ. Khai bút đầu Xuân ghi kỷ niệm.
Song Ngọc
Mùng 2 Tết
2-17-18”
Trưa mùng 2 Tết, người viết gọi đến thi sĩ Trạch Gầm, trước là chúc Tết, sau kể lại câu chuyện nhạc sĩ Song Ngọc mà thời đi học có tên Nguyễn Ngọc Thương. Tác giả “Bên Lề Cuộc Chiến” nhớ ra ngay người bạn thuở ấu thời học chung ở trường Tân Thịnh cuối thập niên 50. “Nhớ sao không nhớ.. Hồi đó nó đi học mà cứ bỏ trong cặp táp bộ đồ võ, thỉnh thoảng lấy ra khoe, rồi hình như cũng đụng nhau mấy lần..”. Kể xong nhà thơ cười ha hả.. “Chuyện con nít ngày đó mà.. Rồi sau này đi lính, lúc bị thương vào nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hòa có gặp nhau. Lúc sang Mỹ, có biết Song Ngọc sống ở Houston nhưng thấy thành công, nổi tiếng quá, không muốn gọi đến làm phiền.. Chứ còn bạn bè cũ, sao mà không nhớ, không quý”.
Số báo đầu năm, khi ghi lại câu chuyện này, hy vọng hai ông anh không buồn người viết. Tuy có chút riêng tư nhưng lại thuộc về một thuở tuổi thơ dễ yêu vô ngần. Xuân Mậu Tuất, cầu mong sẽ không còn nhiều thiên tai, đói kém mà lại rất tràn đầy những nụ cười bởi những câu chuyện của một thời tuổi nhỏ.
Chú Thích Ảnh:
Nhà thơ Trạch Gầm (trái) và nhạc sĩ Song Ngọc (phải)
(trích bài Trần Quốc Bảo trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 159 phát hành ngày 23 tháng 2 năm 2018)