Nhạc Sĩ Ngọc Chánh – người đính lên bầu trời âm nhạc Sàigòn những vì sao lung linh bất tử (Trần Quốc Bảo), kỳ 3

 

Ngọc Chánh cùng Ban Hoa Tình Thương ra Pleiku năm 1968 hát ủy lạo tinh thần chiến sĩ. Cả nhóm chụp cạnh xe tăng T54 của CS bị bắn hạ. Trong ảnh: NS Duy Khiêm (số 1), Elvis Phương (số 2), Đức Hiếu (số 3), ca sĩ Thu Anh – em gái NS Phượng Liên (số 4), nhạc sĩ Bảo Thu (số 5), NS Hoàng Liêm (số 6), NS Ngọc Chánh (số 7), Pat Lâm (số 8), saxo Nguyễn Hữu Thành (số 9), trống Phùng Trọng (số 10)

 

 

 

Năm 1966, với tình hình tổng động viên, Ngọc Chánh tham gia vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Năm 1967, Ban Hoa Tình Thương do bà Tướng Cao Văn Viên thành lập, rút những nghệ sĩ có tài từ nhiều nơi khác về, chẳng hạn bên Công Binh có Khánh Băng, Phùng Trọng, Duy Khiêm, Nguyễn Ánh 9, bên Hải Thuyền có Elvis Phương, bên Địa Phương Quân có Hoàng Liêm, bên Biệt Đoàn Văn Nghệ có Ngọc Chánh, Pat Lâm, Đức Hiếu.. Ngày 31 tháng 1 năm 1968, tức mùng 2 Tết, Cộng Sản tổng tấn công Sàigòn. Toàn bộ những chương trình ăn chơi giải trí ở các phòng trà, vũ trường đều bị đóng cửa đồng loạt. Giới nghệ sĩ lúc này thất nghiệp cả đám ngoại trừ một số hát được nhạc ngoại quốc thì còn có công việc làm tại các Club Mỹ.

 

 

Các nghệ sĩ ra hát ủy lạo tinh thần chiến sĩ tại Pleiku. Trên cổ mỗi người còn đeo một huy chương. Ngọc Chánh (bìa trái), trong ảnh còn có có Pauline Ngọc, Á Hậu Ngọc Tuyết (đeo kiếng), Trần Văn Trạch, Khả Năng, Thanh Việt, Phương Hoài Tâm

 

 

Trong hoàn cảnh này, ca sĩ Pat Lâm được một người cha nuôi người Mỹ có chức quyền cao trong cơ sở USO đề nghị Anh và nhạc sĩ Ngọc Chánh quy tụ những nhạc sĩ có sẵn trong Ban Hoa Tình Thương lúc bấy giờ thành lập một ban nhạc để chơi hàng tuần (thứ bẩy tại U.S.O. Tân Sơn Nhất và mỗi Chủ Nhật tại U.S.O. 119 Nguyễn Huệ Saigon) cũng như chạy thêm show ở các Club Mỹ khác tại Biên Hòa, Long Bình, Vũng Tầu.. với số lương rất cao. Theo một tài liệu, USO (viết tắt từ United Services Organizations, tổ chức phi lợi nhuận đưa các hoạt động giải trí tới phục vụ quân đội Mỹ đóng ở khắp nơi trên thế giới. Cơ sở là rạp hát – Nguyễn Huệ. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là cơ sở U.S.O.119 . Nguyễn Huệ).

 

 

Cơ sở U.S.O số 119 đường Nguyễn Huệ, nơi mà ban nhạc Shotguns trình diễn mỗi Chủ Nhật

 

 

Trong lúc mọi người đang mất việc, thì lời đề nghị này của người cha nuôi Pat Lâm quả như những giọt nước quý trên sa mạc. Chỉ một tuần sau, ban nhạc được hình thành với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Một thời gian ngắn, Pat Lâm tăng cường thêm Ngọc Mỹ – một giọng nữ chỉ mới 22 tuổi mà đã được coi là một giọng ca vững vàng nhất về nhạc ngoại quốc, nhất là về nhạc Jazz, một loại nhạc nếu không có một căn bản nhạc lý vững chắc thì khó mà trình bày được. Khi vừa chơi trong Club Mỹ một thời gian ngắn, tay trống Lưu Bình vào thế Đức Hiếu và có thêm sự hiện diện của Quốc Hùng chơi bass, Duy Khiêm đánh guitare accord.

 

 

Ban Shotguns chơi hàng tuần mỗi chiều thứ bẩy tại U.S.O Tân Sơn Nhất. Từ trái: Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm, Hoàng Liêm, phía sau là Lưu Bình (trống) và Ngọc Chánh (piano)

 

 

Còn tên gọi Shotguns, không chỉ vì ban nhạc được thành hình sau cuộc chiến Tết Mậu Thân chỉ vài tuần – mà tên ban nhạc còn được bắt nguồn từ một bài nhạc chào có tên Shotgun rất ăn khách vào thời gian đó. Theo như một tài liệu: “Shotgun” là tên một dĩa đơn do Junior Walker & All Stars phát hành năm 1965; sáng tác do Walker viết lời và nhạc, sản xuất bởi Berry Gordy Jr. và Lawrence Horn. Trong bốn tuần liên tiếp, dĩa “Shotgun” đứng đầu danh sách các dĩa nhạc R&B Singles ở Hoa Kỳ và đứng hàng thứ tư trên Billboard Hot 100 vào cuối tuần 3 tháng 4 năm 1965. Nhạc sĩ guitar Jimi Hendrix từng trình diễn bản này trên sân khấu với ban All Stars. Ca sĩ Pat Lâm và nhạc sĩ Ngọc Chánh, hai linh hồn của ban nhạc, quyết định chọn tên Shotguns cho ban nhạc mới thành lập của mình.

 

 

Bài hát Shotgun rất nổi thời gian này nên được ban nhạc chọn làm nhạc chào, từ đó ban nhạc quyết định chọn tên này.

 

 

Năm 1969, khi tình hình chiến tranh có vẻ đã lắng dịu, sinh hoạt ca nhạc về đêm trở lại bình thường, nhạc sĩ Ngọc Chánh có khuynh hướng muốn về đóng đô trình diễn hàng đêm tại Sàigòn. Theo nhà báo Nguyễn Việt, trong giai đoạn này, “Ngọc Chánh cùng Hoàng Liêm, Elvis Phương quyết định chuyển hướng từ một ban nhạc chuyên trình diễn loại nhạc Pop Rock kích động sang trình bày nhạc Việt. Bởi Ngọc Chánh có tâm tư, tại sao cứ phải trình diễn cho các Club Mỹ với loại nhạc kích động Pop Rock, Twist, Bebop.. ồn ào náo nhiệt, mà không trở về với cội nguồn cho khán giả Việt thưởng thức những nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình như Slow, Boston, Rumba, Tango, Bolero… Một quyết định xem ra đơn giản nhưng không đơn giản vào thời đó, vì có một số anh chị em trong ban nhạc không đồng tình. Lý do trình diễn ở các Club Mỹ được nhiều tiền hơn trên các sân khấu Việt”.

 

 

Ban nhạc Shotguns trên sân khấu Maxim theo lời mời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

 

 

Thời gian này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có lúc đã mời ban Shotguns về trình diễn Show mỗi đêm với thời lượng một tiếng đồng hồ. Khách tại Maxim rất yêu thích phong cách sống động của ban nhạc và lối trình diễn nóng bỏng của Ngọc Mỹ, Pat Lâm và Elvis Phương. Cuối năm 1969, đầu 1970, khi Jo Marcel rời Queen Bee, Khánh Ly đã mướn lại và mời ban nhạc Shotguns về đóng đô mỗi đêm. Mỗi đêm, bên cạnh thành phần nhạc sĩ thường xuyên của Shotguns, khán giả đến Queen Bee còn nghe được tiếng đàn piano của Nguyễn Ánh 9 và tiếng trống Anh Thoại.

 

 

Quảng cáo của phòng trà Queen Bee – Khánh Ly với ban nhạc Shotguns Ngọc Chánh trên báo Kịch Ảnh số 398 phát hành ngày 25 tháng 4 năm 1970

 

 

Ảnh chụp ban nhạc Shotguns trình diễn tại Queen Bee mùa Hè 1970. Trong ảnh có Long Thoại Nguyên (Saxo), Ngọc Chánh, Nguyễn Ánh 9, Như Khiêm, Khánh Ly, 1 anh, Elvis Phương, Hoàng Liêm, Anh Thoại.

 

 

Tết 1971, Khánh Ly cùng Ngọc Minh và cô em gái Ngọc Anh đi trình diễn tại Mỹ. Lúc trở về, Khánh Ly rời Queen Bee và khai trương chỗ mới ở phòng trà Tự Do. Riêng tại Queen Bee, nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban Shotguns quyết định “thầu” lại và mời tiếng hát nữ danh ca Thanh Thúy tái xuất giang hồ sau 5 năm cô giải nghệ đi lấy chồng. Không biết vô tình hay hữu ý, đêm khai trương của hai vũ trường Tự Do và Queen Bee đều cùng một ngày, ngày 16 tháng 3 năm 1971.

 

Tờ quảng cáo Khánh Ly khai trương bên phòng trà Tự Do ngày 16 tháng 3 năm 1971 đăng trên tờ Kịch Ảnh số 443

 

 

Bên phòng trà Tự Do, để cho có nét lạ, đích thân Khánh Ly đến nhà Mai Hương mời cô cộng tác với hợp đồng ký 6 tháng. Tuy chỉ thích hát trên truyền hình, truyền thanh, nhưng vì quý mến Khánh Ly, cho nên Mai Hương đã nhận lời mời. Do đó, trên tờ quảng cáo, Khánh Ly đã ghi: “Và lần đầu tiên, giọng ca chị em với Thái Thanh, “nữ ca sĩ Mai Hương” chịu đi hát phòng trà. Ngày cuối cùng mãn hợp đồng, đúng 6 tháng sau, ngày 16 tháng 9 năm 1971, trong buổi hát cuối cùng tại Tự Do, Mai Hương đã kêu gia đình đi xem rất đông, ai dè, đêm hôm đó, phòng trà Tự Do bị đặt chất nổ, một số người đã bị thương vong, trong đó có gia đình của ca sĩ Mai Hương, một vài người cháu đã bị thương khá nặng.

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s