- Nguyễn Sơn Vũ, con trai nhà văn Nguyễn Trường Sơn, mang di ảnh
vào nhà nguyện Trung Tâm Công Giáo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
SANTA ANA, California (NV) – Lễ tưởng niệm nhà văn Nguyễn Trường Sơn, người sáng lập tạp chí và tủ sách Tuổi Hoa ở Sài Gòn trước năm 1975, vừa được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 7 Tháng Sáu, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana.
Lễ tưởng niệm gồm hai phần: Thánh Lễ theo nghi thức Công Giáo và nghi thức tưởng niệm được cử hành ngay sau Thánh lễ.
Thánh lễ do Giám Mục Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, làm chủ tế cùng Linh Mục Bill Cao, chánh xứ giáo xứ Saint Anthony Claret, Anaheim.
Về phía gia đình nhà văn Nguyễn Trường Sơn gồm có ông Nguyễn Sơn Vũ, thứ nam của ông, và bà Bích Thủy, phu nhân của ông và cũng là một tác giả của sách Tuổi Hoa, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, giới truyền thông, và độc giả Tuổi Hoa.
Theo Giám Mục Mai Thanh Lương, nhà văn Nguyễn Trường Sơn, tên thật là Nguyễn Bích Vân, là người sáng lập bán nguyệt san Tuổi Hoa và tủ sách Tuổi Hoa ở Sài Gòn trước năm 1975.
“Ông là nhà văn mà cũng là nhà giáo dục lớn nhưng vì tính khiêm nhường nên không nhiều người biết. Tuy nhiên những độc giả của báo Tuổi Hoa và tủ sách Tuổi Hoa ai cũng biết và nhớ đến ông,” vị giám mục nói.
Tiếp theo, Linh Mục Bill Cao nói, “Mặc dù không biết ông Nguyễn Trường Sơn là ai nhưng sau này khi đọc lại, thấy được tính giáo dục rất hay và tôi thường đem ra giảng cho các em sinh viên, học sinh.”
Cuối Thánh Lễ, nhà văn Quyên Di nói lời cảm ơn mọi người tham dự.
Trong phát biểu của mình, nhà văn Quyên Di nói lên tâm tình của người cộng sự thân cận, với vai trò một người thay thế ông Nguyễn Trường Sơn để điều hành tờ báo Tuổi Hoa.
Sự nghiệp viết báo của ông Nguyễn Trường Sơn khởi đầu từ Hà Nội, thập niên 1950. Hai tác phẩm đầu tiên là Măng Chột (báo Đạo Binh Đức Mẹ) và Xóm Giáo (phát động thành lập đoàn liên minh Thánh Tâm), cả hai đều ký bút hiệu Hà Châu, theo nhà văn Quyên Di.
Nhà văn này kể tiếp, sau khi vào Nam, nhà văn Nguyễn Trường Sơn bắt đầu nghĩ đến việc giáo dục thanh thiếu niên một cách lâu dài hơn. Tiền thân của tờ báo Tuổi Hoa là một quyển truyện mỏng “Đường Vào Hang Cọp” nội dung khuyên trẻ em nên biết nghe lời người lớn, những bậc đã có kinh nghiệm trong cuộc sống.
“Sau khi phát hành, chuyện này được tiếp nhận rất nồng hậu và ông nghĩ ra một chuyện lớn hơn, dài hơi hơn, đó là ra một tờ báo. Từ đó bán nguyệt san Tuổi Hoa ra đời. Khi báo đã đứng vững, ông cho phát hành tiếp báo Tuổi Hoa dành cho tuổi thanh thiếu niên thích phiêu lưu mạo hiểm với bông hoa màu đỏ, hoa xanh cho các em gái, tình cảm nhẹ nhàng hơn và ít lâu sau đó là hoa tím dành cho lứa tuổi mới lớn với ít nhiều mộng mơ,” nhà văn Quyên Di kể tiếp. “Với chuyện ‘Chú Thỏ Đế,’ sau khi được đón nhận, ông bắt đầu thành lập hẳn tủ sách Tuổi Hoa.”
Ông kể tiếp, “Tòa soạn Tuổi Hoa nằm ở số 38 đường Kỳ Đồng, Sài Gòn, đó là Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, với chủ biên Nguyễn Trường Sơn, mà mọi người gọi một cách thân thương là Anh Cả Trường Sơn với những đức tính nhẹ nhàng, tế nhị, thẳng thắn, khiêm tốn. Trong phòng làm việc, Anh Cả ngồi rất nghiêm chỉnh khi một mình, hoặc khi tiếp khách ăn mặc rất lịch sự, tóc dầy và đẹp lắm. Anh Cả thường chỉ tôi cách viết văn sao cho gãy gọn, dứt khoát với lối hành văn mạch lạc từng dấu chấm, phẩy.”
Đặc biệt, nhà văn Quyên Di còn giữ cặp kính đeo mắt của cố nhà văn Nguyễn Trường Sơn, kỷ vật vô giá này nhắc nhở ông luôn luôn nhìn xa trông rộng, nhìn vấn đề một cách đôn hậu hơn, lâu dài hơn để xây dựng thế hệ tương lai, tiếp nối theo con đường của Anh Cả, nhà văn Quyên Di chia sẻ tiếp.
Tiếp theo, họa sĩ Vi Vi, người vẽ tranh và hình bìa chính cho báo Tuổi Hoa tâm tình với tính cách là con đỡ đầu của nhà văn Nguyễn Trường Sơn.
Ông cho biết, bố đỡ đầu của ông đã tốt nghiệp Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương Hà Nội, là một họa sĩ nhưng không vẽ bằng cọ mà vẽ bằng con chữ, bằng ánh mắt, bằng trái tim trao tất cả cho ông.
Theo họa sĩ Vi Vi, năm 1965, khi là sinh viên năm thứ nhất mỹ thuật, ông được họa sĩ Nguyễn Rĩ giới thiệu vào báo Tuổi Hoa, vì quy định của trường không cho sinh viên đi vẽ ở ngoài với tên thật nên ông phải lấy bút hiệu là Vi Vi, vẽ cho báo đến năm 1975.
“Hình tôi vẽ, đem tới cho bố xem, nhìn ánh mắt nụ cười là biết bố hài lòng hay không, mặc dù bố chưa bao giờ nói con phải vẽ như thế này, thế khác vì ông muốn để cho độc giả thấy và phê phán. Cái kính mà anh Quyên Di vừa nói là vô giá, nhưng theo tôi, trái tim và ánh mắt của bố vô giá hơn. Năm mươi năm về trước, khi phác thảo của tôi được bố đón nhận, nó đem đến những cánh hoa vô giá nở trong lòng tôi, đến bây giờ vẫn tiếp tục nở trong lòng tất cả mọi người ở đây và độc giả Tuổi Hoa khắp nơi trên thế giới,” họa sĩ Vi Vi nói tiếp.
Cô Đỗ Khánh Hòa, chủ nhiệm tuần báo Sống Magazine, dành thời gian nói về bậc đàn anh trong làng văn bút vừa từ giã. Cô nói về nỗi vui mừng năm xưa khi bài của cô được nhận đăng trên báo Tuổi Hoa, bắt đầu dẫn dắt cô vào niềm đam mê chữ nghĩa mà cô vẫn giữ cho đến hôm nay. Sau 40 năm xa xứ, ngày nay tờ báo và nhà xuất bản Sống là phương tiện để cô tiếp tục trao lại thế hệ tiếp nối những nét đẹp mà cô đã nhận được từ Tuổi Hoa năm nào.
Kế tiếp, nhà văn Nguyễn Quang, người có nhiều tác phẩm xuất bản ở Hoa Kỳ và là phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, phát biểu.
“Nhà văn Nguyễn trường Sơn đóng góp rất nhiều cho văn hóa Việt Nam và hải ngoại, và tôi mong rằng những việc làm này sẽ được thế hệ trẻ tiếp nối,” nhà văn này nói.
Sau đó, nhà văn Tôn Nữ Thu Dung, chủ nhiệm tập san Tương Tri, chia sẻ tâm tình với tính cách là một thành viên nhỏ tuổi nhất ngày ấy của gia đình Tuổi Hoa.
Bà nói, “Từ năm 17 tuổi, tôi đã gởi tác phẩm đầu tay cho Tuổi Hoa, nhưng tiếc thay vì thuộc loại hoa tím nên không được nhận, nhưng sau đó lại được đăng, với nhuận bút khá lớn thời đó, có lẽ là để ưu ái cho tác giả nhỏ tuổi nhất. Và một kỷ niệm vui nữa là khi từ Nha Trang vào Sài Gòn lãnh nhuận bút, chú Trường Sơn đã nói gương mặt của tôi là hình mà anh Vi Vi vẽ trên bìa báo Tuổi Hoa. Tôi cảm ơn chú Trường Sơn đã trao cho tôi những hành trang vào đời với những đức tính quý báu và giúp tôi hãnh diện với một cuộc sống đáng sống hôm nay.”
Trong quá khứ, dòng văn học tuổi thơ có lẽ chưa bao giờ được đề cao nhiều. Chỉ từ khi những tác phẩm và tủ sách của Tuổi Hoa ra đời thì nó khơi gợi lại cho mọi người sự giáo dục cho thanh thiếu niên về lòng yêu nước, yêu người, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên và đức khiêm tốn. Tất cả xuất phát từ cái tâm của nhà văn hóa Nguyễn Trường Sơn đối với cả một thế hệ trẻ Việt Nam từ năm 1964 đến 1975, được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản như thế.
Nhà văn Nguyễn Trường Sơn vừa qua đời ngày 20 Tháng Năm ở tuổi 98 và được an táng tại Pháp. Cuối buổi lễ tưởng niệm, mọi người cùng đến thắp hương trước bàn thờ di ảnh ông trong niềm tiếc thương vô hạn.