Tiếng hót một loài chim (Việt Hải)

 

PVH, Nam Dao

 

 

Lấy trí nhân mà thay cường bạo
Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn”

Nguyễn Trãi

 

 

 

Năm 1995 sau hai mươi năm người CSVN cưỡng chiếm miền Nam, nhạc sĩ Phan Văn Hưng cho ra dĩa CD “Hai Mươi Năm” để đánh dấu nỗi đau buồn uất hận người Việt tị nạn. Tôi sẽ không bao giờ dùng chữ “mất nước”, vì nước Việt Nam của người Việt tự do đang bị những người CSVN cưỡng đoạt bằng họng súng AK. Nước VN chúng ta vẫn còn đó. Hằng triệu người Việt Nam có bổn phận giành lại đất nước từ tay của người CSVN. Phan Văn Hưng (PVH) cũng như những người tị nạn chúng ta đã phải chia sẻ cuộc sống lưu vong. PVH và vợ là Nam Dao (ND) là đôi uyên ương đã đến với nhau bằng lý tưởng tự do của người tị nạn Việt Nam, họ đến với nhau bằng những tình tự dân tộc VN. Họ chia sẻ những buồn vui khi hoạt động trong đời sống sinh viên tại Paris và họ đã có những hoạt động tích cực giữ chiến tuyến người quốc gia chống lại các sinh viên tả khuynh tại Pháp. Từ những ngày xa xưa thân ái đó đã tôi luyện cho ND một ý chí bền vững bênh vực lý tửơng cho ngừơi Việt Nam yêu chuộng tự do, không chấp nhận chế độ CS, và cũng những ngày xa xưa đó đã soi đừơng cho PVH tiếp tục đấu tranh vì quê hương, vì đồng bào dù là tại quê nhà hay ở Úc châu. Nếu ND đấu tranh bằng ngòi bút thì PVH lại chọn lời ca tiếng hát để bứt bỏ gông xiềng đàn áp người dân vô tội đáng thương tại quê nhà Việt Nam.

 

 

Chúng ta hãy nghe lời nhạc của bài hát “Hai Mươi Năm”, thơ của Nam Dao, nhạc PVH, hai mươi đọa đầy dưới gông cùm, dưới bốc lột và dưới trấn áp:

 

 

“ … Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm
Người hiền khô mang gông cùm
Kẻ mộng du lên bạo chúa
Người ngồi khóc trên sân chùa

Hai mươi năm, triệu người đi trong cuộc sống
Mà thể xác như không hồn
Triệu người lao trong cùng khốn
Và buồn vui như bao lần
Hai mươi năm, người hiền lương dẫu còn sống
Phải cật lưng trong thiên đường
Những vết nhăn trên vừng trán
Và hòn than nung trong lòng.”

 

 

Sau ngày 30-04-75, miền nam thất thủ, viên tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân Quản Thành Phố Saì Gòn ký “Thông Cáo” buộc các quân nhân cán chính miền nam phải đi trình diện “học tập cải tạo”. Che dấu ý đồ đen tối, gạt gẫm tù nhân bị tù đầy, điều khoản số 2 của bản “Thông Cáo” này qui định là: “Những người đến tập trung học tập mang theo giấy bút, quần áo, mùng màn,… lương thực, thực phẩm đủ dùng trong một tháng”. Rồi có người tù nhân bị đọa đầy không thấy ngày về, tù tội cứ mãi chồng chất đến những 13, 15 hay 17 năm hoặc hơn, hay bỏ thây nơi rừng già của trại giam.

 

 

Hãy nghe thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã sáng tác bài thơ “Ai về xứ Việt” đựơc PVH phổ nhạc thành bài tù ca và cất tiếng hát não nùng, ai oán như sau:

 

 

 

“Ai trở về xứ Việt
nhắn giùm ta, người ấy ở trong tù
Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết
Dài lắm không đằng đẵng mấy mùa thu
Ai đi về xứ Việt
thăm giùm ta, người ấy ở trong tù
Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc
Thay giùm ai, màu trời ngục âm u
Các bạn ta ơi, bao giờ được thả
Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi
Được lắng nghe, tiếng chim cười
Đến bao giờ đến bao giờ
Người bạn tù ơi, ta không quên đâu
Nhớ hôm xưa, nhìn đôi tay cùm xích
Hàng song thưa chia cách vạn tình Ngâu
Ai tra tấn nghe lòng ai kim chích… ”

 

 

Tố cáo sự vô lương tâm và dã man mà chế độ CSVN áp bức người dân, thi sĩ Bắc Phong đã sáng tác bài thơ “Trái tim tôi là bến”, được PHV chuyển thành những dòng nhạc đấu tranh:

 

 

 

“Buồm của anh rách nát
Bởi bao đợt sóng nhồi
Thì xin anh hãy vá
Bằng những miếng da tôi
Ngòi của anh đã gãy
Hãy mài trên xương tôi
Chấm máu tôi mà viết
Về lương tâm con người
Dù đêm trăng không lên
Nhưng mắt trẻ là sao
Trái tim tôi là bến
Xin anh cứ bơi vào
Đàn của anh đã vỡ
Hãy dạo trên thân tôi
Lấy tiếng tôi mà hát
Về đau thương con người”

 

 

 

Để mô tả xã hội VNCS sau khi đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào” để “đảng CSVN ưu việt” đưa xã hội Việt Nam lên hàng “tiên tiến” giữa khu rừng già man rợ Phi châu, PVH sáng tác một nhạc phẩm “phản động trong số những tác phẩm phản động” của anh, “Bạn bè của tôi”:

 

 

“Bạn bè của tôi là nhân chứng cho cả thế hệ này
Mười thằng bạn thân, mười con số trong một kiếp trần
Thằng thì đã khuất bỏ mạng rừng xanh
Thằng thì cụt mất cánh tay của anh
Bạn bè của tôi,
Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc
Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi
Thằng thật tài ba thì đạp xích lô
Còn thằng giàu cha là thằng ma cô
Ai thấu cho oan khiên này
Người có lắng nghe…
Tiếng ai than dài
Thuyền nào cứ trôi dạt…
Để ai khóc trong cười
Ngổn ngang những bóng đời…
Chẳng thiết ngày mai…”

 

 

 

Tự Do là một quyền bẩm sinh của con ngừơi, không phải thứ hàng xa xỉ mà người dân phải quì lụy lạy lục, xin xỏ nhà cầm quyền mang bản chất du côn, xấc xược, ngạo mạn và người người đứng lên đấu tranh đòi quyền sống cho đến một ngày kia những bất công, những áp bức sẽ không còn nữa. PVH sáng tác nhạc phẩm “Hãy trả cho tôi quyền tự do ngôn luận” dưới tựa đề Anh ngữ “Free My Words”, thơ Nam Dao:

 

 

 

“I’ve been praying throughout the night
Clinging to hope, to a candle’s light
Can you see me, can you hear me
A lonely voice and out of sight
I’ve been waiting for the day
When you and I will have a say
The sun will shine in your eyes so bright
We’ll be as free as the birds can fly
Oh Oh
Free me, free my words, free my home
Free me, free my heart, free my mind
Love is just the only word that I’ve been longing for
Let it be known
Oppression isn’t on any more…”

 

 

 

 

Trẻ thơ tự bản chất vốn vô tội. Ở các xứ tây phương người ta nâng niu trẻ thơ bao nhiêu thì xã hội dưới chế độ CHXHCNVN bị khổ nạn, trẻ thơ bị hất hủi, bị bạc đãi bấy nhiêu. Trẻ thơ bị đưa bán vào nhà chứa, trẻ thơ bị xử dụng như món hàng đổi chác. Trẻ thơ được bà Bộ trưởng y tế Dương Quỳnh Hoa xác nhân nạn suy dinh dưỡng trầm trọng. Trẻ thơ bị chế độ CSVN bỏ rơi đến độ còm cõi, PVH phổ tiếp nhạc phẩm bi thương “Bài ca cho bé Thảo”, thơ Nam Dao. Ôi xót xa thay cho những trẻ thơ Việt Nam dưới chế độ CS. Hãy nghe:

 

 

 

“Con ơi con mẹ vừa mua thuốc về
Sao con ơi lìa mẹ sớm ra đi
Nơi nhà thương con chết mắt nhắm nghiền
Vì chai đá lặng giết hồn nhiên
Con ơi con mẹ tìm mua khắp chợ
Sao cho con được viên thuốc cho nhanh
Xóm làng thương chung góp chút chân tình
Giờ viên thuốc này vẫn còn nguyên

Người đã giết người trong cõi đời khan tiếng cười
Người đã nhắm mắt trên nỗi đau thương người ơi
Và em bé nằm như thiên thần trong nát tan
Đời em không khác chi bao rong rêu lầm than
Trong đêm khuya chợt nghe tiếng gõ nhẹ
Thương cha con bàn đã cũ bao năm
Cha cưa đi làm áo quan con nằm
Vùi trong gỗ mục những lặng câm
Hôm con đi trở về nơi cát bụi
Cha khom lưng đạp xe cũ trong mưa
Ánh chiều rơi loang bóng giữa sương mờ
Đường hun hút dài bóng hình xưa.”

 

 

 

Bài hát số 7 trong CD đánh dấu hai mươi năm khi mà nuớc VNCS “hồ hởi tiến lên thiên đàng XHCN” với một xã hội đồi trụy với nhiều hố sâu ngăn cách, những thương phế binh VNCH chết dần, héo mòn cuộc đời trong nỗi tức tửi cô đơn. Người đi tù thì bỏ thây trong trại tập trung vì lao động khổ sai. Ví dụ điển hình mà tôi được biết như trừơng hợp trung tá Nguyễn Quang Hưng, tham mưu trưởng trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt để lại lá thơ cho vợ con quá thương tâm, quá ngậm ngùi:

 

 

“Em yêu,
Những chiều trở lạnh, mệt mỏi, anh nhớ em thật nhiều. Anh nhớ từng kỷ niệm, chi tiết tình yêu của vợ chồng mình, thời kỳ hạnh phúc tại Quang Trung. Đã hơn 3 năm xa nhau rồi, càng ngày càng lớn tuổi, nỗi đau bệnh hoạn, không biết anh có còn sức khỏe về gặp lại em và con không? Hay là ngày ra đi học tập là ngày vĩnh biệt em yêu. Anh còn sống đến nay là vì kỷ niệm, vì em và con. Còn anh chả có gì cần thiết, quan trọng cả. Cầu xin Trời cho anh luôn khỏe mạnh khi về gặp lại gia đình, sống hạnh phúc bên em và con…

Mong thaỵ
Hôn em và con.

Hưng”

 

ngay quoc han

 

Tưởng niệm những cái chết oan khiên của những quân nhân oai hùng trong QLVNCVH một thuở, PVH sáng tác nhạc phẩm “Nếu em nghe bài hát này”, thơ Nam Dao:

 

“Nếu em nghe qua bài hát này
Thì anh đã khuất theo rặng đường mây
Nếu em nghe những lời giã từ
Thì xin đôi mắt ngưng đọng mùa thu
Tình anh ao ước trao muôn ngàn gió
Gởi bao trăn trối trong cơn mù xa
Giờ anh thoi thóp giữa gian ngục tối
Nào được thoát ly tâm hồn bay xa…
Nếu em nghe qua bài hát này
Thì em sẽ biết anh không còn đây
Nếu em nghe nốt nhạc rất buồn
Thì xin tha lỗi những đêm chờ mong
Nếu em nghe qua bài hát này
Thì xin em xếp câu chuyện đầu tay
Nếu em đi qua vườn ta ngồi
Mặc cho nắng úa vương trên ngọn cây
Nếu con nghe qua bài hát này
Thì con sẽ biết cha mình là ai
Nếu có đi qua vùng nước lầy
Mộ cha nằm đó trái tim nằm đây
Nếu em nghe qua bài hát này
Thì anh đã khuất theo rặng đường mây
Nếu con nghe qua bài hát này
Mộ cha nằm đó trái tim nằm đây”

 

PVH và ND đã nghe tiếng lòng của cụ Nguyễn Trãi: “Lấy trí nhân mà thay cừờng bạo, lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn”. PVH và ND hòa hợp cùng đồng bào cất tiếng nói lên sự chống đối lại sự thô bạo và hung ác của chế độ CSVN khi lấy trí nhân, lấy đại nghiã làm ngọn đuốc dân tộc soi sáng con đường đấu tranh. Chúng ta đòi ngừơi CS phải trả lại quyền làm ngừơi, trả lại quyền sống xứng đáng với nhân phẩm trong xã hội, hãy nghe bài “Đòi quyền yêu thương”, thơ Nam Dao, nhạc PVH:

 

“Ngọn gió lớn đã thổi qua địa cầu người ơi
Đuổi sạch những u ám trên trần gian
Ngọn triều dâng đã tràn qua biển động người ơi
Gội sạch những vết thương và dối gian
Ngày mới đã lên trên non cao hỡi người
Và nắng sẽ xoá tan thương đau
Triệu người đang ngóng bình minh trở lại
Để cùng đòi lại quyền sống như một con người
Đòi thương rất nhiều, đòi tiếng nói thân yêu
Đòi câu thái hoà, đòi bao dung thiệt thà
Đòi con nước nhỏ, đòi quê hương bao la
Đòi sống rất người, đòi chết như bông hoa
Đòi vui với buồn, đòi cánh sao trong hồn
Đòi đi đòi đứng, đòi xác thân
Đòi mơ với mộng, đòi vươn trên trời rộng
Người ơi đòi quyền của tình thương
Triệu người đang ngóng bình minh trở lại
Để cùng ngậm ngùi hàn gắn bao nỗi lầm than.”

 

Trong một ngục tù vĩ đại được ngụy trang dưới mỹ từ của “cái-gọi-là” nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” kia, trớ trêu thay khi thuở ban đầu 75 nhân dân miền nam được nghe những từ ngữ rỗng tuếch, ngô nghê “cán bộ là đầy tớ nhân dân” hay “Đảng lảnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”. Trên thực tế chỉ có thiểu số lãnh đạo nắm quyền bính ăn trên ngồi trốc, chia chác quyền lợi quốc gia, ngày càng giàu sụ thêm. Đại đa số người dân nghèo cứ mãi nghèo thêm. Năm 1980 PVH phổ bài hát “Thằng bé tát dầu”, thơ Nam Dao, nói lên hoàn cảnh cơ cực, bần cùng của người dân nghèo. Trẻ em phải đi ăn cắp dầu từ công xưởng Ba Son làm kế sinh nhai cho gia đình, để rồi hai bé trai thơ ngây phải đền mạng do việc ăn cắp dầu:

 

“Tôi muốn hát cho thằng bé tát dầu
Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son
Tuổi mười ba da trần xạm nắng
Vớt cặn dầu về đổi lấy miếng cơm
Hai đứa bé bơi xuồng đến gầm cầu
Đứa quơ dầm miệng giục em ơi
Phải làm nhanh coi chừng họ thấy
Tát lẹ vào dầu đổ ướt chiếc khoang
Ôi quá nhiều dầu sao quá nhiều
Chắc phen này hẳn được cơm no!
Ngày chợ đến sẽ mua sữa một lần
Cho thằng Cu nếm thử nghe em
Mơ chưa dứt, trên cầu chúng thấy rồi
Mắt lạnh lùng nạp khẩu AK!…
Tràng đạn bắn chết em quá vội vàng
Buông dầm rơi ngỡ ngàng trên khoang…
Máu em trào nhuộm cả hai vai
Thằng nhỏ ôm anh mình bật khóc
Lớp cặn dầu này đổi lấy xác anh !
Bé tát dầu, thằng bé tát dầu!
Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son…”

 

Trong cái “chuồng cọp” khổng lồ của quê hương Việt Nam người dân bị bóp nghẹt tiếng nói. Họ hướng ra hải ngoại vang vọng tiếng kêu gào cầu cứu cho quyền làm người. Những người bạn ly hương, viễn xứ như Thanh Tâm, như Phan văn Hưng, như Nam Dao và nhiều lắm đã trả lời tiếng gọi quê hương. Bài “Friends of Freedom” do thơ Anh ngữ của Thanh Tâm, nhạc PVH:

 

“In my dark and lonely cell
Hidden and forgotten by the world
My tortured body knows no hope now
Only in my dreams am I free
To speak to love and to see
My children play and be happy
Friends of Freedom I long for you to see
Friends of Freedom I long for you to hear
See my pain and my anger
Feel my pang of hunger
Oh Friends of Freedom I ask of you
Find it in your heart to see my plight
Show me the light and end this night
Give me your strength and all your might.“

 

Nam Dao đã viết nhiều và rất nhiều để lên án cái ác tính xấu xa của chế độ, để tố cáo, để vạch trần những tham ô, những trụy lạc, những nhũng lạm, những nham hiểm, những độc ác của những nhà lãnh đạo CSVN chủ trương đè đầu cưỡi cổ nhân dân Việt Nam, thay vì họ chỉ là lũ “đầy tớ của nhân dân” như lý thuyết đã rêu rao. ND ghi nhận những xót xa qua ngòi viết trong bài “Giọt lệ dân tôi”:

 

“”Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”. Ngày hôm nay, món ăn tinh thần cuả những kẻ khốn khổ đó đã bị nhà nước CSVN dùng bạo lực tước đoạt. Tôi tự hỏi tại sao nhà nước lại có thể nào nhẫn tâm cướp đi những giây phút hạnh phúc nhỏ nhoi của những mảnh đời rách nát đau thương, những con người bị vây khốn trong vòng đai đói nghèo không có đến một ngày mai tươi sáng. Tôi không hiểu tại sao những kẻ lãnh đạo đã bòn rút của người dân để thụ hưởng tất cả những xa hoa phù phiếm trên đời này vẫn chưa hài lòng hay sao mà lại còn ganh tị với hạnh phúc nhỏ bé cầu nguyện của người dân cơ hàn, những con người mà suốt cả cuộc đời họ chưa hề được biết quả bóng chơi golf là gì thì làm sao họ nếm được mùi chơi sang vứt tiền qua cửa sổ của những Phan Văn Khải, Trần Đức Lương lấy máy bay hạng nhất sang Singapore chơi golf một weekend với những người khách Pháp chỉ vì các quan lớn muốn khoe với người ngoại quốc rằng ta đây cũng là tay sành đời biết ăn chơi hưởng thụ như ai. Một sự hưởng thụ trên mồ hôi nước mắt nhục nhằn của dân tộc tôi!”

 

Nam Dao nói về giấc mơ chung của người dân Việt Nam được hưởng giây phút ấm no bên gia đình, được hưởng bầu không khí tự do thực sự của một đất nước không hận thù, không đọa đầy từ những đay nghiến, những khắc nghiệt của nhà cầm quyền. Bài “Mơ anh có mơ” nói lên điều này, thơ ND, nhạc PVH:

 

“Người ngồi lâu trong bóng đêm
Ước mơ thấy tia mặt trời
Vùi sâu năm tháng tối đen
Người mơ ánh mắt hồn nhiên
Chìm trong gian ác dối trá
Khát khao giống dân hiền hoà
Bùn loang tim óc phôi pha
Ước mơ đoá sen trắng ngà
Mơ anh có mơ
Có mơ những ngày dịu hiền
Chiều về thong dong phố vắng
Lòng nhẹ như tia nắng ấm
Mơ anh có mơ
Có mơ tiếng người gọi mời
Tự do trong tim rất mới
Rộn ràng theo mơ ước chung…”

 

Theo truyền thuyết từ thuở xa xưa, lịch sử dân tộc Việt Nam là một dòng giống tiên rồng, Việt Nam có một dải giang san gấm vóc hình chữ “S” từ Bắc xuống Nam. Việt Nam oanh liệt, Việt Nam oai hùng, Việt Nam vinh quang trong lịch sử máu xương mà cha ông ta đã gìn giữ từng tất đất quê hương bằng máu xương, bằng mạng sống. Nay vì quyền lợi riêng tư sống còn của tập thể giới lãnh đạo CSVN, họ đan tâm trao đổi, chia chác đất đai cho quân thù phương bắc. Xin cúi lạy những Ngô Quyền, Lý Thừơng Kiệt, Lê Lợi,…, rồi những Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng hãy về chứng giám và phò hộ cho dân tộc Việt Nam còn quá nhiều khổ đau, còn quá nhiều tang thương và còn quá nhiều nhiễu nhương. PVH cùng ND với niềm tin tưởng khôn nguôi một ngày mai tươi sáng gầy dựng lại quê hương khi bóng quân thù bị mai một, người Việt Nam khắp nơi trở về đóng góp cho một quê hương sáng ngời qua bài ca “Việt Nam Vinh Quang”:

 

VN vinh quang

 

 

“Việt Nam bao năm chìm trong bóng đêm dày
Vẫn kiên cường nuôi chí phục hưng
Việt Nam vươn lên từ những tấm thân gầy
Nguyện xây đắp thương yêu tràn đầy
Việt Nam thắp cao ngọn đuốc ấm cho đời
Bằng trái tim vun trồng thời đại mới
Hồn sông núi vang trong mạch sống giống nòi
Bước đi trong miệt mài
Trong bôn ba bao thử thách gian nan
Màu cờ huy hoàng vẫn lướt trời xanh hiên ngang
Quyết tâm xây dựng nước rạng ngời
Việt Nam vinh quang đời đời.”

 

CD “20 Năm” của PVH – ND đã ra đời trong giai đoạn suy tàn của chủ nghĩa CS, nó đánh dấu một khúc quanh mới của lịch sử đấu tranh cho nhân quyền cho VN. Để rồi nhìn về quê hương phong trào phản kháng nhà cầm quyền CSVN càng bùng nổ lớn, từ đồng bào ở Thái Bình nổi dậy đòi đất đai cho đến đồng bào An Giang liều chết đòi quyền tự do tín ngưỡng. PVH – ND đã miệt mài không ngừng đấu tranh vì chính nghĩa của người VN, vì yêu tổ quốc VN, vì lý tưởng chuộng tự do cho người VN. Họ đã vác đàn chu du đó đây cất tiếng hát từ Âu châu sang Mỹ châu, rồi từ Úc châu vọng về Á châu. Đôi uyên ương PVH – ND đã thực sự dấn thân, kêu gào “tự do” và “nhân quyền” cho người dân Việt Nam. Bằng một ngòi bút sắc bén nung nấu tình tự quê hương và dân tộc của Nam Dao, bằng tiếng hát u uẩn, bi ai của Phan Văn Hưng như tiếng vọng trời Nam của loài chim quốc trong thi ca của Bà Huyện Thanh Quan, như tiếng lòng nhớ nước khắc khoải của vua Thục Đế ngày xưa hoài vọng cố hương, Phan Văn Hưng và Nam Dao là những chiến sĩ văn hóa can trường đứng lên đòi quyền sống cho người dân Việt Nam, trong cái nhìn nào đó, tôi ví tiếng nói hay tiếng hát của họ như những “Tiếng hót một loài chim”, bời vì:

 

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.

 

Việt Hải, Los Angeles
Tháng Tư Đen năm 2003.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s