Người “Tù” trên màn ảnh… (Thanh Châu)

 

 

 

Máy quay phim dừng lại ở khuôn mặt anh, với ánh mắt nhìn về phía tôi, hay về một khoảng trống vô tận nào đó. Chị Thanh Thúy bắt đầu cất tiếng hát, quì xuống và chắp tay nguyện cầu.  Nhạc bắt đầu trổi lên, và rồi chị đã tiếp tục hát, để yên cho nước mắt chảy tràn xuống gương mặt, thấm ướt bờ môi…

Có vẻ như tôi đang diễn tả một đoạn phim dã tưởng nào đó. Cũng đúng phần nào, bởi vì đó là một đoạn phim tôi đang xem trên màn ảnh. Nhưng đó cũng là những gì đã thật sự xảy ra, từ người đàn ông trong lao tù, với gương mặt hằn lên nét khổ đau, cho đến những giọt nước mắt của chị tôi, người nữ danh ca trên sân khấu. Không còn gì có thể thật hơn.

Cặp mắt anh như nhìn thẳng vào tôi, như muốn nói lên một điều gì. Nhìn vào đôi mắt ấy, tôi bắt đầu khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Thế giới của tôi như cô động lại xung quanh màn ảnh nhỏ này…

 

…Và cùng nhau chắp tay nguyện cầu

Cho những người qua ác mộng còn lại hôm nay

Cho những người sau chiến cuộc gặp chuyện không may…

 

Nhạc phẩm “Chắp tay nguyện cầu” do Nhạc Sĩ Lam Phương sáng tác, và chị đang trình bày trong nước mắt không xa lạ với chị, hay với tôi. Đây là một trong những ca khúc đầu tiên chị đã hát trên bước đường lưu vong. Ca khúc này đã như hành trang quí giá chúng tôi mang theo từ những ngày đầu lưu lạc. Bây giờ, dù thời gian có làm phai đi những đớn đau, nhục nhằn, dù hòa âm bây giờ có hay ho, mới lạ, ca khúc này vẫn mãi tồn tại trong chúng tôi, đơn sơ trân quí như bao giờ…

Nhiều năm qua, tôi đã xem đi xem lại đoạn phim này không biết bao nhiêu lần. Và lần nào cũng như lần nào, tôi cũng đều khóc khi nhìn thấy ánh mắt ấy của anh. Người ta thường nói thời gian là một liều thuốc nhiệm màu, giúp cho ta quên đi và hàn gắn những vết thương lòng. Nhưng hình như trong trường hợp này, thời gian như đã phải đầu hàng trước ánh mắt của anh. Bởi vì tôi không thể nào ngăn cản được những giòng lệ rơi mỗi khi nhìn ánh mắt ấy.

Cũng đã nhiều năm qua, tôi cố tình tìm hiểu về người “Tù” trên màn ảnh ấy là ai, có vượt thoát được cảnh đời lao tù đó hay không. Tôi không biết được gì hơn về anh, ngoài chức vụ thiếu tá và ở tù 10 năm.  Cuốn phim này được quay vào năm 1985, nghĩa là anh đã vào tù từ năm 1975, di chuyển đến nhiều trại khác nhau.

Tôi không biết tại sao tôi cố tình tìm hiểu về anh, một người hoàn toàn xa lạ. Có phải chăng là tình đồng bào ruột thịt? Có phải chăng vì anh là một người tù cải tạo? – mà đã là tù cải tạo thì hoàn cảnh ai cũng đáng thương như nhau. Hay phải chăng vì ánh mắt anh nhìn như cầu cứu, như vô vọng…

Tôi đã tuyệt vọng khi không tìm ra được chút manh mối nào về anh, và gần như muốn bỏ cuộc. Rồi bỗng nhiên, vào lúc bất ngờ nhất, tôi lại khám phá ra được tông tích anh. Anh, người “Tù” trên màn ảnh đó, là Thiếu Tá Lê Hữu Cương, cựu sinh viên sĩ quan Đà Lạt, người chỉ còn lại một chân trong chiến trận, và dù chỉ với một chân, anh vẫn đảm nhận chức vụ quận trưởng quận Củ Chi, một trong những vùng đất dữ nhất của miền Ðông Nam phần.

Tôi vội lấy cuốn băng ra coi lại. Bao nhiêu lần xem đoạn phim, tôi đã không hề biết đến sự hy sinh của anh, đã không hề biết đến sự tàn phế của anh. Xem lại đoạn phim, tôi đã thấy rõ điều này. Anh ngồi đó, với một ống quần mỏng dính, trống rỗng. Thế mà tôi nào có thấy.  Thế mà bảo rằng tôi đã xem đi xem lại đoạn phim này rất nhiều lần. Tôi đã quá vô tình lắm hay không?

Biết về anh rồi, tôi lại mong ước phải chi đừng bao giờ tôi biết. Bởi vì nếu không bao giờ tôi biết, thì có lẽ tôi vẫn mang một hy vọng mong manh nào đó là anh còn trên đời này. Bao nhiêu năm tìm kiếm để biết được rằng anh đã thật sự giã từ cõi đời này từ nhiều năm về trước. Để biết được rằng cuộc đời anh chỉ là những chuỗi ngày dài đau buồn. Để biết được rằng mẹ và ba người em gái của anh đã bị cộng sản giết chết tại Huế trong trận Mậu Thân. Để biết được rằng anh đã mất hết một chân trong một lần hành quân, nhưng vẫn can trường ở lại đời quân ngủ. Để biết được rằng anh đã vào tù và đày đọa chỉ vì muốn bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu của anh.

Tôi đang quì nơi đây, chắp tay nguyện cầu…

Tôi cầu cho quê hương tôi, cho muôn triệu người đã hy sinh vì quê hương đó; cho hàng vạn người đã gục ngã trong lao tù cải tạo, hoặc trên đường đi tìm tự do; cho hàng vạn người về từ lao tù nhưng sống dở chết dở trong một cuộc sống lầm than, đen tối; cho những người đang bị tra tấn, giam cầm vô hạn định vì tranh đấu cho lý tưởng tự do; và cho anh, người “Tù” trên màn ảnh, Thiếu Tá Lê Hữu Cương…

 

Tôi mong rằng

Sẽ có ngày đẹp trời quê hương

Ta sẽ về tìm lại yêu thương

Ta sẽ về dựng lại quê hương…

 

Và rồi tôi lại khóc, khóc như chưa từng bao giờ được khóc…

 

 

Thay lời kết:

Cộng sản Việt Nam đã vi phạm thật trắng trợn nhân quyền của toàn thể dân quân cán chính miền Nam. Sau tháng 4 năm 1975, tính đến năm 2001, theo những kết quả sưu tầm và nghiên cứu từ nhiều cơ quan khác nhau, được đăng tải rộng rãi trên mạng, nhất là những trang mạng về nhân quyền:

  • Có khoảng một triệu người đã bị bắt giam  vào năm 1975, mà không hề có cáo trạng hay được xét xử bởi một phiên tòa chính thức nào.
  • Có khoảng 165,000 người đã chết mất xác trong các trại tù cải tạo của CSVN, theo các bản nghiên cứu phát hành bởi các viện nghiên cứu của Hoa Kỳ và Âu Châu.
  • Hàng ngàn người bị bạo hành hay tra tấn: tay và chân bị xiềng trong các tư thế đau đớn trong nhiều tháng, da bị sướt gai tre, mạch máu bị chích vào các thứ hóa chất độc hại, tinh thần suy sụp khi nghe tin thân nhân bị giết.
  • Nhiều tù nhân bị giam lâu tới 17 năm (hay hơn nữa), theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và hầu hết bị giam cầm lao động trong thời hạn là từ ba năm tới 10 năm.
  • ít nhất 150 trại tù cải tạo được thiết lập sau tháng 4 năm 1975.
  • Một phần ba các gia đình Nam VN có một thân nhân trong 1 trại cải tạo.

Từ năm 2001 đến nay đã hơn 10 năm, những con số này đã không còn chính xác, đã gia tăng gấp nhiều lần. Người cộng sản Việt Nam đã không ngừng phạm tội vào năm 2001, họ vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng hơn. Bằng cớ là thời gian gần đây nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam liên tục gia tăng đàn áp, bắt bớ, giam cầm và xử án bất công tất cả những ai tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho những quyền căn bản của con người là quyền được tự do và được đối xử công bằng của người dân.

Ngày 10 tháng 12 tới đây là “Ngày Quốc Tế Nhân Quyền”. Phong trào tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam đã bùng lên, đã được phát động khắp mọi nơi. Xin hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Xin hãy cùng nhau nêu cao ngọn lửa ấy để đốt cháy đàn áp, bắt bớ, giam cầm, cũng như để thiêu rụi gông cùm, xiềng xích và lao tù…

Xin hãy cùng nhau chắp tay nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng tại Việt Nam…

 

Thanh Châu, một ngày cuối tháng 10, 2012

Thanh Châu

One comment on “Người “Tù” trên màn ảnh… (Thanh Châu)

  1. Cô ơi, mỗi lần xem lại Clip trung tâm Asia phỏng vấn Cô và đoạn cuối Cô hát bài : Chắp tay nguyện cầu, cháu lại khóc.
    Người dân CÓ quyền sử dụng : Môi trường ô nhiễm, hệ thống giáo dục xuống cấp…. NHƯNG KHÔNG có quyền định đoạt : Quyền tự do, quyền làm người….

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s