Hoàng Trọng, tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Đường, Bắc Việt. Từ lúc lên 5 Hoàng Trọng đã theo cha mẹ vào sống ở Nam Định. Năm 11 tuổi ông bắt đầu học nhạc với sự chỉ dạy của người anh ruột, ông Hoàng Trung Quí. Năm 15 tuổi, Hoàng Trọng thành lập ban nhạc đầu tiên gồm các anh em trong gia đình (Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh) và các thân hữu (Đan Thọ, Vũ Dự, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỷ, Tạ Phước…). Lúc đầu ban nhạc này chỉ là một ban nhạc nhẹ để giải trí và đàn hát trong những buổi trình diễn làm nghĩa. Nhưng sau khi Hoàng Trọng lập gia đình vào năm 1945 và mở phòng trà Thiên Thai, ban nhạc này đã mang tên Thiên Thai và trình diễn mỗi tối tại phòng trà này ở Nam Định cho đến khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.
Theo phong trào Âm Nhạc Cải Cách của các đàn anh tại Hà Nội lúc bấy giờ, Hoàng Trọng đã sáng tác ca khúc đầu tay của ông, bài Đêm Trăng, vào năm 1938. Hai năm sau đó (1940) Bóng Trăng Xưa, ca khúc thứ nhì của ông, mới được sáng tác. Khúc Đàn Tâm được ông viết năm 1941; rồi Thu Qua và Tiếng Đàn Ai năm 1943. Năm 1945 ông sáng tác các hành khúc như Hồn Thanh Niên, Chí Nam Nhi, Trên Đường Xông Pha, Khúc Ca Lên Đường, v.v… Cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ (1946), gia đình ông ẩn cư về Phủ Nho Quan và dự tính tiến về mạn ngược; nhưng chỉ 3 tháng sau, không kham nổi, đành phải tìm đường “dinh tê” qua Phát Diệm và đi thuyền thẳng về Hà Nội. Trong thời gian ở Phủ Nho Quan, nỗi buồn “Khóm trúc tuôn rơi dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà” đã khiến ông soạn được hai ca khúc Lạnh Lùng và Chiều Tha Hương. Về Hà Nội, ông sáng tác Khúc Nhạc Xuân và Phút Chia Ly. Trong chừng 10 nhạc phẩm ông viết cho tới lúc này, Bóng Trăng Xưa và Phút Chia Ly đã là bản Tango tuyệt vời. [Giới thưởng thức âm nhạc lúc bấy giờ đã gọi Hoàng Trọng là “vua Tango” để ca tụng tài viết nhạc theo thể điệu Tango của ông]. Trong những ngày mới hồi cư về Hà Nội, ông đã liên lạc thư từ làm quen với nhiều nghệ sĩ của các đài phát thanh như Mộc Lan, Châu Kỳ (Huế), Mạnh Phát, Minh Diệu (Sài Gòn) và nhờ đó các ca khúc ông sáng tác từ năm 1938 mới có dịp được hát và ấn hành rộng rãi khắp cả nước. Cũng trong thời gian này, nhà xuất bản Thế Giới ở Hà Nội cho ấn hành cuốn Tự Học Hạ Uy Cầm do Hoàng Trọng biên soạn theo những kinh nghiệm thâu lượm được trong những năm mở lớp dạy đàn tại Nam Định.
Năm 1950 Hoàng Trọng gia nhập ban quân nhạc Báo Chính Đoàn và điều khiển một dàn nhạc nhẹ trong chương trình Tiếng Nói Bảo Chính Đoàn trên đài phát thanh Hà Nội. Ban nhạc này cũng trình tấu nhạc mỗi tuần tại vườn hoa Chí Linh, đối diện Hồ Hoàn Kiếm. Những ca khúc tiêu biểu của ông trong năm 1950 là Đường Về, Gió Mùa Xuân Tới, Say, Say, Say…
Năm 1951 ông viết các ca khúc Bến Mơ, Tiếng Nhạc Trong Sương, Buồn Nhớ Quê Hương, Bên Sông Đưa Người…
Năm 1952, ông sáng tác Cánh Hoa Xưa, Gió Lạnh Chiều Đông, Chiều Về Thông Xưa, Mơ Xuân, Hoa Xuân…
Năm 1953 Hoàng Trọng càng ngày càng nổi tiếng với hai ca khúc trữ tình được hát rất nhiều là Nhạc Sầu Tương Tư và Tiếng Lòng. Riêng Nhạc Sầu Tương Tư, ca khúc này đã được hát hầu như hàng ngày trên các đài phát thanh Hà Nội, và được coi là tình khúc lý tưởng cho những cặp uyên ương thời đó. Cũng trong năm này, ông soạn các ca khúc Gửi Hương Cho Gió, Hững Hờ, Lá Rụng…
Năm 1954, trước khi đất nước chia đôi, ông viết Một Nụ Cười, Dừng Bước Giang Hồ, Tiếng Mưa Rơi, Vui Cảnh Mùa Hè, Khóc Biệt Kinh Kỳ… Vừa đặt chân vào định cư ở miền Nam, ông liền viết Trăng Sầu Viễn Xứ, Chiều Xưa Tưởng Nhớ…
Năm 1955 ông được mời thành lập một ban nhạc chung 11 ca nhạc sĩ để trình bày nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn, và cũng trong năm này ông đã sáng tác Mùa Lúa Mới, Chiều Nhớ Mẹ. Các vị giám đốc của đài phát thanh Sài Gòn sau đó đã mời ông điều khiển nhiều ban nhạc khác nhau, và vì những chủ đề khác nhau nên các ban nhạc của ông đã mang các tên như Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất Nước Mến Yêu, Tiếng Tơ Đồng… Suốt thời gian từ đó đến năm 1975, ông liên tục viết hòa âm và đảm trách nhiều ban nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Đài Tiếng Nói Tự Do, và Đài Truyền Hình Việt Nam.
Trong thời gian từ 1956 đến 1958, nhờ Nam Việt thanh bình và thịnh vượng, sức sáng tác của các nghệ sĩ được phát triển rất mãnh liệt. Hoàng Trọng đã sáng tác rất nhiều trong thời kỳ này và đa số các nhạc phẩm của ông đã trở thành các ca khúc rất được thính giả ưa thích. Đáng kể nhất là những bài Mộng Ban Đầu, Mộng Đẹp Ngày Xanh, Tình Không Biên Giới, Mộng Lành, Bên Bờ Đại Dương, Đây Bình Minh, Nguồn Mến Yêu, Bạn Lòng, Trăng Lên, Tiếng Hát Đêm Thanh, Thương Về Quê Cha, Mộng Ngày Hồi Hương, Thuyền Chờ, Chiều Mưa Nhớ Bắc, Bắc Một Nhịp Cầu, Tình Trăng, Khúc Hát Chùa Chiêm, Nhớ Về Đà Lạt, Mộng Đẹp Tình Xuân, Chiều Vũng Tàu, Tiễn Bước Sang Ngang, Ngỡ Ngàng, Hình ảnh Quê Xưa, Qua Mùa Chinh Chiến, Thanh Bình Nhạc Khúc, Hương Đời Đẹp Tươi, Hai Mối Tình Yêu, Hương Yêu, Đẹp Mùa Yên Vui, Khúc Ca Màu Xanh, Mừng Đón Xuân Về, Vui Cảnh Xây Đời…
Chiến cuộc bắt đầu ló dạng tại miền Nam. Những vụ khủng bố phá hoại lẻ tẻ đã làm mọi người ngỡ ngàng. Trong hai năm 1959 và 1960, Hoàng Trọng đã chỉ viết được bài hát như Đàn Yêu, Nhớ Thương, Khói Chiều…
Qua năm 1961, sức sáng tác của ông mạnh trở lại, và ông đã viết một loạt các ca khúc trữ tình, trong đó những bài nổi tiếng nhất là Đường Về Dĩ Vãng, Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím, Một Thuở Yêu Đàn, Đẹp Giấc Mơ Hoa, Em Còn Nhớ Không Em, Tình Đầu…
Năm 1962 ông viết Tình Thơ Mộng, Một Người Lên Xe Hoa, Nhớ Hoài, Hai Phương Trời Cách Biệt. Cũng trong năm này ông đã được mời phụ trách một buổi dạy hát và ký âm pháp hàng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn. Trong dịp này ông đã sáng tác một số ca khúc cho thanh thiếu niên như Màu Thơ Ấu, Ánh Xuân Vui, Giấc Mơ Ban Đầu, Thu Sang, Trên Sông, Chiều Về Trên Xóm, Nhịp Chèo Đêm Trăng, Tiếng Suối Reo, Vui Ca, Trăng Lên Khơi, Chiều Nhớ Quê Hương, Miền Quê Tôi, Lặng Gió, Nhớ Trùng Xưa, Hoàng Hôn, Sóng Trùng Dương, Trong Nắng Hanh, Bên Cầu…
Năm 1964 ông viết nhạc phẩm Đêm Về và Sao Cho Trọn Tình Yêu năm 1966.
Năm 1967 ông được mời thành lập một ban nhạc để thường xuyên trình bày trên Đài Truyền Hình Việt Nam và ban Tiếng Tơ Đồng gồm khoảng 40 ca nhạc sĩ đã ra mắt lần đầu tiên vào ngày 30 tháng 8 năm 1967. Kể từ đó ban Tiếng Tơ Đồng đã trở thành một ban chủ lực của Đài Truyền Hình Việt Nam. Thành phần của ban càng ngày càng đông đảo và gồm toàn những nghệ sĩ gạo cội. Có thể nói hầu như mỗi nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam, nếu không phải là nghệ sĩ thường trực của ban đều đã xuất hiện trong chương trình Tiếng Tơ Đồng ít nhất một lần với tư cách “nghệ sĩ khách”. Tiếng Tơ Đồng hơn các ban khác ở chỗ trình bày nhạc dưới nhiều hình thức khác nhau, như hợp ca, đơn ca có phụ họa, song ca, tam ca, tứ ca… Khán giả mộ điệu thuở đó trông chờ Tiếng Tơ Đồng xuất hiện để có dịp thưởng thức những nhạc phẩm bất hủ mà không thể tìm thấy trong các ban khác như Thiên Thai của Văn Cao (Thái Thanh hoặc Anh Ngọc đơn ca với sự phụ họa của khoảng 20 giọng nam, nữ), Khúc Hát Sông Thao của Đỗ Nhuận, hoặc Vần Thơ Sầu Rụng của Phạm Duy (trình bày hợp ca), v.v. Nhạc chọn lọc và trình bày trong ban Tiếng Tơ Đồng phần lớn là nhạc tiền chiến. Trên màn ảnh, ban Tiếng Tơ Đồng tạo được hình ảnh của một gia đình thắm thiết. Mỗi nghệ sĩ đều đến với nhau trong một tinh thần đặc biệt, và tinh thần này được xây đắp từ sự kính trọng mà họ dành cho người nhạc trưởng hết lòng vì nghệ thuật. Lòng yêu mến Tiếng Tơ Đồng đã được thể hiện rõ ràng tại hải ngoại khi Kim Tước, Mai Hương, và Quỳnh Giao hát chung với nhau thành ban tam ca Tiếng Tơ Đồng. Tên tuổi của Hoàng Trọng dính liền với Tiếng Tơ Đồng kể từ đó. Nói tới Hoàng Trọng là mọi người nghĩ tới Tiếng Tơ Đồng, và nói tới Tiếng Tơ Đồng là người ta nghĩ ngay đến Hoàng Trọng.
Sau biến cố Mậu Thân 1968, làng điện ảnh Việt Nam bỗng dưng hoạt động mạnh hẳn lên, và nhạc sĩ Hoàng Trọng đã có nhiều cơ hội hơn để viết nhạc cho phim. Năm 1969 ông được mời viết nhạc cho phim Vụ Án Tình, tiếp đến là phim Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương, rồi phim Giã Từ Bóng Tối. Cũng trong năm này, đưa vào nhạc cảm viết theo nội tâm của diễn viên trong phim, Hoàng Trọng sáng tác Bơ Vơ, Tìm Lại Hương Yêu, và Trao Nhau Lời Cuối. Ngoài ra ông còn viết các ca khúc Mộng Cô Đơn, Cung Đàn Duyên Kiếp… Năm 1970 ông viết nhạc cho phim Lá Rừng. Sau đó ông làm nhạc cho Người Tình Không Chân Dung của Hoàng Vĩnh Lộc và Nàng của Thẩm Thúy Hằng. Cũng trong năm đó, ông có các tác phẩm như Nhặt Lá Vàng, Lá Rừng, Tình Yêu Không Biến, Người Tình Không Chân Dung hay Chiếc Nón Sắt, Mưa Gió Đầu, Mộng Ban Đầu, Gọi Sầu…
Năm 1971 ông viết nhạc cho những phim Ngậm Ngùi, Ngọc Lan, Sau Giờ Giới Nghiêm, Bão Tình… và ông cũng đã sáng tác các ca khúc như Muôn Kiếp Ngậm Ngùi, Sao Phụ Tình Anh, Hương Ngọc Lan, Đường Dài Một Bóng… Năm 1972 ông viết nhạc cho những phim Còn Gì Cho Nhau, Năm Hiệp Sĩ Bất Đắc Dĩ, Bẫy Ngầm, Lệ Đá, Triệu Phú Bất Đắc Dĩ. Phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ đã đem lại cho ông giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa dành cho bộ môn nhạc phim hay nhất trong năm 1972-1973. Những ca khúc ông viết nhạc cho phim Chiếc Lá Bên Đường, Sợ Vợ Mới Anh Hùng, và nghiên cứu để viết nhạc cho phim hoạt họa Hoa Lư, một phim dài, màu, với sự tích của Vua Đinh Tiên Hoàng hồi còn nhỏ. Những bài ông viết trong năm này là Mùa Mưa Thương Nhớ, Ngày Vui Năm Đó, Vào Thu, Châu Đốc Miền Quê Yêu, Hòn Phụ Tử…
Năm 1975, những biến cố lớn lao của đất nước đã khiến ông ngưng hoạt động. Thế rồi buồn cảnh nước mất nhà tan (hai người con, Hoàng Cung Fa di tản qua Mỹ và Bạch La qua Đức, ngay từ năm 1975) ông chỉ sáng tác được ca khúc Rồi Ngày Sẽ Trôi Qua trong năm 1976 và bài này chỉ phổ biến cho riêng mình ông. Sau đó ít lâu ông có viết một ít bài hát về sinh hoạt cho Thanh Niên Giáo Hội Tin Lành, cũng chỉ được phổ biến trong Giáo Hội mà thôi.
Năm 1977, nhân dịp Bạch La làm lễ thành hôn với Xuân Phước bên Đức, ông viết tặng cô con gái và cậu rể mới ca khúc Đám Cưới Đôi Chim Hồng.
Năm 1978, khi Cung Fa kết hôn với Ngọc Dung tại Hoa Kỳ, ông viết tặng cho cặp vợ chồng này ca khúc Khúc Tình Ca Ngày Cưới.
Năm 1979 ông viết một ca khúc đặc biệt, Chiều Rơi Đó Em, để tặng người bạn hết lòng thương yêu và chăm sóc trong những ngày ông cô đơn, quạnh quẽ nơi quê nhà, và hai người đã trở thành bạn đời của nhau. Và đây là nhạc phẩm cuối cùng của Hoàng Trọng tại Việt Nam trước khi ông lên đường qua Mỹ đoàn tụ với gia đình Cung Fa vào năm 1992.
Trong hơn 60 năm phục vụ âm nhạc, Hoàng Trọng đã sáng tác khoảng 200 ca khúc đủ mọi thể loại. Nhạc của ông, bài dài nhất gồm 96 nhịp, ngắn nhất gồm 16 nhịp, được viết theo những thể điệu thịnh hành của từng thời, như trước kia là Valse, Tango, Slow, Fox, Rumba, Paso Doble, và sau này là Bolero, Chachacha, Samba, v.v… Dù mang nhịp điệu ngoại quốc, song nét nhạc của ông đượm màu sắc Việt Nam, hay nói chung, rất Á Đông. Là người nặng lòng với quê hương và mang một tâm hồn Việt Nam, ông đưa vào sáng tác của ông những đề tài, những âm điệu thuần túy dân tộc. Nội dung các ca khúc của ông thường đề cập đến quê hương, tới tình yêu, với những nỗi nhớ thương đằm thắm. Một điểm khác cũng đáng chú ý là trong hơn 200 ca khúc này, Hoàng Trọng đã chỉ tự viết lời cho khoảng 40 bài, phần còn lại ông dành cho bạn bè. Những người đã viết lời cho nhạc của Hoàng Trọng là Quốc Bảo, Công Nguyên (khi ông ở Nam Định), Quang Khai, Quách Đàm, Nguyên Túc, Hoàng Dương (khi ở Hà Nội), Hồ Đình Phương, Thanh Nam, Vĩnh Phúc, Duy Viêm (lúc ông ở Sài Gòn). Ngoài lãnh vực sáng tác, ông còn có công lớn đối với nhạc Việt khi đã viết nhiều hòa âm đặc sắc cho đủ loại ban nhạc, từ ban nhạc nhẹ gồm chừng 10 người tới ban nhạc lớn gồm khoảng bốn hoặc năm chục nhạc sĩ. Giới mộ điệu còn cho rằng chính Hoàng Trọng là người có công phổ biến nhiều ca khúc tiền chiến tới thính giả, giữ cho những ca khúc này khỏi bị thất truyền.
Dzương Ngọc Hoán

Ban nhạc Hoàng Trọng tại Đài Phát Thanh Saigon năm 1958. Từ trái: Nghiêm Phú Phi (piano), Đan Thọ (violin), Hoàng Trọng (violin), Văn Phụng (clarinet), Xuân Tiên (alto sax), Hoàng Vinh (alto sax), Hoàng An (tenor sax). Phía sau: Hoàng Lang (guitar), Vũ Chấn (contre bass)
Tran Quoc Bao·Tuesday, July 19, 2016
Chị TT hát bài Lanh Lùng và một số bài của Hoàng Trọng bị gọi là “Hay”.
ThíchĐã thích bởi 1 người