Tôi là Anh cả trong gia đình 3 anh em. Hạnh phúc nhất là tôi mà bất hạnh nhất cũng là tôi. Hạnh phúc là vì tôi được sống trong tình yêu của Cha và sự ôm ấp nâng niu chìu chuộng của Mẹ từ khi chào đời cho đến lúc Cha Mẹ chia tay. Bất hạnh vì bị là nhân chứng mọi sự kiện của Cha Mẹ. Bất hạnh hơn nữa là từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành tôi luôn bị nhốt vào những nội trú từ Hà nội cho đến khi vào trong Nam. Và hình ảnh mà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời là lặng lẽ nhìn Mẹ hôn các con rồi xách valise bước lên chiếc Traction đen. Ngày ấy các em tôi còn quá bé nên không biết gì chỉ có tôi là nhìn theo với hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi. Các em tôi được gởi về nhà Nội, còn tôi kể từ khi ấy bắt đầu tập sống đời tự lập trong trường Pujuniere cho tới ngày di cư vào Nam…
Những ngày đầu mới vào nội trú tôi được Mẹ thăm 2 lần và mua đồ chơi cho tôi. Sau đó không còn thấy bóng Mẹ thêm một lần nào nữa. Những chiều Thứ bảy tôi được Cha đón về nhà rồi chiều Chủ nhật lại đưa trả tôi trở lại trường tiếp tục cuộc sống trong lao tù của một xã hội thu nhỏ. Ở đó tôi phải chịu đựng nhiều kỷ luật riêng của từng trường mình học. Những ngày Thứ bảy tôi ngồi ở bậc thềm nhà trường để trông Cha đến đón, mong ngóng Mẹ vào thăm và cho quà. Nhìn những bạn cùng trang lứa được Cha Mẹ đến đón mà tủi thân và khóc.
Mỗi lần Cha đón về đã chở tôi bằng chiếc Velosolex. Đưa tôi lên đài Phát thanh Pháp Á Hà Nội cho các cô Ca sĩ ôm hôn, các chú Nhạc sĩ thì thọt léc chọc ghẹo. Tôi được Cha dắt ra vườn hoa Chí linh để xem ông điều khiển ban Quân nhạc Bảo Chính Đoàn Nhìn Cha cầm đũa nhịp chỉ huy dàn nhạc rất oai phong mà long thầm kính phục và hảnh diện. Tôi còn được Cha đưa ra bờ Hồ ăn kem và khi về nhà tôi được đứng bên cạnh để nghe Cha vừa đàn vừa hát những nhạc phẫm mới sáng tác…
Nhiều lần tôi hỏi Cha, hỏi mọi người bên Nội “Mẹ đâu?”. Tất cả đều trả lời hai tiếng ngắn gọn: “Chết rồi” và tôi tin điều đó vì không còn thấy Mẹ tôi nữa.Bao nhiêu năm tháng bất cứ ai hỏi và cả trong lý lịch Tôi và hai em đểu trả lời “Chết rồi”. Sau này Tôi mới biết mọi người không nói dối vì quả thật Mẹ đã chết trong tim Cha và chết trong cuộc đời của anh em tôi kể từ ngày ấy. Các em tôi càng không biết Mẹ là ai vì lúc đó FA LA còn rất bé, vô tư không hề biết gì. Em BL được Cô nuôi cho bú sữa bình, Cung Fa thì mới chập chững biết đi…Tất cả đều đã quên không còn nhớ người đẻ ra mình là ai.
Rồi một ngày không phải là Thứ Bảy hay Chủ Nhật của năm 1954 tôi được Cha đón về nhà Nội. Tôi thấy tất cả họ hàng đã hội tụ đông đủ. Mọi người đang tấp nập thu dọn đồ đạc, bao bị, tay nãi, cơm nắm, muối vừng…Trong nhà giường tủ, bàn ghế có người mang xe ngựa đến chở đi. Cha ôm ba anh em tôi trong vòng tay hôn hít thật nhiều và đeo vào tay mỗi đứa một tấm lắc bằng đồng. Cha đã dặn dò tôi : “ Con là anh Cả phải trông chừng các em, đi đâu cũng không được rời xa các em và phải yêu thương hai em. Chiếc lắc Cha có khắc tên mỗi đứa, nếu bị lạc thì đưa cho người ta xem và nhờ dắt đi tìm Cha ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Con đừng sợ và phải nhớ những lời Cha dặn ”. Tôi ngây thơ hỏi : “ Cha đi đâu, sao không đi cùng với các con? ” Cha nói : “ Cha sẽ đi sau ”.
Những tháng ngày gia đình tôi bị tập trung trong trường Nguyễn Đình Chiểu Gia Định. Sức khỏe ông Nội tôi yếu dần và khi lìa trần thì Cha tôi và các Chú Bác cũng vào tới nơi để làm đám ma chôn cất. Sau đó họ hàng gia đình tôi được Cha thuê mướn một vài căn nhà sát nhau ở khu Đa Kao sinh sống chứ không đi định cư khu kinh tế trù mật như những gia đình khác. Cha thành lập ngay một ban nhạc lấy tên Tây Hồ trên Đài phát thanh với những Ca nhạc sĩ từ Bắc mới di cư vào. Nhờ vậy ngoài tiền trợ cấp của Chính phủ cho người di cư còn có lương của Đài, thêm vào đó là sự khéo léo mua bán của mấy Bác và Cô nên cuộc sống không đến nỗi chật vật. Cung Fa và tôi được học ở trường Cửu Long, có xe đưa rước sáng đi chiều về.
Sau đó chúng tôi được dọn đến căn nhà ở Cầu Muối đường Cô Bắc. Cha mua nhà này từ lúc nào không biết? Nhà nhỏ có khoảng 20m2 nhưng có gác. Chúng tôi ở dưới nhà với Cô H. Người Cô ruột đã hy sinh trọn đời không lấy chồng để nuôi nấng dạy dỗ chúng tôi cho Cha rảnh rang bương chải lo kinh tế gà trống nuôi con. Anh em tôi xin chuyển về trường Cầu Kho cho gần nhà. Những ngày tháng sống ở Cầu Muối anh em tôi ít khi nào leo lên gác vì Cha dặn dò kỹ không được làm phiền thế giới riêng tư của Cha. Ở trên gác Cha nuôi những lồng chim yến đủ màu. Bổn phận của tôi là mỗi sáng phải lấy khay phân chim đi rửa sạch. Tôi thường nghe Cha đàn và hát. Những lúc này những con chim Hoàng yến, Hồng yến, Bạch yến…tha hồ hòa tấu theo tiếng nhạc rất vui tai. Chính vì thế tôi thuộc hầu như tất cả những bài mới và cũ của Cha. Tôi cũng quen mặt, biết tên những Ca nhạc sĩ hay đến nhà tìm thăm Cha hay đưa bài.
Căn nhà Cầu Muối hình như quá chật đối với gia đình nên hai năm sau đó Cha đưa chúng tôi dọn nhà về Phan văn Trị (Nancy). Riêng Cha tôi vẫn tiếp tục ở lại căn gác Cầu Muối vì tính của Cha không thích thay đổi bất cứ chuyện gì nếu không bị bắt buộc. Về PVT anh em tôi sống với bà Cô. Cha chỉ về ăn cơm, dạy tôi học rồi về lại Cầu muối ngủ nghỉ ,mặc dù nhà mới tuy không có gác nhưng rộng rãi đủ tiện nghi. Về phần tôi lại tiếp tục cuộc sống từ trường nội trú này sang nội trú khác cho đến lúc trưởng thành. Tôi chỉ được về nhà vào dịp Lễ và Hè. Tôi được học nhạc ngay trong trường, học piano khi về nghỉ hè ở nhà. Cha không dạy tôi trực tiếp như dạy một số NS khác nhưng dạy tôi bằng cách cho tôi học lén : Cha dạy ở nhà trước, tôi lấy sách học ở nhà sau. Bài tập thì tôi để chung với học trò của Cha. Hình như Cha biết nhưng không thèm nói. Có những ca khúc tôi chập chững viết mà để tên tôi là tác giả thì Cha trề môi. Còn nếu như tôi lấy một tên nào khác thì Cha gật gù : “ Thằng nào viết bài này cũng tạm được ”. Trong một bửa cơm gia đình Cha nói : “ Học nhạc chỉ để giải trí thôi, sống bằng nghề nhạc nếu không đủ chín sẽ chết đói, cuộc đời sẽ lao đao, khổ sở, vất vả. Nếu biết khôn thì cố học lấy bằng BS – LS – KS cuộc sống mới ổn định ”. Cha nói trống không như vậy nhưng tôi biết Cha đang dặn dò anh em tôi.
Đến Tết ngày mùng một Cha không đi đâu. Họ hàng thường tập trung đến chúc Tết vào ngày mùng 2. Cha và anh em tôi ngồi ngay phòng khách đàn hát với nhau rồi thâu vào máy Magne Ikai Cha nghe lại và sửa giọng cho từng đứa, hướng dẫn kỹ thuật khi hát một bài hát. Anh em chúng tôi tiếp thu rất nhanh vì đã có căn bản nhạc lý và xướng âm. Cha còn nói thêm nếu đứa nào sáng tác thì nên viết những ca khúc ca ngợi Quê hương và Tình yêu, không nên viết nhạc chính trị hay ca tụng một nhân vật nào vì những bài như vậy sẽ không thể sống với thời gian. Hai em tôi còn ngây thơ không hiểu nhưng tôi thì nhớ mãi không quên.
Cha tôi nổi tiếng rất kiệm lời và rất nghiêm với tất cả mọi người. Cha chỉ nói bâng quơ, ra lệnh bằng mắt và viết nhạc theo trái tim. Tuy vậy ai cũng hiểu ý của Cha muốn gì? Thí dụ muốn sai tôi mang nhạc ra cho Minh Phát thì ông để sấp nhạc trên bàn và nhìn tôi là tôi biết mình phải làm gì, đi ngay Muốn sai BL quét nhà ông nhìn cái chổi và nhìn xuống đất, BL đã hiểu ý thi hành. Ai đi đâu về trễ ông nhìn đồng hồ rồi nhìn người đó và thở dài cái khì là biết ông buồn không muốn như vậy nữa Thấy Cha ít nói mọi người nghĩ Cha là người khô khan nhưng thắc mắc sao lại viết nhạc tình từ ướt át hay như vậy? Họ không biết được rằng Cha chỉ viết khi con tim mách bảo. Cha luôn có cây viết và tập giấy trong cốp xe Vespa. Khi đang chạy ông chợt nghĩ ra một giai điệu nào đó, vội lấy giấy bút ra ghi ngay vì sợ quên. Tôi đã học được ở Cha điều này khi vào nghề sáng tác.
Chuyện của Cha và anh em tôi nếu viết hoài vẫn còn nhiều điều để viết. Có lẽ vì Cha kiệm lời ít nói như vậy mà Mẹ tôi không hiểu nên hai người mới chia tay trong tiếc nuối ngàn thu? Cha đã dành tất cả tình yêu thương và đã hy sinh cho anh em chúng tôi thật nhiều. Chính vì thế các em tôi không hề có một ấn tượng nào về tình Mẫu tử mà chỉ có tình Cha. Riêng bản thân tôi cho đến cuối đời cũng chưa hề viết được một bài nào về Mẹ cho ra hồn Và tôi vì cãi lời Cha đã bước vào giới nghệ sĩ khi tuổi đời, tuổi nghề chưa chín nên đời mình lao đao không được yên ổn như các em.
Ngày 30 tháng Tư mọi người trong Hoàng gia đã xuống tàu hết , Cha tôi cũng đi nhưng khi tầu chuẩn bị rời bến Cha lặng lẽ trở lên bờ với nhiều lý do mà không bao giờ nói Ngày hôm sauTôi từ CT chạy về SG ,hai cha con gặp nhau trong nhà PVT vắng tanh bóng người .Cha và tôi ở lại ăn cơm hàng cháo chợ Nancy mấy ngày , dặn dò đủ chuyện rồi mới về Cầu muối cho đến ngày cha qua Mỹ đoàn tụ với hai em.
Một buổi sáng ngày 16/7/1998 khi nghe các em báo tin Cha đã ra đi về cõi vĩnh hằng sau đêm nhạc Vọng Tiếng Tơ Đồng Tôi đã khóc ngất mấy ngày và ngủ vùi tìm quên lãng Tôi lên đàn ngồi đánh hết bài này sang bài khác của Hoàng Trọng mà không biết mình sẽ phải làm gì? Tôi đã đăng tin trên báo CT cho nhiều người biết Tôi cũng đã nhận được những hình ảnh lễ an tang của các em gởi về.
Cha đã đặt tên anh em chúng tôi bằng những nốt nhạc không trùng với một tên ai và những nốt nhạc ấy đã vang lên như tiếng khóc mỗi khi tôi đàn cho tới cuối đời. Cứ mỗi năm dù khó khăn thế nào tôi cũng làm một chương trình tưởng Nhớ Cha tùy theo hoàn cảnh của mình và thời thế lúc đó Chính vì vậy Tôi đã viết thành ca khúc ĐÀN KHÓC .Những âm thanh vỡ vụn như tiếng khóc của Hợp âm FM (FaLaDo) Một hợp âm vô tình cha đặt thành định mệnh cho đời tôi . Tôi đứng cuối sau hai em vì đã không nghe lời cha . Bây giờ chỉ còn biết mỗi năm Khóc Nhớ Thương Người Cha Gà Trống Nuôi Con.
HOÀNG NHẠC ĐÔ
(Trích Hồi ký Một đời lưu lạc)
Cần thơ 9/7/2016
(trích bài viết của Hoàng Nhạc Đô, trưởng nam của nhạc sĩ Hoàng Trọng đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 75 phát hành ngày 15 tháng 7 năm 2016)