Thanh Thúy – Tiếng hát ma mị… (Hồ Anh Nhựt)

 

mua nua dem

 

 

 

(Lời tác giả: Tôi vẫn thường có một tâm niệm ấp ủ là viết một bài viết thật hay để tặng cô Thanh Thúy…. mãi đến bây giờ tôi mới có thể thực hiện!)

 

 

Nếu phải được lựa chọn 1 tiếng hát được xem là đặc biệt nhất trong làng tân nhạc Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ chọn cái tên: Thanh Thúy. Vì trong làng âm nhạc Việt Nam vẫn chưa có một tiếng hát nào lạ, đặc biệt như vậy, không lẫn với bất kì ai, và cũng không có một người nào bắt chước nổi. Tiếng hát cô đặc biệt thế nào, ma mị, liêu trai như thế nào chắc tôi cũng không cần nhắc lại nữa làm gì vì đối với thế hệ người yêu nhạc Việt, không ai là không biết và một lần nghe thử. Đối với thế hệ người đi trước, Thanh Thúy là tiếng hát của một trời kỷ niệm, đối với thế hệ sau như tôi, khi nghe tiếng hát của cô cũng phải trầm trồ, xuýt xoa thán phục trước tiếng hát có một không hai này.

 

 

Tôi nghe Thanh Thúy ngày tôi còn nhỏ lắm, khoảng 6, 7 tuổi gì đó (cái tuổi bắt đầu biết nghe nhạc), cô Thanh Thúy đến với tôi hoàn toàn nhờ mẹ, mê yêu và đặc biệt chỉ yêu tiếng hát sương khói này, mẹ bảo ngày mẹ chỉ là một cô bé trước năm 75, thường cùng gia đình hằng đêm ngóng chờ những chương trình ca nhạc trên cái đài radio, không chỉ mẹ, mà gia đình ngoại tôi, ai cũng ngóng chờ nghe tiếng hát của cô – tiếng hát lúc không giờ…..

 

 

Ngày đó, tôi còn quá nhỏ đến đủ trình độ mà thưởng thức tiếng hát của cô, có lẽ đối với tôi, tiếng hát cô quá lạ, quá đặc biệt, xin nói thẳng ra là khó để gần như các tiếng hát Hoàng OanhGiao Linh ……. có thể dễ dàng chạm vào trái tim người nghe, nên cho tới tận bây giờ trong tủ nhạc của tôi, số lượng nhạc của 2 vị trên vẫn nhiều hơn Thanh Thúy, nhưng xét ở một phương diện nào đó, tiếng hát của Thanh Thúy vẫn ở một bậc cao hơn, nó ma mị hơn những tiếng hát khác…. Chắc hẳn lý do đó là đúng chứ không dễ gì mà theo Nguyên Sa, “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn thơ… Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ”… Quả thật là biết bao nhiêu vần thơ, bài hát, nhiều cây bút xuất sắc nhất của Việt Nam đều đã viết và dành những mĩ từ độc đáo riêng cho tiếng hát này, một điều hiếm thấy và có thể nói là duy nhất trong làng tân nhạc Việt Nam

 

 

“Liêu trai tiếng hát khói sương 
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”.
(Họa sĩ Vũ Hối) 
Bài hát đầu tiên của Thanh Thúy mà tôi được nghe là bài Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực, hình ảnh u uất, đôi mắt sầu mênh mang khi cô trình diễn bài hát đó đến giờ vẫn ám ảnh trong tôi, ngày nhỏ, tôi có 2 bài hát rất sợ phải nghe, 1 là bài này và bài Kinh Khổ do Khánh Ly hát, Kinh Khổ thì cách hòa âm, phối khi lúc đó làm tôi phải rùng mình, kèm theo tiếng hát quá độc chiêu của Khánh Ly làm trong suy nghĩ của 1 đứa bé như tôi phải dựng tóc gáy mỗi khi nghe. Còn bài Tiếng Còi Trong Sương Đêm, mỗi lần nghe Thanh Thúy hát “Con ơi lòng mẹ ủ ê, thương cho chồng mấy dặm sơn khê”…. thì tôi lại tưởng tượng ra cảnh tương tàn của một miền quê lúc loạn lạc, chiến tranh, rất buồn…… nên tôi sợ!
Thanh Thúy có một giọng hát thật trầm, do đó cô thường đưa các bài hát của cô xuống tông thấp nhất có thể, cùng theo điệu luyến láy kỹ thuật của một người con gái Huế, điều đó làm cho tiếng hát của cô thêm não nùng, bi ai hơn, và các bài hát của cô trình bày cũng có nét đặc biệt hơn so với các nghệ sĩ khác. Có nhận xét cho rằng, tiếng hát của cô trầm và buồn như vậy, một phần nào cũng ảnh hưởng bởi tuổi thơ không mấy hạnh phúc của mình khi song thân đều qua đời sớm, vì cuộc sống bươn chải, với trách nhiệm là một người chị cả tảo tần gánh vác 2 đứa em nhỏ (Thanh Châu và Thanh Mỹ) khiến cô phải lăn lộn vào đời sớm, đứng trước sân khấu đèn màu lộng lẫy đủ màu sắc khi chỉ mới là cô bé 15 tuổi (1958) nên cuộc sống có thể vận vào tiếng hát vào đôi mắt buồn của cô.
Tôi nghe nhạc Thanh Thúy không nhiều vì như đã nói, mỗi người có một gu âm nhạc của riêng mình, nên tôi thường nghe các tiếng hát có thể chạm vào trái tim mình như Ngọc Lan, Hoàng Oanh, Giao Linh…. nhưng tôi thật sự bị chinh phục khi trong một dịp tình cờ, tôi được nghe bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, lần đầu nghe, tôi đã cảm thấy nổi da gà, cô Thanh Thúy trình bày bài này phải nói là hay một cách kinh khủng, tôi đã không kìm chế được mà lên mạng tìm kiếm trong một thời gian rất dài để tìm cho bằng được bài hát này, đối với tôi, nhạc của Đặng Thế Phong là những dòng nhạc mà ẩn chứa cả một nỗi niềm, đại diện cho cuộc sống của cả mười mấy triệu người dân Việt trong những năm 39, 40, trong những ngày đen tối tận cùng của lịch sử Pháp thuộc, đặc biệt là bài Giọt Mưa Thu, mỗi lần tôi nghe, thì cả một cảnh tượng u ám ấy như vẽ trước mắt tôi, đau đáu nhìn về quá khứ, tôi đã nghe không biết bao nhiêu ca sĩ trình bày ca khúc này, nhưng để có thể gói gọn trọn vẹn nỗi niềm của bài hát tới người nghe, để có thể vẽ được bức tranh một buổi tối mưa rơi rả rích ngoài hiên, buồn ảm đạm như thế, duy chỉ có Thanh Thúy.
Có lẽ một phần, đây là bài hát gắn với Thanh Thúy nhiều kỷ niệm nhất, như cô đã kể, cô là một trong những người hát bài hát này đầu tiên vào những ngày phôi thai của làng tân nhạc, Ngày ấy ở trong một con hẻm nằm trên đường Cao Thắng, Sài Gòn. Hằng đêm, có một người mẹ bị lao phổi nặng, đứng tựa cửa nhà thầm thì bài “Giọt mưa thu” ngóng trông con đi làm về. Con gái bà dù mới vào tuổi trăng tròn nhưng tối tối đã phải đi hát ở các phòng trà để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo chữa trị bệnh cho mẹ. Ngay trong một đêm nhạc tại phòng trà Mỹ Cảnh,  có một chàng nhạc sỹ trẻ tròn 20 tuổi, chưa nổi danh, đã đặc biệt ấn tượng tới cô ca sĩ 15 tuổi người Huế, dù chưa ai quen ai, chàng đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị cô hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Cô nhỏ nhẹ cám ơn, rồi cất tiếng hát. Khi hát do có tâm sự riêng, nhớ người cha vừa mới qua đời ít tháng và người mẹ cô bị lao phổi đang trong tình trạng trầm trọng. Cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc… Người ca sĩ đó chính là Thanh Thúy, còn người nhạc sĩ trẻ ấy, chính là Trịnh Công Sơn. Sau này, khi trở về Huế, có lẽ vào một đêm mưa, cơn mưa của Huế, nhạc sỹ TCS đã nhớ lại những giòng nước mắt lăn dài trên má của cô ca sĩ trẻ với số phận bất hạnh, “những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ. Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia. Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được:
Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
từng cơn mưa em chưa (…) 
Thế là bài hát Ướt Mi ra đời, đây là bài hát có thể nói đầu tay của Trịnh Công Sơn dù hiểu theo đen hay nghĩa bóng đi chăng nữa, và nó dành tặng riêng cho Thanh Thúy, bài hát được giới mộ điệu đón nhận nồng nhiệt đã giúp Trịnh Công Sơn có một chỗ đứng riêng trong nền nghệ thuật, nên có thể nói Thanh Thúy là người đầu tiên giới thiệu Trịnh Công Sơn đến với công chúng, Khánh Ly sau này chỉ là người tiếp tục mở rộng ra thôi. Cần phải nói thêm là 1 năm sau đó (1959), vẫn còn ấp ủ hình ảnh người con gái ấy, TCS đã viết tặng riêng một bài hát cho cô, Thương Một Người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn, trong đó có những câu sau:
Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
lạnh lùng ánh sao rơi.
Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
người lạnh lắm hay không.
Thương nụ cười
Và mái tóc buông lơi
Mùa thu úa trên môi
Từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói
Lặng nghe gió đêm nay
Ngại ai buốt đôi vai
Bờ vai như giấy mới
Sợ nghiêng hết tình tôi
Dù rằng lúc ấy, Thanh Thúy không hề biết 2 bài hát trên hình ảnh mà TCS nhắc đến chính là mình, còn đối với TCS, người đã từng trải qua rất nhiều cuộc tình, nhưng riêng đối với Thanh Thúy, thì mối tình tuy chỉ thoáng qua, nhưng ông lại tâm sự nó lại đặc biệt nhất, không đêm nào ông có thể thiếu hình ảnh cùng tiếng hát của nàng….. Một chuyện tình đơn phương, thầm lặng, nhưng đẹp, kết tinh của chuyện tình ấy là 2 bài hát nổi tiếng của TCS.
Không chỉ riêng TCS mới dành cho cô những tình cảm, bài ca chứa chan mà hằng hà sa số những nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn, ký giả thời ấy cũng đã hết lời ca ngợi và tán dương cô nồng hậu, một người ca sĩ với giọng hát buồn, đôi vai gầy guộc nhỏ, âm thầm, không tai tiếng, hiền hậu, khoan dung, có thể nói cô mà hình mẫu mà khiến nhiều người ngày trước phải say mê, thán phục. Trong đó nổi bất nhất là cảm tình của nhạc sĩ Trúc Phương đối với cô, nếu nói Khánh Ly – Trịnh Công Sơn là cặp “tiếng hát với cung đàn” nổi bật nhất của Việt Nam, thì Thanh Thúy – Trúc Phương chắc cũng không kém cạnh, âu nghĩ, nếu tôi có nói thêm về mối thâm tình này cũng là dư thừa vì vốn dĩ không còn gì để nói thêm, không ai hát nhạc Trúc Phương bằng Thanh Thúy, đó là sự thật không thể chối bỏ, hầu như tất cả bài hát của Trúc Phương đều ưu ái cho Thanh Thúy trước hết, và không bài nào mà cô chưa từng hát…. Tiếc thay đó là một chuyện tình có duyên mà không phận, có thể là “tại anh không nói hay tại em không biết” mà mỗi người sau này đều có niềm vui riêng của mình, nhưng trên sân khấu và ngoài đời thường, 2 cái tên của họ vẫn là một cặp mà không ai có thể thay thế, cho đến sau này, khi gần tạ thế (1995), dù cho cuộc sống khó khăn, túng thiếu tại quê nhà, nhạc sĩ Trúc Phương vẫn đau đáu nhìn về trời xa mà nhớ thương bóng hình cũ. Trong nhạc phẩm cuối cùng: “Mắt chân dung để lại” của Trúc Phương vẫn ẩn hiện bóng hình của Thanh Thúy: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em đã trót thiên thu nhầm lỡ”. Sau khi ông mất, Thanh Thúy cũng đã cho phát hành một CDs đặc biệt Thanh Thúy và những tình khúc Trúc Phương, trong Cds này, cô hát với tất cả nỗi niềm của mình cho cố nhân mà vĩnh viễn không bao giờ gặp lại, và đoạn cuối Cds, cô có những lời tâm tình, chia sẻ, tiễn biệt cũng như tri ân vô cùng cảm động dành cho ông. Đây cũng là Cds quý giá nhất mà mẹ tôi luôn yêu thương giữ nó suốt 16 năm qua.
Lời kết:Nói tới Thanh Thúy thì phải nói nhiều lắm vì cuộc đời cô quá đặc biệt trên nhiều khía cạnh, từ âm nhạc, điện ảnh, đời thường, những biến cố …vv…. Bản thân tôi cũng không phải là một người say mê, lại nhỏ tuổi, kiến thức lại hạn hẹp, nên để viết về một Danh Ca với hơn 50 năm trong nghề như thế, quả là một việc hết sức khó khăn. Nhưng tôi vẫn muốn thử sức để nói lên những cảm nghĩ, những ảnh hưởng của tiếng hát cô đối với riêng cá nhân tôi. Nếu có gì sơ suất xin bạn đọc gần xa thông cảm. <Trong quá trình viết bài này, tôi đã phải tải một loạt các bài hát của cô về để nghe, càng nghe càng cảm thấy nghiện!>

2 comments on “Thanh Thúy – Tiếng hát ma mị… (Hồ Anh Nhựt)

  1. wow, bai viet qua hay con gi de ma che duoc va da lam Nam rat xuc dong. Nam yeu co Thanh Thuy khi con la cau be duoi 10 tuoi o trai ti nan Hong Kong. Phai quyet dinh de danh tien mua cai may casset va cai bang nhac Saigon oi, Vinh Biet. Cuon bang nay da mo tu sang den toi, tu toi den sang mai…ai ai cung nghe, cang nghe cang ghien….that la Ma Tuy. Doi voi Nam, co biet bao nhieu bai Thanh Thuy hat den noi phai RUNG MINH : Tam The Bai, Di Chuc Cho Con, v.v…

    Hy vong co mot live show cua co Thanh Thuy

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s