
Một đĩa nhạc của hãng Supraphon thực hiện tại Paris với tiếng hát Minh Đỗ và tiếng đàn piano của Thái Thị Liên
Chọn nghệ danh cho mình là một điều quan trọng và cần thiết cho tất cả nghệ sĩ trước khi bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Nghệ danh có thể được coi là gạch nối liên kết người nghệ sĩ và giới thưởng ngoạn.
Không có một quy tắc nhất định nào cho người nghệ sĩ để chọn nghệ danh cho mình. Có người lấy luôn tên thật của mình làm nghệ danh, hay đôi khi lắp ráp nhiều tên khác nhau theo một quy định riêng để thành một nghệ danh như là cách để đánh dấu một kỷ niệm. Lại cũng có người theo lò luyện ca sĩ rồi cứ theo cách đã sắp đặt từ trước của người thầy mà trở thành tên cho ca sĩ. Có người chọn cho mình một nghệ danh rồi gắn bó với tên tuổi đó đến hết sự nghiệp của mình nhưng cũng có nghệ sĩ đổi tên vài lần đôi khi là cách làm mới mình, hay là cách đánh dấu một bước ngoặc mới cho sự nghiệp của mình.
Mỗi thời đại lại có một loại tên nào đó như một phong cách thời thượng được nhiều nghệ sĩ làm theo. Người ta nói thập niên 50s của thế kỷ trước là thời đại của nghệ nhân mang chữ lót là “Minh”. Thật vậy, tân nhạc Việt sau khi bước ra khỏi thời kỳ phôi thai của thập niên 40s đã vươn mình bước vào giai đoạn rực rỡ của nền tân nhạc Việt. Hàng loạt những giọng ca mới góp mặt trong sinh hoạt ca nhạc để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân. Những tên tuổi như “Minh Hoan, Minh Nguyệt, Minh Diệu, Minh Tần …” trở thành những giọng ca được ái mộ. Tiêu biểu cho những giọng ca lót chữ “Minh” ở khắp ba miền của đất nước, phải kể đến Minh Đỗ của miền Bắc; Minh Diệu và Minh Tần của miền Trung và Minh Trang của miền Nam.
Minh Đỗ là giọng ca vàng của đài phát thanh Hà Nội trước năm 1954. Cô nổi tiếng là ca sĩ với một giọng hát khỏe, vang, cao vút và kỹ thuật điêu luyện. Không biết cô bắt đầu đi hát năm nào nhưng đầu thập niên 50s thì tên tuổi cô cũng đã ít nhiều được công chúng chú ý. Tiếc là hiện vẫn chưa tìm được bản ghi âm nào của giọng ca Minh Đỗ trước năm 1954 để giới yêu nhạc có thể thưởng ngoạn. Sau năm 1954, ca sĩ Minh Đỗ ở lại miền Bắc và hội nhập với cuộc sống mới. Cô được cử đi tu nghiệp ở nhiều nơi rồi dần dà thay đổi cách hát để phù hợp với phong cách hát mang tính chiến đấu của xã hội miền Bắc thời bấy giờ. Khoảng giữa thập niên 60s, ca sĩ Minh Đỗ có sang lưu diễn bên Châu Âu và được nhóm Việt Kiều Yêu Nước ghi âm một dĩa nhựa 45 vòng gồm một số bài dân ca Việt Nam. Chương trình này được thực hiện như là cách phản ứng lại một dĩa nhạc dân ca Việt Nam được hãng Sóng Nhạc trong Nam thực hiện với hai giọng ca Thái Thanh và Thái Hằng. Điều đáng tiếc là giọng của ca sĩ Minh Đỗ lúc này đã thay đổi và không còn nét mượt mà của người hát tình ca mà thuần một kiểu hát mang nặng tính chiến đấu đặc trưng cách hát của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Dù sao, dĩa hát dân ca này cũng ít nhiều giúp người thưởng ngoạn biết được giọng ca Minh Đỗ huyền thoại của Đài Phát Thanh Hà Nội năm xưa.
Minh Diệu và Minh Tần là hai chị em cùng góp mặt trong Thần Kinh Nhạc Đoàn của đài Phát Thanh Huế. Cả hai ghi âm rất nhiều dĩa nhạc 78 vòng và tên tuổi vang dội khắp 3 miền của Việt Nam. Cả hai chuộng cách hát chân phương tuy ít nhiều cũng cho thấy kỹ thuật thanh nhạc nhất định. Minh Tần hát nhẹ nhàng hơn và nổi tiếng với ca khúc Trở Về Của Châu Kỳ, sáng tác trong mùa lũ 1943 được ca sĩ Minh Tần ghi âm cho hãng dĩa Việt Long sau trận lũ năm Nhâm Thìn 1952. Minh Diệu hát điêu luyện hơn và hay cùng chồng là ca nhạc sĩ Mạnh Phát song ca trên sân khấu cũng như ghi âm vào dĩa đá 78 vòng. Cô còn hát ca khúc “Nhạc Sầu Tương Tư” của Hoàng Trọng và Hoàng Dương cho phim “Tình Thu, Ý Đẹp”. Bước sang thập niên 60s, cả hai còn góp mặt cho một số chương trình ca nhạc của đài phát thanh và khi khiếu thưởng ngoạn của công chúng thay đổi, thời gian không còn chìu lòng người thì họ ngưng hẳn. Ca sĩ Minh Diệu có cùng chồng là nhạc sĩ Mạnh Phát dạy hát một thời gian tại tư gia ở Sài Gòn và tạ thế khoảng cuối thập niên 60s-đầu 70s của thế kỷ trước.
Minh Trang là ca sĩ của đài phát thanh Sài Gòn. Cô đến với ca nhạc bằng một sự tình cờ. Thời bấy giờ cô là xướng ngôn viên chương trình tiếng Pháp của đài Pháp Á. Trong một lần ca sĩ bị ốm bất ngờ, người nhạc sĩ điều khiển chương trình nhờ cô vào thay tạm vì biết cô có biết hát. Từ lần hát tạm thời đó đã trở thành duyên đưa cô xướng ngôn viên thành danh ca Minh trang của đài phát thanh. Minh Trang có giọng hát trong và cao vút. Nhờ được học thanh nhạc từ khi còn ở ghế nhà trường nên cô khá vững vàng đi vào vai trò ca sĩ. Ngoài một giọng ca truyền cảm, Minh Trang có nét quý phái của tây phương. Thập niên 50s là thế giới của nghệ sĩ với những câu truyện tình làm tốn nhiếu giấy mực của nhà báo. Cuộc tình của danh ca Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng không ngoại lệ. Họ đã có với nhau 5 người con trong gia đình và sáng tác cho đời nhiều khúc tình ca bất hủ. Ngọc Lan là một ca khúc như vậy. Minh Trang còn nổi tiếng với “Áng Mây Chiều” của Dương Thiệu Tước, “Con Thuyền Không Bến” của Đặng Thế Phong hay những bài dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy khi song ca với Thái Hằng và Anh Ngọc.
Bây giờ là 2016. Hơn 60 năm đã trôi qua. Nhiều biến cố lịch sử đã xảy ra và ảnh hưởng đến nền tân nhạc Việt. Đã có lúc tưởng chừng như không bao giờ có thể tìm lại hay nghe được những âm thanh của ngày năm cũ. Thời may, khoa học kỹ thuật tiến bộ đã cho phép người ta chuyển âm thanh cũ sang kỹ thuật số. Nhờ vậy ngày càng nhiều người biết đến những giọng ca lót chữ “Minh” của thập niên 50s ngày trước. Họ xứng đáng là những viên ngọc quý cho một giai đoạn, được coi là bắt đầu thời vàng son của nền tân nhạc Việt.
Vancouver ngày 13 tháng 11 năm 2016.
(trích bài Chu Văn Lễ đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ phát hành ngày 18 tháng 11 năm 2016)