Trần Quốc Bảo, từ ám ảnh sống sót, tới ‘hát trên đường lưu vong’ (Du Tử Lê)

 

 

 

 

Sau 43 năm luân lạc, nhìn lại biến cố 30 Tháng Tư, 1975, mọi người hầu như đồng ý với nhau rằng, đó là một đồng tiền hai mặt.

Mặt thảm khốc, khủng khiếp nhất của nó, là Biển Đông, là rừng sâu (đường bộ): Mồ chôn hàng ngàn người ra đi mà không đến. Nhưng mặt bên kia của đồng tiền kinh hoàng này, lại là sự thành tựu nhiều mặt, nhiều lãnh vực của hàng triệu đồng bào ở khắp nơi trên thế giới mà, đông nhất, đáng kể nhất, vẫn là xứ sở hợp chúng quốc Hoa Kỳ này.

 

Nhìn lại lịch sử hay diễn tiến thích ứng với đời sống mới của quá nửa người Việt liều chết, bỏ nước ra đi, hiện diện tại xứ sở này, một cách khách quan, người ta không thể không ngạc nhiên khi thấy, không phải đợi chờ nhiều chục năm, khi đời sống kinh tế của người Việt đã ổn định, những thành công ở mọi ngành nghề từ học vấn, chuyên môn, tới văn hóa, thương mại… của người Việt tị nạn được những cơ quan thống kê có thẩm quyền nhất ghi nhận, người tị nạn Việt mới mở lòng, mới nghĩ tới thân nhân, đồng bào kém may mắn quê nhà… Mà ngay tự những tháng, năm đầu đời tị nạn, khi tương lai còn bấp bênh, công việc còn chập chờn, đe đọa… những người may mắn đến được bến bờ tự do, cũng đã nghĩ tới người ở lại…

Một trong người rất sớm nghĩ tới máu mủ, ruột thịt đó là nhạc sĩ Trần Quốc Bảo.

Chân ướt chân ráo, bước lên được phần đất tự do Hoa Kỳ, Tháng Bảy, 1980, sau 12 lần vượt biên thất bại. Và, lần thứ 13, trước khi chiếc ghe chở trên 60 người bị sóng đánh tan từng mảnh, Trần Quốc Bảo là một trong số rất ít thanh niên, liều lĩnh nhảy đại lên một tàu đánh cá Thái Lan, trong khi những người còn lại (đa phần là phụ nữ và trẻ thơ) đã chìm xuống đáy biển, như những hòn đá ném xuống, mà không một tăm nào sủi lên. (1)

Tôi không biết, có phải chính sự may mắn thoát chết kia, đã sớm trở thành một ám ảnh quá lớn trong tâm hồn của người thanh niên họ Trần hay không, mà chỉ sau gần một năm thôi, với sự tiếp tay của một vài bằng hữu cật ruột, như nhà báo Hồ Văn Xuân Nhi, thì Trần Quốc Bảo cho ra đời tuyển tập nhạc “Hát Trên Đường Lưu Vong” gồm 15 sáng tác của anh, với bút hiệu Trầm Từ Đông – hợp cùng đóng góp của khá nhiều lớp nhạc sĩ đàn anh, mỗi người một ca khúc tiêu biểu nhất của họ.

Tôi may mắn có lại bài viết cũ, cách đây gần 40 năm. Bài viết ngắn. Trần Quốc Bảo dùng làm “Bạt” cho tuyển tập nhạc của mình.

Đọc bài viết cũ, có những đoạn khiến tôi thấy như tôi được sống lại những cảm thức ngậm ngùi xưa, đồng thời gia tăng lòng quý mến tâm thái, con người Trần Quốc Bảo.

Thuở đó, anh còn là một thanh niên mới lớn. Nhưng dường như thảm kịch lịch sử vùi dập một thời, lẽ sống – chết chung của cả một dân tộc, hiển lộ dằng dặc qua những chập trùng đói rét, khăn tang, khiến anh có một trái tim lớn hơn tuổi thật của mình (?).

Đọc lại những dòng chữ cũ, về cõi giới âm nhạc Trần Quốc Bảo ngày xưa, vậy mà hôm nay, tôi vẫn nghe được đâu đó, trong cảm thức riêng, qua ca từ nhạc Trần Quốc Bảo, lời kinh cầu dành cho những bất hạnh chẳng dễ gì yên nghỉ trong những nấm mồ sâu đáy biển.

Hôm nay, tôi vẫn nghe được đâu đó, trong cảm thức riêng mình, qua ca từ nhạc Trần Quốc Bảo, lời cảm ơn những trại đảo anh đã lây lất sống non một năm, trước khi được đưa vào đất liền.

Hôm nay, tôi cũng vẫn nghe được đâu đó, lời cảm tạ thượng đế của anh. Nhưng bên kia lời cảm tạ tự đáy lòng của người trẻ tuổi này, vẫn phảng phất lời oán than đấng cao xanh đã bỏ quên số phận của biết bao người vượt biển – những con người thiện lương. Những con người xứng đáng được sống, như bất cứ một cá nhân nào đáng được sống nhất trên mặt đất này!

Đọc bài viết cũ, có những đoạn cho tôi cảm tưởng tôi đã gặp lại tôi. Một lần nữa, tôi thấy tôi trầm mình giữa những con sóng ngậm ngùi; đồng thời, gia tăng lòng quý mến tâm thái, con người Trần Quốc Bảo. Thời đó, anh còn là một thanh niên mới lớn. Nhưng dường như thảm kịch đất nước, lẽ sống – chết đã khiến anh có một trái tim lớn hơn tuổi thật của mình, rất nhiều. Bài viết cũ, có những đoạn, như:

“Người trẻ tuổi nói: Tôi là người may mắn sống sót trên chiếc tầu (ghe?) có 60 tử nạn, đa số trẻ con và phụ nữ. Tôi dạt vào bờ biển Thái Lan cách đây 9 tháng. Và đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu, tại sao, tôi sống sót?…”

“Trong gian phòng chứa khoảng trên 100 người, đa số đến từ những địa danh gắn liền với định mệnh thảm thiết của một tổ quốc Việt Nam trên… biển cả – một thứ quê hương mới: Quê hương trại đảo. Họ đến từ những Leamsing, Sun Gai-Wa Lang, những Tengah, những Pulau Bidon, những Songkhla, Sikhiu, Galang…”

“Những người sống sót đến và ngồi đó. Người trẻ tuổi sống sót, đến và, đứng đó. Và anh hát:… ‘Từng ngày có đoàn người lang thang trong thành phố lạ/ Đoàn người tìm mảnh đất dung thân/ Đoàn người về rừng vắng mênh mông, nhưng rừng lạnh lùng’…”

“… ‘Trời Sun Gai-Wa Lang, hoang đảo buồn cô đơn nắng cháy. Tengah u sầu, trong thương nhớ khôn nguôi. Leamsing buồn nghe sóng vỗ chơi vơi…”

“Tiếng hát của người trẻ tuổi sống sót, nghẹn ngào. Hơn một trăm mái đầu của những đời lưu lạc, cúi xuống. Cũng nghẹn ngào…”

“Người trẻ tuổi sống sót, lại hát cùng tiếng đàn guitar bập bùng qua mấy ngón tay anh khô ải: ‘Còn mảnh đất nào cho ta dung thân? Còn hạnh phúc nào cho đời tỵ nạn? Còn biển xanh nào chôn thân lưu đầy. Còn mặt trời nào soi sáng thế gian đây…/ Thân chim trời còn cành còn tổ. Nhưng ta là người sao không chỗ dung thân..’”

“Càng hát, giọng người trẻ tuổi càng trở nên phẫn nộ.”

“Càng hát, giọng người trẻ tuổi càng trở nên xa vắng. Như những con sóng cấp năm, cấp sáu đập tan những mảnh thuyền, chẻ vỡ những khoang tàu, rút đi những thân người, dập tắt những tiếng kêu giữa Biển Đông – giữa đời sống – thực sự – là Việt Nam hôm nay.”

“Người trẻ tuổi, với những giọt mồ hôi đổ ra, đọng lại trên nhiều đường nhăn sớm kéo giữa vầng trán thanh niên.”

“Tiếng hát dứt. Tiếng đàn dứt.”

“Người thanh niên sống sót, mang tên Trần Quốc Bảo…”

(Trích “Bạt” tuyển tập nhạc, ‘‘Hát Trên Đường Lưu Vong” của Trần Quốc Bảo, California, Tháng Bảy, 1981). (Du Tử Lê)


Chú thích:

(1) Nhạc sĩ, nhà báo Trần Quốc Bảo cho biết, thời gian đó, các nước ở vùng Đông Nam Á đã nhất loạt từ chối người tị nạn. Vì thế, khi ra tới hải phận quốc tế, tuy thuyền của anh gặp được khá nhiều thương thuyền của các quốc gia khác nhau, nhưng họ không dám ngừng lại, tiếp nhận thuyền nhân tị nạn. Vì họ sợ phải trách nhiệm số thuyền nhân mà họ đã cứu. Cuối cùng, một tàu buôn Thái Lan, dừng lại, tiếp tế thực phẩm, nước uống cho chiếc thuyền của anh. Giữa lúc đó, thuyền tị nạn của tác giả ‘‘Hát Trên Đường Lưu Vong” cũng bắt đầu rã, tan từng mảng… Một số thanh niên, liều mình nhảy lên thương thuyền của Thái. Con số này rất nhỏ, và chủ tàu Thái vì nhân đạo, đã không nỡ ném những người đó xuống biển trở lại!

July 6, 2018

nguon: nguoi-viet.com

 

 

1 comments on “Trần Quốc Bảo, từ ám ảnh sống sót, tới ‘hát trên đường lưu vong’ (Du Tử Lê)

  1. Cô ơi, đồng tiền hai mặt VN ngày nay : Một mặt ấm no,hạnh phúc,bình đẳng, tự do ( Nhưng không phải thế ); Mặt kia là đi nước ngoài bằng đường hàng không nhưng không biết tương lai sẽ ra sao ?. Đạo đức, giáo dục, y tế, kinh tế càng ngày càng đi xuống

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này