Nhạc Sĩ Lê Duyên trong ký ức vũ công Minh Phương (đoàn vũ Maxim)

Nhạc sĩ Lê Duyên

 

 

Tháng 10 năm 1958, sau chuyến lưu diễn miền Trung của ban kịch Dân Nam trở về, Tùng Lâm mời Minh Phương ca tại phòng trà Tân cổ nhạc Tùng Lâm – Lệ Liễu (Giải Trí Trường Thị Nghè). Những bài ca, kịch, cải lương trên sân khấu phòng trà này phải tập dượt ăn khớp với ban nhạc. Một điều làm tôi ngạc nhiên, thích thú và kính phục là ban nhạc Hương Xa vỏn vẹn chỉ có 3 nhạc sĩ: Lê Duyên (Trưởng Ban) đàn Mandolin, Lâm Tuyền guitar, và Phùng Trọng trống. Chỉ có 3 nhạc sĩ mà cách đệm nhạc giống như một ban nhạc lớn. Tiếng đàn chính của Mandolin không thể nhìn ra. Rất đơn sơ nhưng rất sắc sảo. Cách chơi đàn rất lạ, rất mới thoát ra khỏi sự gò bó cổ điển sở trường của loại đờn Mandolin, nhất là những bài nhạc mới kích động, không thua gì đờn điện hiện đại.

Tôi học nhạc lý từ năm 1950 với cây đàn Mandolin. Thật ra thời đại này đàn Mandolin đã bị diệt chủng rồi nhưng qua cách đàn biến dạng này của nhạc sĩ Lê Duyên chắc chắn đàn Mandolin sẽ được hồi sinh.

Vì nhà trọ ở xa và hát phòng trà vào ban đêm nên tôi ngủ nhờ nhà Tùng Lâm (Tân Định). Anh Lê Duyên cũng ở trọ trên lầu nhà Tùng Lâm. Anh Lê Duyên người khó tánh, ít nói, ít chào hỏi ai. Tôi thì nghệ sĩ nghèo, tha phương cầu thực, thưở nhỏ, luôn luôn chiều chuộng mọi người. Một hôm tôi phải về nhà trọ ở đường Trương Minh Giảng để tắm rửa. Không có tiền đi xe bus, tôi phải lội bộ đến đường Kỳ Đồng, bỗng nghe có tiếng xe gắn máy ở phía sau, quay lại thì ra anh Lê Duyên. Anh hỏi tôi: “Đi đâu?”. Tôi nói: “Đi về nhà trọ tắm rửa”, “Tại sao không đi xe bus mà đi bộ?”. Tôi thú thật không có tiền… Anh chở tôi đến đầu đường nhà trọ Trương Minh Giảng. Từ đó Anh và tôi gần gũi hơn.

Nhiều lần tôi giúp anh sắp xếp và gắn dây Ampli đờn vào ổ điện. Có lần tôi nói: “Tôi có học đàn Mandolin”, Anh đưa đàn, biểu tôi đờn cho anh nghe… Thực ra hàng đêm hát ở phòng trà Lệ Liễu – Tùng Lâm, nghe tiếng đàn, cách đệm theo bài ca nghe hoài ít nhiều cũng thâm nhập vào đầu óc, hơn nữa thời tuổi trẻ tôi rất thông minh nên bắt chước được ít nhiều ở anh. Nhiều khi anh cho tôi đàn thử. Tôi thấy anh hài lòng nhưng không nói ra, cứ để tôi đàn, anh ra ngoài uống nước. Từ đó mỗi đêm khi chưa trình diễn, đôi khi anh cho tôi đàn những bản nhạc nhẹ làm phông với ban nhạc… Tôi nhớ ơn anh Lê Duyên…

Điều mà tôi thích thú và nhớ hoài là anh Lâm Tuyền đệm Guitar hay nhìn tôi cười và lắc đầu khi tôi đàn (một hôm trên đường ra cổng đi về anh hỏi tôi “Chú mầy người ở đâu?”, “Dạ! em người miền Trung”. Anh nói “Chú mầy nói tau nghe không được, sao mà hát được tiếng Bắc vậy?”. Hơn một năm trời sống và làm việc gần Anh Lê Duyên, tôi nghe nói Anh có vợ ở quê. Biết anh có người yêu tên Tuyết Thu và biết anh thích thần đồng ca kịch tên Chi. Năm 2003, khi còn ở Japan, tôi về Việt Nam có tìm đến thăm và giúp đỡ anh. Bây giờ ở Australia, vì mất địa chỉ nên không còn liên lạc được nữa, mong Thế Giới Nghệ Sĩ cho tôi số phone và địa chỉ để tôi liên lạc với anh Lê Duyên.

 

Melbourne 6 tháng 7 năm 2018 Minh Phương

 

 

    Từ trái: Lê Duyên, Phùng Trọng, Khánh Băng, Duy Mỹ
(trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 181 phát hành ngày 27 tháng 7 năm 2018)

2 comments on “Nhạc Sĩ Lê Duyên trong ký ức vũ công Minh Phương (đoàn vũ Maxim)

Bình luận về bài viết này