Nữ LS Pam Baker, Ân Nhân Tị Nạn Việt Ở Hongkong đã qua đời

 

 

 

 

(Tin của CĐNVTD/UC và BPSOS 26 tháng 4) – Khoảng 3g chiều ngày 24 tháng 4 tại Cheshire, Anh Quốc, nữ LS Pam Baker, một ân nhân từng giúp rất nhiều người tị nạn Việt Nam thời thập niên 90 tại Hồng Kông, đã qua đời vì bịnh ung thư, hưởng thọ 72 tuổị

LS Pamela Maureen Baker đã tận tình xả thân tranh đấu chống lại sự thanh lọc bất công và lối cư xử không đúng đắn của một số thành phần trong Cao Ủy Tỵ Nạn hay trong chính quyền Hồng Kông. Vụ “chiếc thuyền 101” của thuyền nhân Việt, và vụ thắng kiện tại tận toà án tối cao (Privy Council) tại London, Anh Quốc, để buộc chính quyền Hồng Kông phải thả một số thuyền nhân, là một số trong nhiều thành quả của bà Pam (xin đọc bài tiểu sử dưới đây, có thêm nhiều chi tiết).

Lễ hỏa táng sẽ cử hành tại Cheshire lúc 3g30 ngày 1 tháng 5. Các lễ tưởng niệm trong các cộng đồng người Việt cũng sắp được tổ chức, với ít nhất là lễ ngày 1 tháng 5 ở Melbourne, giờ và điạ điểm sẽ được thông báo trên các đài phát thanh.

Tại Anh Quốc đang cùng gia đình Pam lo đám tang, LS Trịnh Hội, Giám Dốc Chủ Tịch của Quỹ Từ Thiện Pam Baker (Pam Baker Foundation), nói: “Tôi có may mắn được theo bà Pam học hỏi nhiều năm. Lúc đầu, tôi dự định làm việc với Pam một thời gian ngắn rồi trở về Úc tiếp tục lo việc học. Nhưng theo gương Pam, tôi đã quay lại các trại tị nạn nhiều lần. Làm việc với Pam, tôi đã học được nhiều điều, trong đó có điều này: dù bạn nhỏ yếu, nhưng nếu bạn có lẽ phải thì bạn vẫn có thể thuyết phục hay khuất phục được những người mạnh hơn mình nhiều”.

Tại Hoa Kỳ, TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc của tổ chức Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, nói: “Bà Pam là ân nhân của rất nhiều đồng bào của chúng ta tại các trại cấm ở hồng Kông trong thập niên 1990. Năm 1995 UBCNVB mời bà Pam sang Hoa Kỳ điều trần trước Quốc Hội trong nỗ lực vận động cho giải pháp mở lại con đường định cư thuyền nhân sau khi họ đã bị rớt thanh lọc một cách oan uổng. Bà Pam đã khẩn cầu QH Hoa Kỳ thương xót cho thuyền nhân và cứu giúp họ. Nỗ lực vận động này đã thành công và đến nay gần 20 ngàn thuyền nhân đã đặt chân vào Hoa Kỳ sau khi họ phải hồi hương về VN. Tôi vẫn nhớ một phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ và một tấm lòng bao la như biển cả. Bà Pam là một người bạn quý và là một tấm gương sáng cho tất cả chúng tôi, những người đi tranh đấu cho công lý và nhân phẩm.”

Tại Úc, ông Đoàn Việt Trung, Chủ Tịch liên bang của Cộng Đồng Người Việt Tự Do, nhắc đến thời gian giữa thập niên 90, khi cộng đồng VN tại Úc hỗ trợ văn phòng của bà Pam để tài trợ cho trường học cho trẻ em tị nạn. Như bà Pam vừa kể lại vào những ngày cuối đời, thì tôn chỉ của các trường trong các trại tị nạn là: “Dù cho ngày mai em có bị hồi hương, thì hôm nay em vẫn phải được đến trường”.

Ông Trung nói Quỹ Từ Thiện Pam Baker Foundation, mà CĐNVTD/UC cùng với nhiều cá nhân và tổ chức ở Úc và Mỹ thành lập để giúp đỡ trẻ em nghèo, là một món quà tạ ơn thực tiễn mà cộng đồng người Việt có thể gầy dựng để tặng và nối tiếp lý tưởng phục vụ xã hội của bà. Ngoài LS Hội, Ban Giám Đốc hiện nay của PBF có Richard Baker (ở Anh Quốc, con của Pam), BS Nguyễn Mạnh Tiến (Úc, CT Hội Đồng Tỵ Nạn) và BS Ngô Minh Khiêm (Úc, thuộc nhóm từ thiện Góp Một Bàn Tay), và Jaclyn Phuong Fabre (Mỹ, một tình nguyện viên từng làm việc với Pam ở HK)

Trong một cuộc gây quỹ ở Melbourne đầu năm 2002 cho PBF, trước khoảng 500 khán giả, bà Pam nói từ giường bệnh ở Anh Quốc qua điện thoại viễn liên, rằng bà rất cảm động về sự thành lập Học Bổng Pam Baker (Pam Baker Scholarship, đã trao tiền thưởng cho 12 em học sinh Việt chăm học, con em của một số gia đình người Việt ở Phi Luật Tân), và nay là Quỹ PBF, được thành lập để mở rộng và vĩnh viễn hóa lý tưởng suốt đời của bà, là giúp đỡ trẻ em thiếu may mắn. Bà Pam, trong vài câu ngắn vừa viết cho PBF vào những ngày cuối đời, viết “Tuổi trẻ qua quá mau, cho nên đừng để bỏ lỡ cơ hội nào cả.”

Sau đây là bản dịch bài tóm tắt tiểu sử của Pam. Bài này được viết bởi Lily Dizon, người được Pam cho phép sưu tầm để viết cuốn sách về tiểu sử về bà, sẽ phát hành trong tương lai.

TIỂU SỬ NỮ LS PAM BAKER

“Pamela Maureen Baker sinh ngày 28 tháng 8 năm 1930 tại Dundee, Tô Cách Lan. Mẹ của cô qua đời khi cô còn nhỏ, và người cha mặc dù xuất thân từ một gia đình giàu có, nhưng có khuynh hướng chơi những trò lường gạt, và vì thế đã trải gần hết cuộc đời của ông trong tù vì những án tù lặt vặt. Pam luôn luôn có vẻ hài lòng về vết đen này trong xuất thân gia đình bà, một gia đình mà ngoài ra thì vẹn toàn hiếm có. Bà thích kể cho bạn bè về cha của bà, ông David Haley, và thường vẽ thêm chi tiết về các cuộc phiêu lưu của ông. Bà và người em gái tên Anne được ông bà nội nuôi dưỡng, là ông bà George và Jeannie Halley. Vào năm 1939, sau khi Anh quốc tuyên chiến với Đức, Pam và Anne được gởi sang Nam Phi để sống cùng với gia đình ông chú. Người lớn nói với hai chị em rằng cuộc chiến sẽ chấm dứt trong vòng một năm, nhưng đến năm 1945 Pam mới trở lại Anh quốc khi bà 15 tuổi.

Vào năm 1951, bà tốt nghiệp Cử Nhân Luật tại đại học Saint Andrews, là nữ sinh viên duy nhất trong lớp này năm đó, và sau đó đậu bằng hành nghề vào năm 1953.

Năm 1954, bà lập gia đình với ông Peter Baker, một sinh viên y khoa năm cuối cùng, và dự định sẽ đi làm để nuôi hai vợ chồng. Một năm sau đó, bà hạ sinh đứa con đầu lòng, và 5 đứa con khác trong 7 năm sau. Bà đổi ý định về sự nghiệp, và ở nhà lo việc nội trợ. Đến năm 1977, khi các con đã lớn, bà trở lại trường và làm luật sư ở Graýs Inn tại Luân Đôn. Ngay trước sinh nhật 49 tuổi, bà được nhận vào hàng ngũ luật sư hành nghề, và từ đó bà làm việc chuyên chú phần lớn về luật gia đình. Từ kinh nghiệm làm việc tại đây, bà phát triển ý nguyện phục vụ cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Năm 1981 hai vợ chồng Baker chia tay nhau.

Một năm sau đó, bà nộp đơn xin vào hội Luật Sư tại Luân Đôn là một tổ chức toàn là nam giới, nhưng đơn xin bị từ chối, bà tin rằng lý do là vì bà là một phụ nữ và lớn tuổi. Sau đó, bà nộp đơn xin vào làm việc tại văn phòng giúp đỡ luật pháp (Legal Aid) ở Hồng Kông và đơn được chấp nhận. Bà chuyển sang Hong Kong và làm việc tại đây 9 năm, phần lớn là làm việc về các trường hợp luật gia đình. Trong những năm mới qua HK, bà mở một chiến dịch để dựng lên chỗ tạm trú bảo vệ cho phụ nữ bị bạo hành, trung tâm này mở cửa năm 1985. Bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận động để năm 1987 một đạo luật về bạo hành trong gia đình được thông quạ. Bà là một trong những thành viên sáng lập Hiệp Hội Luật Gia Đình HK.

Trong thời gian sau năm 1975, Hồng Kông là nơi tạm cư của nhiều người Việt tỵ nạn. Vào cuối thập niên 80, để ngăn chặn làn sóng ào ạt của người tỵ nạn, chính quyền Hong Kong thay đổi chính sách, bắt đầu chương trình thanh lọc và giam giữ thuyền nhân để trả họ về VN. Năm 1990, sau khi gặp gỡ một nhóm người tỵ nạn tại một trại Hong Kong, bà Pam Baker đã quyết định sẽ cố vấn luật pháp miễn phí cho tất cả những người trên một chuyến tàu. Vụ án này, thuộc loại “habeas corpus” (phại thả những người bị giam vô cớ) sau đó được biết đến với cái tên là “Boat 101” và đã làm cho chính phủ, từ Hồng Kông đến White Hall ở Anh Quốc, rất bị mất mặt. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc kết tội bà đã tạo ra một hy vọng hão huyền cho những người tầm trú Việt Nam vô vọng.

Do CUTN yêu cầu, chính quyền Hong Kong sau đó đã cấm không cho bà được vào các trại tị nạn như trước, và văn phòng Legal Aid cũng rút hết hồ sơ những người tỵ nạn không cho bà đảm trách nữa. Bất mãn vì thấy những đồng nghiệp của mình bỏ bê các hồ sơ này, bà từ chức.

Năm 1992, sau khi được phép hành nghề luật sư ở Hồng Kông, bà mở văn phòng riêng để giúp miễn phí cho người tỵ nạn đang bị thanh lọc. Bà thường nói rằng thật là thú vị khi mà số tiền lương “dễ thương” mà bà được Legal Aid trả trong các năm làm việc cho họ, cuối cùng thì được dùng để giúp thuyền nhân chống lại chính quyền.

Văn phòng của bà Pam Baker thu hút được các luật sư trẻ tuổi hăng say từ Úc, Hoa Kỳ, Canada và Anh quốc, đã tình nguyện làm việc tại đây vì họ thấy những người khốn khó không có ai đại diện đang phải gánh chịu những bất công đè lên họ . Mặc dù bà Pam không bao giờ chính thức vận động sự giúp đỡ của bất cứ ai, nhưng những tình nguyện viên luật sư, thư ký, thông ngôn, cứ đến, chỉ vì họ nghe nói đến nỗ lực không mệt mỏi của người nữ luật sư thẳng tính hơn 60 tuổi luôn miệng hút thuốc, nhưng có trái tim vĩ đại .

Số luật sư này đã đại diện cho hàng ngàn người . Hai lần, họ đến tận Privy Council (toà kháng án cao nhất của Anh Quốc), và hai lần họ thắng kiện trong các vụ lớn cho người tỵ nạn. Năm 1997, khi Hong Kong sắp được trao trả lại cho Trung quốc, chính quyền Hong Kong quyết định đóng cửa các trại tỵ nạn, phần lớn thuyền nhân đã bị hồi hương dù cưỡng bách hay tình nguyện, khi trang sử dài tị nạn của người Việt sắp khép, bà Pam Baker bắt đầu nghĩ đến chuyện về hưu. Thế nhưng, một nhóm trẻ sinh ra tại lục địa nhưng có cha mẹ là thường trú nhân Hong Kong đến nhờ bà đại diện để tranh đấu trước tòa để được ở lại HK. Bà nhận lời, và ngày 29 tháng 1, 1999, tòa Kháng Án Tối Cao tại Hong Kong tuyên bố một phán quyết quan trọng trong lịch sử luật pháp, cho phép những trẻ em này được hưởng những quyền lợi như cha mẹ chúng và được ở lại vùng đất tự do này, một cách vô điều kiện.

Tưởng là cuộc chiến cuối cùng của mình trước toà đã xong, bà Pam, lúc đó 69 tuổi, bắt đầu chuẩn bị về hưu. Thế nhưng, giống như tất cả những dự định kỹ lưỡng của con người, dự định này lại không thành khi một lần nữa bà được yêu cầu can thiệp cho những người trên, bởi vì chính quyền đã qua mặt toà án, bắt giam những người này để trả về Trung Quốc. Ngay sau đó, chính quyền HK cũng yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc diễn dịch lại Luật Căn Bản của HK để thuận lợi cho họ. Uỷ Ban Thường Trực của Quốc Hội Trung Quốc đã theo lời họ, phế bỏ quyết định tháng 1 năm 1999 của toà. Bà Pam, với sự hỗ trợ của luật sư Rob Brook, nói rằng việc Bắc Kinh diễn dịch lại Luật Căn Bản là phi luật. Khi thua keo đó, hai LS này quay trở lại toà để lập luận rằng riêng đối với nhóm thân chủ này của họ thì quyết định của Bắc Kinh không có hiệu lực. Trạng Sư Geoffrey Robertson, người tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng của thế giới, là trạng sư cho cuộc kiện này ở Toà Kháng Án Tối Cao, vụ kiện có con số đương đơn thật lớn, hơn 5 ngàn người.

Tháng 9 năm ngoái, bác sĩ cho biết bà bị bệnh ung thư, cho nên bà đã không có mặt tại Hồng Kông khi vụ kiện bị thua. Từ nơi dưỡng bệnh là nhà của bà ở Macclesfield, Anh Quốc, bà nói rằng bà thất vọng nhưng không ngạc nhiên. Khi bước vào vụ kiện này, bà biết rằng cơ may thành công rất thấp.

Cũng giống như đối với người Việt tị nạn, bao giờ họ cũng phải đối đầu với cơ may thành công rất thấp. Nhưng bà không thể làm gì khác hơn được: không hãng luật sư nào khác chịu để người ra làm việc toàn thời để tranh đấu cho người Việt và người HK sanh tại lục điạ TQ. Không ai chịu thường trực và công khai chống lại chính quyền cho lý tưởng bảo vệ những người này, và những người này cũng chẳng được công luận HK ưa thích. Những gì Pam làm, không làm vì tư lợi hay để được sự chú ý của mọi người. Lòng vị tha không phải là động lực của bà, mặc dù nhiều người ngưỡng mộ tưởng vậy . Dối với bà Pam, động lực của bà chỉ đơn giản như thế này: Kẻ mạnh đang đối xử bất công với kẻ yếu, ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ.”

27/04/2002

vietbao.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s