Sau nửa thế kỷ biệt tích, Ca Sĩ Thùy Hương (Cô Tám Thơm) giờ đây ra sao? Ở đâu? (Trần Quốc Bảo)

 

Ảnh trên là Thùy Hương, Thanh Thúy hội ngộ nhau năm 1986 tại Club Rex sau hơn 20 năm mới gặp lại nhau. Ảnh dưới từ trái sang phải là các ca sĩ Thái Xuân, Thùy Hương, Thanh Thúy, Thu Hương chụp tại một phòng trà năm 1960

 

 

 

Gần 50 năm rời xa ánh đèn sân khấu, người ca sĩ trẻ đẹp từng một thời được mệnh danh là Hoa Hậu Trà Thất Văn Cảnh có nghệ danh đi hát là Thùy Hương nay làm gì và ở đâu?

Câu hỏi này hiếm người trả lời chính xác vì chẳng mấy ai còn liên lạc được với cô và vô tình trong một dịp, đó là ngày mất của nghệ sĩ Thúy Nga, ngày 24 tháng 8 năm 2010, ca sĩ Trúc Mai nhờ đăng một bản tin chia buồn với gia đình Hoàng Thi Thi và dặn “Em nhớ để tên chị và ca sĩ Thùy Hương nhé”… 

Khi Trúc Mai nhắc đến tên Thùy Hương, tự nhiên tôi lại nhớ đến những lời mà Thanh Thúy hay nhắc về chị và nhất là nhà văn Hồ Trường An đã nói về tiếng hát này như sau:

Thùy Hương ngày ấy có khuôn mặt sáng mát và dịu dàng như mặt nước ao trải rộng dưới bầu trời xuân êm ả. Cô thích mặc áo dài trắng, uốn tóc cao để phơi chiếc gáy nõn nà. Khuôn mặt của cô hiền. Trông cô có vẻ như một cô giáo làng quá ngoan hiền phúc hậu, và cô được coi như biểu tượng một khối băng thanh sáng mát. Khi cô nghỉ hát, Thùy Hương đã để lại trong lòng người yêu nhạc thời bấy giờ hình ảnh tà áo dài trắng mềm mại mà cô thường mặc lúc trình diễn và khuôn mặt trắng trẻo hiền lành”… 

Những lời trên làm tôi vẫn mong có một ngày hội ngộ cùng giọng ca này.     

Cứ tưởng sự mong đợi ấy là viễn vông, nhưng bất ngờ một ngày, tôi được nghe giọng nói của chị Thùy Hương trên đầu giây điện thoại từ thành phố Germantown của tiểu bang Maryland gọi đến để cám ơn về chuyện tôi đã đăng tên chị chia buồn khi ca sĩ Thúy Nga từ trần 3 năm trước. Giọng chị trẻ trung hơn nhiều so với điều tôi tưởng tượng. Đúng là thanh âm của Thùy Hương một thời Saigon 1958-1963 xôn xao hoa mộng với những giọng ca Bích Chiêu, Bạch Yến, Thanh Thúy, Thu Hương, Băng Tâm, Kim Chi.., với biệt danh Cô Tám Thơm, cũng là tên một bài hát mà Thùy Hương đã trình bày ở phòng trà Việt Long, ở Văn Cảnh những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, và sau này đã thành tên gọi rất riêng của cô:

 

“Nhà kia có cô Tám Thơm

Xinh gớm xinh ghê

Làn môi son phấn thêm tình

Huyền nhung mái tóc, đôi mắt bồ câu

Đẹp tuyệt trần là đẹp ơi”..

 

    Theo lời giới thiệu của Kim Bằng, thì nữ ca sĩ Thùy Hương tên thật là Nguyễn Tố Thuận, sinh ra tại Bắc Phần. Theo gia đình vào miền Trung từ thuở còn thơ ấu, Thùy Hương đã sống những năm đầy vui tươi giữa khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt. Hồi còn là nữ sinh trường trung học Quang Trung Đà Lạt, với bản tính rụt rè và e lệ, Thùy Hương đã ham thích ca nhạc và ước mong trở nên một ca sĩ như các bậc danh ca trong làng tân nhạc.     

     Sau những năm tản cư, Thùy Hương lại theo gia đình trở về sinh sống ở Saigon, thủ đô văn nghệ và đã giúp đoàn ca kịch lưu động Hồn Quê của nhạc sĩ Lê Thương trong những màn đơn ca và tân nhạc, trình diễn ở hầu hết khắp các tỉnh, các quận ở miền Nam và miền Trung. Được Thanh Thoại, một ca sĩ kiêm soạn nhạc trẻ, từng giúp việc ở Đài Phát Thanh Pháp Á dẫn dắt, Thùy Hương, chính thức bước hẳn vào làng tân nhạc từ đầu năm 1958 và ra mắt thính giả Đô Thành lần đầu tiên tại rạp Việt Long với bản đơn ca “Hương Lúa Đồng Quê”. Rồi từ độ ấy, nữ ca sĩ có vóc người xinh xinh, với đôi mắt linh động và má lúm đồng tiền khi cười duyên, thường thấy xuất hiện trong các buổi phụ diễn tân nhạc ở các rạp chiếu bóng Đô Thành, rạp hát Kim Chung và song ca hoặc với Thanh Thoại hay Hoàng Thi Thơ qua bản “Mấy Nhịp Cầu Tre”. Thùy Hương cũng đã từng hợp tác với ban Nguyễn Hữu Thiết và hát ở Đài Quốc Gia và Đài Tiếng Nói Quân Đội. Ngày đó, Thùy Hương cũng thường trình bày những bản đơn ca tại trà thất Việt Long và Quán Tự Do. Với khuôn mặt thuần hậu, dáng điệu vui tươi, thêm giọng ca ấm và nhẹ, Thùy Hương đã gieo vào tâm hồn khách mộ điệu tân nhạc qua những bản dân ca vui và dí dỏm như khi nữ ca sĩ trình bày bản “Em Chỉ Yêu Anh Binh Nhì” nhạc phẩm của Thanh Châu, hay những bản buồn như bản Ai Xuôi Vạn Lý hoặc Lạnh Lùng. Song Thùy Hương ưa thích ca những bản trầm buồn nhiều hơn là những bản nhạc vui.       

     Trên điện thoại, người viết hỏi tại sao chị lại bỏ hát sớm quá, lúc đầu chị từ chối trả lời, nhưng sau này gạn hỏi mãi, chị cho biết lý do là thời gian ấy chị lập gia đình. Đó là khoảng năm 1963, lúc đó biến cố đảo chánh TT Diệm, lại có thêm một vài chuyện không vui xẩy ra, thế là chị quyết lòng giã từ sân khấu, giã từ thế giới đèn mầu, nơi đã cho chị hàng đêm biết bao là kỷ niệm hoa thơm mật ngọt trong đời. Tháng 4 năm 1975, khi CS chiếm Saigon, Thùy Hương và gia đình lên Đà Lạt. Năm 1985, có tên trong chương trình ODP, qua Thái Lan rồi Manila, đầu năm 1986 qua tới Mỹ và cư ngụ tại Maryland cho đến giờ này đã tròn 28 năm.    

     Một kỷ niệm khác về Thùy Hương được kể lại, dường như vào khoảng cuối năm 1959 hay 1960 chi đó, tại phòng trà Việt Long, hai ông nhà binh kiêm nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh và Nguyễn Ang Ca (chẳng biết đúng ra là ai, hay là.. hợp soạn), đã tặng nữ nghệ sĩ Thùy Hương hai câu thơ, rằng:   

 

Cả một trời Xuân rộn nắng hường   

Chẳng bằng miệm móm của Thùy Hương   

 

    Hai câu thơ ấy, chỉ trao tặng riêng cho Thùy Hương thôi, thế mà ca sĩ Đức Quỳnh chợp lấy, đem ngâm trên micro, làm giao động thật nhiều tấm lòng ngưỡng mộ Thùy Hương.

     Kịch sĩ Nguyễn Long cũng có một kỷ niệm lớn với Thùy Hương như sau:

Khởi đi từ 1957, tôi thật sự bỏ mọi công việc để chuyên về tổ chức đại nhạc hội cùng anh Trần Văn Trạch dưới bảng hiệu Sầm Giang Đại Nhạc Hội, đầu năm 1958, chúng tôi tổ chức một số chương trình tại miền Trung, mà trạm đầu là Phan Thiết. Chương trình gồm có những màn đơn ca và song ca, nồng cốt là kịch Trọng Thủy Mỹ Châu với Khánh Ngọc, Hùng Cường, Nguyễn Long, Mai Trường, kịch vui với Ba Vân, Nguyễn Long, Vũ Đức Duy, Khánh Ngọc và Bích Sơn. Phần ca hơi yếu nên vào phút chót tôi phải tăng cường một cô ca sĩ mới nhưng vô cùng duyên dáng. Tôi biết cô từ đầu năm  1957 trong đoàn ca kịch Hồn Quê. Vào thời đó, tuy mới xuất hiện, nhưng sự duyên dáng nhí nhảnh của cô đã chấn động khắp nơi với bài hát Cô Tám Thơm, với hai má lúm đồng tiền, cô đã thu phục rất nhiều cảm tình của khán giả bốn phương. Cô tên gọi Thùy Hương, cùng một thời với Thu Hương, Lệ Thanh, Thùy Nhiên, trước Bích Liên, Bạch Yến, Thanh Thúy, Mai Ly.. Lúc đó cô đương ở chung với một người chị có chồng là sĩ quan trong cư xá gia binh đường Đào Duy Từ. Gia đình cô vẫn ở Đà Lạt, đoàn hát đi Phan Thiết, từ sang thứ năm để nghỉ khỏe và quảng cáo. Tôi tuy là người trách nhiệm tổ chức, lo lắng cho nghệ sĩ nhưng thứ sáu mới cùng đi với Thùy Hương bằng xe lửa từ Saigon ra Phan Thiết.     

    Đêm thứ năm đón Thùy Hương từ phòng trà và đưa Thùy Hương về nhà, trại gia binh không cho xe hơi chạy vào nên tôi phải ngừng xe ngoài cổng trại và đưa Hương về tới cổng. Con đường dài khoảng chừng 700 thước, chúng tôi đi mất gần 1 tiếng đồng hồ. Khoảng chừng 20 thước, chúng tôi đều dừng lại, lấy cớ ngắm trăng. Tới giờ này, tôi chẳng nhớ trăng hôm đó mười lăm hay mười tám, chỉ biết răng Thùy Hương thật trắng và có một cái răng khểnh nên vô cùng có duyên.    

     Đêm thứ sáu, tôi có hẹn cùng Thùy Hương sau khi vãn hát sẽ đón Thùy Hương đi ăn  tối và khi đã lo xong cho mọi người, tôi trở về phòng lại không thấy Thùy Hương đâu. Tìm chưa thấy, chợt nghe tiếng cười ròn rã từ lan can lầu cao vọng xuống. Tôi trèo lên và thấy Thùy Hương đương nói chuyện với Hùng Cường thật là vui vẻ thân thiết. Đột nhiên tôi tức, chẳng hiểu vì sao và duyên cớ chi mà lại tức, chỉ biết tức và bỏ đi luôn. Ra ngoài tiệm, mọi người sắp sửa ăn, tôi kéo Bích Sơn đi, tới một quán ăn đặc biệt, bạn của tôi, họ đã nấu sẵn một số thức ăn cho tôi và Thùy Hương theo lời tôi dặn, giờ tôi thay thế bằng Bích Sơn. Ngày hôm sau, mặc dầu là Ông Bầu, tôi vẫn không nói chuyện với Thùy Hương cho tới khi nghe tin Hương lập gia đình”.

    

    Từ ngày giã từ ca hát đến giờ cũng đã gần 50 năm. Thỉnh thoảng, trong những buổi tiệc thân mật của cộng đồng vùng Maryland, Thùy Hương cũng lên góp vui và nhiều người trẻ chưa có dịp biết chị rất nhiều lần chầm trồ khen phục.. “Cô lớn tuổi mà sao giọng hát hay quá”.. Người ca sĩ năm xưa chẳng nói điều gì, ngoài lời cám ơn nhã nhặn về 1, 2 người bạn trẻ đã khen mình. Tất cả đã là của hôm qua. Giờ đây, điều tiếc nuối nhất của Thùy Hương, là hình bóng của người Mẹ. Mẹ chị là cái bóng theo sát dấu chân chị từ thuở lọt lòng cho đến khi bà mất, một ngày thật buồn năm ngoái. Ngay cả khi chị lấy chồng, có thời gian chị xa Mẹ một vài năm, nhưng rồi chị cũng tìm mọi cách để dọn cả gia đình về gần Mẹ. Ngày Mẹ chị mất, đó là ngày buồn thảm nhất trong đời. Để kỷ niệm một năm Mẹ chị ra đi, người viết hy vọng sẽ có loạt bài của chị về Mẹ của mình trong số tới, mời bạn đọc đón xem nhé.  

 

(trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Viet Tide phát hành ngày thứ sáu 4 tháng 10 năm 2013)

 

Trần Quốc Bảo

Trần Quốc Bảo

 

 

 

 

 

 

 

5 comments on “Sau nửa thế kỷ biệt tích, Ca Sĩ Thùy Hương (Cô Tám Thơm) giờ đây ra sao? Ở đâu? (Trần Quốc Bảo)

  1. Chi ruột của Ca Sĩ Thùy Hương là Ca Sĩ Thái Lan (cũg có nghệ danh là Lệ Thu khi đóng phim). Ca Sĩ Thái Lan đã đọat giải Nhất tại Radio Hà Nội năm 1950.. và đã từng đóng phim Phạm Công Cúc Hoa do đao diễn và chủ hảng là bà Ái Liên tức là mẹ đẻ của Ca Sĩ Ái Vân. Bà Thái Lan là mẹ vợ của tôi nên tôi biết rất rõ

    Đã thích bởi 1 người

  2. Cô Thanh Thúy ơi. cho con gửi lời chúc sức khỏe đến cô! cô ơi cô còn những hình ảnh xưa của các cô Thùy Nhiên, Băng Tâm, Yến Hương, Bạch Quyên, Thái Xuân, Ngân Hà không cô. Con đang ấp ủ một bộ sưu tập ảnh những danh ca trước 1975! cảm ơn cô và các bạn! chúc sức khỏe cô và các bạn!

    Thích

    • Cám ơn Thuyanh đã vào xem trang nhà và chúc sức khỏe đến mọi người. Cô cũng xin chúc Thuyanh nhiều vui tươi!

      Cô rất tiếc không giúp được Thuyanh, vì cô hoàn toàn không có bất cứ tài liệu hay hình ảnh gì của trước năm 75, và ngay cả những thập niên đầu khi qua đây. Những gì cô đăng lên đây đều được sưu tầm từ internet, hoặc do thân hữu gởi tặng bằng email, nên cũng không có tài liệu trong tay. Chúc Thuyanh sớm thành công với bộ sưu tập.

      Thích

Bình luận về bài viết này