Thanh Thúy xin thành thật cảm tạ Mai Văn Nhẫn đã gởi đến Thanh Thúy bài viết này
Đây là lần đầu tôi mạo muội có đôi lời về giọng hát Thanh Thúy
Theo tôi, tiếng hát Thanh Thúy là một hiện tượng.
Khi cánh hạc vàng Đặng thế Phong bay vội qua cõi trần gian Việt nam với tâm tình não nuột, thê lương, thì ” Giọt Mưa Thu ” là một dự ngôn cho cái vận mệnh đau thương sắp tới của một Việt nam chia lìa, đổ vỡ. Tâm tình đó bật lên qua giọng hát Thanh Thúy là tiếng lòng chung của một dân tộc đứng bên bờ vực lầm than.
Như dự ngôn, sự chia ly bắt đầu bằng cái phút giây phân kỳ ở sân ga buồn đầy nước mắt :
” Tàu Đêm Năm Cũ ”
” Hai Chuyến Tàu Đêm ”
” Những Chuyến Tàu Hoàng Hôn ” …
Những chuyến tàu không đủ chứa hết nước mắt Việt nam. Trúc Phương đã mang tiếng lòng thổn thức hòa điệu vào cái bi thương chung ấy.
Người cô phụ trở về từ sân ga không khác chi là một quá phụ vừa đưa chồng về nghĩa trang, trên đầu còn chích vành khăn trắng. Về đến nhà nàng bắt đầu đối diện với bơ vơ trống trãi và với chính mình :
” Hình Bóng Cũ ”
” Mưa Nửa Đêm ”
” Hai Lối Mộng ”
” Nửa Đêm Ngoài Phố ” …
Tiếng hát Thanh Thúy là tiếng thở dài, khắc khoải của cả một dân tộc thống khổ lầm than, dù có nói ra được hay bị đè nén, che lấp.
Khi theo đoàn người lữ thứ trên đất khách, tiếng hát ấy vẫn là tiếng kêu đau thương của cả một khối người :
” Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười ”
” Xin Thời Gian Qua Mau ” …
Tiếng hát ấy đổ xuống như cam lồ của Đấng Quán Thế Âm theo lá cành dương làm dập tắt cái sát khí đằng đằng, ngút trời xanh của đoàn quân Bắc Việt, tiếng liềm sắc lẻm khua sàn sạt, tiếng búa đập chan chát trong tim óc mọi người :” Thề phanh thây, uống máu quân thù “, dù có đổi lại cho nhẹ hơn thì cũng chỉ là :” Đường ta đi xây xác quân thù “.
Tiếng sàn sạt, chan chát đó, được dần khai giải khi bên dưới bản nhạc ” Trăng Mờ Bên Suối ” có một ” comment ” của một cư dân Hải Phòng :” Cảm ơn Trời đã cho Việt nam có giọng ca Thanh Thúy “, điều đó có nghĩa rằng đồng bào Miền Bắc đã dám nói lên nổi đau chung mà từ lâu dấu kín trong tim.
Điều đó không phải là một hiện tượng thì ta gọi là gì ?.
Rồi bao năm nữa, người ta muốn biết trong hậu bán thế kỷ XX người Việt nam sống thế nào thì hoặc yên lặng đọc ” Tổng quan hai Mươi năm Văn học Miền nam ” của Võ Phiến, rồi tìm đọc các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ trên hoặc nghe lại tiếng hát Thanh Thúy. Đó là biểu hiện, là chứng tích đầy đủ nhất.
Nên tôi dám gọi đó là tiếng lòng chảy tràn trên dòng thời gian thiên thu, có người gọi là hồn thiên cổ.
Đã có quá nhiều người bình phẩm về tiếng hát nầy, nhất là giáo sư triết Nguyễn văn Trung, là bậc thầy của chúng tôi cũng đã góp tiếng.
Là một tục khách, vừa trở về từ cái chết sau hơn mười tám tháng hôn mê nên không đủ sự tinh nhạy để nói nhiều, nhưng cảm thấy thiếu nợ ca sĩ nầy, tiếng hát nầy nên có đôi lời gọi là một chút TRI ÂN, thế mà thôi !!! .
Nếu có một mơ ước nào, nếu có thể được, khi Thanh Thúy không tiếp tục hát nữa, tôi xin khẩn cầu đừng tổ chức rình rang theo thói thường, mà hãy để cá nhân mình tiếng hát mình chìm dần trong khói sương, làn khói hương thơm trầm mặc dâng lên đấng cao cả Phật Trời, như lời khấn nguyện, như người lính Mac Arthur mờ dần trên sân khấu cuộc đời. Tại sao tôi có nguyện vọng như thế ??? :
Thanh Thúy đến giữa đời không phải như ” con chim ngứa cổ hát chơi ” mà đến đây như một con chim Nightingale và một Đóa Hồng, khi con chim họa mi cất tiếng hát trong cuối đêm khuya, những gai nhọn của cành hồng tiếp tục đâm vào tim con chim bé nhỏ, khi dòng máu tim cạn kiệt, thì bình minh vừa tới, ánh ban mai ló dạng, ngoài kia cây cỏ đã tươi xanh. Lá ” Bùa thiêng yểm ” ( lời của thi sĩ Tô thùy Yên : Ta Về ) đã được khai giải.