-
Ký giả Nguyễn Hoàng Đoan và nụ cười này chẳng bao giờ còn gặp lại.
Ký giả Nguyễn Hoàng Đoan sau gần 2 tháng khám phá mình mắc chứng bịnh ung thư gan đã cố chữa trị nhưng không kịp. Tên tuổi Ông được biết đến qua những bài phóng sự ăn khách trên nhật báo Hòa Bình trước 75. Ông cùng với ký giả Ngọc Hoài Phương sáng lập tờ Hồn Việt, tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ sau 30/4/75. Ông ra đi lúc 5g45 sáng thứ tư ngày 7 tháng 1 năm 2015 tại bịnh viện Garden Grove sau khi được gia đình đưa vào đây khẩn cấp từ chiều thứ ba hôm trước. Ông sinh ngày 16 tháng 2 năm 1944. Hưởng thọ 71 tuổi.
Cuộc đời đẩy đưa phận người như cánh bèo trôi giạt trên sông, như Trần Thiện Thanh từng viết về tình yêu, tình bạn và thân phận. Trong đó, có những giây phút nổi trôi êm ái. Có lúc thác đổ gập ghềnh. Có lúc chia êm từng con nước. Có lúc như chim họp bày với tiếng cười tiếng nói suốt đêm không dứt và cũng có lúc chia tay thảng thốt không hề hẹn trước giờ ly biệt.. Đã có những ngày, những tháng của hơn 22 năm trước, một tuần ít nhất vài ngày, tuần nào chúng tôi cũng tụ tập với nhau trên căn nhà vùng Cerritos của chị Khánh Ly. Từ chiều, đã gọi nhau ơi ới.. Thế là ra xe, mỗi người ghé mua dăm đồ nhậu, vài xâu bia, sau đó phóng thẳng freeway 91 tiến về hướng Cerritos. Ở đó, mỗi đêm, thường gặp nhất là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nếu không phải Ông đang ngồi trò chuyện cùng Sơn Tuyền, Giao Linh, Tùng Giang, Ngọc Minh, Elvis Phương, Băng Châu, Lê Nguyễn, Khánh Phương, Thái Châu, Vân, Nhật Thụy, Mai Năng Quân, Hoàng Xuân Giang, Anh chị Lâu, Cò Dzu.. thì sẽ thấy ngay tác giả Kinh Khổ đang cầm đàn tập KL hát những bài ca mà chị chuẩn bị thu âm, chẳng hạn “Dốc Mơ” của Ngô Thụy Miên:
“Ðưa em về bên dốc mơ
Là đưa anh vào cõi mong chờ
Tóc rất buồn như lá tơ
buông hững hờ, tình rồi có như mơ
Em mắt cười như ánh sao
Bờ môi hồng tựa bao lời nói”
Tiếng Khánh Ly hát rất dịu dàng cùng với tiếng đàn guitar của Ông rãi đều những hợp âm đơn giản nhẹ nhàng.. Chị đang hát ngon trớn.. nhưng vẫn thường bị cắt ngang bởi giọng Trầm Tử Thiêng cất lên tuy khá nhỏ nhưng đầy uy lực: “Mai phải hát và ngân chữ “bờ môi” dài hơn một tý.. xong rồi mới vào chữ hồng, sẽ hay hơn nhiều lắm”.. Và cứ như thế, phía dưới là bàn nhậu, phía trên là người đàn kẻ hát, trong căn nhà nhỏ vùng Cerritos tưởng chừng như không bao giờ dứt tiếng nói cười. Hết ăn, nhậu, đàn, ca.. là những giờ bày binh bố trận. Những ván bài nho nhỏ, và chơi chỉ là cớ để mọi người ngồi suốt đêm bên nhau. Có khi chia tay rời nhà đã là 4 giờ sáng. Nếu 1, 2 người thèm một tô phở nóng, là Anh Đoan và những người bạn lại kéo về Nguyễn Huệ, hoặc Phở Bolsa để làm một bát ấm lòng.
Trong bài này, người viết lục được một tấm ảnh chụp ngoài patio sân sau nhà chị Khánh Ly vào tháng 7 năm 1992. Bức ảnh do nhà văn nữ Lệ Hằng chụp (chị sang Mỹ dịp này để ra mắt cuốn sách Satan Dịu Dàng). Từ trái sang phải là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Khánh Ly, Trần Quốc Bảo, Lê Nguyễn, có cả Nguyễn Hoàng Đoan (chỉ thấy đầu phía sau) và người cầm đàn là nhạc sĩ Hoàng Xuân Giang (em trai Hoàng Xuân Sơn – một trong những người dựng nên Quán Văn của những năm 66-67). Hôm đó hình như Hoàng Xuân Giang đang đàn và hát một sáng tác của chính mình..
Rồi đây xa xôi-mỗi người một nơi
Biết tìm đâu những bạn bè thân quen
Một khi xa xôi- núi đồi biển sông
sẽ là ai-lòng mỏi mòn trông theo
Rồi khi xa mãi – đất trời rộng thênh
Tiếng ai gọi ai nghe buồn tênh…”
Bài hát như một định mệnh. Chỉ 2 năm sau, Hoàng Xuân Giang lìa trần ở tuổi 48. Anh mất năm 1994.. Những người trong ảnh, giờ đây cũng đã ra đi gần hết.. như Trầm Tử Thiêng mất năm 2001, Lê Nguyễn năm 2004 và ngày hôm nay với anh Nguyễn Hoàng Đoan, vừa ra đi hôm nay, ngày 7 tháng 1 đầu năm mới.
Những ngày tháng của những năm đầu thập niên 90 đó giờ chỉ còn là kỷ niệm. Mọi thứ có thể qua và quên đi, nhưng có những bài thơ do Nguyễn Hoàng Đoan làm, trong lúc Anh vui, lúc Anh say.. và cả lúc Anh buồn khi nhớ về một quê hương ngàn dậm.. khi vô tình đọc lên, khiến người ta khó có thể quên một Nguyễn Hoàng Đoan lừng lẫy một thời.. chẳng hạn trong bài thơ Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa do anh sáng tác, sau này Lê Uyên Phương phổ thành ca khúc và được nhà văn Mai Thảo viết và đọc lời giới thiệu trong một cuốn băng của Khánh Ly phát hành năm 1981 tại hải ngoại.
“Không phải là bông hồng
Dành cho người hạnh phúc
Những người không biết khóc
Nhũng người không biết cười
Những người tim bằng đất
Không phải là bông hồng
Dành cho những búp bê
Những búp bê biết khóc
Những búp bê biết cười
Búp bê tim bằng nhựa
Ðây là một bông hồng
Gửi về người ngã ngựa
Một hồn đầy cùm gông
Một mảnh đời tan vỡ
Một trời thương mênh mông
Ðây là một bông hồng
Gửi về anh về chị
Ðã ở lại quê hương
Ðẫm mồ hôi khổ nhuc
Ðất gào lên tiếng khóc
Hồn gào lên cỏ chông
Ðây là một bông hồng
Gửi về người đi biển
Trời sương làm chăn chiếu
Vào nỗi chết thản nhiên”..
Chép lại bài thơ này, xin như lời chào vĩnh biệt Anh vừa đi về nơi cõi chết thật thản nhiên, thật an bình.
trích từ báo Việt Tide ngày 9 tháng 1 năm 2015

Trần Quốc Bảo